Tin tức

Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy: khái niệm, nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 01/07/2023
Vũ Thị Thu Hương

Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy: khái niệm, nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy là một loại bệnh lý hiếm gặp xảy ra trong tủy xương - bộ phận có nhiệm vụ sản sinh ra các tế bào máu. Khác với bệnh cấp tính, bệnh bạch cầu mạn dòng tủy sẽ có diễn tiến chậm hơn với biểu hiện không rầm rộ bằng. Tuy nhiên bệnh có mức độ nguy hiểm cao có thể cướp đi tính mạng của người bệnh bất cứ lúc nào nếu không điều trị sớm.

1. Khái niệm bệnh bạch cầu mạn dòng tủy

Như chúng ta đã biết thì 3 thành phần chính chứa trong máu người bao gồm: hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu. Những tế bào máu này đều có chung nguồn gốc là được sản sinh từ tủy xương. Chúng được sinh ra và chết đi theo vòng đời của từng loại và sau đó lại có những tế bào mới được tạo ra liên tục để thay thế. Quá trình này phải tuân theo sự vận hành khép kín, nghiêm ngặt của cơ thể.

Tuy nhiên ở những trường hợp mắc bệnh bạch cầu thì quy trình trên sẽ bị xáo trộn. Khi đó bạch cầu được sản xuất ra quá nhiều khiến cơ thể mất đi quyền kiểm soát. Đối với những bệnh nhân bị bệnh cầu mạn dòng tủy, mặc dù bạch cầu tăng sinh bất thường nhưng vẫn duy trì được khả năng biệt hóa và tiếp tục thực hiện các chức năng vốn có của nó. Đó là lý do vì sao bệnh được xếp vào thể mạn tính vì quá trình diễn tiến chậm, ít bộc lộ triệu chứng như bệnh bạch cầu cấp tính. Ngoài ra sở dĩ gọi nó là bệnh bạch cầu mạn dòng tủy vì để phân biệt với những bệnh liên quan tới các tế bào lympho.

Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy là một loại bệnh lý hiếm gặp xảy ra trong tủy xương

Cơ chế bệnh sinh được giải thích đó là do giữa 2 nhiễm sắc thể số 9 và 22 bị đột biến chuyển đoạn khiến chúng hoán đổi vị trí cho nhau, hình thành nên một NST đột biến (gen Ph - Philadelphia) và tạo ra một loại gen là BCR-ABL. Khi các tế bào bạch cầu mang loại gen này được tạo ra sẽ phát triển thành những tế bào bất thường, chúng can thiệp vào hoạt động của các tế bào tạo máu gây nên tình trạng thiếu máu, đồng thời tấn công vào những cơ quan khác trong cơ thể điển hình là gan và lách.

Một mặt gen BCR-ABL kích thích sự tăng sinh không ngừng nghỉ của tế bào bạch cầu, mặt khác nó lại ngăn không cho các tế bào này già đi và tự chết theo quy luật. Đây chính là mầm mống dẫn đến sự hình thành của bệnh bạch cầu mạn dòng tủy sau này.

Hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác thúc đẩy quá trình đột biến gen này. Nhưng các nhà khoa học cũng xác định một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ sinh bệnh, ví dụ như tiếp xúc thường xuyên với tia xạ, hóa chất trong thời gian dài làm tổn thương các nhiễm sắc thể.

Người trưởng thành từ 60 tuổi trở đi là đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy cao hơn so với người trẻ tuổi. Tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh sẽ càng lớn.

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch cầu dòng tủy

Do đây là một loại bệnh ác tính diễn tiến chậm nên ở giai đoạn đầu bệnh có thể chưa bộc phát nhiều triệu chứng điển hình. Một phần là do các bạch cầu bất thường vẫn hoàn thành nhiệm vụ của nó nên biểu hiện bệnh cũng không rõ ràng. Nếu có thì bệnh nhân sẽ chỉ cảm thấy mệt, đau vùng mạn sườn trái do lách gia tăng về kích thước.

Sang đến giai đoạn tiến triển khi chức năng biệt hóa của bạch cầu suy giảm, bệnh nhân sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng hơn, bao gồm cảm giác khó thở, suy nhược, xanh xao, sụt cân, đổ mồ hôi đêm, lách to, chịu lạnh kém.

Khi bước vào giai đoạn cuối, người bệnh sẽ có 3 dấu hiệu đặc trưng đó là: sốt, xanh xao và xuất huyết.

3. Phương pháp nào được áp dụng trong điều trị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy

3.1. Điều trị bằng thuốc

Thuốc được dùng để điều trị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy có tác dụng ức chế những sản phẩm do gen đột biến BCR-ABL tạo ra, thông qua đó ngăn cản quá trình hình thành nên các tế bào ung thư máu. Hiện nay 2 loại thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam bao gồm: thuốc Glivec thế hệ thứ nhất (Imatinib) và thuốc Tasigna (Nilotinib) thế hệ thứ 2.

Một số tác dụng phụ bệnh nhân có thể gặp phải khi dùng các thuốc này:

       Sụt giảm số lượng tế bào máu, ngoài bạch cầu còn giảm cả hồng cầu và tiểu cầu;

       Xuất huyết bất thường;

       Chuột rút;

       Mệt mỏi;

       Sưng phù;

       Da khô, ngứa, phát ban ngoài da;

       Đau bụng và đau nhức xương khớp.

Thuốc được điều trị bạch cầu mạn dòng tủy sẽ giúp ức chế những sản phẩm do gen BCR-ABL tạo ra

Nếu gặp phải những tác dụng không mong muốn nêu trên, người bệnh cần đi tái khám ngay để được bác sĩ điều chỉnh liều lượng hoặc chỉ định tạm ngừng sử dụng.

3.2. Quy trình điều trị

Điều trị ban đầu:

       Giai đoạn mạn tính: dùng Glivec với liều 400mg/ngày hoặc dùng 600mg/ngày thuốc Tasigna;

       Giai đoạn tiến triển: tăng liều lượng của các thuốc Tasigna 800 mg/ngày hoặc Glivec 600 mg/ngày.

Trong quá trình dùng thuốc cần lưu ý như sau:

       Nên uống Glivec sau khi ăn no và chỉ dùng duy nhất 1 lần trong ngày;

       Tasigna nên dùng khi bụng đói, tốt nhất bệnh nhân nên nhịn ăn trước 2 giờ khi uống thuốc và 1 giờ sau khi uống. Thuốc này phải dùng 2 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 12 tiếng và dùng theo lịch cố định.

Phương pháp điều trị tiếp theo:

       Nếu bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt (đáp ứng 1 phần hoặc hoàn toàn): nên tiếp tục sử dụng Glivec;

       Nếu bệnh nhân đáp ứng thuốc kém: có thể tiếp tục sử dụng Tasigna hoặc dùng Glivec với liều cao hơn

       Nếu bệnh nhân không đáp ứng thuốc: dùng Tasigna hoặc cho bệnh nhân sử dụng các thuốc thế hệ mới (phụ thuộc vào mức độ kháng thuốc). Sau 6 tháng điều trị lại tiếp tục đánh giá khả năng đáp ứng thuốc để cân nhắc xem có nên điều trị tiếp bằng thuốc hay không. Nếu cần thiết có thể xét tới việc ứng dụng phương pháp dị ghép tế bào gốc nếu bệnh nhân đủ điều kiện tiến hành.

       Khi bệnh diễn tiến nặng hơn: phương pháp điều trị sẽ dựa trên những điều trị trước đó hoặc phải thực hiện hóa trị liệu, dị ghép tế bào gốc hoặc cấy ghép tủy xương (thay thế tủy xương bị bệnh) trong trường hợp vẫn đủ điều kiện.

 

Thuốc Glivec

Lưu ý: tủy xương phải được ghép từ người thân (cha mẹ, anh chị em ruột) hoặc tình nguyện viên có tủy thích hợp. Trong khi tiến hành ghép tủy, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng song song với các thuốc hóa trị liều cao giúp triệt tiêu các tế bào ung thư máu. Sau đó tế bào gốc được lấy từ người hiến tủy sẽ được đưa vào cơ thể bệnh nhân. Những tế bào mới khỏe mạnh này sẽ lần lượt thay thế các tế bào bị bệnh, đem tới cuộc sống mới cho bệnh nhân.

Mong rằng thông qua bài viết nêu trên bạn đã có thêm một số kiến thức về bệnh bạch cầu mạn dòng tủy. Nếu cơ thể bạn có những triệu chứng bất thường nghi ngờ mắc bệnh lý này thì bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra biến chứng nguy hiểm gây tổn hại đến sức khỏe và tính mạng. Để được tư vấn chi tiết hơn về các phương pháp chẩn đoán và điều trị các bệnh về máu cũng như những vấn đề sức khỏe khác, quý bạn đọc có thể liên hệ ngay với hotline 1900565656. Tổng đài viên luôn túc trực 24/7 để hỗ trợ quý khách.

 

 

 

 

BS Thanh Tuấn đã duyệt

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ