Tin tức
Bất thường nhiễm sắc thể - Nguyên nhân gây sảy thai liên tiếp
- 18/06/2020 | Tìm hiểu về xét nghiệm bất thường nhiễm sắc thể
- 29/08/2020 | Dấu hiệu sảy thai và dọa sảy thai mẹ bầu nào cũng cần “nằm lòng”
- 03/08/2020 | Tình trạng sảy thai tự nhiên có đáng lo hay không?
- 17/04/2020 | Xét nghiệm đo hoạt tính tế bào NK trong sàng lọc ung thư và sảy thai liên tiếp/vô sinh
Sảy thai liên tiếp là gì?
Sảy thai là hiện tượng thai nhi bị mất trước tuần thứ 22 của thai kì và khi một mẹ bầu bị từ 2 lần sảy thai trở lên là sảy thai liên tiếp (Recurrent pregnancy loss - RPL).
Khi một mẹ bầu bị từ 2 lần sảy thai trở lên là sảy thai liên tiếp
Sảy thai liên tiếp được chia thành 2 loại:
- Nguyên phát: Khi người phụ nữ chưa có một thai kỳ nào trên 24 tuần;
- Thứ phát: Thai phụ đã có ít nhất một thai kỳ trên 24 tuần trước đó.
Theo các thống kê cho thấy tỷ lệ sảy thai lên tới là 13,5% và sảy thai liên tiếp khoảng 1-3%. Trên thực tế, con số này còn có thể lớn hơn vì rất khó để xác định số lần sảy thai, đặc biệt là sảy thai sớm trước 10 tuần, có thể nhầm với kinh nguyệt.
Nguyên nhân gây sảy thai liên tiếp (RPL)
Khoảng 40-60% các trường hợp RPL là không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm ra các yếu tố nguy cơ có thể do vợ hoặc chồng hoặc cả hai, trong đó bất thường nhiễm sắc thể là nguyên nhân quan trọng gây sảy thai liên tiếp. Bất thường nhiễm sắc thể (NST) không chỉ gây RPL nguyên phát mà còn có thể gây RPL thứ phát, tức là bố, mẹ có bất thường NST, không phải lúc nào cũng dẫn tới sảy thai liên tiếp mà đôi khi xen giữa các lần sảy thai họ vẫn có thể sinh được con khỏe mạnh.
1. Bất thường NST phôi thai
Theo chia sẻ của ThS. BSNT Nguyễn Bá Sơn: Bất thường NST phôi thai là nguyên nhân hay gặp gây sảy thai tự nhiên, đặc biệt là sảy thai sớm trong quý I của thai kỳ (khoảng 50%) và 1/3 trường hợp trong quý II.
Phần lớn bất thường NST phôi thai là tự phát và ngẫu nhiên do sai sót trong quá trình giảm phân tạo giao tử và phát triển của phôi trong khi bố mẹ có nhiễm sắc thể bình thường. Khoảng 2-5% bất thường NST phôi thai là do di truyền từ bố/mẹ có bất thường NST và gây sảy thai liên tiếp. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nguy cơ mang thai lệch bội NST tăng lên theo tuổi của mẹ bầu. Hiện nay, ở các nước phát triển và đang phát triển độ tuổi trung bình sinh con đầu lòng của phụ nữ tăng lên, do đó tỉ lệ mang thai lệch bội NST cũng tăng lên.
Bất thường nhiễm sắc thể là nguyên nhân chính gây sảy thai liên tiếp
Có nhiều kĩ thuật phân tích NST của mô thai: Karyotype, FISH, aCGH, MLPA, QF-PCR… Trong đó:
- Karyotype là phương pháp truyền thống được sử dụng phổ biến cho phép đánh giá toàn bộ số lượng và cấu trúc của tất cả 46 chiếc nhiễm sắc thể và có thể phát hiện được cả thể khảm mà các kĩ thuật FISH, aCGH khó phát hiện. Phân tích Karyotype giúp phát hiện bất thường NST mô thai, từ đó cung cấp các thông tin về nguyên nhân gây sảy thai, nhưng cũng không thể loại trừ một số nguyên nhân khác kèm theo. Tuy nhiên, xét nghiệm này lại có nhược điểm là nuôi cấy dễ thất bại; mất nhiều thời gian (14-21 ngày); không phân biệt được khi nhiễm máu, mô của mẹ; không phát hiện được các bất thường có kích thước nhỏ <5Mb. Ngoài ra, Karyotype không giúp tiên lượng sự sống của thai ở những lần mang thai tiếp theo và không thể điều trị.
- FISH có giới hạn là sử dụng các đầu dò (probes) cho những NST nhất định, nếu sử dụng probes cho toàn bộ NST thì chi phí cao do đó ít được sử dụng để xác định bất thường NST gây sảy thai.
Karyotype 47,XX,+21: Người nữ mắc hội chứng Down.
Các bất thường NST phôi thai gây sảy thường là các bất thường NST không cân bằng (lệch bội, mất đoạn, lặp đoạn…). Kĩ thuật aCGH có thể phát hiện được các bất thường NST không cân bằng với độ phân giải cao trong thời gian ngắn (5-7 ngày). Do vậy, aCGH là kĩ thuật tốt nhất, cho phép đánh giá tất cả NST khắc phục được nhược điểm của Karyotype và FISH. Tuy nhiên, aCGH có nhược điểm là không thể xác định được biến đổi cấu trúc NST dạng cân bằng; không xác định được nếu tỷ lệ khảm thấp (dưới 10-15%) và giá thành cao.
Một kĩ thuật nữa là NGS cho phép giải trình tự mô thai để xác định bất thường di truyền, mặc dù chưa được công bố rộng rãi nhưng hứa hẹn sẽ là phương pháp tốt trong tương lai.
Bất thường NST phôi thai có nhiều loại: lệch bội, đa bội, bất thường cấu trúc... Trong đó, lệch bội NST chiếm 67,3%, đa bội NST chiếm 26,1%,các bất thường cấu trúc chiếm 3,8% và 2,8% là bất thường khác. Trong các lệch bội NST, trisomy 16 hay gặp nhất với 34,4%; trisomy 12 chiếm 13,6%; trisomy 22 chiếm 12,8%; monosomy X chiếm 15,2%. Tỉ lệ lệch bội NST càng cao nếu sảy thai càng sớm, 90% do bị lệch bội NST nếu sảy từ 0-6 tuần; 50% nếu sảy thai từ 8-11 tuần và 30% nếu sảy từ 16-19 tuần .
2. Bất thường NST vợ/chồng
Khoảng 4% các cặp vợ chồng sảy thai liên tiếp có bất thường bất thường NST trong khi tỷ lệ này ở các cặp đôi bình thường chỉ là 0,2%. Cặp vợ/chồng có bất thường NST dạng cân bằng: chuyển đoạn tương hỗ, chuyển đoạn Robertsonian, đảo đoạn có kiểu hình bình thường nhưng có nguy cơ cao bị sảy thai liên tiếp, sinh con dị tật. Điều này là do vợ hoặc chồng mang bất thường NST, trong quá trình phân ly giảm phân sẽ dẫn tới 50-70% giao tử và phôi có bộ nhiễm sắc thể không cân bằng, các phôi này thường bị sảy hoặc nếu có thể sinh ra thì bị dị tật bẩm sinh.
Các kĩ thuật sinh học phân tử thường ít được áp dụng trong xác định bất thường NST vợ chồng. Phương pháp giúp xác định các bất thường NST cho cặp vợ chồng sảy thai liên tiếp, có tiền sử sinh con dị tật chủ yếu là phân tích Karyotype có nhiều ưu điểm: Giá thành rẻ nên dễ triển khai thường quy; có thể phát hiện các bất thường NST dạng cân bằng (chuyển đoạn, đảo đoạn) và thể khảm hai hay nhiều dòng tế bào.
Trong các bất thường NST, chuyển đoạn tương hỗ hay gặp nhất. Một nghiên cứu trên 2324 cặp vợ chồng sảy thai liên tiếp cho thấy tỉ lệ bất thường NST là 4,91%. Trong đó, chuyển đoạn tương hỗ chiếm 64,9%; chuyển đoạn Robertsonian chiếm 20,2%; đảo đoạn chiếm 8,8% và 6,1% là bất thường khác.
Bất thường NST giới tính, đặc biệt hội chứng Turner với các triệu chứng: chiều cao thấp, nếp thừa da gáy, bất thường về tim mạch, thận và đặc biệt là bất thường về chức năng sinh sản như vô kinh, vô sinh, suy buồng trứng nguyên phát, tử cung nhi tính... Mặc dù vậy, một số trường hợp Turner khảm vẫn có thể có kinh nguyệt, mang thai và bị sảy thai liên tiếp. Một nghiên cứu trên 22 trường hợp Turner khảm mang thai tự nhiên hoặc IVF có 32,7% sinh con sống và 67,3% sảy thai.
3. Bất thường NST khác
Biến đổi NST khác khá thường gặp là các đa hình NST (chromosome variant). Đây là các dạng biến đổi bình thường được quan sát bằng kỹ thuật nhuộm băng và có thể di truyền được. Các biến đổi này không gây các bất thường về kiểu hình, được quan sát thấy thường xuyên trong quần thể. Các đa hình NST hay gặp: qh+, ps+, pstk+, cenh+… Ảnh hưởng của đa hình NST gây sảy thai liên tiếp vẫn chưa có kết luận rõ ràng. Tuy nhiên, một nghiên cứu trên 440 cặp vợ chồng sảy thai liên tiếp và 200 cặp vợ chồng bình thường, cho thấy tỉ lệ đa hình NST gặp ở nhóm sảy thai liên tiếp cao hơn so với nhóm bình thường tương ứng là 8,5% và 3,5%.
Các cặp vợ chồng có karyotype bất thường có tỷ lệ sảy thai ở lần tiếp theo cao; tỷ lệ sinh con sống thấp và nguy cơ cao sinh con bị dị tật bẩm sinh. Tỷ lệ sảy thai, sinh con dị tật những lần sau phụ thuộc vào loại bất thường Karyotype. Sảy thai thường nghiêm trọng hơn ở những cặp vợ chồng mang chuyển đoạn tương hỗ và đảo đoạn so với chuyển đoạn Robertsonian và các bất thường khác. Các cặp vợ chồng này cần được tư vấn di truyền bởi các bác sĩ chuyên khoa Sản và Di truyền về việc có nên mang thai tiếp hay không, nguy cơ và tỉ lệ sảy thai ở các lần mang tai tiếp theo.
Karyotype người nam mang NST chuyển đoạn giữa NST số 4 và 11
Mặc dù, tỉ lệ bất thường NST ở các cặp vợ chồng sảy thai liên tiếp không cao và không thể điều trị được, nhưng phân tích Karyotype có vai trò rất quan trọng, giúp xác định nguyên nhân sảy thai, từ đó định hướng tiên lượng bệnh và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp ở các lần mang thai tiếp theo như: sàng lọc tiền làm tổ (PGS); điều trị nội khoa hoặc xin trứng/tinh trùng…
Xét nghiệm bất thường nhiễm sắc thể tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Chuyên khoa Di truyền - BVĐK MEDLATEC là một trong những địa chỉ uy tín, tin cậy của hàng ngàn khách hàng đến khám và tư vấn.
- Đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành, dày dặn kinh nghiệm, tận tâm: PGS.TS Hoàng Thị Ngọc Lan - Chuyên gia về Di truyền, Trung tâm Chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương; PGS.TS Phan Thị Hoan - Phó Trưởng bộ môn Y sinh học - Di truyền, Trường Đại học Y Hà Nội; ThS.BSNT Nguyễn Bá Sơn - Chuyên khoa Di truyền; BS. Nguyễn Thị Hiền - Chuyên khoa Sản, BVĐK MEDLATEC.
- Hệ thống cơ sở hạ tầng, máy móc và trang thiết bị hiện đại đảm bảo kết quả xét nghiệm nhanh chóng, chính xác;
- Dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi: Giúp khách hàng không cần tới bệnh viện, không cần chờ đợi, không tốn thời gian di chuyển mà vẫn an tâm kiểm tra sức khỏe tại nhà với chi phí xét nghiệm niêm yết đúng bằng giá tại bệnh viện.
Nếu bạn có thắc mắc hoặc cần tư vấn chi tiết hơn về bệnh lý di truyền, hãy liên hệ ngay với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được giải đáp tư vấn miễn phí kịp thời.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!