Tin tức
Điều trị cơn hen nặng theo phác đồ chuẩn của Bộ y tế
- 24/08/2021 | Bị hen phế quản nhất định phải biết cách dùng thuốc hít hen phế quản
- 14/08/2021 | Các triệu chứng thường gặp khi bị viêm phế quản dạng hen
- 18/05/2021 | Bài tập hít thở dành cho bệnh nhân hen suyễn nên thử và tập luyện
1. Cơn hen nặng nguy hiểm như thế nào?
Hen suyễn là bệnh mạn tính rất khó để điều trị dứt điểm, bệnh nhân cần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tránh xa các tác nhân kích thích có thể dẫn tới hen suyễn cấp tính. Khi tiếp xúc với tác nhân kích thích hoặc điều trị, dự phòng hen suyễn không tốt, hen nặng sẽ xuất hiện vô cùng nguy hiểm.
Cơn hen nặng rất nguy hiểm nếu không được can thiệp y tế khẩn trương
Bệnh nhân có được cứu sống và khắc phục biến chứng tốt hay không còn phụ thuộc vào việc điều trị, cấp cứu khi bị hen nặng có nhanh chóng, đúng phác đồ hay không. Bệnh nhân lên cơn hen nặng càng kéo dài không được điều trị tốt càng có tỉ lệ tử vong cao.
Biến chứng có thể gặp do hen nặng và nguy kịch bao gồm:
-
Biến chứng suy hô hấp.
-
Nhiễm khuẩn bệnh viện.
-
Tràn khí màng phổi hoặc trung thất: tình trạng này thường xuất hiện tự phát khi người bệnh thở gắng sức hoặc biến chứng do dùng máy thở.
-
Rối loạn nước và điện giải: Quá trình thở gắng sức gây mất nước và điện giải, hạ Kali máu do dùng thuốc cường giao cảm liều cao.
2. Các tác nhân có thể gây hen nặng
Việc tuân thủ phác đồ điều trị, tránh xa tác nhân có thể gây cơn hen cấp tính nặng là điều quan trọng để ngăn ngừa hen nặng và đột tử do hen. Những tác nhân có thể gây hẹn nặng cấp tính gồm:
-
Dị nguyên trong nhà: nấm mốc, mạt bụi bẩn, thuốc men, gián, lông động vật, hóa chất,…
-
Nhiễm trùng: Đa phần nguyên nhân do virus.
Hen nặng có thể xảy ra khi bệnh nhân tiếp xúc với tác nhân kích thích như lông chó, mèo
-
Dị nguyên ngoài nhà: nấm mốc, phấn hoa, các loại hóa chất, chất lên men, bụi đường phố, hương khói, tác nhân nhiễm trùng.
-
Thuốc lá: Bao gồm cả tiếp xúc khói thuốc lá bị động và hút thuốc lá chủ động.
-
Các yếu tố liên quan đến nghề nghiệp: Hóa chất, than, bụi bông, bụi vải,…
-
Ô nhiễm không khí: các loại hóa chất, ô nhiễm không khí do nhà máy, khu công nghiệp hoặc phương tiện giao thông thải ra.
Ngoài ra, những người mắc bệnh hen suyễn nên luôn mang theo bên mình thuốc điều trị khẩn cấp hoặc thông tin về bệnh để nếu không may bệnh khởi phát, người xung quanh có thể hỗ trợ và xử trí kịp thời.
3. Các biện pháp điều trị cơn hen nặng
Khi bệnh nhân xuất hiện cơn hen nặng và nguy kịch, việc điều trị phải tiến hành nhanh, khẩn trương và đúng phương pháp.
3.1. Nguyên tắc xử trí ở người bị hen nặng
Phác đồ điều trị cho bệnh nhân bị hen nặng cần kết hợp các phương pháp bao gồm:
Đảm bảo oxy máu
Người bệnh cần được thở oxy liều lượng cao qua ống thông mũi hoặc mặt nạ oxy để đáp ứng nồng độ oxy trong máu ít nhất ở ngưỡng an toàn.
Thở oxy cần thực hiện sớm ở bệnh nhân hen nặng
Thuốc giãn phế quản
Thuốc được lựa chọn ưu tiên nhất là thuốc cường B2 giao cảm, phối hợp dùng toàn thân (tiêm, truyền) hoặc dùng tại chỗ (phun, hít, xịt, khí dung), có tác dụng nhanh. Đôi khi bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc ức chế phó giao cảm tác dụng nhanh kết hợp hoặc các thuốc khác như Theophylin, Adrenalin nếu không đáp ứng tốt.
Corticoid
Bệnh nhân bị hen nặng cần dùng Corticoid toàn thân phối hợp với loại tác dụng tại chỗ qua đường khí dung.
Các phương pháp này cần thực hiện khẩn trương, tích cực, đúng thuốc và đúng phương pháp với tình trạng bệnh.
3.2. Xử trí ban đầu trước khi đưa bệnh nhân đi cấp cứu
Trong thời gian chờ và đưa đi cấp cứu, biến chứng của hen nặng có thể đã nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Do đó, phải xử trí tình trạng trước mắt nhanh chóng với các thuốc:
-
Khí dung 5mg thuốc cường beta 2 giao cảm trong 20 phút, theo dõi phản ứng của bệnh nhân và tiếp tục dùng nếu không thấy hiệu quả. Nếu bệnh nhân mang theo thuốc xịt, sử dụng thuốc với 2 - 4 lần xịt, nhắc lại nếu không thấy hiệu quả.
-
Corticoid dùng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
-
Thở oxy cho bệnh nhân trên đường đến bệnh viện với liều lượng 6 - 8 lít mỗi phút, ngoài ra vẫn tiếp tục xịt thuốc cường B2 giao cảm.
Bệnh nhân hen nặng cần được dùng thuốc giãn phế quản ngay lập tức
3.3. Điều trị hen nặng ở bệnh viện
Bộ Y tế đã có hướng dẫn về Phác đồ xử trí cơn hen nặng và nguy kịch theo từng giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Giờ đầu tiên
-
Bệnh nhân được thở oxy qua mặt nạ hoặc gọng kính oxy, duy trì cho SpO2 luôn trên 90%.
-
Corticoid dạng tiêm tĩnh mạch từ 40 - 80mg, đánh giá tình trạng bệnh nhân sau 1 giờ.
-
Dùng thuốc giãn phế quản: khí dung thuốc cường B2 với liều lượng 5mg mỗi 20 phút, lặp lại 3 lần liên tiếp trong giờ đầu tiên.
Giai đoạn 2: 1 - 6 giờ tiếp theo
Trong giai đoạn này vẫn tiếp tục duy trì điều trị như ở giờ đầu tiên với thở oxy, dùng thuốc giãn phế quản và corticoid. Bệnh nhân cần được theo dõi sát sao triệu chứng và tiến triển bệnh, nếu không đáp ứng với thuốc và có dấu hiệu chuyển nặng cần đổi phương pháp.
Giai đoạn 3: Từ 6 - 12 giờ tiếp theo
Bệnh nhân được duy trì thở oxy duy trì SpO2 trên 90%, ngoài ra dùng thuốc giãn phế quản và corticoid có thay đổi như sau:
-
Corticoid đường tiêm tĩnh mạch: liều 200 - 300 mg/24 giờ, chia thành 4 lần liên tiếp.
-
Thuốc giãn phế quản: khí dung thuốc cường B2 liên tục với hàm lượng 5 mg/lần, mỗi giờ từ 10 - 15 mg hoặc truyền tĩnh mạch. Dựa theo đáp ứng của người bệnh và điều chỉnh hàm lượng thuốc dùng phù hợp.
Bệnh nhân hen nặng cần được cấp cứu và theo dõi
Phác đồ điều trị hen nặng được đưa ra đúng với đa số trường hợp bệnh, song bác sĩ có thể thay đổi thứ tự hoặc phương pháp điều trị tùy theo tình trạng bệnh thực tế. Một số thuốc điều trị liều cao chỉ xem xét dùng khi bệnh nhân bị hen nguy kịch, đe dọa ngừng tuần hoàn hoặc không đáp ứng hoàn toàn với các thuốc điều trị thông thường.
Khi đã qua 12 giờ đầu tiên, bệnh nhân hen nặng có tiến triển tốt nghĩa là đã qua thời điểm nguy hiểm. Triệu chứng bệnh và tình trạng sức khỏe sẽ tiếp tục được theo dõi, can thiệp khi cần thiết. Như vậy, điều trị cơn hen nặng cần xử trí nhanh để duy trì hô hấp và tính mạng sau đó tiếp tục theo dõi, điều trị tại bệnh viện. Việc xử trí chậm trễ hoặc sai thuốc, sai phương pháp có thể khiến bệnh nhân tử vong hoặc gặp biến chứng nặng.
Nếu cần tư vấn thêm về phương pháp điều trị hen cũng như các thông tin sức khỏe khác, tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!