Các tin tức tại MEDlatec

Trẻ uống kháng sinh bị đi ngoài: Nguyên nhân và cách xử trí an toàn cho trẻ

Ngày 19/05/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Sử dụng thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị cho trẻ được sử dụng trong những trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, không ít trẻ uống kháng sinh bị đi ngoài và cha mẹ sẽ băn khoăn liệu tình trạng này có ảnh hưởng đến sức khỏe của con hay không. Dưới đây, MEDLATEC sẽ cùng cha mẹ tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy khi uống kháng sinh và cách xử trí an toàn để yên tâm chăm sóc trẻ.

1. Trẻ uống kháng kháng sinh bị đi ngoài: Biểu hiện và nguyên nhân

1.1. Biểu hiện đi ngoài khi trẻ uống thuốc kháng sinh

Trong thời gian sử dụng thuốc kháng sinh, trẻ có thể bị đi ngoài với các biểu hiện như sau:

- Trẻ đi ngoài 3 - 5 lần/ngày hoặc nhiều hơn, phân lỏng hoặc nát, màu vàng, xanh, có thể có bọt hoặc nhầy.

- Phân có mùi chua hoặc tanh, đôi khi có thể kèm chất nhầy.

- Trẻ thường quấy khóc, bỏ bú hoặc ăn kém.

Uống thuốc kháng sinh có thể gây rối loạn tiêu hóa, làm tăng tần suất đi ngoài ở trẻ

1.2. Tại sao trẻ bị đi ngoài sau khi uống kháng sinh?

Hiện tượng trẻ uống kháng sinh bị đi ngoài thường xuất hiện do:

1.2.1. Mất cân bằng vi sinh đường ruột

Kháng sinh có cơ chế tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển vi khuẩn có hại. Tuy nhiên, khi được đưa vào cơ thể, kháng sinh không nhận diện được vi khuẩn có hại và lợi khuẩn. Vì thế, thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt lợi khuẩn, làm giảm khả năng bảo vệ niêm mạc ruột, các vi khuẩn có hại dễ dàng phát triển mạnh, sinh độc tố và dẫn đến tiêu chảy.

Ngoài ra, sử dụng kháng sinh liều cao hoặc dài ngày cũng làm tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa khiến trẻ bị tiêu chảy, nhất là ở trẻ dưới 2 tuổi.

1.2.2. Niêm mạc ruột bị ảnh hưởng

Một số loại kháng sinh khi sử dụng làm kích ứng niêm mạc đường ruột, tăng nhu động ruột. Điều này khiến phân bị đẩy ra ngoài nhanh hơn, phân lỏng và trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày. Có một số trường hợp trẻ bị tiêu chảy còn kèm theo đau bụng và nôn ói.

1.2.3. Nhiễm khuẩn Clostridium difficile

Trẻ bị tiêu chảy kéo dài do kháng sinh có thể liên quan đến nhiễm vi khuẩn Clostridium difficile. Vi khuẩn này thường nằm im trong ruột nhưng khi lợi khuẩn bị suy giảm, chúng sẽ có cơ hội phát triển mạnh, gây tiêu chảy kéo dài, phân có mùi hôi khắm, đôi khi kèm theo máu hoặc chất nhầy.

1.2.4. Phản ứng phụ đặc trưng của nhóm kháng sinh

Mỗi nhóm kháng sinh như cephalosporin và amoxicillin thường có tác dụng phụ gây rối loạn tiêu hóa. Hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu nên khi uống kháng sinh nhóm này sẽ dễ bị tiêu chảy hơn.

Tùy vào liều lượng, thời gian dùng và cơ địa từng trẻ mà tác dụng phụ này có thể xảy ra với mức độ nặng - nhẹ khác nhau.

Một số nhóm kháng sinh khi sử dụng sẽ gây tác dụng phụ là tình trạng tiêu chảy ở trẻ nhỏ

2. Trẻ uống kháng sinh bị đi ngoài có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

Hầu hết trường hợp trẻ uống kháng sinh bị đi ngoài mức độ nhẹ. Trường hợp này, sau khi trẻ dừng sử dụng kháng sinh thì hiện tượng tiêu chảy sẽ sớm chấm dứt. Tuy nhiên, một số ít trường hợp trẻ bị tiêu chảy nặng, nếu không được xử lý đúng cách, có thể gặp phải các biến chứng như:

- Mất nước và rối loạn điện giải:

Tiêu chảy kéo dài nhiều ngày khiến trẻ bị mất nước và muối khoáng nên gây nên rối loạn điện giải. Biểu hiện thường thấy của hiện tượng này là môi khô, mắt trũng, tiểu ít, lừ đừ, thậm chí co giật nếu trẻ bị mất nước nặng.

- Suy dinh dưỡng:

Tiêu chảy kèm theo việc dùng kháng sinh điều trị bệnh khiến trẻ mệt mỏi nên dễ chán ăn và hấp thu kém. Tình trạng này kéo dài khiến cân nặng của trẻ sụt giảm nhanh chóng, ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất.

3. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ uống kháng sinh bị đi ngoài?

Khi phát hiện trẻ uống kháng sinh bị đi ngoài, cha mẹ không nên lúng túng mà hãy:

3.1. Không tự ý ngừng hoặc đổi loại thuốc

Việc ngưng thuốc đột ngột hoặc tự ý thay đổi loại thuốc cho trẻ sử dụng có thể khiến bệnh tiến triển nặng hơn, gây nên tình trạng kháng thuốc. Vì thế, cha mẹ không nên dừng sử dụng kháng sinh cho trẻ mà hãy dùng theo đúng chỉ định trước đó. 

3.2. Theo dõi và chăm sóc tại nhà

Cha mẹ cần chú ý các biểu hiện như: tiểu ít, mệt mỏi, tăng số lần đi ngoài, nôn nhiều hay ít, sốt, ăn kém,... và ghi lại để cung cấp cho bác sĩ khi cần thăm khám. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên:

- Thay đổi chế độ ăn phù hợp bằng cách cho trẻ ăn đồ ăn dễ tiêu, thức ăn mềm như: khoai tây nghiền, cháo loãng,... tránh thức ăn nhiều đường hoặc dầu mỡ.

- Cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ để giảm áp lực cho hệ tiêu hóa mà vẫn đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho con.

- Không để trẻ bỏ ăn hoặc tự cắt giảm khẩu phần ăn khi trẻ vẫn có khả năng ăn uống bình thường.

- Cho trẻ bổ sung dung dịch điện giải theo hướng dẫn từ nhà sản xuất để tránh mất nước và mất cân bằng điện giải.

- Bổ sung men vi sinh giúp hệ vi khuẩn đường ruột được cân bằng, giảm tiêu chảy cho trẻ. Nên dùng men vi sinh cách thời điểm uống kháng sinh ít nhất 2 tiếng để đảm bảo hiệu quả.

3.3. Đưa trẻ tới khám bác sĩ chuyên khoa

Trẻ cần được khám bác sĩ Nhi khoa ngay khi có các dấu hiệu sau:

- Trẻ tiêu chảy trên 3 ngày không thuyên giảm.

- Đi ngoài kèm sốt cao, nôn nhiều, không ăn uống được.

- Phân có máu hoặc dịch nhầy.

- Trẻ gặp hiện tượng mắt trũng, da khô, mệt lả - dấu hiệu cho thấy cơ thể bị mất nước.

- Trẻ dưới 6 tháng tuổi bị tiêu chảy.

Qua quá trình thăm khám cho trẻ, bác sĩ sẽ cân nhắc để đưa ra quyết định phù hợp về việc thay nhóm kháng sinh hoặc điều chỉnh liều lượng sử dụng cho trẻ.

Bác sĩ chuyên khoa giải thích nguyên nhân và hướng dẫn mẹ cách xử trí khi trẻ uống kháng sinh bị đi ngoài

Hiện tượng trẻ uống kháng sinh bị đi ngoài tương đối phổ biến và hầu hết trường hợp không nguy hại. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên chủ quan với tình trạng này. Nếu trẻ xuất hiện dấu hiệu bất thường khi đi ngoài, hãy cho trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa. Điều này sẽ giúp đảm bảo hiệu quả của quá trình sử dụng kháng sinh mà vẫn an toàn cho sức khỏe của trẻ.

Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu đi ngoài bất thường, cha mẹ có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56 để đặt lịch khám cho con cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.