Tin tức

Bệnh mạch vành: phương pháp điều trị và cách phòng ngừa

Ngày 02/03/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Bệnh mạch vành - căn bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, đang có xu hướng tăng nhanh. Nguyên nhân khiến số người mắc bệnh ngày càng tăng đó là lối sống, sinh hoạt và dinh dưỡng kém lành mạnh, tiêu biểu như tình trạng béo phì, rối loạn cholesterol, chế độ ăn kém lành mạnh với nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, lười vận động, áp lực công việc, stress,…

1. Bệnh mạch vành nguy hiểm như thế nào?

Bệnh có thể dẫn tới các biến chứng cực kỳ nguy hiểm như:

  • Rối loạn nhịp tim.

  • Suy tim.

  • Ngưng tim đột ngột.

  • Sốc tim.

  • Nhồi máu cơ tim.

Bệnh mạch vành có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không kiểm soát tốt

Bệnh mạch vành có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không kiểm soát tốt

Điều nguy hiểm là bệnh thường tiến triển âm thầm, ít triệu chứng nên dễ bị bỏ qua. Khi các mảng xơ vữa tích tụ ngày càng lớn, khiến lòng mạch hẹp lại và thành mạch yếu đi. Đến một giới hạn nào đó, mảng xơ vữa vỡ ra gây hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn các mạch máu hoặc thành mạch nứt, đứt làm dừng hoàn toàn đường truyền máu nuôi tim.

Các tế bào không được nuôi dưỡng sẽ bị tổn thương, nếu thời gian kéo dài và không được tái tưới máu, tổn thương này là vĩnh viễn không thể phục hồi. Bởi thế mà tỉ lệ người bệnh tử vong vì bệnh mạch vành rất cao. Ngoài ra cũng không ít trường hợp người bệnh phát hiện muộn, không được điều trị tốt dẫn đến biến chứng suy tim, tàn tật,…

Người gầy cũng có thể bị bệnh mạch vành

Người gầy cũng có thể bị bệnh mạch vành

Nhiều người cho rằng, bệnh mạch vành chỉ thường xuất hiện ở những người thừa cân, béo phì song khoảng 30 - 40% bệnh nhân có cân nặng thấp. Trong đó 40% bệnh không có triệu chứng rõ ràng, chỉ khi bệnh tiến triển nặng hoặc gây biến chứng thì việc điều trị và phục hồi gặp nhiều khó khăn.

2. Phương pháp điều trị bệnh mạch vành hiệu quả

Điều trị và phòng ngừa bệnh cần thực hiện kết hợp, bằng việc sử dụng thuốc điều trị, thay đổi lối sống lành mạnh, khoa học hoặc trong trường hợp nghiêm trọng sẽ cần phẫu thuật can thiệp.

2.1. Điều trị nội khoa

Phương pháp điều trị này mục đích là để chống ngưng kết tiểu cầu, hỗ trợ điều chỉnh mỡ máu, huyết áp, đái tháo đường (nếu có), điều trị loạn nhịp tim (nếu có). Ngoài ra còn điều trị các biến chứng nếu có như nhồi máu cơ tim,... 

Trong đó, các thuốc phổ biến nhất được sử dụng là:

Thuốc làm giảm cholesterol

Giúp kiểm soát sự tiến triển của xơ vữa động mạch và ngăn ngừa biến chứng tắc nghẽn động mạch, nhồi máu cơ tim,… có thể xảy ra.

Thuốc kiểm soát cholesterol máu giúp ngăn ngừa và hạn chế xơ vữa động mạch

Thuốc kiểm soát cholesterol máu giúp ngăn ngừa và hạn chế xơ vữa động mạch

Thuốc chẹn Beta

Người bệnh thường gặp tình trạng hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim và thuốc chẹn beta sẽ giúp khắc phục những tình trạng này. Đặc biệt khi cơn đau thắt ngực xuất hiện, người bệnh có thể dùng thuốc chẹn beta để giảm nhanh tình trạng bệnh.

Aspirin

Aspirin là loại thuốc dùng trong điều trị bệnh mạch vành với vai trò ngăn ngừa hình thành cục máu đông, loại bỏ nguy cơ tắc nghẽn động mạch vành. Vì thế mà người bệnh có thể phòng ngừa hiệu quả các biến chứng bệnh bằng Aspirin.

Thuốc chẹn kênh canxi

Đây là loại thuốc thay thế nếu bệnh nhân không thể sử dụng thuốc chẹn beta do dị ứng hoặc không đáp ứng.

Thuốc ức chế men chuyển

Với những cơn đau thắt ngực đột ngột, người bệnh mạch vành cần mang theo các loại thuốc giúp kiểm soát cơn đau. Ngoài thuốc chẹn beta, canxi còn có Nitroglycerin, Ranolazine,…

2.2. Phẫu thuật điều trị bệnh 

Phẫu thuật trong điều trị bệnh mạch vành là biện pháp xâm lấn, vì thế bác sĩ sẽ xem xét thực hiện trong các trường hợp bệnh nặng hoặc không thể điều trị bằng phương pháp khác. Các kĩ thuật thường dùng bao gồm:

Đặt stent mạch vành thường áp dụng trong điều trị bệnh mạch vành

Đặt stent mạch vành thường áp dụng trong điều trị bệnh mạch vành

Nong và đặt stent mạch vành

Một ống dài y tế đặc biệt được sử dụng để đưa đến vị trí bị xơ vữa động mạch, cùng với quả bóng chuyển đến đó và bơm phồng lên. Quả bóng sẽ tạo áp lực khiến mảng xơ vữa bám sát vào động mạch. 

Sau đó, stent sẽ được đặt vào, tạo khuôn để mảng xơ vữa không tiếp tục hình thành, động mạch cũng duy trì độ mở giúp máu lưu thông ổn định hơn.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch

Ở phương pháp phẫu thuật này, một đoạn mạch máu được lấy từ khu vực khác của cơ thể sẽ được dùng để nối động mạch vành, bỏ qua vị trí bị tắc nghẽn. Phẫu thuật này không được áp dụng phổ biến như đặt stent mạch vành.

3. Cách phòng ngừa bệnh mạch vành đơn giản

Bệnh có thể xuất hiện ở cả những người trẻ do lối sống và ăn uống kém lành mạnh. Vì thế thay đổi thói quen xấu, chủ động phòng ngừa bệnh mạch vành là cần thiết với tất cả chúng ta.

Dưới đây là một số lưu ý giúp bạn cải thiện sức khỏe tim mạch, phòng ngừa cũng như hạn chế tiến triển bệnh.

  • Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng nhưng tăng cường chất xơ, vitamin và khoáng chất từ rau củ quả. Ngoài ra hãy thực hiện chế độ ăn ít chất béo, nhất là chất béo xấu và hạn chế lượng muối tiêu thụ để bảo vệ thành động mạch tốt hơn.

  • Hoạt động thể chất thường xuyên. Tập thể dục hay hoạt động thể chất không những giúp sức khỏe tốt hơn mà giúp máu lưu thông tốt hơn, cholesterol được chuyển hóa, sử dụng và tránh gây tích tụ làm xơ vữa động mạch.

  • Duy trì cân nặng: Người béo phì, thừa cân có nguy cơ cao hơn bị bệnh mạch vành và các biến chứng tim mạch khác. VÌ thế hãy giảm cân nếu bạn đang thừa cân và duy trì mức cân nặng khỏe mạnh.

Huyết áp cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành

Huyết áp cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành

  • Kiểm soát yếu tố nguy cơ: Mỡ máu cao, huyết áp không ổn định hay bệnh đái tháo đường đều là nguyên nhân gây bệnh mạch vành cũng như các biến chứng của bệnh.

  • Tinh thần thoải mái: Công việc và cuộc sống với guồng quay nhanh khiến con người áp lực, căng thẳng tinh thần hơn. Song để phòng ngừa bệnh tim mạch nói chung và bệnh mạch vành nói riêng, hãy cố gắng không tự tạo áp lực tinh thần quá lớn, giải tỏa stress căng thẳng thường xuyên.

Khi kiểm soát được các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh mạch vành như: tăng huyết áp, mỡ máu cao, đái tháo đường,… bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh cũng như các biến chứng có thể xảy ra. Nếu cần tư vấn thêm về bệnh lý này, hãy liên hệ qua hotline 1900 56 56 56 để được các chuyên gia Tim mạch của MEDLATEC hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ