Các tin tức tại MEDlatec
Tức ngực khi mang thai - nguyên nhân và cách khắc phục
- 10/10/2022 | Mẹ bầu rụng tóc khi mang thai: nguyên nhân và cách khắc phục
- 29/09/2022 | Vú thâm khi mang thai - nguyên nhân và cách khắc phục an toàn
- 26/09/2022 | Dấu hiệu mang thai giả là gì? làm cách nào để chẩn đoán?
1. Tại sao phụ nữ bị tức ngực khi mang thai?
1.1. Bị ợ nóng và khó tiêu
Nếu có thói quen ăn uống không phù hợp khi mang thai, mẹ bầu có thể bị ợ nóng. Mặt khác, sự gia tăng nồng độ hormone progesterone trong thai kỳ cũng khiến cho cơ trơn tử cung, van ngăn cách dạ dày và thực quản bị giãn ra, axit dạ dày dễ dàng trào ngược lên thực quản sinh ra hiện tượng ợ nóng.
Chứng ợ nóng trong thai kỳ do nồng độ hormone progesterone tăng lên có thể khiến mẹ bầu bị tức ngực
Bên cạnh ợ nóng thì chứng khó tiêu cũng dễ xuất hiện ở mẹ bầu, nhất là từ sau tuần thứ 27. Đây cũng là lý do khiến mẹ bầu dễ bị tức ngực.
1.2. Ngực bị căng cơ hoặc nhiễm trùng
Thai nhi càng lớn thì tử cung càng phải mở rộng, vô hình chung gây áp lực lên xương sườn, cơ hoành và khiến cho dây chằng, cơ ở vùng ngực bị căng ra. Kết quả của tình trạng này là mẹ bầu bị tức ngực khi mang thai và thường xuyên thở dốc. Ngoài ra, một số bệnh lý đường hô hấp có thể gây nhiễm trùng ngực và khiến thai phụ bị tức ngực.
1.3. Tắc nghẽn mạch máu
Cục máu đông di chuyển theo tĩnh mạch lên phổi, làm phổi bị tắc nghẽn và gây đau ngực. Đây là tình trạng rất nguy hiểm, cần được xử lý ngay để tránh nguy cơ tử vong.
1.4. Bị nhồi máu cơ tim
Triệu chứng thường gặp nhất ở người bị nhồi máu cơ tim là cơn đau tức ngực kèm theo khó thở, đau nhức đầu, đổ mồ hôi lạnh và chân tay bị tê. Phụ nữ ngoài 40 mang thai có nguy cơ cao với bệnh lý này nên cần thận trọng khi có các triệu chứng nêu trên.
1.5. Bệnh động mạch
- Bị phình động mạch vành: tức ngực cũng là một trong các triệu chứng ở người bị phình động mạch vành. Thai phụ thường mắc bệnh lý này trước hoặc sau khi sinh khoảng 1 tháng.
- Bóc tách động mạch chủ: là kết quả của thành động mạch bị rách làm cho máu chảy vào giữa các lớp thành mạch và khiến động mạch chủ bị vỡ. Mang thai làm tăng nguy cơ bị bóc tách động mạch chủ nên nếu có triệu chứng tức ngực thì cần thận trọng với bệnh lý này.
Bị tim bẩm sinh cũng là lý do khiến mẹ bầu bị tức ngực khi mang thai
1.6. Mắc bệnh tim bẩm sinh
Phụ nữ bị bệnh tim bẩm sinh được khuyến cáo không nên mang thai hoặc nếu mang thai thì cần phải được theo dõi thật sát sao để kịp thời xử lý biến chứng. Tức ngực khi mang thai có thể là triệu chứng của bệnh tim bẩm sinh nên thai phụ mắc bệnh lý này cần chú ý cơn đau ngực mà mình gặp phải để trao đổi với bác sĩ.
1.7. Một số nguyên nhân khác
- Bị căng thẳng trong thai kỳ cũng có thể khiến mẹ bầu bị đau tức ngực.
- Sự thay đổi về kích thước ngực trong thai kỳ kéo theo sự khác đi của khớp và cơ ngực sẽ khiến thai phụ cảm thấy bị tức và đau ngực.
- Mắc bệnh hen suyễn nếu mang thai dễ khiến cho bệnh trở nên nặng hơn và thường xuyên có cơn co thắt gây đau tức ngực.
2. Bị tức ngực khi mang thai, mẹ bầu nên làm gì?
Từ những nguyên nhân trên đây có thể thấy không phải lúc nào hiện tượng đau tức ngực khi mang thai cũng nguy hiểm, có nhiều trường hợp nó chỉ là dấu hiệu sinh lý bình thường do quá trình mang thai mà thôi. Nói như vậy không có nghĩa là không nên cảnh giác trước những nguyên nhân bệnh lý gây nên hiện tượng này.
Vì thế, nếu mẹ bầu bị tức ngực khi mang thai kèm theo các bất thường dưới đây thì cần đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay:
- Đau tức ngực đột ngột đi kèm khó thở và ho.
- Cơn đau tức ở ngực bị lan xuống hai bên của cánh tay.
- Tức và đau ngực kèm sốt. Mẹ bầu có tiền sử bệnh lý tim mạch, mạch máu, hen suyễn khi mang thai cần đi khám chuyên khoa định kỳ.
Thai phụ bị tức ngực kéo dài, hay lặp lại cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa thăm khám
Những trường hợp tức ngực khi mang thai không xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý, chỉ cần có lịch sinh hoạt và làm việc hợp lý, vận động nhẹ nhàng, chú ý nghỉ ngơi, theo thời gian sẽ tự chấm dứt. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể thực hiện một số biện pháp sau để giảm bớt sự khó chịu khi bị đau tức ngực như:
- Chọn bài tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp với thai phụ để chủ động kiểm soát và điều hòa hơi thở.
- Chọn tư thế đứng thẳng và ngồi thẳng để cho phổi có đủ không gian hoạt động. Mẹ bầu ngồi sai tư thế rất dễ gây chèn ép phổi từ đó gây đau tức ngực và khó thở.
- Thư giãn, không để cơ thể làm việc quá sức.
- Nằm kê gối cao để giảm đau ngực và cảm thấy dễ thở hơn, tuyệt đối không nằm sau bữa ăn.
- Chia các bữa ăn lớn thành những bữa nhỏ trong ngày có khoảng cách bằng nhau để tránh bị trào ngược dạ dày gây ra chứng ợ nóng, đầy hơi.
- Không ăn các món ăn dễ làm đầy hơi như: đồ chiên rán, đồ cay, đồ uống có chất kích thích,...
Đau tức ngực khi mang thai là hiện tượng không đáng ngại bởi nó thể hiện sự thay đổi của cơ thể do thai kỳ. Tuy nhiên, nếu cơn đau ngày càng nhiều và nặng hơn thì không thể xem thường, thai phụ cần đến khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân, tránh những hệ lụy không tốt đến cho sức khỏe của thai nhi và thai phụ.
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống Trung tâm Xét nghiệm và Chẩn đoán hình ảnh được trang bị đầy đủ thiết bị y khoa hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ chuyên khoa trình độ giỏi với bề dày kinh nghiệm là địa chỉ uy tín để mẹ bầu thăm khám sức khỏe thai kỳ. Mẹ bầu có nhu cầu đặt lịch khám hãy liên hệ hotline 1900 56 56 56 để được hướng dẫn thao tác đặt lịch nhanh chóng và chính xác.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!