Tin tức
Thuốc dùng cho các bệnh thường gặp ở mi mắt
Dị ứng mi mắt thường xảy ra do các phản ứng tiếp xúc (tiếp xúc với mỹ phẩm, dầu gội đầu, mỡ tra mắt), nhưng cũng có khi do uống thuốc (kháng sinh, aspirin, thuốc ngủ) hoặc thức ăn (cá, tôm…). Triệu chứng thường gặp là đỏ mắt, ngứa, phù mi. Điều trị dị ứng mi trước hết phải loại trừ được dị nguyên gây bệnh. Thuốc chủ yếu dùng là các loại kháng histamin toàn thân (uống) hoặc tại chỗ (bôi) như clopheniramin (đây là thuốc rất phổ biến trong các hiệu thuốc). Có thể dùng corticoid (mỡ Dexamethason, hydrocortison) tra tại chỗ để làm dịu phản ứng tức thì.
Nhiễm trùng mi
Biểu hiện có thể rất nhẹ hoặc rất nặng. Thường gặp hơn cả là viêm nang lông mi do tụ cầu gây triệu chứng ngứa hoặc bỏng, rát mi. Đối với các trường hợp viêm nhẹ chủ yếu dùng kháng sinh tại chỗ (dùng cho mắt) như bacitracin, gentamycin, tobrramycin, tetracyclin, phối hợp với dung dịch sát khuẩn rửa bờ mi (như nước muối 0,9%). Nặng hơn có thể phối hợp kháng sinh toàn thân.
Lẹo
Là nhiễm trùng tụ cầu của nang lông mi và tuyến Zeiz bờ mi có biểu hiện sưng, đỏ khu trú ở một điểm bờ mi, có thể sưng tấy, đau nhức. Điều trị tại chỗ bằng mỡ kháng sinh (dùng cho mắt). Nếu lẹo thành áp xe mủ cần chích trước khi áp xe vỡ.
Nhiễm nấm bờ mi
 Nhiễm nấm bề mặt da mi mắt biểu hiện bằng các vẩy da khô hoặc sừng hóa, ngứa và thường được điều trị tốt với griseofulvin. Trường hợp viêm sâu phải phối hợp các loại thuốc chống nấm toàn thân nhóm ketoconazol hoặc miconazol. Nhiễm nấm bờ mi thường gây rụng lông mi, ngứa và tạo vẩy ở mi. Điều trị kéo dài bằng cách vệ sinh, sát trùng bờ mi và dùng các chế phẩm chống nấm do bác sĩ chuyên khoa chỉ định.
Chắp
 Là viêm vô trùng của tuyến Meibomius thuộc mi mắt nhưng cũng có thể là do bị nhiễm trùng thứ phát. Điều trị ở giai đoạn đầu bằng chườm nóng, nếu có bội nhiễm phải dùng kháng sinh tại mắt. Nếu chườm nóng không có kết quả, chắp khu trú tạo vỏ xơ thì cần chích và nạo sạch lòng chắp. Trường hợp vỏ xơ quá dày cần mổ lấy cả bọc để tránh tái phát.
Cần lưu ý, hiện trên thị trường các loại thuốc tra, nhỏ mắt có chứa corticoid hoặc phối hợp corticoid với kháng sinh rất hay bị lạm dụng. Điều này rất nguy hiểm vì thuốc có nhiều tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe. Tai biến thường gặp nhất tại mắt là giảm sức đề kháng của mắt với các nhiễm khuẩn nên dễ mắc bệnh, nhất là nhiễm nấm và virut, chậm liền vết thương, đục thủy tinh thể, gây tăng nhãn áp... Vì vậy, người bệnh không được tự ý dùng. Khi được chỉ định dùng cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Theo Sức khỏe và đời sống
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!