Tin tức

Biểu hiện tiểu đường ở trẻ em: những điều cha mẹ nên biết

Ngày 03/07/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến hoạt động cơ thể chuyển hóa đường trong máu. Nhận biết sớm biểu hiện tiểu đường ở trẻ em sẽ giúp trẻ được can thiệp kịp thời để quản lý tốt nguy cơ biến chứng.

1. Thông tin khái quát về bệnh tiểu đường

Tiểu đường là tập hợp các rối loạn chuyển hóa đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết mạn tính do bất thường trong cơ chế tiết insulin hoặc hoạt động của insulin hoặc phối hợp cả 2. Sự tiết insulin không đầy đủ và hoặc giảm đáp ứng của tế bào đích với insulin đưa đến bất thường chuyển hóa carbonhydrat , lipid và protein.

Tiểu đường gồm 2 loại:

- Tiểu đường type 1: thường gặp trước tuổi dậy thì nguyên nhân do sự thiếu hụt insulin hoàn toàn.

- Tiểu đường type 2: thường gặp sau tuổi dậy thì. Cơ chế bệnh là sự phối hợp của sự đề kháng insulin và đáp ứng tiết insulin bù trừ không thích hợp.

Khái quát về bệnh tiểu đường trẻ em

Khái quát về bệnh tiểu đường trẻ em

2. Nhận diện sớm biểu hiện tiểu đường ở trẻ em

2.1. Thường xuyên cảm thấy khát nước

Một trong những biểu hiện tiểu đường ở trẻ em dễ nhận diện nhất là trẻ cảm giác khát nước liên tục. Vì khát nước nên trẻ uống nước nhiều hơn bình thường, thậm chí cả khi không hoạt động nhiều hoặc trời không nóng. 

Nguyên nhân khiến trẻ thường xuyên có cảm giác khát nước là do lượng đường trong máu tăng cao, thận phải làm việc nhiều hơn để lọc và loại bỏ lượng đường dư thừa qua nước tiểu. Kết quả là trẻ bị mất nước và cơ thể phản ứng lại bằng cách kích thích cảm giác khát để bù đắp lượng nước thiếu hụt.

2.2. Tiểu nhiều

Do uống nhiều nước nên trẻ đi tiểu nhiều hơn bình thường. Trẻ có thể đi tiểu nhiều lần trong ngày và thậm chí phải thức dậy vào ban đêm để đi tiểu. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ của trẻ và khiến trẻ bị mệt mỏi vào ban ngày. 

Tiểu nhiều cũng là kết quả của việc cơ thể phải gồng mình để loại bỏ lượng đường dư thừa trong máu qua đường tiểu.

2.3. Giảm cân nhanh nhưng không rõ nguyên nhân

Trẻ giảm cân nhanh chóng mà không có biểu hiện trẻ suy dinh dưỡng, thậm chí trẻ còn ăn nhiều hơn thì có thể xem là biểu hiện tiểu đường ở trẻ em. Khi cơ thể trẻ bị thiếu insulin hoặc insulin không hoạt động hiệu quả thì không thể sử dụng đường để tạo năng lượng. Lúc đó, cơ thể sẽ phá hủy chất béo và cơ bắp để tạo năng lượng, kết quả là trẻ bị sụt cân.

2.4. Mệt mỏi

Khi lượng đường trong máu tăng cao nhưng không thể chuyển hóa thành năng lượng thì trẻ sẽ luôn có cảm giác mệt mỏi vì bị thiếu năng lượng. Mệt mỏi có thể khiến trẻ không có hứng thú tham gia vào hoạt động thường ngày, khả năng tập trung kém.

Một số biểu hiện tiểu đường ở trẻ em cần lưu tâm

Một số biểu hiện tiểu đường ở trẻ em cần lưu tâm

2.5. Nhìn mờ

Tăng lượng đường trong máu có thể gây ra hiện tượng nhìn mờ. Đường dư thừa ảnh hưởng đến thấu kính trong mắt, làm thay đổi hình dạng thấu kính và khiến việc nhìn rõ bị cản trở. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ rất dễ gặp vấn đề nghiêm trọng về thị lực.

2.6. Nhiễm trùng và nấm da

Đây là một trong các biểu hiện tiểu đường ở trẻ em rất dễ gặp. Tăng đường huyết được xem là yếu tố thuận lợi cho vi nấm, vi khuẩn phát triển và suy giảm miễn dịch. Vì thế, trẻ bị tiểu đường có nguy cơ nhiễm nấm và nhiễm trùng da cao hơn so với trẻ khỏe mạnh. Khi bị thương hoặc trầy xước da, vết thương ở trẻ bị tiểu đường thường khó lành và có nguy cơ nhiễm trùng cao.

2.7. Vết thương khó lành

Các vết thương nhỏ hoặc trầy xước ở trẻ bị tiểu đường thường lâu lành hơn. Nguyên nhân của tình trạng này là do lưu thông máu kém, khả năng miễn dịch giảm, khả năng tái tạo và phục hồi của mô bị suy yếu.

2.8. Khó thở

Một số trường hợp bị tiểu đường nặng, trẻ có thể khó thở và có mùi hơi thở giống như trái cây. Đây là biểu hiện tiểu đường ở trẻ em biến chứng nhiễm toan ceton. 

Nhiễm toan ceton xảy ra khi cơ thể không có đủ insulin để sử dụng đường làm năng lượng và bắt đầu phá hủy chất béo, khiến cho acid ceton tích tụ trong máu.

2.9. Thay đổi tâm trạng

Trẻ bị tiểu đường có thể trở nên cáu kỉnh, khó chịu hoặc thay đổi tâm trạng đột ngột. Điều này có thể do trẻ thường xuyên bị mệt mỏi và khó chịu vì cơ thể không ở trạng thái cân bằng.

2.10. Học tập giảm sút

Sự mệt mỏi, thiếu năng lượng và các vấn đề sức khỏe khác do tiểu đường gây ra có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung và hiệu suất học tập của trẻ. Vì thế, nếu thấy trẻ gặp khó khăn trong việc theo kịp bài vở và tham gia các hoạt động học tập thường ngày thì có thể nghi ngờ đây là biểu hiện tiểu đường ở trẻ em.

3. Chẩn đoán bệnh tiểu đường ở trẻ em bằng cách nào?

Trẻ có biểu hiện tiểu đường cần sớm được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị tích cực

Trẻ có biểu hiện tiểu đường cần sớm được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị tích cực

Khi nghi ngờ con có biểu hiện tiểu đường ở trẻ em, cha mẹ nên cho trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định biện pháp chẩn đoán chính xác. Có rất nhiều phương pháp chẩn đoán tiểu đường trẻ em, dựa trên tình trạng sức khỏe thực tế của từng bệnh nhân bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp:

- Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu giúp đo lượng đường trong máu. Để đảm bảo tính chính xác của kết quả, bác sĩ có thể yêu cầu trẻ nhịn ăn tối thiểu 8 giờ trước khi làm xét nghiệm.

- Xét Nghiệm HbA1c

Đây là xét nghiệm được thực hiện để đo lượng đường trong máu. Kết quả xét nghiệm giúp đánh giá hiệu quả điều trị và kiểm soát đường huyết trong thời gian dài. 

- Xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu giúp tìm kiếm sự có mặt của đường và ketone - dấu hiệu bệnh tiểu đường type 1. Ketone là sản phẩm phụ của quá trình đốt cháy chất béo để tạo năng lượng khi cơ thể không có đủ insulin để sử dụng đường.

- Kiểm tra kháng thể

Đối với trẻ có nguy cơ cao với tiểu đường type 1, bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm kiểm tra kháng thể tự miễn. Các kháng thể này chống lại các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy. Sự hiện diện của các kháng thể tự miễn cho thấy hệ miễn dịch đang tấn công vào tuyến tụy, làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 1.

Tiểu đường ở trẻ em là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng nếu phát hiện sớm biểu hiện tiểu đường ở trẻ em và can thiệp đúng cách thì có thể kiểm soát bệnh. Vì thế, khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu của tiểu đường, hãy sớm cho trẻ khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe, kiểm tra tiểu đường cho trẻ có thể liên hệ đặt trước lịch khám cùng bác sĩ Chuyên khoa Nhi của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.