Tin tức

Bệnh chốc ở trẻ em điều trị có phức tạp không và những điều cần lưu ý

Ngày 03/12/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Bệnh chốc lở ở trẻ em thường gặp ở các bé từ 2 - 5 tuổi, bệnh khiến da của trẻ bị nhiễm trùng, gây khó chịu và mất thẩm mỹ. Vậy bệnh chốc ở trẻ em là gì và điều trị như thế nào để trẻ nhanh chóng bình phục? Cha mẹ có thể tham khảo thêm các thông được MEDLATEC chia sẻ trong bài viết sau.

1. Bệnh chốc lở ở trẻ em là bệnh gì?

Chốc ở trẻ em thuộc các bệnh về nhiễm khuẩn da. Điểm dễ nhận biết của bệnh này là sự xuất hiện của các bọng nước và mụn nước trên da với mức độ nông và nằm rải rác ở bất kỳ vị trí nào. Các mụn nước này sẽ sớm bị vỡ và đóng thành vảy với màu vàng tương tự như màu mật ong.

Trẻ em là đối tượng dễ bị bệnh chốc hơn so với người lớn, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi từ 2 - 5 tuổi, trong đó bé trai có nguy cơ bị chốc lở nhiều hơn bé gái.

Bệnh này thường xuất hiện khi thời tiết nóng ẩm, nhất là vào mùa thu và mùa hè. Điều kiện sống ẩm thấp, vệ sinh kém làm tăng nguy cơ mắc bệnh chốc loét ở trẻ em. 

Bệnh chốc thường gặp ở trẻ từ 2 - 5 tuổi

Bệnh chốc thường gặp ở trẻ từ 2 - 5 tuổi

2. Nguyên nhân nào khiến trẻ bị bệnh chốc?

Bệnh chốc lở ở trẻ em xảy ra chủ yếu do liên cầu khuẩn và tụ cầu vàng. Hai loại vi khuẩn này có thể tồn tại độc lập và gây bệnh. Ngoài ra, hai loại khuẩn này có thể kết hợp với nhau xâm nhập vào da của trẻ thông qua những ổ nhiễm khuẩn hoặc vết thương tồn tại trước đó và gây bệnh.

Trẻ bị các bệnh về da như thủy đậu, ghẻ lở, viêm da cơ địa,...sẽ làm da bị tổn thương và đây cũng có thể tạo điều kiện cho bệnh chốc sinh sôi.

Bệnh gây nên bởi liên cầu khuẩn và tụ cầu vàng

Bệnh gây nên bởi liên cầu khuẩn và tụ cầu vàng

3. Biểu hiện của bệnh chốc ở trẻ em như thế nào?

Không quá khó để nhận biết các triệu chứng chốc ở trẻ em. Khi bị bệnh này trẻ thường xuất hiện một số biểu hiện dưới đây:

  • Toàn thân: Trẻ có thể bị sốt hoặc không. Trẻ cũng mệt mỏi hơn so với bình thường và có thể xuất hiện hạch viêm phản ứng.
  • Cơ năng: Trẻ có thể bị ngứa. Mức độ ngứa nhiều hay ít phụ thuộc vào từng bệnh nhân. Ngứa cũng là nguyên nhân khiến tổn thương trên da lây lan nhiều hơn. Nguy hiểm hơn là có thể dẫn đến tình trạng bội nhiễm.
  • Thực thể: Tùy từng dạng chốc, trẻ sẽ có những biểu hiện khác nhau:

+ Chốc không có bọng nước: Ở dạng chốc này, lúc đầu da có dấu hiệu rát đỏ sau đó xuất hiện bọng nước và mụn nước. Bọng nước rất dễ vỡ. Sau khi vỡ chúng sẽ hình thành các thương tổn vảy tiết màu vàng như màu mật ong. Các vảy tiết này sẽ khô dần sau khoảng 1 tuần và bong ra để lại lớp da màu hồng nhạt ẩm ướt. Các vết này sẽ lành theo thời gian và ít để lại sẹo.

+ Chốc loét: Bệnh chốc loét ở trẻ em có các dấu hiệu ban đầu tương tự như chốc không có bọng nước. Thế nhưng thay vì vỡ ra và hình thành các lớp vảy tiết thì chốc loét lại hình thành những vết loét khó lành và có thể để lại sẹo rất kém thẩm mỹ.

+ Chốc bọng nước: Tổn thương ban đầu của dạng chốc này là xuất hiện các mụn nước nhỏ, sau đó hình thành bọng nước. Vòm bọng nước mỏng và dễ vỡ. Dịch màu vàng trong bên trong sẽ chuyển thành vàng nâu. Vài ngày sau, bọng nước vỡ tạo nên những vết trợt ẩm ướt. Sau đó chúng lành dần và không để lại sẹo.

Bệnh chốc ở trẻ em thường gặp tổn thương ở những vùng da hở như mặt, tay, chân, da đầu sau đó có thể lây lan ra các vùng khác của cơ thể. Ngoài ra, nếu trẻ bị chốc bọng nước thì tổn thương có thể xuất hiện ở niêm mạc má.

Biểu hiện của bệnh chốc ở trẻ em là những tổn thương trên da

Biểu hiện của bệnh chốc ở trẻ em là những tổn thương trên da

4. Biến chứng của bệnh chốc ở trẻ em có nguy hiểm không?

Chốc ở trẻ em nếu không được điều trị có thể gây nên một số biến chứng tại chỗ cũng như toàn thân. Các biến chứng có thể gặp như:

  • Chàm hóa: làm xuất hiện những tổn thương mới khiến trẻ khó chịu và ngứa ngáy. 
  • Chốc loét: Các tổn thương trên da lan rộng, vỡ ra, rất khó lành và để lại sẹo xấu.
  • Viêm mô tế bào: Chốc loét khiến da bị tổn thương, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây ra biến chứng khác như viêm mô tế bào.
  • Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây nên một số biến chứng như: Viêm đường hô hấp, nhiễm khuẩn máu, viêm cầu thận, viêm màng não, viêm tủy xương, nhiễm trùng cấp tính ở da.

Bệnh có thể gây nên nhiều biến chứng trên da và toàn thân

Bệnh có thể gây nên nhiều biến chứng trên da và toàn thân

5. Cách chẩn đoán bệnh chốc

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào các dấu hiệu lâm sàng. Để có kết quả chẩn đoán chính xác, bác sĩ cũng chỉ định lấy dịch từ tổn thương trên da để tiến hành thí nghiệm, nuôi cấy, xác định vi khuẩn gây bệnh.

Trường hợp chốc lan rộng, có thể cần thực hiện xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng nhiễm trùng. 

6. Phương pháp điều trị bệnh chốc ở trẻ em

Để điều trị chốc lở ở trẻ em, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Sử dụng thuốc nào và liều lượng ra sao cần phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ và lan rộng của bệnh. Nếu chốc xuất hiện trên phạm vi hẹp, người bệnh có thể được chỉ định dùng kháng sinh dạng thoa như chứa acid fusidic hoặc mỡ mupirocin. 

Trường hợp tổn thương nặng, lâu lành, có nguy cơ biến chứng cao, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh đường uống.

Bệnh chốc ở trẻ em nếu được điều trị đúng cách sẽ khỏi sau khoảng 1 tuần đến 10 ngày. Tuy nhiên, nếu da đang bị nhiễm trùng hoặc bị bệnh lý nền thì thời gian điều trị khỏi sẽ lâu hơn.

Bệnh chốc lở ở trẻ sẽ nhanh chóng được điều trị khỏi nếu tuân thủ theo hướng dẫn từ bác sĩ

Bệnh chốc lở ở trẻ sẽ nhanh chóng được điều trị khỏi nếu tuân thủ theo hướng dẫn từ bác sĩ 

7. Phòng bệnh tái phát như thế nào?

Chăm sóc sau điều trị là yếu tố rất quan trọng để phòng ngừa bệnh tái phát. Trong đó giữ gìn vệ sinh là quan trọng nhất. Ngoài ra, phụ huynh cần lưu ý chăm sóc trẻ đúng cách như sau:

  • Dùng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Mặc áo dài tay hoặc quần dài để giữ cho vết thương không bị va chạm và nhiễm bụi bẩn.
  • Dùng nước muối sinh lý để rửa vết thương một cách nhẹ nhàng.
  • Cho trẻ nghỉ học và cách ly trẻ đến khi bệnh thuyên giảm và không còn nguy cơ truyền nhiễm bệnh.

Như vậy, phụ huynh đã có những thông tin cần thiết về bệnh chốc ở trẻ em. Việc điều trị sớm cho trẻ là rất cần thiết để tránh tổn thương lây lan rộng dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Nếu trẻ có biểu hiện nghi ngờ bị chốc, phụ huynh không nên chần chừ mà cần sớm đưa trẻ tới các địa chỉ y tế uy tín như chuyên khoa Nhi thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để điều trị. Để đặt lịch khám, Quý khách có thể liên hệ với tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ thêm.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ