Các tin tức tại MEDlatec
Vết thương chảy máu không ngừng: Nguyên tắc sơ cứu cơ bản
- 23/11/2024 | Nôn ra máu liên tục, nữ bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa sau chầu nhậu “nhớ đời”
- 23/11/2024 | Đi xét nghiệm máu có được ăn sáng không và vấn đề bạn cần lưu ý
- 05/12/2024 | Xơ vữa mạch máu và những biến chứng không thể xem thường
- 05/12/2024 | Người bị viêm gan B có hiến máu được không và những bệnh lý cần lưu ý khi hiến máu
1. Tìm hiểu về quá trình đông máu
Đông máu là phản ứng bình thường diễn ra trong cơ thể, có tác dụng cầm máu. Quá trình này có sự tham gia của tiểu cầu và các yếu tố đông máu trong cơ thể giúp gây đông máu, ngăn chặn tình trạng mất máu, tác động đến huyết áp, hệ tuần hoàn.
Tiến trình diễn biến đông máu có thể được mô tả theo 3 giai đoạn sau:
- Giai đoạn 1 - Cầm máu ban đầu: Ngay khi cơ thể bị chấn thương dẫn đến mất máu, mạch máu tại khu vực bị tổn thương sẽ đồng thời co lại. Nhờ đó, lưu lượng máu dồn đến vùng bị chấn thương sẽ phần nào giảm xuống. Đồng thời tiểu cầu hoạt động, tiểu cầu sau khi đã dính vào lớp collagen sẽ tạo thành nút chặn tiểu cầu (cục máu trắng tiểu cầu).
- Giai đoạn 2 - Tạo cục máu đông: Sự co mạch và nút chặn tiểu cầu không đủ lực để hàn gắn vết thương. Do đó, cần có quá trình hoạt hóa các yếu tố đông máu để tạo mục máu đông. Quá trình đông máu xảy ra theo 3 còn đường: nội sinh, ngoại sinh và đường chung với sự tham gia phức tạp của cả tiểu cẩu và các yếu tố đông máu. Nếu bất kỳ khâu nào bị rối loạn hoặc thiếu một trong các yếu tố đông máu sẽ tạo ra các bệnh chảy máu trầm trọng.
- Giai đoạn 3 - Tan máu đông: Trong trường hợp các khối máu đông đã lấp kín khu vực mạch máu bị tổn thương, đồng thời tạo sẹo, lòng mạch máu sẽ dần tan ra. Nhờ vậy, quá trình tuần hoàn máu có thể tiếp diễn bình thường.
Quá trình đông máu giúp kìm hãm tốc độ chảy máu khi bị chấn thương
2. Chảy máu ồ ạt là gì?
Chảy máu ồ ạt được hiểu là tình trạng chảy máu kéo dài do nhiều nguyên nhân khiến máu khó cầm, dễ làm cơ thể bị mất máu nghiêm trọng.
Chảy máu ồ ạt hay chảy máu nhiều là hậu quả của một số cơ chế như rối loạn tiểu cầu, rối loạn đông máu, khiếm khuyết trong mạch máu,... Một số bệnh có thể hay gặp trên lâm sàng như:
- Rối loạn đông máu: Một số bệnh lý ảnh hưởng đến quá trình đông máu như chứng khó đông máu Hemophilia,... Bệnh lý về gan như bệnh nhân bị xơ gan, suy giảm chức năng gan không thể tổng hợp đầy đủ yếu tố hỗ trợ đông máu. Bên cạnh đó, còn một số yếu tố khác như tác dụng phụ khi sử dụng thuốc, cụ thể khi dùng quá liều những loại thuốc như thuốc chống đông Warfarin, thuốc phòng tai biến mạch máu não, thuốc phòng ngừa tập kết tiểu cầu,... cơ thể có nguy cơ khó cầm máu khi bị chấn thương. Khi bị thiếu hụt vitamin K, quá trình đông máu diễn ra trong cơ thể cũng sẽ bị ảnh hưởng.
- Tình trạng giảm tiểu cầu: Hay xuất hiện ở người bệnh bị suy tủy xương, người bị nhiễm trùng mạn tính, phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai bị tiền sản giật,... Ngoài ra, sốt xuất huyết cũng gây nên tình trạng giảm tiểu cầu. Người bị sốt xuất huyết biểu hiện triệu chứng xuất huyết dưới da, niêm mạc. Trong giai đoạn toàn phát sốt xuất huyết, bệnh nhân có nguy cơ bị giảm tiểu cầu nghiêm trọng.
- Vấn đề tại thành mạch, đứt rách mạch máu do chấn thương: Những vấn đề liên quan đến thành mạch như thành mạch suy yếu, thành mạch bị xơ vữa,... gây khó co mạch khi máu chảy. Trong đó, người lớn tuổi, người bị suy dinh dưỡng là đối tượng có nguy cơ cao gặp vấn đề về thành mạch.
Chảy máu ồ ạt là tình trạng chảy máu kéo dài, khó cầm
3. Sự nguy hiểm của tình trạng chảy máu liên tục
Nếu không được xử trí kịp thời, người bị chảy máu không ngừng có nguy cơ phải đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng như suy tuần hoàn, tụt huyết áp, tổn thương não vĩnh viễn, suy thận, thậm chí là bị đe dọa đến tính mạng.
4. Cách sơ cấp cứu cho nạn nhân khi vết thương chảy máu không ngừng
4.1. Trường hợp chảy máu ngoài
Khi nạn nhân bị có vết thương gây chảy máu nhiều, chảy máu ồ ạt, người trợ giúp cần gọi ngay cấp cứu. Trường hợp nguy cấp có thể thực hiện sơ cấp cứu theo quy trình sau:
- Ép trực tiếp lên vết thương đang chảy máu. Nhanh chóng ép trực tiếp lên vết thương. Nếu có điều kiện thì đặt lên vết thương một miếng gạc hoặc miếng vải sạch trước khi ép trực tiếp. Nếu vết thương chảy máu nhiều, đừng lãng phí thời gian tìm kiếm băng gạc, hãy dùng chính bàn tay của bệnh nhân hay bàn tay của bạn để ép vết thương lại (nếu nạn nhân không thể tự làm việc này).
- Nâng cao vùng bị tổn thương. Ðặt nạn nhân nằm ở tư thế thoải mái thuận tiện, nâng cao vùng bị tổn thương để giảm áp lực máu tới vùng này. Dùng băng cuộn hoặc dây vải băng ép miếng gạc hoặc miếng vải vào vết thương. Không băng quá chặt như hình thức ga rô.
- Với vết thương đâm xuyên còn dị vật, tuyệt đối không rút dị vật, nhưng cần tạo vùng đệm quanh dị vật này. Dị vật có thể là mảnh gỗ, kim loại hoặc bất kỳ vật gì đâm vào và vẫn cắm ở vết thương. Hãy bịt kín vết thương bằng cách ép mép vết thương sát với dị vật. Dùng miếng vải vuông hoặc một khăn tam giác quấn lại thành vòng đệm xung quanh dị vật, sau đó dùng băng ép lại như với vết thương không có dị vật, chú ý không gây áp lực trực tiếp lên dị vật.
- Để bệnh nhân nghỉ ngơi tuyệt đối và giữ yên tĩnh cho nạn nhân, động viên an ủi nếu nạn nhân tỉnh táo.
- Chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế nếu thấy cần thiết.
Khi nhận thấy vết thương chảy máu không ngừng, bạn cần gọi cấp cứu đưa nạn nhân đến cơ sở y tế
5.2. Trùng hợp chảy máu trong
Chảy máu trong khó nhận biết hơn chảy máu ngoài. Tuy nhiên chính bởi sự khó nhận biết nên người bị chảy máu trong dễ gặp phải biến chứng nghiêm trọng do không được xử lý kịp thời. Trường hợp nghi ngờ nạn nhân bị chảy máu trong, bạn phải nhanh chóng gọi cấp cứu nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ. Một số cách xử trí ban đầu ở trường hợp này như sau:
- Ðặt nạn nhân nằm nghỉ ở tư thế thoải mái dễ chịu nhất.
- Đắp chăn giữ ấm cho nạn nhân.
- Trải tấm lót cho nạn nhân nằm lên trên nếu mặt đường gồ ghề hoặc nóng quá hay lạnh quá.
- Gọi cấp cứu 115.
Trong khi chờ đợi:
- Xử lý các vết thương khác.
- Nới rộng quần áo, nhất là ở vùng cổ và thắt lưng.
- Trấn an người bệnh.
- Không cho bệnh nhân ăn, uống hoặc hút thuốc lá.
Trong đó, một số dấu hiệu thường xuất hiện ở người bị chảy máu trong phải kể đến là:
- Nôn ra máu, ho ra máu.
- Vùng da tại khu vực cổ, ngực và bụng bị bầm tím.
- Xuất hiện vết thương xuyên sọ, xuyên bụng hoặc xuyên ngực.
- Bụng phình to như bị chướng, đôi khi căng cứng hoặc cơ bụng bị co thắt.
- Tình trạng khát nước ngày càng tăng.
- Da nhợt nhạt lạnh hoặc vã mồ hôi.
- Cơ thể suy nhược.
- Lo âu.
- Có chấn thương ngay trước đó như nạn nhân bị đập mạnh vào đầu, ngực hay bụng do ngã hoặc bị xe đâm,…
5. Phương pháp chẩn đoán áp dụng ở người bị chảy máu liên tục
5.1. Kiểm tra tiền sử bệnh lý
Trong quá trình chẩn đoán tình trạng chảy máu sau khi đã sơ cứu cơ bản, bác sĩ có thể kiểm tra tiền sử bệnh lý của bản thân bệnh nhân và gia đình. Đồng thời, thăm hỏi triệu chứng, kiểm tra tình hình vết thương hoặc vùng xuất huyết trên da hoặc những khu vực khác.
5.2. Chỉ định xét nghiệm cần thiết
Ngoài điều tra tiền sử bệnh lý, thăm hỏi triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh làm thêm những xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán cận lâm sàng khác như:
- Xét nghiệm công thức máu: Kiểm tra sự biến động của tiểu cầu, bạch cầu và hồng cầu (trong trường hợp nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm trùng).
- Xét nghiệm kiểm tra thời gian đông máu: Kỹ thuật phân tích này cho phép bác sĩ xác định người bệnh có bị chảy máu không ngừng hay không.
- Kiểm tra yếu tố đông máu: Hỗ trợ xác định tình trạng thiếu hụt yếu tố ảnh hưởng đến quá trình đông máu.
- Xét nghiệm chức năng gan: Kiểm tra biến động của một vài chỉ số như ALT, AST, Albumin,... hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý liên quan đến suy giảm chức năng gan dẫn đến chảy máu kéo dài.
Xét nghiệm công thức máu hỗ trợ chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng
Sau khi đã thăm khám, việc xử lý sẽ được thực hiện sao cho phù hợp với tình trạng của nạn nhân.
Trên đây là các hướng dẫn về cách thức xử lý vết thương chảy máu không ngừng bạn có thể tham khảo. Nếu bản thân hoặc người xung quanh gặp phải tình trạng này, bạn cần nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trường hợp nghi ngờ đang mắc bệnh lý nào đó, bạn hãy đi khám sức khỏe tại những cơ sở y tế uy tín như Hệ thống Y tế MEDLATEC để được tư vấn thêm. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ với MEDLATEC theo số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!