Các tin tức tại MEDlatec
Viêm tĩnh mạch có nguy hiểm không và dấu hiệu nhận biết
- 09/12/2020 | Siêu âm doppler mạch máu được sử dụng nhằm mục đích gì?
- 29/10/2020 | Chụp CT mạch máu não được bác sĩ chỉ định khi nào?
- 12/12/2020 | Kỹ thuật siêu âm mạch máu chi dưới và những điều cần biết
1. Viêm tĩnh mạch và các thể bệnh
Viêm tĩnh mạch là một trong những bệnh lý mạch máu ngoại biên thường gặp. Nhóm bệnh này xảy ra ở các mạch máu (động mạch, tĩnh mạch và bạch mạch) không phải nuôi dưỡng não, tim và động mạch chủ mà có vai trò dẫn máu cho các cơ quan xa. Vì thế, viêm tĩnh mạch thường xảy ra ở các mạch máu chân - tay.
Tĩnh mạch là hệ mạch có vai trò vận chuyển máu từ các cơ quan về tim
Tĩnh mạch và động mạch đều vận chuyển máu, song động mạch đưa máu giàu oxy và dinh dưỡng đến các cơ quan, còn tĩnh mạch nhận máu trở về tim để tái luân hồi. Khi các mạch máu này bị tổn thương do tác động lực hay vật lý, chúng có thể bị viêm nhiễm, sưng đau và được gọi là viêm tĩnh mạch.
Có hai thể bệnh viêm tĩnh mạch do nguyên nhân và mức độ nguy hiểm khác nhau bao gồm:
Viêm tĩnh mạch nông
Tĩnh mạch nông là hệ tĩnh mạch có kích thước nhỏ, lưu lượng máu thấp và nằm ngay sát dưới da. Ở một số người có cơ địa da mỏng, có thể quan sát được những tĩnh mạch này bằng mắt thường. Viêm tĩnh mạch nông khá phổ biến, nguyên nhân thường do lực tác động bên ngoài gây tổn thương, sưng viêm.
Viêm tĩnh mạch nông thường xảy ra ở chân
Ngoài ra, một số trường hợp viêm tĩnh mạch nông còn do truyền dịch, truyền thuốc gây phản ứng viêm. Đây là thể bệnh nhẹ, không nguy hiểm và thường tự hồi phục sau một thời gian mà không cần điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên nếu bệnh kéo dài và tái phát nhiều lần thì nguyên nhân có thể là bệnh lý, cần điều trị triệt để để tránh biến chứng nặng.
Viêm tĩnh mạch sâu
Tĩnh mạch sâu là hệ tĩnh mạch có kích thước lớn, lưu lượng máu cao và thường nằm sâu dưới các khối cơ. Các tĩnh mạch này còn có van để giữ máu chảy ổn định về tim. Do được bảo vệ bởi hệ cơ nên chấn thương bên ngoài khó tác động làm sưng, viêm những mạch máu này. Thay vào đó, nguyên nhân đa phần do cục máu đông hình thành trong lòng tĩnh mạch, chảy theo mạch máu và gây viêm tắc.
Viêm tắc tĩnh mạch sâu là tình trạng nguy hiểm, có thể làm giảm khả năng vận động của chi ảnh hưởng. Nguy hiểm hơn, nếu khối máu đông di chuyển đến phổi gây viêm tắc mạch phổi, người bệnh có thể tử vong. Do đó phát hiện và điều trị sớm viêm tĩnh mạch sâu có vai trò quan trọng để tránh biến chứng bệnh có thể xảy ra.
2. Nhận biết viêm tĩnh mạch như thế nào?
Bệnh lý viêm mạch máu này thường xảy ra ở tĩnh mạch tay và chân bởi chúng nằm xa tim nhất, lại chịu ảnh hưởng nhiều của sức nặng cơ thể, trọng lực trái đất cũng như các hoạt động hàng ngày. Triệu chứng bệnh khá dễ nhận biết, bao gồm:
Người bệnh thường bị đau ở vùng mạch máu bị viêm
2.1. Đau
Ở cả thể viêm tĩnh mạch nông và sâu, người bệnh đều có cảm giác đau ở vùng chi chịu ảnh hưởng. Đau đớn khiến người bệnh hạn chế vận động hơn.
2.2. Triệu chứng viêm
Mạch máu viêm cũng có triệu chứng tương tự như phản ứng viêm ở các cơ quan khác trong cơ thể. Vùng da gần mạch máu sẽ bị sưng tấy, phù, sờ vào thấy ấm nóng hơn, có thể màu sắc da xung quanh sẽ thay đổi. Nếu tĩnh mạch nông bị viêm, có thể thấy chúng nổi rõ hơn trên da.
2.3. Sốt
Đa phần các trường hợp viêm tĩnh mạch nhẹ, nhất là tĩnh mạch nông không gây ra triệu chứng toàn thân. Chỉ khi bệnh nặng, đi kèm với nhiễm trùng thì người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng sốt, nóng, mệt mỏi toàn thân.
Để phân biệt viêm tĩnh mạch nông và sâu, có thể dựa trên triệu chứng thực thể và đặc điểm cơn đau. Tĩnh mạch nông nằm ngay dưới da nên khi bị sưng viêm, ửng đỏ cũng thấy rõ ràng hơn. Cơn đau do viêm tĩnh mạch sâu thường dữ dội hơn, gây sưng cả khu vực cơ xương nhưng khó xác định vị trí chính xác. Khi di chuyển, các cơ khớp hoạt động khiến đau đớn nặng nề hơn.
2.4. Triệu chứng phổi
Triệu chứng phổi xảy ra ở viêm tĩnh mạch sâu do cục máu đông di chuyển đến phổi gây thuyên tắc, nhồi máu phổi, bao gồm: tim đập nhanh, khó thở, ho ra máu,… Triệu chứng này xảy ra báo hiệu tình trạng nguy hiểm, cần can thiệp sớm để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Viêm mạch máu có thể tiến triển gây thuyên tắc phổi
3. Viêm tĩnh mạch nguy hiểm không?
Mức độ nguy hiểm của bệnh phụ thuộc vào thể viêm tĩnh mạch, cụ thể là hệ thống tĩnh mạch chịu ảnh hưởng. Với viêm tắc tĩnh mạch nông, thường bệnh tự tiến triển và tự hồi phục sau một thời gian mà không cần điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên phải loại bỏ yếu tố gây kích thích, bệnh mới không tái phát trở lại.
Tình trạng có thể nguy hiểm hơn nếu tiến triển thành viêm nhiễm trùng và nhiễm trùng lan tỏa. Nhiễm trùng lan đến da sẽ gây tổn thương da, nếu đi vào máu gây nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng.
Viêm tĩnh mạch sâu thường nguy hiểm hơn và cần điều trị tích cực trong thời gian dài. Ngoài tổn thương viêm tại chỗ, điều đáng lo ngại nhất là huyết khối tồn tại và di chuyển theo mạch máu đi đến phổi. Khi gây tắc nghẽn mạch máu phổi, cơ quan này không nhận được máu nuôi gây ra nhồi máu phổi, dần dẫn đến hoại tử, suy hô hấp, trụy tuần hoàn.
Khi tình trạng này xảy ra, nếu không can thiệp loại bỏ huyết khối kịp thời, người bệnh có thể tử vong. Vì thế nhận biết, chẩn đoán và phẫu thuật thông tắc sớm giữ vai trò quan trọng để giữ tính mạng cho người bệnh.
Đa phần viêm mạch máu sẽ tự hồi phục sau khi loại bỏ tác nhân kích thích
Mức độ nguy hiểm khác nhau nên điều trị các thể viêm tĩnh mạch cũng khác nhau. Với viêm tĩnh mạch nông, chỉ cần loại bỏ nguồn tác động, tình trạng viêm sẽ tự giảm. Nếu viêm nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ cần dùng kháng sinh vài ngày để điều trị. Còn điều trị viêm tĩnh mạch sâu thường phức tạp hơn, ngoài khắc phục viêm tại chỗ, cần theo dõi phòng ngừa huyết khối gây thuyên tắc phổi. Khi biến chứng thuyên tắc phổi xảy ra, cần phẫu thuật loại bỏ nhanh chóng để cứu sống người bệnh.
Như vậy, viêm mạch máu thường không phải là tình trạng quá nguy hiểm, tuy nhiên nếu nguyên nhân do huyết khối làm tắc tĩnh mạch thì cần theo dõi và chẩn đoán kỹ càng hơn. Nếu có triệu chứng bệnh, nên chủ động khám và điều trị sớm tại cơ sở y tế uy tín.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!