Tin tức
Xơ gan giai đoạn 4 có điều trị được không?
1. Bệnh xơ gan và các giai đoạn của bệnh xơ gan
Xơ gan là tình trạng bệnh lý gây ra do sự tổn thương lâu dài của các tế bào gan, hậu quả là nhu mô gan bị thay thế bởi các mô sẹo. Xơ gan là một căn bệnh thầm lặng nhưng lại có sức tàn phá lớn đối với gan. Khi mới bị bệnh, người bệnh không có các triệu chứng rõ ràng, đến khi bệnh tiến triển sang các giai đoạn nặng thì mới biểu hiện triệu chứng và đồng thời cũng khó điều trị và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh xơ gan là sự xuất hiện các mô xơ thay thế cho tế bào gan khỏe
Xơ gan trải qua 4 giai đoạn chính. Tùy từng giai đoạn mà có những đặc điểm và biểu hiện khác nhau:
-
Giai đoạn 1: gan bắt đầu bị viêm và xơ nhẹ. Lúc này gan chưa bị tổn thương nhiều nên chức năng ít thay đổi. Vì thế, người bệnh chưa có biểu hiện nào rõ ràng, nhưng bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, chán ăn.
-
Giai đoạn 2: Các mô sẹo xuất hiện nhiều hơn và thay thế dần cho các tế bào gan lành, làm cho các tế bào gan bị tổn thương nhiều hơn dẫn đến chức năng gan bắt đầu giảm sút. Giai đoạn này, người bệnh có biểu hiện rõ hơn giai đoạn 1 với các triệu chứng mệt mỏi, sút cân, không muốn vận động,...
-
Giai đoạn 3: Các mô gan bị tổn thương nặng hơn và xuất hiện ngày càng nhiều mô xơ sẹo. Người bệnh có nhiều biểu hiện nặng như yếu ớt, xanh xao, sút cân, vàng da,…
-
Giai đoạn 4: cũng là giai đoạn cuối của bệnh xơ gan. Giai đoạn này bệnh chuyển biến nặng nề, gan bị tổn thương gần như hoàn toàn, các tế bào gan khỏe còn lại ít và hoạt động bù phần gan xơ dẫn đến suy gan. Người bệnh có các biểu hiện trầm trọng, đặc biệt là hiện tượng “cổ trướng” và vàng da.
Bệnh xơ gan tiến triển qua 4 giai đoạn, vì thế việc phát hiện kịp thời để áp dụng phương pháp điều trị đóng vai trò rất lớn. Khi bệnh chuyển sang xơ gan giai đoạn 4 thì sẽ gây khó khăn trong điều trị và khắc phục biến chứng.
2. Nguyên nhân, triệu chứng của xơ gan giai đoạn 4
Nguyên nhân gây nên bệnh xơ gan và xơ gan giai đoạn 4:
-
Do virus: các virus gây viêm gan (virus viêm gan B, C) có thể dẫn tới xơ gan bằng cách làm tổn thương các tế bào gan và tạo điều kiện hình thành mô sẹo.
-
Do ký sinh trùng: lỵ amip, sán lá gan, ký sinh trùng sốt rét là các loại ký sinh trùng có khả năng làm tổn thương gan dẫn đến xơ gan.
-
Do bẩm sinh: teo ống dẫn mật, không có ống dẫn mật làm ứ mật trong gan cũng gây nên xơ gan.
-
Do bị viêm ruột, viêm ống dẫn mật cũng gây ứ mật trong gan dẫn đến xơ gan.
-
Do suy tim, viêm tĩnh mạch trên gan gây ứ máu dẫn đến xơ gan.
-
Do thói quen sinh hoạt: uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng đến chức năng gan, tiếp xúc với các chất độc, thói quen ăn uống thiếu khoa học (ăn quá nhiều, thức ăn nhiều dầu mỡ, chất đạm,…), ít vận động thể dục,… dẫn đến thừa cân, gan nhiễm mỡ, viêm gan và kết quả là xơ gan.
Khi xơ gan các giai đoạn đầu mà không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến xơ gan giai đoạn 4.
Những nguyên nhân gây xơ gan phổ biến
Triệu chứng thường gặp của xơ gan giai đoạn 4:
-
Cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, yếu ớt, không muốn vận động.
-
Xanh xao, sụt cân, thiếu máu.
-
Hệ miễn dịch suy giảm, dễ bị sốt, cảm.
-
Bệnh nhân có lòng bàn tay son, móng tay trắng.
-
Hoàng đản (vàng da, vàng niêm mạc, vàng mắt).
-
Cổ trướng: hiện tượng tích dịch xoang phúc mạc do thay đổi áp suất keo của máu, dẫn đến bụng phình to, các mạch máu ở bụng nổi rõ.
Ngoài các triệu chứng trên, xơ gan giai đoạn 4 cũng có thể được phát hiện qua các phương pháp cận lâm sàng:
-
Xét nghiệm máu kiểm tra các chỉ số liên quan đến gan.
-
Chẩn đoán hình ảnh: siêu âm gan, chụp X - quang, chụp CT hay cộng hưởng từ.
-
Sinh thiết: lấy một mẫu tế bào gan để đem đi phân tích và phát hiện bệnh.
Hiện tượng “cổ trướng” trong xơ gan giai đoạn 4
3. Điều trị và phòng bệnh
Điều trị:
Không ít người thắc mắc xơ gan giai đoạn 4 có chữa được không. Câu trả lời là ở giai đoạn này, bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể được điều trị để giảm các triệu chứng và ngăn chặn các biến chứng bằng các biện pháp hỗ trợ như:
-
Sử dụng các loại thuốc ức chế sự phát triển của bệnh xơ gan, thuốc kiểm soát triệu chứng của bệnh xơ gan, thuốc điều trị bệnh gan, thuốc bổ gan,…
-
Điều trị nguyên nhân: loại bỏ các tác nhân gây nên bệnh sẽ hạn chế được sự chuyển biến xấu của bệnh.
-
Chế độ sinh hoạt khoa học: ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, siêng năng vận động, hạn chế ăn đồ dầu mỡ, đồ cay nóng.
-
Luôn làm theo chỉ dẫn của bác sĩ trong phác đồ điều trị.
Chủ động tiêm phòng vacxin viêm gan do virus để phòng ngừa xơ gan giai đoạn 4
Phòng bệnh:
Dựa vào nguyên nhân bệnh, chúng ta cũng có thể suy ra được có thể phòng bệnh xơ gan bằng cách:
-
Chủ động tiêm phòng vacxin viêm gan virus.
-
Tẩy sán lá gan.
-
Không uống rượu bia, sử dụng các chất độc đối với gan.
-
Chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý, khoa học, hạn chế thừa cân.
-
Có thể sử dụng một số loại thuốc bổ gan giúp mát gan, thanh lọc cơ thể.
-
Nên khám định kỳ hoặc khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào để phát hiện sớm bệnh xơ gan, điều trị và ngăn chặn bệnh chuyển sang xơ gan giai đoạn 4.
Để chủ động bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân, bạn nên xây dựng một lối sống khoa học và để ý đến những thay đổi của cơ thể dù là nhỏ nhất. Như đã nói, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh xơ gan có thể giúp bệnh khỏi hoàn toàn, ngăn chặn bệnh chuyển sang xơ gan giai đoạn 4 và hạn chế được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Đến đây, nếu cần được tư vấn thêm về bệnh lý xơ gan, các triệu chứng gặp phải, cách điều trị hiệu quả,... độc giả có thể liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ, giải đáp nhé!
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!