Tin tức
Viêm phổi ở trẻ em: Triệu chứng, cách chẩn đoán và phòng ngừa
- 21/01/2025 | Trẻ sơ sinh hay bị trớ: Cách phát hiện và xử lý kịp thời
- 21/01/2025 | Nhận diện 6 dấu hiệu đau ruột thừa ở trẻ em để đưa bé đi khám kịp thời
- 21/01/2025 | Viêm lợi ở trẻ em - tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
- 21/01/2025 | Tìm hiểu về bớt mạch máu ở trẻ sơ sinh và hướng điều trị
- 22/01/2025 | Trẻ bị não úng thủy sống được bao lâu và phương pháp giúp trẻ tăng thời gian sống
1. Viêm phổi ở trẻ em là bệnh gì?
Viêm phổi ở trẻ em là dạng bệnh lý liên quan đến tình trạng đường hô hấp dưới bị nhiễm trùng. Trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao bị viêm phổi. Khi bị viêm phổi, hệ thống phế nang cũng đồng thời bị viêm nhiễm, tích tụ dịch mủ.
Viêm phổi ở trẻ em không phải bệnh lý hiếm gặp và xuất hiện ở nhiều lứa tuổi khác nhau
2. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh lý viêm phổi ở trẻ nhỏ khởi phát chủ yếu do sự tấn công của một số loại virus, vi khuẩn, các chủng nấm hoặc ký sinh trùng. Phụ thuộc theo nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng của bệnh lý có thể thay đổi. Trong đó, virus và vi khuẩn là hai nhóm tác nhân gây viêm phổi hàng đầu.
- Sự tấn công của vi khuẩn: E.coli, S.aureus, Listeria Monocytogenes,... là các loại vi khuẩn thường gặp, có khả năng xâm nhập và tấn công đường hô hấp gây viêm phổi.
- Sự tấn công của virus: Virus cúm, virus RSV,... là một số loại virus gây viêm phổi. Đối tượng có nguy cơ cao nhiễm những chủng virus này là trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ bị nhiễm virus gây viêm phổi thường biểu hiện ban đầu như cảm cúm, có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Nhiều loại vi khuẩn, virus có khả năng tấn công đường hô hấp gây viêm phổi ở trẻ
Trẻ sống trong khu vực bị ô nhiễm, phải tiếp xúc với khói bụi hay khói thuốc lá,... cũng có nguy cơ bị viêm phổi cao hơn những trẻ khác. Đặc biệt, bệnh lý này dễ khởi phát ở trẻ có hệ miễn dịch kém, trẻ đang mắc bệnh mạn tính, trẻ sinh thiếu tháng, trẻ có đường hô hấp kém.
3. Triệu chứng theo giai đoạn tiến triển
Ở giai đoạn nhẹ, bệnh lý chưa diễn biến nghiêm trọng, biểu hiện ở trẻ bị viêm phổi chưa thực sự rõ ràng. Tuy nhiên nếu chú ý theo dõi nhịp thở, ba mẹ không khó để phát hiện bất thường. Theo đó, khi bị viêm phổi trẻ có thể có dấu hiệu thở nhanh. Cụ thể, nhịp thở của trẻ được xem là bất thường nếu vượt ngưỡng giới hạn sau:
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi: Nhịp thở lớn hơn hoặc bằng 60 lần mỗi phút.
- Trẻ từ 2 đến 12 tháng tuổi: Nhịp thở lớn hơn hoặc bằng 50 lần mỗi phút.
- Trẻ từ 1 đến 5 năm tuổi: Nhịp thở lớn hơn hoặc bằng 40 lần mỗi phút.
Trẻ bị viêm phổi thường thở nhanh, có cơn sốt
Bên cạnh theo dõi nhịp thở, bạn nên kiểm tra xem trẻ có bị sốt cao hay không. Bởi khi bị viêm phổi, trẻ thường lên cơn sốt cao, cơ thể mệt mỏi, ngủ li bì, ho khan hoặc ho có đờm (đờm chuyển sang màu vàng hoặc màu xanh), bỏ ăn, nôn ói,...
Nếu không được điều trị sớm, bệnh lý viêm phổi có thể diễn biến nghiêm trọng, chuyển sang giai đoạn nặng. Triệu chứng thường xuất hiện ở trẻ lúc này là:
- Cơ thể sốt cao kéo dài, không giảm sốt mặc dù đã sử dụng thuốc.
- Da chuyển nhợt nhạt, hoặc da chuyển tím tái.
- Lồng ngực của trẻ bị lõm sâu khi hít thở, chủ yếu xuất hiện ở trẻ dưới 24 tháng tuổi.
- Trẻ bị đau ngực hoặc đau nhức khắp cơ thể.
- Trẻ bỏ ăn.
- Trẻ khó thở hoặc thở khò khè.
Ngay khi nhận thấy trẻ biểu hiện triệu chứng viêm phổi, ba mẹ cần cho trẻ đi kiểm tra sớm để được bác sĩ chẩn đoán, hướng dẫn điều trị phòng ngừa rủi ro.
4. Hướng chẩn đoán và điều trị
4.1. Chẩn đoán
Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra lâm sàng. Bên cạnh thăm khám triệu chứng, bác sĩ thường chỉ định làm thêm những xét nghiệm khác để đánh giá mức độ tổn thương phổi, xác định nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể như:
- Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh: Gồm chụp X-quang, chụp CT hoặc chụp MRI, nội soi phế quản.
- Xét nghiệm máu: Đánh giá bilan viêm, nhiễm khuẩn, tìm nguyên nhân nếu có thể.
- Một số xét nghiệm khác: Chẳng hạn như nuôi cấy dịch màng phổi, cấy dịch tiết hô hấp, đo nồng độ oxy trong máu.
4.2. Điều trị
Hầu hết trẻ mắc viêm phổi đều chỉ cần dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tùy thuộc theo mức độ nghiêm trọng, trẻ có thể điều trị tại nhà hoặc điều trị tại viện. Mục tiêu trọng tâm khi điều trị viêm phổi cho trẻ là giúp đường thở thông thoáng hơn, hạ nhiệt cơ thể, bù dịch. Trường hợp trẻ bị suy hô hấp, liệu pháp oxy sẽ cần được áp dụng.
Phần lớn trẻ bị viêm phổi đều chỉ phải dùng thuốc
5. Các phương pháp phòng ngừa viêm phổi ở trẻ
Bệnh lý viêm phổi ở trẻ không quá khó để phòng ngừa nếu ba mẹ chú ý thực hiện đầy đủ những biện pháp sau:
- Cho trẻ tiêm vắc xin đầy đủ theo chỉ dẫn của Bộ Y tế, gồm cả vắc xin phòng ngừa bệnh lý về đường hô hấp: Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ giúp cơ thể nâng cao hệ miễn dịch của trẻ, giúp trẻ chống chọi tốt hơn với tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Trong trường hợp bị bệnh, mức độ tiến triển của những trẻ đã tiêm vắc xin thường chậm hơn, mức độ nguy hiểm thấp hơn.
- Không cho trẻ tiếp xúc với nguồn gây bệnh: Ba mẹ không nên cho trẻ đến nơi tập trung đông người, vùng đang xuất hiện dịch bệnh. Nếu trẻ phải đi ra ngoài, bạn hãy cho trẻ đeo khẩu trang, không nên để trẻ tiếp xúc với người đang có dấu hiệu bị bệnh.
- Vệ sinh cá nhân hàng ngày cho trẻ: Ba mẹ hãy tập cho trẻ thói quen tự vệ sinh cá nhân hàng ngày. Trong đó, thói quen súc miệng, rửa mũi bằng nước muối hàng ngày giúp phòng ngừa khá hiệu quả bệnh lý về đường hô hấp.
- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ: Để loại bỏ phần nào yếu tố gây bệnh xung quanh, bạn hãy dọn dẹp nhà cửa, không gian trẻ hay sinh hoạt thường xuyên.
- Giữ ấm cho trẻ: Nếu thời tiết bên ngoài chuyển lạnh, bạn cần chú ý cho trẻ mặc ấm, nhất là giữ ấm vùng cổ, không để trẻ uống nước đá lạnh.
- Lên chế độ dinh dưỡng đủ chất: Ba mẹ cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Bạn hãy khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây rau vitamin hỗ trợ đề kháng, tăng cường khả năng chống chọi lại tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, ba mẹ nên tập cho trẻ thói quen uống nhiều nước.
- Khuyến khích trẻ luyện tập thể dục thể thao: Vận động thể chất điều độ, đúng cách sẽ giúp cơ thể dẻo dai hơn, chống chọi tốt với tác nhân gây bệnh.
Ba mẹ nên giữ ấm cơ thể cho trẻ nếu thời tiết chuyển lạnh
Bên cạnh đó, bạn cần chú ý cho trẻ đi khám sức khỏe hàng năm hoặc khám khi nhận thấy trẻ biểu hiện triệu chứng bất thường. Bởi nếu phát hiện và can thiệp điều trị từ sớm, biến chứng viêm phổi ở trẻ em sẽ được giảm thiểu. Nếu chưa biết nên cho trẻ đi khám ở đâu, ba mẹ có thể tham khảo và lựa chọn chuyên khoa Nhi thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC với kinh nghiệm hoạt động gần 30 năm. Để đặt lịch khám trước, Quý khách vui lòng liên hệ MEDLATEC theo hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!