Các tin tức tại MEDlatec
Ý nghĩa lâm sàng của 14 thông số phân tích nước tiểu
Tóm tắt
1. Que nhúng nước tiểu URIT 14 G cho phép đo bán định lượng 14 thông số trong nước tiểu là bạch cầu, ketone, nitrite, urobilinogen, bilirubin, glucose, protein, tỷ trọng, pH, máu, acid ascorbic, microalbumin, calci, và creatinine. Que nhúng này có thể được sử dụng với các máy phân tích nước tiểu tự động là URIT-50, 180, 500B, 500C, 330, 31, and 560.
2. Sử dụng: phân tích nước tiểu có thể được sử dụng để sàng lọc và/ hoặc giúp chẩn đoán các tình trạng như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, rối loạn thận, bệnh gan, đái tháo đường hoặc các tình trạng trao đổi chất khác, cũng có thể sử dụng để theo dõi diễn biến của bệnh hoặc đánh giá hiệu quả điều trị.
3. Chỉ định: phân tích nước tiểu có thể được chỉ định để sàng lọc trong khám sức khỏe định kỳ, nhập viện, cần phẫu thuật, hoặc khám thai; để chẩn đoán ở người có triệu chứng nhiễm khuẩn tiết niệu, rối loạn thận, gan, đái tháo đường hoặc các rối loạn chuyển hóa khác; cũng có thể được chỉ đinh theo thời gian để theo dõi diễn biến của bệnh hoặc đánh giá hiệu quả điều trị.
4. Giá trị tham chiếu của phân tích nước tiểu: ở người khỏe mạnh, bạch cầu, ketone, nitrit, bilirubin, glucose, protein và máu có thể được xem là âm tính, các thông số khác như tỷ trọng, pH, urobilinogen, acid ascorbic, microalbumin, calci và creatinine thường ở giới hạn rất thấp.
5. Ý nghĩa lâm sàng: phân tích nước tiểu là công cụ có hiệu lực để sàng lọc, chẩn đoán và theo dõi nhiều bệnh như đái tháo đường, các rối loạn về thận, các rối loạn về tiết niệu, các nhiễm khuẩn đường tiết niệu, bệnh gan hoặc tổn thương gan, các rối loạn liên quan đến thai nghén (tiền sản giật hoặc đái tháo đường thai kỳ), các bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục, bệnh tim mạch, và các rối loạn liên quan đến ăn uống.
Abstract
The clinical significance of 14 urinalysis parameters
Luat Nghiem Nguyen
MEDLATEC General Hospital
1. URIT 14 G urine reagent strips provide 14 tests for the semi-quantitative measurement of leukocytes, ketone, nitrite, urobilinogen, bilirubin, glucose, protein, specific gravity, pH, blood, ascorbic acid, microalbumin, calcium, and creatinine. It can be used with the URIT-50, 180, 500B, 500C, 330, 31, and 560 urine analyzer.
2. Use: the urinalysis may be used to screen for and/or help diagnose conditions such as a urinary tract infections, kidney disorders, liver problems, diabetes or other metabolic conditions, it also can be used at regular intervals to monitor the course of the disease or to assess the effects of treatment.
3. Indications: a urinalysis may be ordered when a person has a routine wellness exam, is admitted to the hospital, or will undergo surgery, or when a woman has a pregnancy checkup. It may be ordered when a person has some signs and symptoms of a urinary tract infections, kidney disorders, liver problems, diabetes or other metabolic conditions. It may also be ordered at regular intervals to monitor to monitor the course of the disease or to assess the effects of treatment.
4. Reference ranges: in normal conditions, urine leukocytes, ketone, nitrite, bilirubin, glucose, protein and blood can be seen as negative, other parameters such as specific gravity, pH, urobilinogen, ascorbic acid, microalbumin, calcium, and creatinine are in normal or in very low ranges.
5. Clinical significance: urinalysis is a powerful tool for screening, diagnosis and monitoring of many diseases, such as diabetes, kidney disorders, urinary disorders, urinary tract infections, liver diseases and damage, pregnancy related disorders (pre-eclampsia or gestational diabetes), sexually transmitted diseases, myocardial diseases, and eating disorders.
*
Hệ thống tiết niệu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Chức năng của hệ thống tiết niệu là loại bỏ chất cặn bã ra khỏi cơ thể, điều hòa thể tích máu, huyết áp, thăng bằng điện giải và acid-base. Việc đánh giá chức năng thận giúp phát hiện nhiều bệnh, bao gồm cả các bệnh tại hệ thống tiết niệu và cả bệnh của nhiều cơ quan khác.
Phân tích nước tiểu (về thể tích, màu sắc, độ trong, mùi, cặn) là xét nghiệm đầu tiên được thực hiện trong y học và được sử dụng từ thời Hippocrates, giữa thế kỷ thứ 5 và thứ 4 trước Công nguyên.
Que nhúng (dipstick) đầu tiên để phân tích nước tiểu được Helen Murray Free và Alfred Free chế tạo để thử glucose nước tiểu là vào năm 1956.
Ngày nay, phân tích nước tiểu tiếp tục vẫn còn là một công cụ mạnh mẽ trong việc thu thập các thông tin quan trọng cho mục đích chẩn đoán trong y học.
Hiện nay, chức năng thận có thể được đánh giá bằng phân tích 10, 11, 12, 13 và 14 thông số nước tiểu với các que thử URIT 10G, 11G, 12F, 13G và 14G, … , có thể được thực hiện trên nhiều loại máy phân tích nước tiểu (Urine Analyzer) như: URIT-50, URIT-330, URIT-570, URIT-500B, URIT-500C, ...
1. Phân tích nước tiểu
Phân tích nước tiểu (urinalysis: UA) được sử dụng để sàng lọc, chẩn đoán, theo dõi diến biến của bệnh và đánh giá hiệu quả điều trị. Nước tiểu có thể được đánh giá tại phòng xét nghiệm nhờ máy phân tích nước tiểu, kính hiển vi, nuôi cấy, ... , hoặc tại giường bệnh bằng que thử (dipstick).
Gần đây, que thử URIT 14 G cho phép đo bán định lượng 14 thông số nước tiểu gồm: bạch cầu, ketone, nitrite, urobilinogen, bilirubin, glucose, protein, tỷ trọng, pH, máu, acid ascorbic, microalbumin, calcium, và creatinine. Que thử 14 G có thể được sử dụng với các máy phân tích nước tiểu tự động URIT-50, URIT-330, URIT-570, URIT-500B, URIT-500C.
2. Sử dụng
- Phân tích nước tiểu có thể được sử dụng để sàng lọc hoặc chẩn đoán các bệnh như nhiễm trùng đường tiết niệu, các bệnh thận, gan, đái tháo đường và một số bệnh chuyển hóa khác.
- Phân tích nước tiểu cũng có thể được kết hợp với một số xét nghiệm hóa sinh và soi kính hiển vi, phát hiện các tế bào, mảnh tế bào, các tinh thể hoặc trụ niệu liên quan với các bệnh khác nhau để chẩn đoán.
- Phân tích nước tiểu còn có thể được sử dụng để theo dõi diễn biến của bệnh và hiệu quả điều trị, đặc biệt trong bệnh thận hoặc đái tháo đường.
3. Chỉ định
- Phân tích nước tiểu có thể được chỉ định ở những người đến khám sức khỏe, người nhập viện hoặc người sẽ phải phẫu thuật, hoặc một phụ nữ có thai.
- Phân tích nước tiểu cũng có thể được chỉ định ở những người có các triệu chứng nhiễm khuẩn tiết niệu hoặc các bệnh đường tiết niệu khác như bệnh thận, với các dấu hiệu và triệu chứng: đau bụng, đau lưng, đái buốt, đái rắt hoặc đái ra máu.
- Phân tích nước tiểu còn được chỉ định theo thời gian để theo dõi tiến trình của bệnh và hiệu quả điều trị.
4. Giới hạn tham chiếu
Khoảng tham chiếu sinh học bình thường của các thông số nước tiểu được chỉ ra ở Bảng 1.
Bảng 1. Khoảng tham chiếu sinh học bình thường của các thông số nước tiểu
TT |
Các thông số |
Khoảng tham chiếu |
TT |
Các thông số |
Khoảng tham chiếu |
1 |
Bạch cầu |
0 tế bào/µL |
8 |
Tỷ trọng |
1,010-1,025 |
2 |
Ketone |
0 mmol/L |
9 |
pH |
5,5-7,0 |
3 |
Nitrite |
0 µmol/L |
10 |
Máu |
< 10 tế bào/µL |
4 |
Urobilinogen |
3,2-16 µmol/L |
11 |
Acid Ascorbic |
0 mmol/L |
5 |
Bilirubin |
0 µmol/L |
12 |
Microalbumin |
<20 mg/L |
6 |
Glucose |
<2,8 mmol/L |
13 |
Calcium |
1,5-9,0 mmol/L |
7 |
Protein |
0-<0,15 g/L |
14 |
Creatinine |
2,0-22,0 mmol/L |
5. Ý nghĩa lâm sàng
5.1. Ý nghĩa lâm sàng của 14 thông số nước tiểu phân tích bằng que thử:
5.1.1. Tỷ trọng nước tiểu (1,002 - 1,035)
Tỷ trọng nước tiểu là lượng các chất hòa tan hòa tan trong nước tiểu so với nước (= 1,000). Tỷ trọng nước tiểu thể hiện khả năng cô đặc hoặc pha loãng nước tiểu của thận, giúp đánh giá trạng thái ứ nước của bệnh nhân (Simerville JA, 2005 [5]).
- Tỷ trọng nước tiểu bình thường đo theo que thử là 1,010-1,025.
*Tỷ trọng nước tiểu giảm: <1,005: thận không có khả năng cô đặc nước tiểu hoặc khi hydrat hóa quá mức. Đái tháo nhạt do thận (nephrogenic diabetes insipidus), viêm cầu thận cấp, viêm bể thận hoặc hoại tử ống thận cấp. Tỷ trọng nước tiểu thấp giả có thể do nước tiểu bị kiềm hóa.
*Tỷ trọng nước tiểu không thay đổi: =1.010: trong bệnh thận giai đoạn cuối, tỷ trọng nước tiểu có xu hướng tiến tới 1,010. Suy thận mạn (chronic renal failure: CRF), viêm cầu thận mạn (chronic glomerulonrphritis: GN)
*Tỷ trọng nước tiểu tăng: > 1,035: sự tăng tỷ trọng nước tiểu thể hiện nước tiểu bị cô đặc với một lượng lớn các chất tan hòa tan. Mất nước (sốt, nôn mửa, ỉa lỏng), HC tăng tiết ADH không thích hợp (syndrome of inappropriate antidiuretic hormone: SIADH), suy thượng thận, suy thận, hạ kali máu với phù, suy gan, suy tim do tắc nghẽn (congestive cardiac failure: CCF), HC thận hư (nephrotic syndrome). Sự tăng tỷ trọng nước tiểu cũng có thể xảy ra khi đái tháo đường hoặc truyền glucose, protein niệu, nhiễm độc niệu, hoặc truyền dung dịch dextran.
5.1.2. pH nước tiểu (4,5-8,0)
Thận đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hòa thăng bằng acid-base để duy trì mức độ pH nước tiểu bình thường. Huyết tương được lọc qua cầu thận được acid hóa do sự tái hấp thu HCO3- và sự bài tiết H+ bởi các ống lượn và ống góp, làm pH nước tiểu giảm từ 7,4 xuống khoảng 6,0. Việc kiểm soát pH là quan trọng trong quản lý một số bệnh như: nhiễm khuẩn tiết niệu, sỏi thận và điều trị bằng thuốc.
- pH nước tiểu bình thường đo theo que thử là 5,5-7,0.
*pH tiết niệu cao (Nước tiểu kiềm): có thể do chế độ ăn chay, chế độ ăn ít carbohydrate hoặc ăn trái cây có múi có thể làm nước tiểu trở nên kiềm, nhiễm kiềm chuyển hóa hoặc hô hấp, nhiễm acid ống thận xa, hội chứng Fanconi, nhiễm khuẩn đường tiết niệu (với các vi khuẩn phân giải urea), sử dụng các thuốc gây kiềm hóa như amphotercin B, chất ức chế anhydrase carbonic (acetazolomide), NaHCO3, salicylate hoặc do mẫu nước tiểu cũ bị ammoniac hóa.
*pH tiết niệu thấp (nước tiểu acid): có thể do chế độ ăn giàu đạm hoặc hoa quả, nhiễm toan chuyển hóa hoặc hô hấp, đái tháo đường, đói, tiêu chảy, kém hấp thu, henylketo niệu, alkapto niệu, lao phổi.
5.1.3. Protein nước tiểu
Sự bài tiết protein hàng ngày thường không vượt quá 150 mg/24 giờ hoặc 10 mg/dL.
- Nồng độ protein trong nước tiểu bình thường đo theo que thử là <0,15 g/L. Protein niệu được xác định khi nước tiểu có > 150 mg/ngày và hội chứng thận hư được xác định khi có protein > 3,5 g/ngày.
Que thử phát hiện protein với thuốc chỉ thị xanh Bromphenol nhạy cảm với albumin và ít nhạy cảm hơn với protein Bence-Jones và globulin.
Protein niệu tăng thật sự: có thể do thận tăng bài tiết protein ở ống thận, tăng độ lọc cầu thận (bệnh cầu thận), hội chứng thận hư, viêm bể thận, viêm cầu thận, tăng huyết áp ác tính, có thể do hệ thống tim mạch như tăng huyết áp lành tính (benign hypertension), suy tim do tắc nghẽn (congestive cardiac failure: CCF), viêm nội tâm mạc do vi khuẩn bán cấp (subacute bacterial endocarditis: SBE).
Protein niệu tăng chức năng (albumin niệu): có thể do sốt, cảm lạnh, căng thẳng, mang thai, sản giật, suy tim xung huyết (congestive heart failure: CHF), sốc, tập thể dục nặng.
Protein niệu tăng do nguyên nhân khác: do tổn thương niệu quản, hạ kali máu, hội chứng Cushing, do thuốc (aminoglycosides, vàng, amphotericin, NSAID, sulphonamide, penicilin).
Chú ý: globulin Bence-Jones không phát hiện được bằng que thử.
+ Protein niệu (+) tính giả: nước tiểu bị cô đặc, nước tiểu kiềm (pH >7,5), dư lượng chất tẩy, aceazolomide, cephalosporin, NaHCO3.
+ Protein niệu (-) tính giả: nước tiểu bị pha loãng hoặc acid hóa (pH <5,0).
Bảng 2. Ý nghĩa lâm sàng của thông số protein nước tiểu thử bằng que thử
Giá trị thông số protein |
Protein bài xuất (g/24 giờ) |
Protein bài xuất (mg/24 dL) |
Âm tính |
<0,1 |
<10 |
Dạng vết |
01-0,2 |
15 |
1+ |
0,2-0,5 |
30 |
2+ |
0,5-1,5 |
100 |
3+ |
2,0-5,0 |
300 |
4+ |
>5,0 |
>1000 |
5.1.4. Bạch cầu (leucocytes) (số lượng bạch cầu (white cell count: WCC)
- Xác định sự có mặt của toàn bộ hoặc các bạch cầu bị ly giải trong nước tiểu bằng cách phát hiện hoạt độ esterase của bạch cầu.
- Xét nghiệm esterase bạch cầu (+) tính tương quan tốt với số lượng BC trong nước tiểu.
- Số lượng bạch cầu trong nước tiểu bình thường đo theo que thử là âm tính (0 tế bào/µL).
- (+) tính giả: mẫu nước tiểu bị nhiễm khuẩn, nhiếm trichomonas vaginalis âm đạo, thuốc hoặc thực phẩm làm nước tiểu có màu đỏ.
- Âm tính giả: đang điều trị kháng sinh (gentamicin, tetracycline và cephalosporin), glucose niệu, protein niệu, tỷ trọng nước tiểu cao. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu với số lượng vi khuẩn thấp (đặc biệt là ở phụ nữ), nồng độ vitamin C trong nước tiểu cao.
5.1.5. Nitrit
- Nitrat trong nước tiểu được chuyển thành nitrit khi có vi khuẩn Gram (-) như E.coli và Klebsiella. Nitrit (+) tính là một dấu ấn về sự nhiễm khuẩn.
- Nồng độ nitrit trong nước tiểu bình thường đo bằng que thử là âm tính (0 µmol/L).
- (-) tính giả: nồng độ vitamin C nước tiểu cao, một số thuốc, một số vi khuẩn như S. saprophyticus, acinetobacter và hầu hết các enterococci.
Bảng 3. So sánh độ nhạy và đặc hiệu của một số thông số nhiễm khuẩn đường tiết niệu của que thăm dò, kính hiển vi và nuôi cấy.
Các kỹ thuật và thông số |
Độ nhạy |
Độ đặc hiệu |
PPV |
NPV |
Que thử |
|
|
|
|
Esterase bạch cầu |
75-90 |
95 |
50 |
92 |
Nitrite |
35-85 |
95 |
96 |
27-70 |
Nitrite and esterase bạch cầu |
75-90 |
70 |
75-93 |
41-90 |
Soi kính hiển vi |
|
|
|
|
Bạch cầu > 8 x 106 |
91 |
50 |
67 |
83 |
Nuôi cấy |
|
|
|
|
>105 vi khuẩn/L |
95 |
85 |
88 |
94 |
>108 vi khuẩn/L |
51 |
59 |
98 |
94 |
5.1.6. Máu
- Xét nghiệm phân tích nước tiểu có thể phát hiện được máu đã ly giải và chưa ly giải trong nước tiểu.
- Số lượng hồng cầu nước tiểu bình thường đo bằng que thử là <10 hồng cầu/µL.
- Phản ứng giả peroxidase (pseudoperoxidase) của hồng cầu, hemoglobin tự do hoặc myoglobin có khả năng xúc tác quá trình oxy hóa chất tạo màu (chromogen) trên que thử để tạo ra sự thay đổi màu sắc.
- Kết quả (+) tính có thể là biểu hiện của máu nước tiểu do chấn thương, nhiễm khuẩn, viêm, nhồi máu, sỏi, ung thư, rối loạn đông máu hoặc nhiễm khuẩn mạn.
- Hemoglobin niệu (haemaglobinuria) có thể liên quan với tan máu nội mạch, bỏng, lạnh đột ngột, sản giật, thiếu máu tế bào liềm, đa u tủy xương, bệnh do nấm và phản ứng do truyền máu.
- Âm tính giả: do nồng độ acid ascorbic (vitamin C) trong nước tiểu cao.
5.1.7. Keton
Keton (gồm axeton, axeton axetic, acid beta-hydroxybutyric) là sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa chất béo không hoàn toàn. Chúng tích lũy trong huyết tương và được bài tiết qua nước tiểu.
- Nồng độ keton nước tiểu bình thường đo bằng que thử là âm tính (0 mmol/L).
- Keton niệu (ketonuria) có liên quan với chế độ ăn ít carbohydrate (chất béo/ protein), đói, đái tháo đường, nghiện rượu, sản giật và cường giáp.
- Ketonuria cũng liên quan với sự sử dụng quá liều insulin, isoniazid và rượu isopropyl.
- Hầu hết các xét nghiệm phân tích nước tiểu sử dụng nitroprusside là thuốc thử nhạy cảm với acid aceto-axetic, ít nhạy cảm với axeton và không nhạy cảm với acid beta-hydroxybutyric.
- (+) tính giả: nước tiểu có sắc tố đậm màu như khi sử dụng các loại thuốc như captopril, L-dopa, salicylat, phenothiazin.
- (-) tính giả: xét nghiệm nitroprusside (-) tính với keton niệu do nồng độ acid beta-hydroxybutyric tăng có thể làm cho không phát hiện được sự có mặt của keton niệu.
5.1.8. Glucose
Glucose thường không có trong nước tiểu vì chỉ có <0,1% glucose được lọc qua tiểu cầu xuất hiện trong nước tiểu (<130 mg/ 24 giờ).
- Nồng độ glucose trong nước tiểu bình thường đo theo que thử là <2,8 mmol/L.
- Glucose niệu (glycosuria) xuất hiện ở bn có glucose máu cao (đái tháo đường), khi ngưỡng thận bị giảm, khi giảm tái hấp thu glucose trong bệnh ống thận hoặc khi mang thai.
- Glucose niệu cũng liên quan đến sử dụng một số thuốc như cephalosporin, penicillin, nitrofurantoin, methyldopa, tetracycline, lithium, carbemazepin, phenothiazin, steroid và thiazide.
- (+) tính giả: do sử dụng hydrogen peroxide (H2O2) hoặc thuốc tẩy.
- (-) tính giả: do nồng độ acid ascorbic (vitamin C) nước tiểu cao.
Chú ý: que thử có thể bỏ sót các loại đường khác (như galactose và fructose) và không thích hợp để kiểm tra nước tiểu sơ sinh và trẻ sơ sinh (cần thay thế bằng xét nghiệm khử Cu2+ của Benedict).
5.1.9. Bilirubin
- Bilirubin không có trong nước tiểu của những người khỏe mạnh bình thường. Bilirubin niệu là một chỉ dấu sớm của bệnh gan và thường xuất hiện trước các dấu hiệu lâm sàng của bệnh vàng da tiến triển.
- Bilirubin được tạo thành như là một sản phẩm phụ của sự thoái hóa hồng cầu ở gan, và sau đó được liên hợp với acid glucuronic và bài tiết qua mật. Trong ruột, bilirubin được chuyển thành stercobilin (được bài tiết qua phân) và urobilinogen (được bài tiết qua thận).
- Nồng độ bilirubin (liên hợp) nước tiểu bình thường đo bằng que thử là âm tính (0 µmol/L).
- Sự tắc mật làm bilrubin liên hợp không xuống được ruột sẽ dẫn đến bilirubin niệu. Chỉ bilrubin liên hợp mới có thể được bài tiết ra nước tiểu. Một xét nghiệm dương tính đối với bilirbin nước tiểu cho thấy có sự tăng bilirubin liên hợp trong máu.
- Sự tăng bilirubin máu (với bilirubin niệu) có liên quan đến bệnh gan, xơ gan, viêm gan virus và thuốc, do tắc nghẽn đường mật (sỏi mật), vàng da tắc mật do ung thư đầu tụy và vàng da do thai nghén.
- (+) tính giả: do các thuốc phenothiazines
- (-) tính giả: nồng độ vitamin C trong nước tiểu cao, mẫu cũ (bilirubin liên hợp bị thủy phân thành bilirubin không liên hợp ở nhiệt độ phòng), do rifampicin hoặc do tiếp xúc với tia tử ngoại (có tác dụng chuyển bilrubin thành biliverdin).
5.1.10. Urobilinogen
Urobilinogen được tạo thành từ bilirubin liên hợp do tác dụng của các enzyme khử của vi khuẩn đường ruột ở hành tá tràng. Hầu hết urobilinogen được bài tiết trong phân hoặc vận chuyển trở lại gan và chuyển thành mật. Urobilinogen còn lại (<1%) được bài tiết trong nước tiểu.
- Nồng độ urobilinogen nước tiểu bình thường đo bằng que thử là 3,2-16 µmol/L.
- Urobilinogen niệu có thể tăng trong xơ gan, viêm gan nhiễm khuẩn, tan máu ngoài mạch máu, thiếu máu tan máu, thiếu máu ác tính, sốt rét và viêm gan thứ phát do bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn.
- Xét nghiệm rất nhạy nhưng không đặc hiệu để xác định tổn thương gan, bệnh tan máu và nhiễm khuẩn nặng. Mức độ urobilinogen giảm hoặc vắng mặt trong vàng da tắc mật và khi nồng độ bilirubin niệu cao.
Bilirubin và urobilinogen niệu có thể giúp phân biệt giữa tan máu, bệnh gan và tắc mật (Bảng 4).
Bảng 4. So sánh bilirubin và urobilinogen niệu giữa tan máu, bệnh gan và tắc mật
Bệnh |
Bilirubin (liên hợp) niệu |
Urobilinogen niệu |
Bệnh tan máu |
Âm tính |
Tăng |
Bệnh gan |
Dương tính hoặc âm tính |
Tăng |
Tắc mật |
Dương tính |
Bình thường |
5.1.11. Acid ascorbic (vitamon C) niệu
Acid ascorbic là một chất chống oxy hóa (antioxidant), do đó, có thể gây nhiễu kết quả xét nghiệm nước tiểu bằng que thử. Nồng độ acid ascorbic nước tiểu bình thường đo bằng que thử là âm tính (0 mmol/L). Việc đánh giá mức độ acid ascorbic trong nước tiểu có thể giúp làm giảm nguy cơ sai lệch kết quả trong một số bệnh lý. Acid ascorbic nồng độ cao trong nước tiểu có thể gây âm tính giả đối với việc xác đinh glucose, máu, bạch cầu, nitrite và bilirrubin nước tiểu bằng que thử (Bảng 5).
Bảng 5. Ảnh hưởng của acid ascorbic trên một số thông số nước tiểu đo bằng que nhúng URiSCAN (Ko DH, 2015 [2]).
Nồng độ các thông số |
Acid ascorbic (mg/dL) |
|||||
0 |
10 |
50 |
100 |
500 |
||
Glucose (mg/dL) |
0 |
- |
- |
- |
- |
- |
100 |
± |
± |
± |
± |
- |
|
250 |
2+ |
1+ |
1+ |
1+ |
- |
|
500 |
3+ |
3+ |
2+ |
3+ |
- |
|
2000 |
4+ |
4+ |
4+ |
4+ |
3+ |
|
Máu (Hồng cầu/µL) |
0 |
- |
- |
- |
- |
- |
5 |
± |
± |
± |
± |
- |
|
10 |
1+ |
1+ |
1+ |
2+ |
1+ |
|
250 |
3+ |
3+ |
3+ |
3+ |
3+ |
|
Bạch cầu (Bạch cầu/ µL) |
0 |
- |
- |
- |
- |
- |
10 |
± |
± |
- |
- |
- |
|
25 |
1+ |
1+ |
- |
- |
- |
|
500 |
3+ |
3+ |
- |
- |
- |
|
Nitrite (mg/dL) |
0 |
- |
- |
- |
- |
- |
0,05 |
+ |
+ |
- |
- |
- |
|
Bilirubin (mg/dL) |
0 |
- |
- |
- |
- |
- |
0,5 |
1+ |
1+ |
- |
- |
- |
|
1 |
2+ |
2+ |
2+ |
1+ |
- |
|
3 |
3+ |
3+ |
3+ |
2+ |
1+ |
5.1.12. Microalbumin niệu
Microalbumin niệu là nồng độ thấp của albumin trong một mẫu nước tiểu ngẫu nhiên (nồng độ albumin từ 20 đến 200 mg /L) hoặc từ nước tiểu 24 giờ (nồng độ albumin từ 30-300 mg/24 giờ).
Microalbumin niệu bình thường đo bằng que thử là <20 mg/L (Bảng 6).
Bảng 6. Phân loại và giá trị cắt (cut-off) của microalbumin niệu và albumin niệu (Lothar T, 1998 [3])
Các thông số |
Độ nhạy (%) |
Nitrite |
23,31 |
Bạch cầu |
48,5 |
Máu |
63,94 |
Nitrite và bạch cầu |
53,1 |
Bạch cầu và máu |
72,28 |
Nitrite + Máu |
68,66 |
Nitrite + Bạch cầu + Máu |
74,02 |
- Đối với các bệnh nhân đái đường phụ thuộc insulin, microalbumin niệu dai dẳng phải được xem như một nguy cơ cao không những đối với sự tiến triển của bệnh thận, bệnh tim mà còn là một nguy cơ đối với cả bệnh võng mạc, thần kinh ngoại biên và sự tăng huyết áp. - Đối với các bệnh nhân đái đường type 2, microalbumin niệu không những là một chỉ dẫn về biến chứng thận do đái tháo đường mà còn là một chỉ dẫn về tử vong sớm do biến chứng tim mạch. - Microalbumin niệu là một dấu hiệu lý tưởng đối với nguy cơ của bệnh thận (giai đoạn sớm của bệnh lý thận) và cũng là chỉ dẫn cho sự điều trị sớm đối với sự tăng huyết áp tiếp theo.
- Microalbumin niệu còn có vai trò trong điều tra, quản lý, theo dõi biến chứng tim mạch và tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân cao huyết áp vô căn, kể cả những người có nguy có di truyền về cao huyết áp. - Microalbumin niệu là chỉ điểm quan trọng của bệnh tim mạch: là một dấu hiệu của thiếu máu cục bộ cơ tim, của rối loạn chức năng nội mạc mạch máu, một yếu tố nguy cơ đối với nghẽn tắc tĩnh mạch (thromboembolism), là một dấu hiệu có giá trị của bệnh tim mạch ở những người không đái đường.
5.1.13. Calci niệu
Calci là một chất khoáng phổ biến nhất trong cơ thể. 99% calci có vai trò trong cấu tạo và chức năng của xương và răng, phần còn lại có vai trò trong dẫn truyền tín hiệu tế bào, đông máu, co cơ và hoạt động thần kinh. Số lượng calci trong cơ thể phụ thuộc vào lượng calci từ thức ăn, lượng calci và vitamin D hấp thu từ ruột, mức độ phosphat trong cơ thể, các hormon estrogen, calcitonin và PTH.
Nồng độ calci nước tiểu bình thường đo bằng que thử là 1,5-9,0 mmol/L.
Nồng độ canxi trong nước tiểu có thể tăng trong: cường cận giáp, hội chứng sữa-kiềm (milk-alkali syndrome: gặp ở những phụ nữ sử dụng quá nhiều calci để ngăn ngừa chứng loãng xương), tăng calci niệu vô căn, bệnh u hạt (sarcoidosis: viêm xảy ra trong các hạch bạch huyết, phổi, gan, mắt, da hoặc các mô khác), nhiễm toan ống thận, ngộ độc vitamin D, sử dụng thuốc lợi tiểu quai (loop diuretics: bumetanide, ethacrynic acid, furosemide, torsemide), và trong suy thận.
Nồng độ canxi trong nước tiểu có thể giảm trong: rối loạn hấp thu (nôn mửa hoặc tiêu chảy), thiếu vitamin D, suy tuyến cận giáp (tuyến cận giáp không sản xuất đủ lượng hormone nhất định để giữ calci và phospho ở mức độ thích hợp), sử dụng thuốc lợi tiểu thiazide.
5.1.14. Creatinine niệu
Creatinine là sản phẩm cuối cùng của sợ chuyển hóa của creatine. Creatine có chủ yếu ở trong cơ và sự sản xuất creatinine có liên quan đến khối lượng cơ của cơ thể. Thận bài tiết creatinine rất hiệu quả nên mức độ creatinine trong máu và nước tiểu ở người khỏe mạnh khá ổn định.
Nồng độ bình thường của creatinine nước tiểu đo bằng que thử là 2,0-22,0 mmol/L.
Creatinine niệu giảm trong bệnh thận, nhiễm khuẩn thận, suy thận, tắc đường tiết niệu do sỏi, …
Ngoài 14 thông số nước tiểu, 2 tỷ số albumin/creatinine nước tiểu (albumin/creatinine ratio: ACR) và protein/creatinine nước tiểu (urine protein/creatinine ratio: PCR) cũng có thể được sử dụng trong thực tế lâm sàng.
*Tỷ số albumin/creatinine nước tiểu (ACR):
- Giới hạn tham chiếu của tỷ số ACR bình thường là <3,0 mg albumin/mmol creatinine, từ 3,0 đến 30 mg/mmol là tăng vừa, >30,0 mg/mmol là tăng cao.
- Tỷ số ACR phản ánh chính xác hơn lượng albumin bị đào thải ra nước tiểu, được sử dụng để sàng lọc bệnh thận trong đái tháo đường và huyết áp cao.
- Tỷ số ACR có thể được sử dụng để theo dõi bệnh thận, tổn thương thận hoặc để điều chỉnh liều thuốc.
*Tỷ số protein/creatinine nước tiểu (PCR):
- Giới hạn tham chiếu của PCR ở người trưởng thành là <15 mg protein/mmol creatinine, ở trẻ em <18 tuổi là <20 mg/mmol.
- PCR 15-49 mg/mmol là protein niệu dạng vết.
- PCR 50-99 mg/mmol là tăng protein niệu có ý nghĩa. PCR 100-300 mg/mmol là tăng protein niệu cao. PCR >300 mg/mmol là tăng protein niệu bệnh lý thận.
- Tỷ số ACR và PCR có thể giúp tiên lượng các biến chứng của bệnh thận mạn (Fisher H, 2013 [1]).
5.2. Ý nghĩa lâm sàng của 14 thông số nước tiểu trong một số bệnh
Ngày nay, phân tích nước tiểu tiếp tục vẫn còn là một công cụ mạnh mẽ trong sàng lọc, chẩn đoán, theo dõi tiến trình bệnh và hiệu quả điều trị của nhiều bệnh.
5.2.1. Đái tháo đường (Diabetes)
Các thông số nước tiểu quan trọng giúp đánh giá biến chứng chuyển hóa của đái tháo đường gồm: bạch cầu, nitrite, ketone, glucose và tỷ số albumin/creatinine (ACR). Các thông số này thực hiện theo thời gian có thể giúp theo dõi biến chứng thận và hội chứng chuyển hóa của đái tháo đường. Microalbumin niệu có thể giúp phát hiện sớm tổn thương thận liên quan với đái tháo đường. Các thông số bạch cầu và nitrite giúp phát hiện nhiễm khuẩn đường tiết niệu, một biến chứng hay gặp của đái tháo đường. Thông số ketone giúp đánh giá mức độ nặng và rối loạn chuyển hóa ketone niệu do đái tháo đường, một tình trạng nặng có thể dẫn đến hôn mê hoặc tử vong.
5.2.2. Các rối loạn của thận (Kidney disorders)
Các thông số nước tiểu quan trọng giúp đánh giá các rối loạn của thận gồm bạch cầu, protein, pH, máu, tỷ trọng, creatinine, microalbumin, tỷ số protein/creatinine (P/C) và tỷ số albumine/creatinine (A/C). Bạch cầu chỉ ra sự nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Sự có mặt của protein niệu có thể là do suy giảm chức năng thận. pH được sử dụng để xác định kiểu sỏi thận. Máu trong nước tiểu chỉ ra sự tổn thương thận. Tỷ trọng và creatinine chỉ ra khả năng cô đặc hoặc pha loãng nước tiểu của thận. Microalbumin niệu chỉ ra vi tổn thương thận. Các tỷ số P/C và A/C có thể được thực hiện với mẫu nước tiểu buổi sáng hoặc ở thời điểm bất kỳ, có thể giúp đánh giá nguy cơ phát triển bệnh thận mạn trong đái tháo đường. Tỷ số P/C chỉ ra các yếu tố liên quan đến nguy cơ bệnh thận. Tỷ số A/C giúp phát hiện mức độ thấp của albumin niệu, giúp phát hiện biến chứng thận sớm của đái tháo đường.
5.2.3. Các rối loạn về tiết niệu (Urinary Disorders)
Thông số quan trọng nhất để phát hiện các rối loạn về tiết niệu là máu nước tiểu. Máu nước tiểu chỉ ra tổn thương của thận hoặc đường tiết niệu. Nguyên nhân có máu trong nước tiểu có thể do các bệnh lành tính như sỏi thận, niệu quản, bàng quang, chấn thương đường tiết niệu, nhưng cũng có thể do ung thư đường tiết niệu.
5.2.4. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu (Urinary Tract Infections: UTI)
Các thông số nước tiểu quan trọng có thể giúp đánh giá nhiễm khuẩn đường tiết niệu gồm bạch cầu, nitrite, pH và máu nước tiểu. Bạch cầu (enzyme esterase của bạch cầu) được thấy trong nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Nitrite nước tiểu có mặt giúp phát hiện sự khử nitrate, nghĩa là sự có mặt của các vi khuẩn gram âm. pH nước tiểu cao giúp đánh giá sự nhiễm kiềm nếu có nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Máu nước tiểu có thể chỉ ra sự tổn thương đường tiết niệu.
Sự kết hợp các thông số nước tiểu này sẽ cho phép đánh giá tốt hơn sự có mặt hoặc không của sự nhiễm khuẩn đường tiết niệu hơn là chỉ sử dụng một thông số đơn lẻ nào đó. Que thử phân tích nước tiểu là một phương tiện có hiệu quả để xác định hoặc loại trừ (effective “rule-out” tool) các bệnh nhân nghi ngờ nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Nếu cả hai thông số bạch cầu và nitrite đề âm tính, rất ít khả năng bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Độ nhạy của một số thông số nước tiểu trong chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiết niệu được chỉ ra ở Bảng 6.
Bảng 6. Độ nhạy của một số thông số nước tiểu trong chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiết niệu (Mambatta AK, 2015 [4])
Các thông số |
Độ nhạy (%) |
Nitrite |
23,31 |
Bạch cầu |
48,5 |
Máu |
63,94 |
Nitrite và bạch cầu |
53,1 |
Bạch cầu và máu |
72,28 |
Nitrite + Máu |
68,66 |
Nitrite + Bạch cầu + Máu |
74,02 |
5.2.5. Các bệnh hoặc tổn thương gan (Liver Disease or Damage)
Các thông số nước tiểu quan trọng giúp đánh giá bệnh gan hoặc tổn thương gan gồm urobilinogen, tỷ trong và bilirubin nước tiểu. Urobilinogen là một xét nghiệm bổ sung để phát hiện và chẩn đoán phân biệt bệnh gan, bệnh tan máu và sư tắc mật. Tỷ trọng nước tiểu giúp đánh giá khả năng cô đặc hoặc pha loãng nước tiểu của thận. Bilirubin có thể chỉ ra những bất thường ảnh hưởng đến hệ thống gan - mật (Thapa BR, 2007 [6]). Sự kết hợp urobilinogen và bilirubin cung cấp nhiều thông tin hữu ích để chẩn đoán phân biệt bệnh gan với một số bệnh khác hơn là chỉ sử dụng một thông số đơn thuần.
5.2.6. Các rối loạn liên quan đến thai kỳ (Pregnancy Related Disorders)
* Tiền sản giật (Pre-eclampsia).
Thông số quan trọng để đánh giá tiền sản giật là protein niệu. Protein niệu có thể chỉ ra chứng tiền sản giật trong quá trình thai nghén. Xét nghiệm protein nước tiểu được thực hiệnđể thêm vào chẩn đoán tiền sản giật, một tình trạng tăng huyết áp và protein niệu xảy ra trong quá trình thai nghén và ảnh hưởng đến khoảng 5-12% trong tổng số thai phụ.
* Đái đường thai kỳ (Gestational Diabetes)
Thông số quan trọng để đánh giá đái tháo đường thai kỳ là glucose niệu. Glucose niệu có thể chỉ ra đái tháo đường thai kỳ. Cùng với việc đo huyết áp, xét nghiệm sàng lọc glucose niệu từ tuần 24 đến tuấn 28 của thai kỳ có thể giúp phát hiện đái tháo đường thai kỳ. Người ta đánh giá rằng có khoảng 4% thai phụ bị biến chứng thành đái tháo đường.
5.2.7. Các bệnh lây truyền qua đường sinh dục (Sexually Transmitted Diseases)
Các thông số nước tiểu quan trọng giúp đánh giá bệnh truyền qua đường sinh dục là bạch cầu thông qua việc phát hiện enzyme esterase của bạch cầu. Sự tăng số lượng bạch cầu trong nước tiểu có thể chỉ ra sợ đáp ứng của vi khuẩn đối với các bệnh truyền qua đường tình dục.
5.2.8. Bệnh tim mạch (Myocardial Diseases)
Nghiên cứu protein niệu dựa trên kết quả phân tích bằng que nhúng trên 16.573 bệnh nhân đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường, Wang J và cộng sự, 2017 [7] đã thu được kết quả như được chỉ ra ở Bảng 7.
Bảng 7. Tỷ lệ xuất hiện nhồi máu cơ tim và tử vong trong số các bệnh nhân đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường có và không có protein niệu (Wang J, 2017 [7])
Bệnh nhân |
Nhồi máu cơ tim |
Tử vong |
||
Số sự kiện |
Số sự kiện/1000 người/năm |
Số sự kiện |
Số sự kiện/1000 người/năm |
|
Tổng số, n=16.573 |
211 |
1,61 |
403 |
3,05 |
Protein niệu (-) tính, n=12.985 |
142 |
1,38 |
259 |
2,5 |
Protein niệu (+) tính 1- 2 lần, n=2.636 |
49 |
2,35 |
84 |
4,00 |
Protein niệu (+) tính > 2 lần, n=952 |
20 |
2,67 |
60 |
7,94 |
P |
<0,001 |
<0,001 |
Kết quả cho thấy, ở những bệnh nhân có protein niệu và số lần xuất hiện protein niệu nhiều hơn, tỷ lệ xuất hiện nhồi máu cơ tim và tử lệ tử vong cao hơn một cách rất rõ rệt so với nhóm bệnh nhân có protein niệu âm tính.
5.2.9. Các rối loạn do ăn uống (Eating Disorders)
Các thông số quan trọng để đánh giá những rối loạn liên quan đến ăn uống gồm tỷ trọng và ketone nước tiểu. Tỷ trong nước tiểu tăng thể hiện sự nôn nặng. Sự có mặt của ketone trong nước tiểu có thể chỉ ra sự đói hoặc nôn nặng. Sự kết hợp hai thông số này cung cấp những thông tin hữu ích về sự mất nước thật sự, có thể giúp chẩn đoán các rối loạn về ăn uống như chứng chán ăn thần kinh (anorexia nervosa) hoặc nôn khi ăn (bulimia nervosa).
Tài liệu tham khảo
- Fisher H, Hsu C, Vittinghoff E, et al. Comparison of Associations of Urine Protein-Creatinine Ratio Versus Albumin-Creatinine Ratio With Complications of CKD: A Cross-sectional Analysis. Am J Kidney Dis 2013 Dec; 62(6): 10.
- Ko DH, Jeong TD, Kim S, et al. Influence of vitamin C on urine dipstick test results. Ann Clin lab Sci 2015; 45(4): 391-394.
- Lothar T. Urinary proteins. In: Clinical laboratory diagnostics: use and assessment of clinical laboratory results. TH-books Verlagsgesellschaft mbH 1998; Frankfurt , Gemany: 382-400.
- Mambatta AK, Jayarajan J, Rashme VL. Reliability of dipstick assay in predicting urinary tract infection. J Family Med Prim Care 2015 Apr-Jun; 4(2): 265-268.
- Simerville JA, Maxted WC, Pahira JJ. Urinalysis: a comprehensive review. Am Fam Physician 2005 Mar; 71 (6): 1153-1162.
- Thapa BR and Walia A. Liver Function Tests and their Interpretation. Indian J Pediatr 2007; 74(7): 663-671.
- Wang J, Li J, Wang A, et al. Dipstick proteinuria and risk of myocardial infarction and all-cause mortality in diabetes or pre-diabetes: a population-based cohort study. Sci Rep 2017 Sep 20; 7(1): 11986.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!