Các tin tức tại MEDlatec

Viêm xoang mũi có phải là căn bệnh khó chữa trị không?

Ngày 14/11/2020
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Do nhiều yếu tố khác nhau, viêm xoang mũi (hay còn được gọi là viêm xoang) đang dần trở thành căn bệnh phổ biến với khoảng 25 - 30% các ca về đường tai mũi họng. Người mắc sẽ gặp nhiều xáo trộn trong sinh hoạt thường ngày do các triệu chứng bệnh gây nên. Vậy nguyên nhân hình thành và cách phòng chứng viêm xoang này như thế nào?

1. Thông tin tổng quan về bệnh Viêm xoang mũi

Để giảm tải khối lượng hộp sọ, qua hàng triệu năm chọn lọc, tiến hóa, con người đã phát triển và hình thành các khoảng trống bên trong hộp sọ. Chúng có nhiều kích thước khác nhau, liên kết với mũi để tiết dịch ra bên ngoài, tránh các trường hợp ứ đọng. Các khoảng trống này chính là các xoang, theo thứ tự từ trước ra sau bao gồm: xoang hàm, xoang trán, xoang sàng trước, xoang sàng sau, xoang bướm,…

Hình ảnh minh họa vị trí của các xoang mũi

Do các tác nhân khác nhau, các hốc xoang bị tấn công và hình thành nên bệnh lý, gồm hai thể cấp tính và mạn tính.

Viêm xoang mũi thể cấp tính

Các vị trí thể cấp tính thường tác động theo thứ tự là xoang hàm, xoang sàng, xoang trán, xoang bướm. Bên cạnh đó,bệnh nhân cũng có thể bị viêm đồng thời tại nhiều vị trí khác nhau, gọi là viêm đa xoang. Những biểu hiện chung thường gặp là sưng huyết, phù nề tại chỗ và chảy mủ. Cụ thể như sau:

Ban đầu bệnh chỉ có biểu hiện như một cơn cảm cúm bình thường

  • Viêm xoang trán cấp tính:

+ Ban đầu biểu hiện giống như sổ mũi hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, kéo dài khoảng từ 5 - 6 ngày.

+ Cơn đau xuất hiện phía trên ổ mắt. Thường bắt đầu từ buổi sáng, tăng dần cho đến trưa, đồng thời có mủ chảy ra từ mũi, lúc này cảm giác đau dịu lại. Đến chiều, tình trạng diễn ra lặp lại với các triệu chứng như trên.

+ Da vùng xoang chỉ sờ nhẹ cũng thấy đau.

+ Có thể kèm theo triệu chứng chảy nước mắt, đau mắt khi di chuyển ánh nhìn.

  • Viêm xoang hàm cấp tính:

+ Các triệu chứng ban đầu cũng như một cơn sổ mũi thông thường, tương tự như viêm xoang hàm cấp.

+ Cơn đau xuất hiện một bên ở vùng dưới ổ mắt, hướng về phía hàm răng.

+ Tính chất đau tăng hơn khi nhai thức ăn, nằm hoặc trong các hoạt động gắng sức.

+ Mủ chảy ra từ mũi có thể kèm theo máu và mùi hôi thối.

  • Viêm xoang sàng cấp tính:

+ Thường xuất hiện trong độ tuổi từ 2 - 4 tuổi do quá trình phát triển nhanh.

+ Mí mắt trên và dưới phù nề, mọng đỏ (dấu hiệu đặc trưng của bệnh), sưng húp, có thể không mở mắt được nhưng không có tổn thương nhãn cầu.

+ Mũi không có nhiều dấu hiệu tổn thương, chỉ có sưng huyết, nhầy mủ ít.

  • Viêm xương tủy xương hàm trên, giả dạng viêm xoang hàm:

+ Xuất hiện khi trẻ còn bú (1 - 3 tháng), các xoang hàm chưa phát triển hoàn chỉnh, thường do nhiễm tụ cầu khuẩn tại xương hàm trên.

+ Biểu hiện: mí mắt dưới mọng đỏ, má sưng, mũi chảy mủ, sưng răng lợi và có thể xuất hiện lỗ dò.

Nhức đầu kèm theo chảy mủ ở mũi là dấu hiệu thường gặp trong bệnh viêm xoang mũi

Viêm xoang mũi thể mạn tính

Sự biến đổi không phục hồi của niêm mạc là yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng mạn tính của bệnh viêm xoang, gây nên bởi các ổ viêm xương ở thành xoang. Các dấu hiệu của bệnh sau:

  • Niêm mạc: có thể dày lên, quá sản hay dị sản (tăng trưởng bất thường), biến thành các polyp hoặc xơ hóa và teo. Các quá trình có thể đồng thời cùng xảy ra khiến niêm mạc nơi dày nơi teo.

  • Dịch tiết: trở nên đặc quánh hơn.

  • Tế bào lông: hư hỏng, bị hạn chế chuyển động do dịch tiết hoặc bị ngừng lại. Từ đó dẫn đến việc suy giảm, ngừng trệ chức năng thải trừ các chất cùng với virus, vi khuẩn qua mũi. Tình trạng bội nhiễm có thể diễn ra nếu dịch tiết xoang bị ứ đọng kéo dài.

  • Các triệu chứng khác: lỗ thông xoang bị tắc nhiều hơn so với thể cấp tính, xuất hiện các nang lympho và tình trạng tăng tế bào tuyến.

Các triệu chứng cụ thể tùy theo vị trí ảnh hưởng của viêm xoang mũi mạn tính như:

  • Viêm xoang hàm mạn tính: có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc dưới dạng viêm đa xoang.

+ Cơn đau: đa số bệnh nhân không cảm thấy đau nhưng gặp tình trạng nhức đầu hoặc vùng mặt.

+ Viêm xoang do răng: mủ chảy thường xuyên từ một bên mũi, có mùi hôi thối. Có thể gặp các lỗ rò ở lợi, thông liền miệng và xoang.

+ Viêm xoang hàm mạn kết hợp với viêm xoang sàng trước: mủ nhầy chảy từ một bên mũi, có thể chảy xuống họng.

  • Viêm xoang sàng mạn tính: Bệnh thường được phát hiện cùng với các loại viêm xoang khác. Các triệu chứng cũng không có tính chất đặc trưng. Có trường hợp chỉ sưng đỏ, phù nề nhưng không viêm mủ. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có biểu hiện nhức đầu vùng trán, kèm theo cảm giác nặng đầu vùng trên hoặc sau ổ mắt.

  • Viêm xoang trán mạn tính: dạng bệnh tương đối ít gặp, nhưng thể bệnh nặng, có thể gây biến chứng ảnh hưởng đến sọ não. Mủ chảy ra từ một bên mũi và tính chất đau với nhiều mức độ khác nhau. Bệnh nhân thường cảm thấy nặng đầu hoặc đau thường xuyên ở góc trong mắt, có thể đau tăng dữ dội.

  • Viêm xoang sau mạn tính: bệnh xuất hiện ở các vị trí xoang bướm và xoang sàng sau. Các triệu chứng bệnh diễn ra âm ỉ, thầm lặng. Mủ chảy ra phía sau họng, nếu dịch ứ đọng ở xoang có thể gây đau đầu dữ dội từ đình đầu xuyên đến sau gáy. Đồng thời, bệnh nhân cũng có thể bị ngạt mũi nặng hoặc nhẹ tùy theo mỗi tình trạng khác nhau.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm xoang mũi

Có rất nhiều tác nhân gây ra tình trạng viêm xoang mũi. Do đó, việc nắm bắt, xác định nguyên nhân cụ thể sẽ có ý nghĩa trong quá trình điều trị, phòng tránh bệnh. Dưới đây là một số nguyên nhân chính:

  • Viêm mũi: đây là tác nhân thường gặp nhất dẫn đến biến chứng viêm xoang. Có thể do tình trạng cảm cúm, viêm họng,… kéo dài, các vi khuẩn có điều kiện tấn công các hốc xoang gây nên tình trạng viêm.

  • Bệnh lý răng miệng: chiếm khoảng 10% tổng số các bệnh nhân mắc viêm xoang, gây nên bởi các ổ apxe xung quanh cuốn răng, dây chằng ổ răng,…

  • Môi trường: tiếp xúc lâu với môi trường ô nhiễm, thay đổi áp lực đột ngột như khi đi máy bay.

  • Dị tật bẩm sinh: dị dạng vách ngăn mũi, viêm mũi dị ứng, hội chứng viêm xoang - giãn phế quản (Mounier - Kuhn) kết hợp với dị tật tim sang phải (hội chứng Kartagener).

  • Biến chứng: các bệnh cúm, sởi, ho gà, ung thư mũi, polyp mũi,... có thể dẫn đến biến chứng viêm xoang.

  • Trong sinh hoạt: các hoạt động tiếp xúc với nước thường xuyên (bơi lội, lặn,…), mắc dị vật ở mũi, giữ vệ sinh kém khiến vi khuẩn thuận lợi tích tụ và phát triển,…

Giữ vệ sinh sạch sẽ là các phòng tránh bệnh hiệu quả đối với điều kiện môi trường ô nhiễm

Để phòng tránh bệnh viêm xoang mũi, ngoài các biện pháp tăng cường sức khỏe và nâng cao thể trạng, bạn còn cần phải thường xuyên kiểm tra, thăm khám để phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh và ngăn chặn kịp thời. Hãy đến với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, nơi cung cấp đầy đủ cho bạn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại và đảm bảo an toàn nhất. Liên hệ 1900.56.56.56 để được hỗ trợ tư vấn các thông tin chi tiết.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.