Tin tức

Bệnh viêm phế quản có nguy hiểm đến tính mạng không?

Ngày 10/09/2020
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Viêm phế quản không phải là căn bệnh quá nguy hiểm, tuy nhiên nếu mọi người không điều trị, để tình trạng bệnh kéo dài thì có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Theo các bác sĩ, căn bệnh này nếu không điều trị dứt điểm sẽ tạo điều kiện cho virus tái tấn công và tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi hoặc suy giảm chức năng hô hấp. 

1. Viêm phế quản - căn bệnh thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ

Viêm phế quản là một căn bệnh liên quan đến đường hô hấp, thường xảy ra khi lớp niêm mạc phế quản bị viêm nhiễm. Đây cũng là cơ quan đảm nhận chức năng hít thở của con người nên khi mắc bệnh, bệnh nhân thường cảm thấy rất mệt mỏi, hơi thở ngắn hơn. Căn bệnh này thường xuất hiện ở những người bị cảm lạnh hoặc đường hô hấp bị viêm nhiễm do virus tấn công. 

viêm phế quản có thể do virus vi khuẩn gây nên

Virus tấn công gây viêm nhiễm phế quản

Bệnh viêm phế quản được phân chia thành hai loại là:

  • Viêm cấp tính: nếu tình trạng bệnh chỉ tồn tại trong khoản thời gian ngắn, từ vài ngày đến vài tuần.

  • Viêm mạn tính: nếu tình trạng bệnh kéo dài từ một đến nhiều tháng. Một số trường hợp bệnh trở nặng, bệnh nhân có thể sống chung với bệnh từ năm này sang năm khác.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh viêm phế quản xuất phát từ sự tấn công của virus nhưng có thể vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, sự hình thành bệnh ở người bị viêm cấp tính và viêm mãn tính cũng có sự khác biệt. Cụ thể:

  • Nguyên nhân dẫn đến phế quản bị viêm cấp tính: chủ yếu là do người bệnh bị virus ngoài không khí xâm nhập. Hình thức lây truyền có thể vì tiếp xúc với nước bọt của người bị bệnh khi họ ho, hắt xì nhưng không có biện pháp bảo vệ. Ngoài ra, bệnh nhân bị bội nhiễm vi khuẩn từ phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn,... cũng rất dễ bị bệnh. 

bệnh viêm phế quản do ô nhiễm không khí nặng

Bệnh viêm phế quản do ô nhiễm không khí nặng

  • Nguyên nhân dẫn đến phế quản bị viêm mãn tính: phần lớn bệnh nhân mắc bệnh do sống trong môi trường không khí bị ô nhiễm, nhiều bụi bẩn,... Vì khói bụi là yếu tố chính góp phần tạo điều kiện cho virus xâm nhập cơ thể gây ảnh hưởng đến phế quản. Bên cạnh đó, người có thói quen hút thuốc lá cũng là đối tượng dễ mắc phải căn bệnh này.

Ngoài ra, các bác sĩ cho rằng, những người có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch kém hoặc đang bị cảm lạnh, phế quản thường dễ bị viêm. Bên cạnh đó, những gia đình có tiền sử mắc những bệnh liên quan đến hệ hô hấp thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác. Chẳng hạn một số bệnh như hen suyễn, GERD,...

3. Triệu chứng thường gặp ở người mắc bệnh

Những triệu chứng của bệnh viêm phế quản thường khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu, tinh thần không thoải mái. Kèm theo đó là sự chán chường và mất hứng thú trong mọi công việc do sức khỏe không tốt. Vậy bệnh nhân thường có những triệu chứng gì khi mắc bệnh? Sau đây là những triệu chứng thường gặp nhất:

  • Ho: bệnh nhân có thể ho khan hoặc ho có đờm, tùy vào tình trạng của mỗi người, một số trường hợp bệnh nặng có thể ho ra máu. Do virus xâm nhập vào cơ thể, tấn công cơ quan hô hấp, gây ngứa trong cổ họng và ho.

viêm phế quản thường kèm theo cảm giác khó thở và nhiều cơn ho

Bệnh nhân thường ho kèm theo cảm giác khó thở

  • Khó thở, thở khò khè kèm theo cảm giác tức ngực.

  • Thường xuyên thấy mệt mỏi.

  • Xuất hiện những cơn sốt nhẹ.

Bệnh nhân bị viêm phế quản thường đi kèm với một vài bệnh lý khác, điển hình như cảm lạnh, cảm cúm. Do đó, khi nhận thấy có triệu chứng của bệnh, mọi người nên thăm khám và điều trị sớm để tránh tạo điều kiện cho virus phát triển và gây bệnh mới. Đồng thời hạn chế nguy cơ xuất hiện những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra. 

4. Các phương pháp điều trị bệnh

Các phương pháp điều trị bệnh viêm phế quản khá đơn giản nhưng đòi hỏi người bệnh phải hợp tác và thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, tùy vào trình trạng bệnh, độ tuổi của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp. Cụ thể như:

4.1. Bệnh viêm phế quản cấp tính

Tình trạng phế quản bị viêm cấp tính thường do virus tấn công nên bác sĩ chủ yếu kê toa thuốc. Một số thuốc thường được sử dụng trong điều trị bệnh gồm:

  • Sử dụng thuốc để tiêu diệt bội nhiễm vi khuẩn hoặc giảm thiểu nguy cơ bị vi khuẩn tấn công, xâm nhập vào cơ thể.

viêm phế quản nên sử dụng thuốc

Dùng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn

  • Nếu tình trạng ho kéo dài hoặc có những chuyển biến nặng như ho liên tục, ho kèm theo nhiều đờm, ho ra máu thì cần giữ ấm cho người bệnh, giúp người bệnh làm sạch các đường phế quản (nghĩa là giúp trẻ tống đàm nhớt ra khỏi cuống phổi) để người bệnh dễ thở hơn.

  • Nếu bệnh nhân xuất hiện nhiều triệu chứng đi kèm do viêm nhiễm nặng, bác sĩ có thể kết hợp thêm với một số loại thuốc khác.

4.2. Bệnh viêm phế quản mạn tính

Do bệnh thường tồn tại trong khoảng thời gian khá dài nên việc can thiệp bằng thuốc thường không thể duy trì lâu. Vì thế, bác sĩ chủ yếu hướng dẫn các bài tập rèn luyện sức khỏe để tăng cường sức đề kháng và giúp bệnh nhân dễ thở hơn. Để đạt hiệu quả, đòi hỏi bệnh nhân cần phải cố gắng thực hiện theo những yêu cầu của bác sĩ. Ngoài ra, việc xây dựng lối sống lành mạnh cũng giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

4.3. Đối với trẻ em 

Do sức khỏe của trẻ nhỏ thường chưa được ổn định, hệ miễn dịch còn yếu nên việc điều trị cũng được bác sĩ cân nhắc kỹ lưỡng. Tùy vào trình trạng của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có những hướng điều trị khác nhau. Nhìn chung, các phương pháp chữa bệnh viêm phế quản ở trẻ em chủ yếu gồm:

viêm phế quản nên cho trẻ uống nước thường xuyên

Cho trẻ uống nước thường xuyên để tiêu đờm

  • Nếu trẻ ho kèm theo có đờm nhiều thì cần phải hút đờm, kết hợp sử dụng thuốc giúp loãng đờm và cho trẻ uống nhiều nước để hỗ trợ tan đờm.

  • Môi trường xung quanh của trẻ cần phải giữ gìn trong lành, không có bụi bẩn hoặc khói thuốc. 

  • Nếu thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ giảm mạnh thì cần phải giữ ấm cho cơ thể của trẻ, hạn chế cho trẻ ra ngoài. Vì môi trường ẩm ướt, thường tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và tấn công. Bên cạnh đó, cơ thể trẻ bị lạnh thường dễ ảnh hưởng đến hệ hô hấp.

5. Các biện pháp phòng ngừa bệnh

Việc chủ động phòng ngừa bệnh sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Do đó, để phòng tránh bệnh viêm phế quản, mọi người nên thực hiện những biện pháp được bác sĩ chia sẻ. Cụ thể:

  • Đối với trẻ em: luôn giữ ấm cơ thể và ổn định thân nhiệt của trẻ, tuyệt đối không được để trẻ bị nhiễm lạnh. Khi nhận thấy trẻ có những triệu chứng bất thường cần phải đưa trẻ đi khám và điều trị bệnh sớm nhất. Nếu trẻ bị bệnh viêm họng, viêm Amidan,... cần phải điều trị bệnh sớm để hạn chế nguy cơ dẫn đến bệnh viêm phế quản. Việc xây dựng môi trường sống lành mạnh cũng góp phần giúp trẻ hạn chế bệnh tật.

viêm phế quản tuyệt đối không sử dụng thuốc lá

Tuyệt đối không để trẻ hít phải mùi khói thuốc lá

  • Đối với người lớn: hạn chế tiếp xúc với bụi bẩn, hóa chất độc hại bằng cách đeo khẩu trang khi ra ngoài. Đồng thời, không nên hút thuốc lá vì đây là một trong những nguồn gốc gây ra nhiều căn bệnh liên quan đến hệ hô hấp. Luôn giữ không khí trong lành, hạn chế tồn đọng bụi bẩn trong môi trường sống.

Tình trạng viêm phế quản ở mức độ nhẹ có thể tự khỏi nếu người bệnh biết cách chăm sóc bản thân mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu căn bệnh chuyển biến nặng, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn và có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Do đó, mỗi người cần phải chủ động bảo vệ sức khỏe của mình và điều trị bệnh sớm nhất.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.