Tin tức

Biến chứng xương khớp ở bệnh nhân đái tháo đường

Ngày 04/04/2013
Bác sĩ Nguyễn Hồng
Đái tháo đường có nhiều biến chứng trong đó có biến chứng ở hệ xương khớp. Đây là một trong những biến chứng gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người bệnh do những tác hại của nó đến khả năng lao động, nhu cầu sinh hoạt, cũng như về thẩm mỹ, tinh thần… Tuy nhiên, hiện nay nhiều bệnh nhân chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Hội chứng bàn tay cứng hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường.

Biến chứng ở gân cơ

- Hội chứng  ống cổ tay, ống cổ chân: Người bệnh có triệu chứng tê rần ở bàn tay hoặc bàn chân. Cảm giác tê càng tăng lên khi bệnh nhân đứng trong một số tư thế như: buông thõng tay (hay chân), gập vùng cổ tay, cổ chân trong nhiều giờ liền. Đau tăng lên khi bệnh nhân phải gấp duỗi cổ tay như cầm sách, báo, đánh máy chữ, lái xe, sử dụng dao, đũa... Ở một số trường hợp khiến cho bệnh nhân mất ngủ, bồn chồn, mệt mỏi, suy nhược.  Hội chứng này gặp trong 20% bệnh nhân mắc đái tháo đường.

- Hội chứng bàn tay cứng, hay hội chứng hạn chế vận động khớp với biểu hiện da  tay bị dày lên, xơ cứng gần giống như bệnh xơ cứng bì. Hạn chế vận động khớp biểu hiện bằng các ngón tay không thể gấp và duỗi hết tầm vận động bình thường, xơ hóa các bao gân duỗi và gấp ngón tay. Ở mức độ nặng hơn, bệnh nhân không thể áp sát 2 lòng bàn tay vào nhau. Hội chứng này  gặp khoảng 1/3 bệnh nhân đái tháo đường týp 1.

- Hội chứng Duputren là do tình trạng xơ hóa, co rút, dày lên của cân cơ gan bàn tay với biểu hiện bằng sự co rút của ngón tay, thường gặp ở ngón đeo nhẫn nhưng có khi lan rộng sang tận ngón trỏ. Hội chứng này thường gặp ở 25% bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường.


- Hội chứng ngón tay lò xo do viêm bao gân gấp ngón tay là một biến chứng khá thường gặp. Bệnh nhân có cảm giác ngón tay như bị khóa cứng lại không thể duỗi ra bình thường được mà phải cố gắng bật mạnh ra, hoặc lấy ngón tay khác bẻ ra. Ngón tay bị co gấp như hình cò súng.


Biến chứng ở khớp và tổ chức quanh khớp

Bệnh nhân đái tháo đường cũng thường bị viêm đau các khớp, thường gặp nhất là khớp vai và bao quanh khớp vai. Trong đó có hội chứng khớp vai đông cứng hay co rút khớp vai với biểu hiện gần như hoàn toàn sự vận động của khớp vai, nhất là các động tác dạng và xoay vai. Người bệnh sẽ có triệu chứng đau nhẹ và không tương xứng khiến cho bệnh nhân hạn chế vận động. Đây là hội chứng thường gặp khoảng 20% bệnh nhân  đái tháo đường. Tiếp theo là hội chứng vai tay hay hội chứng đau loạn dưỡng thần kinh phản xạ (hội chứng Sudeck) có thể gặp và thường phối hợp với hội chứng đông cứng khớp vai. Người bệnh đau lan tỏa từ trên vai lan xuống đến bàn, ngón tay, đau rất nhiều kèm theo rối loạn vận mạch (tay sưng phù, da đỏ, tím...) và thiểu dưỡng cơ, teo cơ nếu ở giai đoạn muộn. Ngoài ra, viêm điểm bám gân vôi hóa cũng hay gặp, tỷ lệ bệnh gấp 3 lần người bình thường không mắc đái tháo đường với biểu hiện bằng đau vai rất đột ngột, dữ dội, hạn chế vận động khớp nhiều.

 

Về phòng bệnh

Do đái tháo đường là căn bệnh mạn tính, không thể điều trị khỏi hoàn toàn nên người bệnh phải sống chung. Muốn giảm thiểu biến chứng, người bệnh phải tuân thủ quá trình điều trị phù hợp với điều kiện của bản thân. Theo dõi và kiểm soát đường huyết ở ngưỡng tối ưu nhất thông qua chế độ ăn uống cân bằng và khoa học.

Bệnh nhân cần duy trì cuộc sống vận động, tập luyện để kiểm soát đường huyết và cân nặng hợp lý nhất.

Thường xuyên kiểm tra sức khỏe để tầm soát bệnh và phát hiện sớm những biến chứng sớm nhất. Khi có các triệu chứng như sưng, đau, mất cảm giác hay tê bì, thay đổi màu da bất thường, có vết thương bàn chân, giảm hoặc mất khả năng cử động một chi cần đến bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp.

Cần từ bỏ các thói quen có hại trong ăn uống, sinh hoạt, lối sống  như: ăn đồ ngọt, làm quá sức hoặc quá lười, vệ sinh kém, uống rượu, hút thuốc…  


Nguồn: http://suckhoedoisong.vn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.