Tin tức

Bệnh gout và lưu ý về thực đơn cho người bệnh gout trong ngày Tết

Ngày 28/12/2022
Tết Việt vốn là thời gian của đoàn viên, của tiệc tùng và kéo theo đó cũng chính là nỗi lo của người bị gout. Bệnh lý này làm cho các khớp sưng đau khó chịu và thậm chí còn bị biến dạng khi không được điều trị hiệu quả. Vậy làm cách nào để ăn Tết vui mà vẫn phòng ngừa được nguy cơ tái phát hoặc nghiêm trọng hơn cơn đau do bệnh gout? 

1. Tổng quan về bệnh gout

Gout là một dạng bệnh khớp khởi nguồn từ rối loạn chuyển hoá nhân purin làm gia tăng nồng độ acid uric máu. Khi nồng độ acid uric máu tăng đến một mức độ nhất định nó sẽ bị bão hoà ở dịch ngoài tế bào và lắng đọng ở khớp, mô, thận tạo thành các tinh thể urat rồi gây ra các triệu chứng lâm sàng của bệnh gout.

Tăng acid uric máu là nguyên nhân chính gây ra bệnh gout

Tăng acid uric máu là nguyên nhân chính gây ra bệnh gout

Bệnh gout gồm 2 loại:

- Gout nguyên phát: xuất phát từ rối loạn chuyển hóa bẩm sinh làm tăng tổng hợp acid uric quá mức hoặc giảm đào thải acid uric thận nhưng không có tổn thương thực thể ở thận.

- Gout thứ phát: khởi nguồn từ việc tăng tổng hợp acid uric thứ phát do: tăng sinh tủy, chế độ ăn nhiều purin, vảy nến, tan máu,… hoặc do giảm đào thải acid uric máu vì các vấn đề tại thận như: toan chuyển hóa, suy thận, mất nước,...

2. Lưu ý về thực đơn trong ngày Tết cho người bị bệnh gout 

2.1. Vì sao nguy cơ khởi phát gout tăng lên vào ngày Tết?

Thực tế cho thấy rằng mỗi năm, vào dịp Tết, số người mắc bệnh gout và cần điều trị gout tăng lên rất nhiều so với ngày bình thường. Hầu hết các trường hợp này khi xét nghiệm đều cho thấy tăng máu nhiễm mỡ, tăng men gan, giảm chức năng thận,...

Ngày Tết với các loại đồ uống chứa cồn, bữa ăn giàu đạm,... luôn là thách thức với người bị gout. Có rất nhiều yếu tố thuận lợi khiến cho Tết trở thành dịp khởi phát gout cấp hoặc khiến cho bệnh gout thêm trầm trọng:

- Bia rượu nhiều

Rượu bia là thức uống có mặt trong đại đa số bữa ăn ngày Tết của các gia đình Việt. Uống nhiều rượu bia làm tăng tổng hợp, giảm đào thải acid uric khiến cho acid uric nước tiểu bị giảm xuống còn acid uric máu tăng lên. So với chế độ ăn giàu đạm thì việc uống nhiều rượu bia ngày Tết còn làm tăng acid uric máu rõ rệt hơn, nhất là ở nhóm nghiện rượu. 

Chế độ ăn giàu đạm và không khoa học ngày Tết khiến nhiều người khởi phát gout

Chế độ ăn giàu đạm và không khoa học ngày Tết khiến nhiều người khởi phát gout

- Chế độ sinh hoạt và ăn uống

+ Chế độ ăn

Tết còn là thời điểm của chế độ ăn giàu đạm thịt - tác nhân gây ra cơn gout cấp. Các món ăn ngày Tết thường có nhiều thịt đỏ như trâu, bò, dê, chó,... cùng các loại nội tạng động vật, trứng gia cầm, hải sản,... Tất cả những thực phẩm này đều được xếp vào nhóm thức ăn có nguy cơ khởi phát hoặc làm trầm trọng gout vì có nhiều nhân purin - nguyên liệu tổng hợp thành acid uric.

Không những thế, có một số loại rau củ thường dùng trong dịp Tết như măng tây, măng tre trúc, giá đỗ, dọc mùng,... làm tăng tốc độ tổng hợp acid uric nên cũng có nguy cơ cao đối với bệnh gout. Một nhóm thực phẩm nhiều đạm khác cũng dễ có mặt trong các bữa ăn ngày tết và đe dọa bệnh nhân mắc gout là thịt lợn, thịt gia cầm, cá, thủy sản,...

+ Chế độ sinh hoạt

Bệnh gout dễ đến vào ngày Tết cũng chính vì nhiều người dễ dàng bỏ qua các nguyên tắc sinh hoạt điều độ thường ngày, mặc không đủ ấm, hay thức quá khuya để bài bạc, hội họp,... Các yếu tố này được gọi chung là stress - tác nhân thuận lợi để kết hợp với chế độ ăn uống không khoa học dễ làm khởi phát gout cấp.

Mặt khác, ngày Tết việc vận động thể lực cũng bị lãng quên, sự tuân thủ điều trị kém đi so với ngày thường vì tâm lý chủ quan hoặc vui chơi quá đà. Chính những điều này làm nặng thêm bệnh gout hoặc khởi phát cơn gout cấp.

2.2. Lưu ý cho thực đơn của người bị gout vào ngày Tết

- Món ăn cần kiêng

Việc chú ý cẩn trọng trong thực đơn cho người bệnh gout để kiêng một số món ăn sau đây sẽ giúp phòng ngừa được sự xuất hiện hoặc trầm trọng hơn của gout:

+ Nội tạng động vật: giàu purin và cholesterol không tốt với cơn đau cấp của bệnh gout.

+ Hải sản, thịt đỏ, bánh chưng: giàu chất đạm, làm tăng axit uric và thúc đẩy sự phát triển của cơn đau gout.

Một số thực phẩm người bị gout nên kiêng trong ngày Tết

Một số thực phẩm người bị gout nên kiêng trong ngày Tết

+ Rau có nhiều nhân purin: giá đỗ, măng tây, nấm.

+ Đồ uống có ga và cồn.

+ Thực phẩm giàu chất béo: mỡ động vật, đồ ăn chiên xào,...

- Món ăn nên ưu tiên

+ Mỗi ngày người bị bệnh gout có thể ăn khoảng 100 - 150g thịt cùng 400g hoa quả.

+ Các loại trái cây như: đu đủ chín, nho, dưa hấu, lê, táo,... nên được bổ sung vào thực đơn của người bị gout vì nó chứa hàm lượng khoáng chất và vitamin dồi dào từ đó tăng cường đề kháng và hạn chế tái phát cơn đau do gout.

+ Một số loại rau xanh ít nhân purin như: cải bẹ, lá lốt, bí đỏ, rau ngót,... nên ưu tiên ăn để tăng đề kháng đồng thời hạn chế cơn đau nhức ở gout.

+ Các loại bơ thực vật, ngũ cốc, sữa, trứng.

+ Uống đủ 2 lít nước/ngày cũng sẽ giúp hạn chế tái phát cơn đau do gout.

- Một số lưu ý khác

+ Duy trì cân nặng ổn định và hợp lý sẽ giúp giảm acid uric máu cùng sức nặng chịu đựng của khớp. 

+ Không được nhịn đói vì việc làm này dễ làm tăng nồng độ acid uric trong máu. Tuy nhiên, người bị gout nên ăn thành nhiều bữa trong ngày và bổ sung vào thực đơn các loại rau quả tươi. 

+ Vận động nhẹ nhàng để hỗ trợ điều trị gout và tăng độ dẻo dai cho khớp.

Chế độ ăn uống có vai trò rất lớn với việc kiểm soát bệnh gout. Để tránh gặp phải các triệu chứng khó chịu ở bệnh lý này, tốt nhất người bệnh nên cố gắng tuân thủ hướng dẫn điều trị và kiêng khem trong chế độ ăn vào những ngày Tết. Có được chế độ ăn uống khoa học, uống đủ nước, lối sống lành mạnh và không quên vận động thể thao chính là giải pháp tốt nhất để không phải đối diện với gout vào những ngày đầu năm.

Mong rằng với bài viết này, bạn đọc đã biết được những nguy cơ dễ làm bệnh gout xuất hiện trong ngày Tết để chủ động có phương án phòng ngừa cho mình. Đây cũng là cách để bạn có được một cái Tết đoàn viên, vui vẻ mà vẫn dẹp được nỗi lo về gout.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ