Các tin tức tại MEDlatec
Ý nghĩa lâm sàng của dấu ấn ung thư SCC
1. Chỉ định
Xét nghiệm định lượng dấu ấn ung thư SCC huyết tương được chỉ định để chẩn đoán, theo dõi sự tiến triển và đáp ứng đối với điều trị các ung thư tế bào vẩy nguyên phát và tái phát, gồm:
1. Ung thư cổ tử cung;
2. Ung thư phổi;
3. Ung thư thực quản;
4. Ung thư vùng đầu, cổ;
5. Ung thư cơ quan sinh dục và tiết niệu [3].
2. Chẩn đoán
Giá trị bình thường của SCC huyết tương (hoặc huyết thanh) người khỏe mạnh là 0-3 ng/mL.
3. Ý nghĩa lâm sàng
Nồng độ SCC huyết tương có thể tăng trong các trường hợp sau:
1. Ung thư cổ tử cung: nồng độ SCC huyết tương tăng gặp ở 45-83% số bệnh nhân ung thư cổ tử cung tế bào vảy (servical squamous cell carcinoma) và ở 66-84% ung thư cổ tử cung tế bào vảy tái phát [3]. Nồng độ SCC cũng tăng ở 56% số bệnh nhân ung thư cổ tử cung tế bào vảy tuyến (cervical adenosquamous carcinoma) và 0-23% ung thư cổ tử cung tế bào tuyến (cervical adenocarcinoma). Sự tăng nồng độ SCC tỷ lệ với mức độ nặng của ung thư cổ tử cung tế bào vảy. Sau phẫu thuật kết hợp xạ trị, nồng độ SCC huyết tương trở lại bình thường trong khoảng 3 ngày (half-life của SCC là 24 giờ). Sự thay đổi nồng độ SCC cũng tỷ lệ với tiến trình của bệnh. Nồng độ SCC có liên quan đến sự tái phát khối u và tiên lượng của bệnh. Các bệnh nhân ung thư có SCC tăng trở lại sau phẫu thuật 2-6 tuần có tỷ lệ tái phát 92%. So với các dấu ấn ung thư khác, trong ung thư cổ tử cung tế bào vảy, SCC có độ nhạy (70-74%) cao hơn CEA (31-34%) và CA125 (35%) [3].
2. Các ung thư cơ quan sinh dục nữ khác: độ nhạy lâm sàng của SCC ở ung thư vú là 0-10%, ở ung thư niêm mạc tử cung là 8-30%, ở ung thư tử cung 30%, ở ung thư buồng trứng là 4-20%, ở ung thư âm hộ là 19-42% và ở ung thư âm đạo là 17% [3].
3. Ung thư phổi: tần suất tăng nồng độ SCC huyết tương cao nhất gặp ở ung thư phổi tế bào vảy là 39-78%, ở ung thư phổi tế bào không nhỏ là 33-61%, ở ung thư phổi tế bào lớn là 18%, ở ung thư phổi tế bào nhỏ là 4-18 % và ở ung thư tế bào tuyến (adenocarcinoma) là 15-42% [2]. Có sự tương quan giữa nồng độ SCC huyết tương và mức độ nặng của ung thư phổi: độ nhạy lâm sàng của SCC ở giai đoạn I là 27-53%, giai đoạn II là 31-72%, giai đoạn III là 60-88% và giai đoạn IV là 71-100% [2]. Cũng có sự tương quan giữa nồng độ SCC và tiến trình bệnh: sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u ở phổi, nồng độ SCC trở về giới hạn bình thường. Nếu tái phát, thường là sau phẫu thuật 4-5 tháng, nồng độ SCC lập tức tăng lên [2]. So với các dấu ấn ung thư khác, trong ung thư phổi tế bào nhỏ, độ nhạy lâm sàng của NSE là 73%, cao hơn của CEA (28%) và của SCC (10%); trong ung thư phổi tế bào không nhỏ, độ nhạy lâm sàng của CEA là 70%, cao hơn của SCC (41%) và của NSE (31%); trong ung thư phổi tế bào vảy, SCC có độ nhạy lâm sàng (76-78%) cao hơn CEA (31-63%) [2].
4. Ung thư vùng đầu và cổ: Trong các ung thư vùng đầu và cổ, độ nhạy lâm sàng của SCC là 34-78%, trong đó, tỷ lệ tăng SCC trong ung thư ở xoang xương hàm trên là 49%, ở khoang miệng là 34%, ở lưỡi là 23%, ở thanh quản là 19% và ở họng là 11-33% [3, 6].
5. Ung thư thực quản: Trong ung thư thực quản, độ nhạy lâm sàng trung bình của sự tăng SCC là 30-39%, phụ thuộc vào giai đoạn bệnh: giai đoạn I là 0-27%, giai đoạn II là 20-40%, giai đoạn III là 39-61% và giai đoạn IV là 45-50% [1, 3].
6. Ung thư các cơ quan sinh dục nam, tiết niệu: nồng độ SCC huyết tương tăng ở 45% ung thư dương vật, cũng có thể tăng ở ung thư niệu đạo, ung thư tế bào vảy da [3].
7. Ung thư các cơ quan khác: ở ung thư đại tràng và ung thư tụy, nồng độ SCC huyết tương tăng trong khoảng 20% các trường hợp [3].
8. Các bệnh lành tính: nồng độ SCC huyết tương có thể tăng nhẹ (3ng/mL) trong các bệnh lành tính với tỷ lệ tăng trong tổng số bệnh nhân ở mỗi bệnh như sau:
- Xơ gan (6-10% số bệnh nhân);
- Viêm tụy (6-10% số bệnh nhân);
- Suy thận (44-78% số bệnh nhân), mức độ SCC tăng tương quan thuận với mức độ tăng creatinin huyết tương;
- Các bệnh phổi lành tính (viêm phế quản mạn, tắc nghẽn phổi mạn tính, lao) (0-40% số bệnh nhân);
- Các bệnh phụ khoa (3-37% số bệnh nhân), riêng viêm cơ tử cung 3-8%;
- Các bệnh ENT (21% số bệnh nhân);
- Các khối u lành tính (46% số bệnh nhân);
- Các bệnh da lành tính như bệnh vảy nến (83%), eczema (80%);
- Các bệnh viêm khác [3]
Tài liệu tham khảo
1. Damle SR (1988). Usefulness of squamous cell carcinoma antigen (SCC) in carcinoma of the esophagus. Clin Chem; 34: 129901300.
2. Ebert W, Stabrey A, Bulzebruck H, Kayser K, Merkle N (1988). Efficiency of SCC antigen determinations for diagnosis and therapy-monitoring of squamous cell carcinoma of the lung. Tumor-Diagn & Ther; 9: 87-95.
3. Lothar T (1998). Osteocalcin. In: Clinical laboratory diagnostics: use and assessment of clinical laboratory results. TH-books Verlagsgesellschaft mbH; Frankfurt , Gemany: 986-990.
4. Roijer E, Nilsson K, Oskarsson M, Dahlen U, Andersson I, Nilsson O (2003). Development of monoclonal Antibodies and Immunoassays against different forms of Squamous Cell Carcinoma Antigens (SCCA). Tumor Biol 24: 83.
5. Suminami Y, Kishi F, Sekiguchi, Kato H (1991). Squemous cell carcinoma antigen is a new member of the serine protease inhibitors. Biochem Biophys Res Commun 181: 51-58.
6. Tannapfel A, Weber A (2001). Tumor markers in squamous cell carcinoma of the head and neck: clinical effectiveness and prognostic value. European Archives of Oto-Rhino-Laryngology; 258 (2): 83-88.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!