Các tin tức tại MEDlatec
Trẻ bị sưng lợi chảy máu chân răng: nguyên nhân và cách điều trị
- 13/12/2020 | Chảy máu chân răng - Nguyên nhân do đâu và cách khắc phục
- 24/09/2019 | Chảy máu chân răng - dấu hiệu bệnh nguy hiểm
- 01/09/2020 | Có những biện pháp nào để phòng tránh sưng lợi
1. Trẻ bị sưng lợi chảy máu chân răng - những nguyên nhân điển hình
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ gặp phải các vấn đề răng miệng, nhất là tình trạng sưng lợi chảy máu chân răng do việc chăm sóc vệ sinh chưa thực sự tốt. Nhiều phụ huynh ít khi để ý, hướng dẫn trẻ chăm sóc răng miệng, chỉ khi có triệu chứng khó chịu xảy ra mới chăm sóc và điều trị.
Trẻ nhỏ thường gặp các vấn đề răng miệng cho chưa biết cách vệ sinh sạch sẽ
Việc trẻ bị sưng lợi chảy máu chân răng có thể do:
1.1. Dùng bàn chải đánh răng cứng
Bàn chải đánh răng với lông chải cứng, kết hợp với việc trẻ chưa được dạy kĩ thuật đúng dễ gây trầy xước, chảy máu nướu.
Nếu thấy trẻ sau khi đánh răng hay bị chảy máu thì cần kiểm tra lại bàn chải cũng như cách đánh răng của trẻ. Đánh răng quá mạnh cũng có thể dẫn tới chảy máu chân răng, làm tổn thương nướu. Cha mẹ cần chú ý mua bàn chải mềm, kích thước phù hợp và hướng dẫn bé chải đúng cách.
1.2. Chăm sóc răng miệng chưa tốt
Để hình thành thói quen tự chăm sóc răng miệng tốt ở trẻ cần một thời gian dài và cần sự đồng hành của phụ huynh. Rất nhiều trẻ em vẫn không biết đánh răng đúng cách và thường xuyên vệ sinh bảo vệ răng miệng.
Vệ sinh răng miệng chưa đúng cách sẽ dẫn đến nhiều bệnh lý nha khoa
Tình trạng này khiến thức ăn dư thừa tích đọng lâu trong kẽ răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm, chảy máu chân răng. Đặc biệt trẻ hay thích ăn ngọt và ăn bất cứ khi nào, kể cả trước khi đi ngủ và sau khi đánh răng, cha mẹ cũng nên kiểm soát vấn đề này.
1.3. Chế độ dinh dưỡng chưa tốt
Chế độ ăn chưa tốt có thể khiến trẻ bị thiếu hụt dưỡng chất, trong đó thiếu hụt Vitamin C, Vitamin K, B2 và kẽm cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm lợi, chảy máu chân răng.
1.4. Do bệnh lý
Cần cẩn thận với các trường hợp trẻ bị viêm lợi, chảy máu chân răng do bệnh lý vì cần điều trị sớm tránh ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng sau này:
Viêm loét niêm mạc lưỡi miệng: Cơ thể bị nóng kết hợp với vệ sinh răng miệng không sạch, ăn nhiều thức ăn cay nóng thường gây nhiệt miệng. Kết hợp với vi khuẩn tấn công dễ dẫn đến tình trạng viêm nướu răng. Hãy cho trẻ ăn những thức ăn mát, hạn chế dùng đồ cay nóng và điều trị nếu đau đớn ảnh hưởng đến việc ăn uống.
Viêm lợi do mọc răng: Trong giai đoạn mọc răng, trẻ thường bị viêm sưng lợi cùng với chân răng nhú lên, đi kèm với sốt kéo dài gây khó chịu cho trẻ. Lúc này nên hạn chế cho trẻ ăn đồ cay nóng, thay vào đó là thực phẩm giải nhiệt, tươi mát và chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
Sưng lợi thường gặp hơn trong giai đoạn mọc răng của trẻ
Viêm lợi, chảy máu chân răng có mủ: Sưng lợi có mủ là tình trạng sưng đau do nhiễm trùng, khi vệ sinh răng miệng chưa đúng cách khiến vi khuẩn tích tụ, phát triển làm sưng nướu răng. Tình trạng này thường gặp hơn ở trẻ giai đoạn mọc răng. Để đánh giá đúng mức độ bệnh, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám nha khoa và điều trị tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ.
2. Cách điều trị sưng lợi chảy máu chân răng ở trẻ hiệu quả
Hầu hết các trường hợp sưng lợi, chảy máu chân răng ở trẻ được cải thiện đến hoàn toàn khi phụ huynh cùng trẻ thực hiện tốt các biện pháp sau:
2.1. Lấy cao răng
Nếu trẻ đã mọc đủ răng vĩnh viễn thì cha mẹ nên duy trì thói quen lấy cao răng cho trẻ 6 tháng một lần. Cao răng là các mảng bám cứng hình thành ở chân răng, lâu dần đẩy lợi và gây viêm nhiễm, chảy máu chân răng. Để đảm bảo lấy cao răng đúng cách, cần đưa trẻ tới phòng khám nha khoa uy tín.
Nhất là vị trí chảy máu, sưng lợi ở răng có nhiều cao thì cần loại bỏ cao răng này trước khi điều trị bằng thuốc.
2.2. Bổ sung Vitamin C và các vitamin nhóm B
Thiếu Vitamin C và Vitamin nhóm B trong chế độ ăn cũng là một trong những nguyên nhân gây ra chảy máu chân răng, vì thế nếu trẻ đang gặp tình trạng này nên tăng cường bổ sung các loại vitamin này. Không những giúp mô nướu bị tổn thương, chảy máu nhanh phục hồi hơn mà sức khỏe răng miệng và sức đề kháng của trẻ cũng được cải thiện.
Vitamin C góp phần phục hồi nhanh tổn thương lợi và chảy máu chân răng
2.3. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Trong thời gian bị viêm lợi, chảy máu chân răng chưa được điều trị triệt để, cha mẹ không nên để trẻ đánh răng vì lông bàn chải dễ làm tổn thương nướu và gây chảy máu nặng hơn. Thay vào đó, nên lấy cao răng, dùng nước súc miệng hoặc dùng gạc ngấm dung dịch NaCl để vệ sinh răng miệng cho trẻ.
2.4. Sử dụng thuốc kê toa
Trẻ bị sưng lợi, chảy máu chân răng sẽ được khám, chẩn đoán chân răng và kê thuốc điều trị phù hợp với tình trạng bệnh. Việc sử dụng thuốc cho trẻ nên có sự hướng dẫn và giám sát của phụ huynh. Hãy điều trị tích cực với thuốc theo đúng liều lượng để sức khỏe răng miệng của trẻ được cải thiện tốt hơn.
Tình trạng sưng miệng chảy máu chân răng ở trẻ đa phần không nguy hiểm, tuy nhiên cần theo dõi và đưa trẻ đi khám nếu triệu chứng này ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của trẻ, khiến trẻ biếng ăn. Nếu chủ quan, chảy máu chân răng có thể là dấu hiệu của viêm nha chu, tụt nướu, sâu răng, làm mất răng vĩnh viễn,…
Trẻ nên được kiểm tra và chăm sóc sức khỏe răng miệng thường xuyên
Rất nhiều trẻ bị sưng lợi chảy máu chân răng được đưa tới bệnh viện trong tình trạng bệnh nặng, gây nhiều đau đớn và khó chịu. Vì thế cha mẹ nên chú ý nhiều hơn, giúp trẻ chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt hơn và đưa trẻ đi thăm khám nếu có dấu hiệu bệnh. Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đang có nhiều dịch vụ khám sức khỏe răng miệng cho trẻ, nếu cần hỗ trợ hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900565656.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!