Các tin tức tại MEDlatec
Xét nghiệm xơ gan có cần thiết không?
Gan là bộ phận đảm nhiệm chức năng thải độc và hỗ trợ tiêu hóa nên bất kì tổn thương nào tại đây đều tiềm ẩn mối nguy hại cho sức khỏe. Xét nghiệm xơ gan giúp phát hiện sớm tổn thương để điều trị kịp thời là việc làm cần thiết nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm không đáng có.
Hình ảnh gan khỏe mạnh và gan bị xơ
1. Tổng quan về bệnh xơ gan
1.1. Xơ gan là bệnh như thế nào?
Xơ gan là giai đoạn cuối của bệnh viêm gan mạn tính đặc trưng bởi sự thay thế mô gan bằng mô xơ, sẹo làm mất chức năng gan. Giải thích cụ thể hơn thì đây chính là hiện tượng các mô tế bào gan thường xuyên bị tổn thương trong một thời gian dài khiến cho chúng phải tự sửa chữa bằng việc thay thế mô sẹo trên bề mặt gan. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các mô sẹo khiến cho dòng máu lưu thông qua gan bị chặn lại, chức năng gan vì thế bị suy giảm nghiêm trọng.
1.2. Các giai đoạn của bệnh xơ gan
Mức độ xơ hóa gan tiến triển qua 4 giai đoạn: F1, F2, F3, F4. Trong đó, giai đoạn F1 là mức độ nhẹ, giai đoạn F2 là mức độ trung bình còn giai đoạn F3, F4 là bệnh ở mức độ nặng.
Bệnh có thể được điều trị dứt điểm khi xét nghiệm xơ gan phát hiện bệnh ở giai đoạn F1, F2. Tuy nhiên, khi xơ gan chuyển sang 2 giai đoạn cuối thì việc điều trị khỏi hoàn toàn là rất khó, mục đích trị liệu lúc này chỉ nhằm hạn chế diễn tiến, kiểm soát triệu chứng và giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ.
1.3. Mức độ nguy hiểm của bệnh xơ gan
Thường thì giai đoạn đầu của bệnh xơ gan không có triệu chứng rõ ràng nên rất khó phát hiện. Chính vì thế bệnh có cơ hội phát triển đe dọa tính mạng của người bệnh. Khi bước vào giai đoạn sau, bệnh đã trở nặng thì các triệu chứng của bệnh mới xuất hiện và lúc này nhiều người mới đi khám, xét nghiệm xơ gan mới phát hiện ra bệnh.
Bản thân gan đảm nhiệm vai trò rất quan trọng như đã nói ở trên nên khi xơ gan có nghĩa là chức năng gan suy giảm, người bệnh dễ bị rối loạn tiêu hóa, ăn kém, mệt mỏi, rối loạn đại tiện,... Nhiều trường hợp nặng còn bị chảy máu dưới niêm mạc và dưới da. Nguy hiểm hơn, nếu không chữa trị kịp thời và đúng cách, theo thời gian, bệnh gây ra những biến chứng nguy hiểm: xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng ổ bụng, bệnh não,... và có thể là yếu tố nguy cơ gây nên bệnh ung thư gan.
Xơ gan phát triển nhanh, chữa trị từ giai đoạn đầu mới ngăn chặn được nguy hiểm
2. Các loại xét nghiệm xơ gan
Chính vì xơ gan có mức độ ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng con người nên thực hiện xét nghiệm chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh lý này là vô cùng cần thiết. Các loại xét nghiệm xơ gan là những xét nghiệm để đánh giá mức độ xơ hóa của gan bao gồm:
2.1. Xét nghiệm công thức máu
Gan bị xơ hóa cũng có nghĩa là dòng máu chảy qua gan sẽ bị cản trở bởi các mô xơ ở gan. Lúc này máu chảy ngược về lá lách làm cho lá lách phình to ra, các tế bào máu bị lá lách giữ lại và phá hủy. Tiếp theo đó, lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu trong máu bị giảm đi sinh ra hiện tượng cường lách. Xét nghiệm công thức máu nhận thấy tiểu cầu giảm xuống là một tín hiệu cảnh báo xơ gan.
2.2. Xét nghiệm sắc tố mật
Sắc tố mật (bilirubin) là có màu vàng đỏ, được tạo ra từ Hemoglobin có trong hồng cầu của máu. Người có lá gan khỏe mạnh thì sắc tố mật trong máu có nồng độ thấp. Những người bị xơ gan khi xét nghiệm sẽ thấy nồng độ sắc tố mật trong máu tăng cao bất thường. Nguyên nhân của tình trạng đó là do gan bị tổn thương nên không thể chuyển hóa được bilirubin, sắc tố mật quá lớn trong máu tràn vào da, mắt sinh ra vàng da, vàng mắt.
Mẫu máu xét nghiệm xơ gan
2.3. Siêu âm gan
Đây là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh tương đối đơn giản và nhanh gọn mà không gây ra nguy hại nào cho sức khỏe người bệnh. Thông qua hình ảnh gan hiển thị trên máy siêu âm bác sĩ sẽ đánh giá được kích thước, cấu trúc cũng như các bất thường trong lá gan.
Trường hợp siêu âm màu bác sĩ có thể nhìn thấy rõ mạch máu trong gan cũng như hướng đi của dòng máu chảy trong gan. Nhìn chung, siêu âm gan chỉ có tính chất bổ sung thêm cho các xét nghiệm khác.
2.4. Chụp cắt lớp (CT)
Đây cũng là một phương pháp xét nghiệm xơ gan bằng hình ảnh giống như siêu âm nhưng tinh vi hơn ở chỗ cùng một lúc nó có thể chụp cắt ngang cơ thể bệnh nhân ở nhiều vùng và nhiều đoạn khác nhau. Kết quả chụp CT chính xác hơn nhiều so với siêu âm, giúp đánh giá tốt các bất thường trong gan nhưng người bệnh lại có nguy cơ nhiễm tia xạ cao.
2.5. Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp cộng hưởng từ an toàn hơn so với chụp cắt lớp vì nó không dùng tia xạ. Không những thế, MRI còn có khả năng tái tạo hình ảnh lá gan ở nhiều góc độ khác nhau nên giúp chẩn đoán chính xác bệnh xơ gan.
2.6. Sinh thiết gan
So với tất cả những phương pháp trên thì sinh thiết gan có khả năng đánh giá bệnh xơ gan chính xác nhất. Tuy nhiên, bệnh nhân có hiện tượng cổ chướng nặng hoặc bị rối loạn chảy máu không nên thực hiện phương pháp này.
3. Khi nào nên làm xét nghiệm xơ gan?
Xét nghiệm xơ gan nên được cân nhắc thực hiện khi nhận thấy các triệu chứng sau:
- Giảm cân;
- Ăn không ngon miệng;
- Choáng váng, mệt mỏi kéo dài;
- Buồn nôn, nôn, nôn ra máu;
- Chảy máu hoặc bầm tím, sưng ở chân bụng;
- Vàng da;
Vàng da là dấu hiệu cần lưu tâm để xét nghiệm xơ gan kịp thời
- Nổi mạch như mạng nhện trên da (sao mạch);
- Ngứa da kéo dài;
- Trắng móng tay, lòng bàn tay đỏ bất thường;
- Suy giảm trí nhớ, kém tập trung;
- Bỗng nhiên không còn kinh nguyệt;
- Mất khả năng quan hệ tình dục;
- Yếu cơ;
- Tiểu sẫm màu;
- Sốt;
- Xương dễ gãy hoặc mắc bệnh về xương.
Không phải mọi bệnh nhân xơ gan đều có những triệu chứng này và một số triệu chứng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý khác. Thêm vào đó, đa phần các trường hợp xơ gan ít biểu hiện ngay từ giai đoạn đầu.
Bệnh viện đa khoa MEDLATEC là cơ sở y tế được đánh giá cao về dịch vụ xét nghiệm tại nhà cho kết quả nhanh chóng và chính xác. Nếu bạn nghi ngờ, muốn tư vấn xét nghiệm chẩn đoán xơ gan, hãy liên hệ với chúng tôi, các bác sĩ chuyên khoa hàng đầu sẽ lắng nghe các triệu chứng mà bạn đang gặp phải, thăm khám kĩ lưỡng để cho bạn biết có nên làm xét nghiệm xơ gan hay không.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!