Tin tức
Bệnh ung thư da - dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh
- 25/06/2024 | Ung thư da đầu: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách chẩn đoán và điều trị
- 01/02/2024 | Quy trình tầm soát ung da có mấy bước? Ai nên tầm soát ung thư da?
- 01/04/2024 | Ung thư da: Tổng quan về bệnh và cách phòng ngừa
1.
Ung thư da là bệnh gì?
Ung thư da là bệnh xảy ra khi có sự phát triển bất thường, không theo trật tự của các tế bào da. Từ đó, hình thành các tế bào ung thư. Bệnh được chia thành 2 dạng: ung thư da hắc tố và ung thư da không hắc tố (gồm ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô tế bào đáy).
Bệnh chủ yếu phát triển ở các vùng da như da đầu, mặt, môi, cổ, cánh tay, bàn tay,... Ngoài ra, cũng có thể hình thành ở lòng bàn tay, dưới móng tay hoặc móng chân,... là các vị trí da ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Tỷ lệ bệnh nhân ung thư da là nam giới cao hơn so với nữ giới và cũng thường gặp hơn ở người da trắng.
Về nguyên nhân gây bệnh, có thể là do các yếu tố sau:
- Tiếp xúc nhiều với tia UV từ ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như các trường hợp phải làm việc ngoài trời, các đối tượng hay tắm nắng hoặc sinh sống ở khu vực có khí hậu nóng bức nhiều nắng,...
- Các trường hợp có nhiều nốt ruồi, tàn nhang xuất hiện trên cơ thể.
- Yếu tố di truyền: có thành viên trong gia đình đã từng mắc bệnh.
- Thường xuyên có sự tiếp xúc với tia phóng xạ hoặc các hoá chất như asen.
- Sử dụng nhiều các loại mỹ phẩm mà trong thành phần của chúng có các chất gây hại cho da.
- Các trường hợp bị tổn thương da với da từng bị bỏng, cháy nắng hoặc bị viêm nhiễm trong thời gian dài, hoặc một số vấn đề bệnh lý như dày sừng quang hoá, viêm da mạn tính,... cũng tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Có thói quen hút thuốc lá.
- Có hệ miễn dịch yếu như người bị nhiễm HIV, người cấy ghép nội tạng,...
Tiếp xúc quá nhiều với tia UV trong ánh nắng mặt trời có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư da
2. Các triệu chứng của bệnh ung thư da
Khi mắc bệnh ung thư da, có nhiều biểu hiện bên ngoài xuất hiện trên bề mặt da mà người bệnh có thể nhận biết. Và những triệu chứng của bệnh cũng có sự khác nhau tùy vào từng dạng ung thư da.
Cụ thể, một số dấu hiệu cảnh báo bệnh mà bạn nên lưu ý đến như:
- Có các mảng da khi sờ thì thấy sần sùi, thô cứng, có hiện tượng đóng vảy, màu sắc dần chuyển từ nâu sang màu hồng đậm. Biểu hiện này thường có tại các vị trí da ở mặt, đầu và hai cánh tay.
- Trên da có sự xuất hiện của vùng da màu đỏ, cứng, xỉn màu, lõm ở trung tâm, hay bị loét mà lâu ngày vẫn không lành lại, thường tại các vị trí da ở mặt, tai, tay.
- Trên da có nốt u tròn, mềm, nhìn trong mờ, trông như nốt mụn nhưng không có nhân.
- Nốt ruồi có hiện tượng trở nên bất thường như thẫm màu hơn, bị chảy máu, kích thước thay đổi một cách nhanh chóng, khi đưa tay chạm vào thì có cảm giác nhói đau hoặc bị chảy máu.
Nốt ruồi trở nên bất thường, thay đổi nhanh chóng về kích thước có thể là một dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư da
- Trên da đột nhiên xuất hiện tổn thương với các đốm tối màu, không rõ viền, cảm thấy đau khi chạm vào.
3. Khi nào người bệnh nên đi thăm khám?
Khi có các biểu hiện bất thường xuất hiện trên các vị trí vùng da của cơ thể như có vết loét, các nốt u, da đổi màu, nốt ruồi thay đổi bất thường về kích thước và màu sắc,... thì bạn nên đi gặp bác sĩ để thăm khám.
Để chẩn đoán bệnh ung thư da, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám các biểu hiện bất thường trên da, hỏi thông tin về tiền sử bệnh lý của bản thân bạn và các thành viên trong gia đình. Kết hợp với đó, bác sĩ cũng có thể thực hiện các phương pháp như soi da, sinh thiết lấy mẫu mô từ tổn thương trên da và nốt ruồi để làm mô bệnh học, cũng như các thăm dò cần thiết cho chẩn đoán bệnh.
Nên kịp thời đi gặp bác sĩ để thăm khám khi có các biểu hiện bất thường trên da
Trường hợp người bệnh mắc ung thư da, sau khi có kết quả chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra tư vấn về phương án điều trị tối ưu cho từng trường hợp cụ thể. Về các phương pháp điều trị ung thư da, có thể kể đến là: liệu pháp quang động, phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, miễn dịch,...
4. Làm thế nào để phòng bệnh?
Như vậy, bạn đã biết được một số thông tin về bệnh ung thư da. Vậy có thể làm gì để phòng ngừa nguy cơ mắc phải căn bệnh này? Cụ thể, bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau:
- Tránh để cơ thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong một thời gian dài. Thoa kem chống nắng với chỉ số SPF từ 30 trở lên trước khi ra ngoài đường và thường xuyên thoa lại. Đồng thời, khi phải đi ra ngoài, không quên che chắn cơ thể kĩ càng với quần áo dài tay, đội mũ, đeo kính râm để bảo vệ làn da trước các tác hại đến từ tia UV trong ánh nắng mặt trời.
Đeo kính râm, che chắn kỹ trước khi đi ra ngoài để bảo vệ da
- Hạn chế sự tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Nếu phải làm việc trong môi trường có các hóa chất thì phải trang bị các loại quần áo bảo hộ chuyên dụng.
- Bỏ thói quen hút thuốc lá.
- Giữ gìn vệ sinh da sạch sẽ, chú ý khi sử dụng các loại mỹ phẩm cho da.
- Tham khảo lời khuyên từ bác sĩ trước khi bắt đầu việc dùng các loại thuốc để tránh gặp phải tác dụng phụ cho da.
- Đi thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc ngay khi cơ thể xảy ra những triệu chứng bất thường, nghi ngờ về nguy cơ mắc bệnh ung thư da.
Thông qua bài viết trên đây, bạn đọc đã được tìm hiểu một số thông tin về bệnh ung thư da. Nếu có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, bạn nên đi thăm khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Đối với mọi vấn đề về sức khỏe cần tư vấn hoặc đặt lịch khám, quý khách hàng có thể gọi đến số hotline: 1900 56 56 56. Các tổng đài viên của Hệ thống Y tế MEDLATEC luôn sẵn sàng tiếp nhận cuộc gọi và hỗ trợ quý khách.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!