Tin tức

Bạn biết gì về hồng ban nút?

Ngày 12/04/2014
ThS. Phạm Phú Vinh
Hồng ban nút (EN) là tổn thương viêm da, gây nên các nốt đỏ, đau thường gặp ở mặt trước của chi dưới và đoạn dưới gối. Quá trình viêm có thể diễn biến kéo dài vài tuần, rồi các nốt tự co lại và tổn thương phẳng, nhưng để lại dấu bầm tím trên da. Hồng ban nút là một dạng phản ứng quá mẫn chậm đối với nhiều loại kháng nguyên khác nhau, xảy ra cùng lúc với nhiều bệnh lý nền, do thuốc điều trị hoặc không rõ nguyên nhân.


Các yếu tố nguy cơ gây bệnh

Một vài nghiên cứu cho biết: tại Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc mới nhiều nhất là nhóm tuổi từ 18-34 tuổi; tại Anh, tỷ lệ này là 2,4 ca/10.000 dân mỗi năm. Ở nước ta tuy chưa có số liệu nghiên cứu, nhưng số ca bệnh đến khám và điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa da liễu khá nhiều hàng năm. Nam mắc bệnh ít hơn nữ, với tỷ lệ là 1/4. Bệnh hồng ban nút vẫn có thể gặp ở trẻ em và bệnh nhân cao tuổi. Hồng ban nút có thể xảy ra như một bệnh riêng biệt hoặc có liên quan với một bệnh lý nền khác.
 

Có những yếu tố dễ gây bệnh là: sử dụng các thuốc nhóm sulfa, thuốc nội tiết estrogen, thuốc tránh thai, viên ngậm strep. Các bệnh mèo cào, bệnh sarcoidosis, bệnh viêm ruột, bệnh bạch cầu, Hodgkin, ung thư hạch, thấp khớp, bệnh Bechet và viêm loét đại tràng, phụ nữ mang thai. Nhiễm khuẩn: liên cầu, chlamydia, nấm, Histoplasma, Mycoplasma và Blastomycosis, viêm gan siêu vi B, C, nhiễm xoắn khuẩn Leptospira, bệnh bạch cầu đơn nhân, lao, giang mai, dịch hạch, thương hàn...Tuy nhiên vẫn có khoảng 50% số trường hợp không rõ nguyên nhân gây bệnh.

Biểu hiện của hồng ban nút


Bùng phát thường bắt đầu với các triệu chứng giống cúm như có sốt và đau toàn thân. Các nốt hồng ban nút thường xuất hiện ở vùng trước mào xương chày và các vị trí hay gặp khác là ở mông, bắp đùi, bắp chân, mắt cá chân và cánh tay. Kích thước các nốt hồng ban khoảng 2-6cm. Trong vòng một vài ngày nốt hồng ban trở thành màu tím, sau đó mờ dần trong vài tuần cho đến một màu nâu phẳng. Các triệu chứng có thể xuất hiện đồng thời gồm: sốt, mệt mỏi toàn thân, đau khớp, da đỏ, viêm hoặc bị kích ứng, sưng chân hoặc khu vực có hồng ban nút khác.
 

Triệu chứng bệnh chủ yếu tập trung ở da và các khớp. Tổn thương ở da: bắt đầu bằng những nốt đỏ sưng đau, bờ không rõ, đường kính từ 2-6cm. Trong tuần đầu, tổn thương cứng, căng và đau nhiều. Đến tuần thứ 2, các nốt hồng ban có thể thay đổi tính chất, biến thành ổ áp-xe nhưng không loét hay hóa mủ. Một đợt bùng phát hồng ban nút có thể tồn tại trong 2 tuần, trong khi các hồng ban mới vẫn tiếp tục xuất hiện liên tục trong 3-6 tuần. Các hồng ban nút đặc biệt xuất hiện nhiều ở mặt trước 2 cẳng chân, tuy vẫn có thể xuất hiện thêm ở những nơi khác. Trung bình khoảng 2 tuần, một hồng ban nút xuất hiện bắt đầu đổi từ màu đỏ tươi sang xanh, tím bầm từ tuần thứ 2 và thoái hóa nhạt màu dần, chuyển sang màu vàng, tróc vẩy, để lại vết thâm đen. Trong khi triệu chứng đau nhức cẳng chân và sưng phù hai mắt cá chân có thể diễn ra trong nhiều tuần. Nổi hạch lympho ngoại biên: hạch thường có trong các trường hợp do nhiễm khuẩn hay bệnh lý ác tính đi kèm.
 

Đau khớp thấy ở trên 50% trường hợp mắc bệnh, thường bắt đầu đau trong quá trình nổi hồng ban hoặc xuất hiện trước đó 2-4 tuần. Các khớp sưng đỏ, căng cứng, đau nhức nhiều, đôi khi có tràn dịch khớp. Bệnh nhân có thể bị cứng khớp buổi sáng. Tuy khớp nào cũng có thể bị tổn thương, nhưng gặp nhiều nhất ở mắt cá chân, khớp gối, khớp cổ tay. Triệu chứng cứng khớp có thể kéo dài đến 6 tháng nhưng không có sự hủy hoại các khớp. Dịch khớp không có yếu tố thấp khớp (RF âm tính).
 

Khi bệnh nhân đến khám ở bệnh viện, cần làm các xét nghiệm giúp chẩn đoán như: nuôi cấy bệnh phẩm ở họng để loại trừ nhiễm liên cầu tan máu beta nhóm A; tốc độ máu lắng thấy tăng cao. Chụp Xquang phổi để loại trừ bệnh sarcoidosis, lao...
 

Thái độ xử trí

Hồng ban nút sau khi đã được chẩn đoán thì cần tìm các nguyên nhân bệnh lý nền để điều trị các bệnh lý nền đó cùng với các triệu chứng thương tổn da. Việc quan trọng là phải xác định nguyên nhân, chẳng hạn do nhiễm khuẩn, do các loại thuốc đang sử dụng để chữa bệnh khác; hoặc do một số loại bệnh lý nền... để chọn phác đồ điều trị cho phù hợp và hiệu quả với từng trường hợp cụ thể. Thuốc điều trị hồng ban nút gồm: thuốc chống viêm, cortisone, colchicine cũng có hiệu quả để làm giảm phản ứng viêm; potassium iodide có thể làm giảm tính nhạy cảm của thương tổn, giảm đau khớp và sốt. Dùng thuốc chống viêm không steroid có thể làm giảm triệu chứng viêm. Uống dung dịch Iodua kali có tác dụng làm nhỏ lại kích thước các nốt đỏ viêm.
 

Lời khuyên của bác sĩ

Bệnh nhân bị hồng ban nút nếu được điều trị sớm trong thời gian sang thương vừa xuất hiện sẽ có đáp ứng tốt hơn các trường hợp điều trị muộn. Vì vậy, mọi người cần nắm vững các biểu hiện của bệnh để giúp phát hiện sớm mới điều trị bệnh kịp thời. Bệnh nhân cần nghỉ ngơi tại giường và hạn chế vận động là rất cần thiết trong giai đoạn cấp tính của bệnh, để giúp việc điều trị hiệu quả hơn và có thể hạn chế sự bùng phát của bệnh. Tuy hồng ban nút thường gây khó chịu và đau nhưng không gây ra các thương tổn trong cơ quan nội tạng và cần theo dõi lâu dài là việc làm cần thiết và rất quan trọng.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.