Tin tức

Bệnh viêm giác mạc kẽ gây ra những hệ lụy ra sao đối với sức khỏe?

Ngày 15/08/2022
Tình trạng viêm giác mạc kẽ xảy ra khi các mô của giác mạc có dấu hiệu bị viêm nhiễm. Nếu kéo dài không tìm phương án khắc phục thì bệnh sẽ khiến bệnh nhân bị mất thị lực vĩnh viễn. 

1. Tìm hiểu về nguyên nhân và triệu chứng của viêm giác mạc kẽ  

Viêm giác mạc kẽ là một loại bệnh lý nghiêm trọng khi các mạch máu xâm chiếm giác mạc. Sự phát triển bất thường này sẽ là giác mạc mất đi độ trong suốt bình thường. Nguyên nhân chủ yếu gây nên hiện tượng này là do bị nhiễm trùng khi bệnh nhân mắc một số loại bệnh lý như bệnh giang mai (nguyên nhân phổ biến nhất), bệnh Lyme, bệnh phong, bệnh lao, bệnh tự miễn (bệnh sarcoidosis hoặc viêm khớp dạng thấp). 

Khi viêm giác mạc kẽ hình thành và phát triển lan rộng, người bệnh thường gặp phải những triệu chứng như mắt trở nên nhạy cảm với ánh sáng, sợ ánh sáng, nhìn mờ, chảy rất nhiều nước mắt kèm theo đau nhức mắt.

Viêm giác mạc kẽ là một loại bệnh lý nghiêm trọng khi các mạch máu xâm chiếm giác mạc

Viêm giác mạc kẽ là một loại bệnh lý nghiêm trọng khi các mạch máu xâm chiếm giác mạc

Tổn thương thường xuất phát từ các nhu mô trung tâm bị viêm dẫn tới đục giác mạc. Trong bệnh cảnh giang mai hoặc đôi khi là đối với những nguyên nhân bệnh lý khác thì có thể nhận thấy toàn bộ phần giác mạc trở nên đục nhưng kính mờ, thậm chí che khuất không nhìn thấy mống mắt. Những mạch máu mới phát triển từ vùng rìa tạo thành các mảng có màu đỏ cam giống như miếng cá hồi. 

Trong viêm giác mạc kẽ do giang mai, triệu chứng viêm hắc mạc và viêm màng bồ đào xuất hiện rất phổ biến. Tình trạng viêm và phát triển mạch máu sẽ có dấu hiệu giảm dần sau 1 - 2 tháng. Bệnh nhân có khả năng mất đi thị lực theo mức độ từ nhẹ đến trung bình nếu biểu hiện đục giác mạc tiến triển trong thời gian dài không được cải thiện.

Ở Hoa Kỳ, đa phần những người bị mắc bệnh giang mai đều được chẩn đoán và điều trị kịp thời trước khi nó gây nên biến chứng viêm giác mạc kẽ. Tuy nhiên tại các nước kém phát triển thì tình trạng mắt này lại chiếm tỷ lệ lớn trong những ca bị mù lòa có thể phòng tránh được.

Bệnh nhân bị viêm giác mạc kẽ cần được theo dõi sức khỏe thường xuyên và giám sát chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa Mắt kết hợp với chuyên khoa về bệnh lý tiềm ẩn. Nếu cơn đau nhức kéo dài và trở nên tồi tệ hơn, mắt càng ngày càng đỏ, thị lực suy giảm thì bệnh nhân hãy đi kiểm tra ngay lập tức.

2. Chẩn đoán viêm giác mạc kẽ 

Có thể phát hiện và kiểm tra mức độ nghiêm trọng của bệnh bằng cách thực hiện một số biện pháp sau:

  • Soi đáy mắt bằng đèn khe (hay còn gọi là máy sinh hiển vi): đây là một loại kính hiển vi đặc biệt giúp phóng đại các chi tiết để dễ dàng kiểm tra những cấu trúc nhỏ như bờ mi hoặc bán phần trước nhãn cầu; 

  • Xét nghiệm huyết thanh học để tìm ra nguyên nhân của viêm giác mạc kẽ. Tất cả các nguyên nhân bệnh lý dẫn tới viêm giác mạc kẽ cần phải được điều tra kỹ bằng xét nghiệm này, bao gồm: định lượng xoắn khuẩn Borrelia burgdorferi gây bệnh Lyme, thử nghiệm hấp thụ kháng thể treponemal huỳnh quang, hay xét nghiệm Treponema pallidum (khuẩn xoắn ốc gây bệnh giang mai),... 

Soi đáy mắt bằng thiết bị đèn khe

Soi đáy mắt bằng thiết bị đèn khe

Nếu kết quả xét nghiệm huyết thanh là âm tính thì có thể tính đến trường hợp mắc phải hội chứng Cogan - một hội chứng tự phát không rõ nguyên nhân, bao gồm tổn thương thị giác (viêm giác mạc kẽ), thính giác và tiền đình. Người bệnh khi xuất hiện các triệu chứng ù tai, chóng mặt, nghe kém thì cần được chuyển sang chuyên khoa Tai Mũi Họng để thăm khám, dự phòng nguy cơ tổn thương vĩnh viễn tiền đình và thính lực.

3. Biện pháp sử dụng trong điều trị viêm giác mạc kẽ

Nhìn chung bệnh nhân bị viêm giác mạc kẽ cần được điều trị càng sớm càng tốt vì càng để lâu thì rủi ro biến chứng nguy hiểm sẽ càng cao. Nhất là khi đôi mắt lại là cửa sổ tâm hồn có vai trò quan trọng trong việc kết nối bản thân với thế giới và phục vụ các hoạt động sinh hoạt, học tập, làm việc hàng ngày. Nếu mất đi thị lực vĩnh viễn thì cuộc sống của người bệnh sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Một số biện pháp điều trị viêm giác mạc kẽ đó là:

  • Có thể dùng corticoid tại chỗ theo dạng nhỏ. Điều này có tác dụng hạn chế hình thành sẹo và giúp giác mạc trong sáng trở lại;

  • Trong trường hợp tình trạng bệnh diễn tiến nặng và điều trị bằng thuốc không hiệu quả thì có thể lựa chọn biện pháp phẫu thuật phù hợp, ví dụ như ghép màng ối, phủ kết mạc, ghép giác mạc,... tùy theo tình trạng bệnh.

Trong quá trình điều trị cần lưu ý những điều sau:

  • Không băng kín mắt hoặc băng quá chặt vì sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn sinh sôi;

  • Bảo vệ mắt bằng kính mát, tránh những kích thích mạnh từ môi trường;

  • Tránh dụi mắt hoặc va chạm tác động tới mắt;

  • Không trang điểm gần khu vực mắt hoặc đeo kính áp tròng khi đang điều trị bệnh.

4. Làm thế nào để phòng ngừa nguy cơ bị viêm giác mạc kẽ? 

Mục tiêu phòng ngừa là nhằm hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng - nguyên nhân chính gây nên tình trạng viêm giác mạc kẽ. Nếu chẳng may bị nhiễm trùng phần mắt, đừng tự ý xử lý mà hãy nhờ đến sự can thiệp y tế của y bác sĩ, đồng thời theo dõi bệnh và điều trị triệt để.

Dùng thuốc sẽ giúp hạn chế tình trạng viêm giác mạc kẽ

Dùng thuốc sẽ giúp hạn chế tình trạng viêm giác mạc kẽ

Như đã phân tích trước đó, các bệnh lý có khả năng lây truyền như bệnh Lyme, bệnh lao, nhiễm herpes zoster, herpes simplex, virus Epstein-Barr và phổ biến nhất là bệnh giang mai,... chính là những nguyên nhân dẫn tới viêm giác mạc kẽ. Do đó để phòng ngừa bị viêm giác mạc kẽ, hãy phòng tránh tốt rủi ro mắc phải những bệnh lý kể trên, ví dụ như:

  • Có đời sống tình dục lành mạnh: sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ, chung thủy với một bạn tình,...;

  • Không chia sẻ hoặc dùng chung đồ dùng vệ sinh cá nhân (bàn chải đánh răng, khăn tắm, khăn mặt, dao cạo râu,...), đồ trang điểm,... với người khác, nhất là người có dấu hiệu bị bệnh;

  • Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ;

  • Đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là vùng cơ quan sinh dục;

  • Rèn luyện thể lực để tăng sức đề kháng, có khả năng chống lại sự tấn công của các loại vi khuẩn, virus gây bệnh.

Trên đây là những thông tin cơ bản về tình trạng viêm giác mạc kẽ. Nếu cảm thấy nghi ngờ bản thân đang có các dấu hiệu của bệnh hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao có những bệnh lý tiềm ẩn gây viêm giác mạc kẽ, bạn hãy nhanh chóng đi kiểm tra để được điều trị ngay từ sớm, tránh trường hợp bệnh tiến triển thành các biến chứng nguy hiểm. 

Để được tư vấn chi tiết hơn về dịch vụ thăm khám Chuyên khoa Mắt tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo hotline 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ