Tin tức
Bệnh của tiền liệt tuyến
Tiền liệt tuyến có chức năng gì?
TLT có chức năng chính là tiết ra tinh dịch rồi đổ vào niệu đạo ở xoang tiền liệt. Dịch TLT có màu trắng đục với độ pH khoảng 6,5 (kiềm hơn dịch âm đạo), nhờ vậy có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tinh trùng cho đến khi thụ tinh. Lượng dịch do TLT bài tiết chiếm khoảng 30% thể tích dịch phóng ra trong mỗi lần giao hợp. Dịch TLT chứa nhiều acid citric, ion canxi, nhiều loại enzym đông đặc, tiền fibrinolysin, prostaglandin. Các enzym đông đặc của TLT sẽ tác dụng vào fibrinogen làm đông nhẹ tinh dịch ở đường sinh dục nữ, do vậy có thể giữ tinh trùng nằm sát cổ tử cung. Sau 15 - 30 phút, tinh dịch sẽ được làm loãng trở lại nhờ enzym fibrinolysin có trong dịch TLT và tinh trùng hoạt động trở lại. Prostaglandin của dịch TLT cũng như dịch của túi tinh sẽ làm co cơ tử cung, tăng nhu động vòi trứng giúp tinh trùng di chuyển trong đường sinh dục nữ và dịch này giúp bôi trơn cho hoạt động tình dục.
Các bệnh hay gặp của TLT
Viêm TLT cấp tính: Là tình trạng nhiễm khuẩn TLT thường do một số vi khuẩn tương tự gây nhiễm khuẩn bàng quang. Các vi khuẩn đó là E.Coli, Klebsiella, Proteus. Vi khuẩn có thể từ đường máu lan đến TLT, hoặc từ cơ quan kế cận, hoặc do sinh thiết TLT không đảm bảo vô khuẩn. Bệnh thường hay gặp trong tuần trăng mật giữa tân lang và tân nương do hoạt động tình dục quá nhiều. Bệnh khởi phát đột ngột với sốt, ớn lạnh, đau vùng lưng dưới và vùng tầng sinh môn (vùng nằm giữa bộ phận sinh dục ngoài và hậu môn), kèm theo tiểu khó, tiểu lắt nhắt nhiều lần trong ngày. Thêm vào đó có thể tiểu máu đầu bãi, cuối bãi hoặc toàn bãi. Thầy thuốc sẽ cho làm xét nghiệm nước tiểu để tìm bạch cầu, vi khuẩn giúp chọn lựa kháng sinh phù hợp. Thường kháng sinh được cho là nhóm fluoroquinolon (ciprofloxacin), kèm theo là một thuốc kháng viêm như serratiopeptidase. Bệnh nhân được cho nghỉ ngơi, uống nhiều nước và thuốc giảm đau. Nếu bệnh nhân ở trong tình trạng suy giảm miễn dịch như đang được hóa trị liệu, hay nhiễm HIV/AIDS, cần cho bệnh nhân nhập viện ngay.
Viêm TLT mạn tính: Các triệu chứng thường nhẹ hơn so với giai đoạn cấp tính. Bệnh nhân không sốt, đau lúc phóng tinh và tinh dịch có máu. Tiểu khó, tiểu ít một nhiều lần trong ngày, đôi lúc có chảy dịch ở đầu dương vật. Điều trị bằng kháng sinh như nhóm fluoroquinolon (ciprofloxacin, levofloxacin, moxifloxacin) kết hợp với một kháng viêm không steroid như diclofenac.
U phì đại lành tính TLT: Ở trẻ em, TLT rất nhỏ. Từ tuổi dậy thì, TLT bắt đầu phát triển đạt tới kích thước tối đa vào lúc 20 tuổi và giữ nguyên kích thước cho tới năm 50 tuổi. Kể từ tuổi 50 trở đi, TLT to ra theo thời gian và gây ra bệnh u phì đại lành tính TLT. Bệnh phát triển từ từ hay đột ngột với những biến chứng như nhiễm khuẩn, bí tiểu, suy thận. U phì đại lành tính TLT không có hiện tượng ung thư hóa nhưng có thể bị ung thư xâm nhiễm với tỷ lệ từ 10 - 25%. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân hay tiểu lắt nhắt vào ban đêm, nhất là từ nửa đêm đến sáng sớm, mỗi lần đi tiểu phải rặn. Sau đó đi tiểu lắt nhắt cả ngày lẫn đêm, mỗi lần đi tiểu xong vẫn còn có cảm giác nước tiểu chưa ra hết mà còn đọng lại trong bàng quang. Cuối cùng là tiểu ri rỉ hoặc bí tiểu. Nhiễm khuẩn là biến chứng hay gặp. Thăm trực tràng thấy một khối u to, hơi mềm hoặc chắc, bề mặt nhẵn. Để chẩn đoán chính xác, cần cho bệnh nhân siêu âm. Trong giai đoạn đầu, thầy thuốc thường cho điều trị nội khoa với các thuốc như tadenan, xatral, crila (chiết xuất từ lá cây trinh nữ hoàng cung). Khi bệnh tiến triển nặng hoặc biến chứng, cần can thiệp phẫu thuật. Hiện nay, phẫu thuật được nhiều thầy thuốc ưa thích và lựa chọn là phẫu thuật nội soi qua đường niệu đạo.
Ung thư TLT: Khi ung thư TLT xảy ra, các tế bào ung thư phát triển rất nhanh dưới tác dụng kích thích của testosteron (nội tiết tố sinh dục nam). Ngược lại, sự phát triển của tế bào ung thư sẽ bị ức chế nếu cắt bỏ tinh hoàn. Ung thư TLT ít gặp hơn u phì đại lành tính TLT. Triệu chứng bao gồm: đau, tiểu khó, tiểu đêm, tiểu máu, rối loạn chức năng cương... Chỉ 1/3 bệnh nhân là có triệu chứng lâm sàng. Ung thư TLT hay di căn đến xương và hạch limpho. Khi đó, bệnh nhân thường bị đau xương, hay gặp ở xương đốt sống, khung chậu hoặc xương sườn. Ung thư TLT di căn đến đốt sống có thể chèn ép dây sống khiến yếu chân, tiểu tiện và đại tiện không tự chủ. Để chẩn đoán ung thư TLT có thể định lượng nồng độ PSA trong máu. Nếu nồng độ PSA trên 40 nanogam/ml, thì nghi ngờ ung thư TLT. Tuy nhiên, nồng độ PSA có thể tăng khi nhiễm khuẩn, khi khối u TLT trên 60g. Vì vậy, để chẩn đoán chắc chắn, cần sinh thiết TLT khi thăm trực tràng thấy một khối u to, cứng, bề mặt lổn nhổn cộng với triệu chứng lâm sàng gợi ý. Tùy theo giai đoạn bệnh, di căn mà thầy thuốc sẽ cho cắt bỏ khối u, xạ trị, hóa trị.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!