Tin tức
Thở rút lõm lồng ngực do viêm phổi ở trẻ, cha mẹ nên làm gì?
- 14/11/2024 | Bệnh lõm xương ức ở trẻ em: Khi nào cần can thiệp phẫu thuật
- 24/06/2022 | Trẻ viêm phổi có triệu chứng như thế nào? Đâu là nguyên nhân gây bệnh?
- 23/01/2025 | Viêm phổi ở trẻ em: Triệu chứng, cách chẩn đoán và phòng ngừa
1. Bệnh viêm phổi và hiện tượng rút lõm lồng ngực ở trẻ
1.1. Như thế nào là thở rút lõm lồng ngực?
Bình thường, khi trẻ hít vào, lồng ngực sẽ căng và phồng lên do không khí đi vào phổi. Nếu phần dưới lồng ngực (vị trí tiếp giáp giữa bụng với ngực) bị lõm vào khi trẻ hít vào thì gọi là thở rút lõm lồng ngực. Hiện tượng này xảy ra khi trẻ gặp khó khăn trong việc hô hấp, phải dùng nhiều sức để hít vào, gây sự co kéo cơ hô hấp phụ và khiến cho phần ngực bị rút lõm.
Để nhận diện rõ tình trạng thở rút lõm lồng ngực, mẹ hãy để trẻ nằm ở trạng thái yên tĩnh, vén áo trẻ lên và quan sát lồng ngực của trẻ trong khoảng vài phút.
1.2. Mối liên hệ giữa viêm phổi và hiện tượng thở rút lõm lồng ngực ở trẻ
viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng ở phổi, có thể do vi khuẩn, virus hoặc vi nấm gây ra. Ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, viêm phổi rất dễ xảy ra do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.
Khi bị viêm phổi, đường thở của trẻ bị viêm và tiết nhiều dịch nhầy, khiến oxy khó đi vào máu. Lúc này, cơ thể buộc phải tăng cường hoạt động hô hấp để lấy đủ oxy, dẫn đến hiện tượng thở gắng sức và rút lõm lồng ngực.
Thở rút lõm lồng ngực ở trẻ bị viêm phổi là dấu hiệu suy hô hấp, thường kèm theo các triệu chứng khác như: quấy khóc, ho nhiều ngày, bỏ bú, sốt cao, thở nhanh,... Bệnh viêm phổi ở trẻ dễ tiến triển nhanh, cần được điều trị sớm.
Thở rút lõm lồng ngực ở trẻ nhỏ là dấu hiệu cảnh báo suy hô hấp do viêm phổi
2. Dấu hiệu nhận biết thở rút lõm lồng ngực do viêm phổi
2.1. Các dấu hiệu cho thấy trẻ thở rút lõm lồng ngực do viêm phổi
Để nhận diện hiện tượng thở rút lõm lồng ngực và các triệu chứng cảnh báo viêm phổi ở trẻ, cha mẹ hãy chú ý quan sát, phát hiện các tình trạng sau:
- Đếm nhịp thở của trẻ. Trẻ bị viêm phổi thường thở nhanh hơn bình thường. Trẻ được xem là thở nhanh khi:
+ Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi: nhịp thở > 60 lần/phút.
+ Đối với trẻ từ 2 tháng cho đến 1 tuổi: nhịp thở > 50 lần/phút.
+ Đối với trẻ trên 1 tuổi: nhịp thở > 40 lần/phút.
- Quan sát lồng ngực để phát hiện tình trạng lõm lồng ngực khi trẻ hít vào như đã đề cập ở trên. Khi trẻ cố gắng hít thở, các cơ quanh vai và cổ cũng sẽ bị căng cứng.
- Triệu chứng khác: bú kém, bỏ bú, thở khò khè, ho kéo dài, sốt cao, môi tím tái, da xanh, ngủ li bì, quấy khóc,...
2.2. Phân biệt thở rút lõm lồng ngực sinh lý và bệnh lý ở trẻ
Không phải lúc nào thở rút lõm lồng ngực ở trẻ cũng là dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế cha mẹ cần lưu ý để tránh nhầm lẫn tình trạng thở rút lõm lồng ngực sinh lý với bệnh lý như sau:
- Thở rút lõm sinh lý
Đây là hiện tượng dễ gặp ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ nhẹ cân, sinh non. Do hệ hô hấp còn yếu, phổi chưa phát triển hoàn thiện nên trẻ sinh non dễ bị thở rút lõm lồng ngực. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, không kèm ho hoặc sốt, trẻ không quấy khóc mà vẫn ăn ngủ bình thường.
Mặc dù thở rút lõm lồng ngực ở trẻ sinh non không quá đáng lo nhưng nếu hiện tượng này kéo dài, trẻ vẫn cần được thăm khám để đánh giá đúng.
- Thở rút lõm do viêm phổi
Trẻ thở rút lõm lồng ngực do viêm phổi thường đi kèm các triệu chứng như đã nói đến ở trên, dễ tiến triển suy hô hấp gây tử vong nếu không được điều trị tích cực.
3. Chẩn đoán và điều trị viêm phổi gây thở rút lõm lồng ngực ở trẻ
3.1. Chẩn đoán
Ngay khi phát hiện trẻ có hiện tượng thở rút lõm lồng ngực do viêm phổi, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán đúng. Tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ tiến hành các bước chẩn đoán như sau:
- Khám lâm sàng
Bác sĩ quan sát nhịp thở, màu da, phản xạ thần kinh và nghe phổi bằng ống nghe để phát hiện tiếng nổ râm ran là dấu hiệu đặc trưng của viêm phổi.
- Kiểm tra cận lâm sàng
+ Chụp X-quang phổi: xác định mức độ tổn thương phổi.
+ Xét nghiệm máu: đánh giá chỉ số viêm.
Nếu nghi ngờ viêm phổi do vi khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm đờm để tìm vi khuẩn gây bệnh.
Bệnh nhân nhi được bác sĩ nghe phổi trong quá trình khám lâm sàng
3.2. Điều trị
Trẻ có biểu hiện thở rút lõm lồng ngực nặng thường được chỉ định nhập viện để điều trị tích cực bằng cách:
- Thở oxy nếu trẻ thiếu oxy nặng.
- Dùng kháng sinh (nếu viêm phổi do vi khuẩn).
- Dùng thuốc hạ sốt, long đờm, giảm ho.
- Theo dõi thân nhiệt, nhịp thở, SpO2.
Với những trường hợp nhẹ, không cần điều trị tại viện, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và hướng dẫn cha mẹ chăm sóc, theo dõi trẻ tại nhà. Trẻ cần được tái khám đúng hẹn khi đã thực hiện đủ phác đồ điều trị hoặc tái khám ngay khi có dấu hiệu nặng hơn.
Trong quá trình chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà, cha mẹ cần giúp con thực hiện đúng chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, tuyệt đối không tự dừng hoặc thay đổi loại thuốc đã kê đơn vì điều này dễ khiến bệnh của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.
Trẻ được chăm sóc tại nhà cần được đảm bảo môi trường sống thông thoáng, không tiếp xúc với khói thuốc lá, hóa chất độc hại, khói bụi. Phòng của trẻ cần giữ nhiệt độ vừa phải, không để trẻ quá lạnh hoặc quá nóng. Trẻ đang bú mẹ cần được bú mẹ nhiều hơn, trẻ đã ăn dặm cần được bổ sung đa dạng dinh dưỡng từ trái cây, rau xanh để cải thiện miễn dịch.
Trẻ có dấu hiệu thở rút lõm lồng ngực cần được khám và hướng dẫn điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa
Thở rút lõm lồng ngực là dấu hiệu nghiêm trọng của tình trạng suy hô hấp do viêm phổi ở trẻ. Việc phát hiện sớm và đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị ngay có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa biến chứng.
Nếu phát hiện trẻ thở rút lõm lồng ngực và chưa biết nên làm thế nào, cha mẹ có thể đặt ngay lịch khám cho con cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56. Bằng những kiểm tra cần thiết, bác sĩ sẽ chẩn đoán đúng tình trạng của trẻ và tư vấn để cha mẹ biết hướng điều trị tốt nhất cho con.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
