Tin tức

Buồn tiểu, đi tiểu ngay có tốt không?

Ngày 06/03/2019
Ban biên tập
Khá nhiều người có thói quen: cứ buồn tiểu là đi tiểu ngay, vì lo ngại nhịn tiểu sẽ gây hại đến chức năng thận. Theo các bác sĩ, đây là quan điểm sai lầm. Thói quen này thậm chí có thể gây nên các rối loạn tiểu tiện, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của những người mắc bệnh. Tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã có trường hợp bệnh nhân vì thói quen này gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống.

Đó là trường hợp của anh H.T.Đ (43 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đi khám với lý do tiểu nhiều lần: ban ngày anh phải đi tiểu tới ngoài 30 lần, cứ 20-30 phút là anh phải đi tiểu 1 lần, ban đêm cũng phải dậy 6-7 lần để đi tiểu, mỗi khi thấy buồn tiểu anh phải đi tiểu ngay, nếu nhịn tiểu sẽ rất khó chịu. Việc này ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt của anh, khiến 3-4 năm qua anh không muốn rời khỏi nhà, và mỗi khi đi đâu cũng chỉ bận đi tiểu, kể cả khi đến bệnh viện.

Dung tích bàng quang của người bình thường là bao nhiêu?

Kết quả thăm khám cho thấy, các thăm dò chức năng gồm: xét nghiệm máu, nước tiểu, chức năng gan thận, siêu âm và chụp X-quang đường tiết niệu, đều cho kết quả bình thường.

Xét nghiệm máu, nước tiểu giúp loại trừ các bệnh đường tiết niệu.

Sau khi loại trừ khả năng bệnh lý như tiểu đường và các bệnh đường tiết niệu khác, anh Đ được chỉ định đo dung tích bàng quang khi căng tiểu và thể tích nước tiểu tồn dư sau khi đi tiểu. Với lượng nước tiểu tồn dư bằng 0 ml, dung tích bàng quang khi căng tiểu là 47 ml, các bác sĩ kết luận anh Đ đã mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt (over active bladder - OAB).

Chia sẻ thêm về hội chứng này, Bs Bùi Cảnh Vin – Chuyên khoa Nam học, Bệnh viện đa khoa MEDLATEC cho biết: Hội chứng bàng quang tăng hoạt được hiểu là khi ngưỡng kích thích buồn tiểu của bàng quang nhỏ hơn so với bình thường. Đối với người bình thường, khi bàng quang chứa từ 300-500 ml là ngưỡng để có kích thích dẫn đến buồn tiểu, nhưng trường hợp của anh Đ thì chỉ chứa 47 ml đã có kích thích buồn tiểu (ngưỡng chứa chỉ bằng 1/6 người bình thường). Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân đi tiểu nhiều hơn so với người bình thường.

Biểu hiện bàng quang tăng hoạt

Theo Hội Niệu khoa Việt Nam, bàng quang tăng hoạt liên quan đến các triệu chứng như: tiểu gấp, tiểu nhiều lần, có hoặc không có triệu chứng tiểu gấp không kiểm soát kèm theo. Các triệu chứng này xuất hiện trong tình trạng không có các tổn thương bệnh lý tại chỗ và không có các tác nhân chuyển hóa có thể gây nên các triệu chứng trên.

Khi buồn tiểu mà đi tiểu ngay là thói quen xấu, sẽ làm ngưỡng kích thích của bàng quang giảm dần, và có thể là một trong các nguyên nhân dẫn đến bàng quang tăng hoạt. Các chuyên gia cho biết, hội chứng này không nguy hiểm đến sức khỏe bệnh nhân, nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Đồng thời các chuyên gia khẳng định, nhịn tiểu ảnh hưởng trực tiếp tới bàng quang mà không có ảnh hưởng tới chức năng của thận.

Làm thế nào giúp bàng quang hoạt động bình thường trở lại?

Bệnh nhân tăng bàng quang cần được hướng dẫn bệnh nhân ghi nhật ký đi tiểu theo mẫu.

Đối với các bệnh nhân bị bàng quang tăng hoạt, để bàng quang hoạt động bình thường trở lại, bước đầu tiên là sử dụng các biện pháp can thiệp hành vi nhằm phục hồi chức năng cho bàng quang, nhằm tăng ngưỡng kích thích của bàng quang, cụ thể như sau:

- Giải thích, giáo dục bệnh nhân hiểu về bản chất bệnh lý: hầu hết bàng quang của con người bình thường có thể chứa được 300-500 ml, thậm chí 1000ml nước tiểu. Bệnh lý khi có những kích thích mà bàng quang chứa rất ít nước tiểu.

- Hướng dẫn bệnh nhân ghi nhật ký đi tiểu theo mẫu.

- Tập nhịn tiểu tăng dần thời gian giữa hai lần đi tiểu: buồn tiểu không được đi tiểu ngay, cần: (1) Tập kìm nén và kiểm soát tiểu gấp: bình tĩnh, ngồi xuống chùng cơ bụng, hít thở sâu và thư giãn, làm sao nhãng cảm giác muốn đi tiểu đồng thời chủ động co cơ đáy chậu. (2) Tập làm chắc cơ sàn chậu: bài tập Kegel. (3) Ghi chép và theo dõi dựa vào nhật ký đi tiểu.

- Kiêng các chất kích thích: cà phê, thuốc lá, rượu, bia, nước ngọt …

- Điều chỉnh lượng nước uống cho phù hợp, hạn chế nước buổi tối.

- Điều chỉnh cân nặng, chống táo bón.

Đối với các trường hợp kém hoặc không đáp ứng, các bác sĩ sẽ cần dùng phối hợp thêm các thuốc dạng uống hiện tại đáp ứng rất tốt cùng với can thiệp hành vi. Trong các trường hợp kháng trị, các can thiệp có thể được cân nhắc theo thứ tự: tiêm thuốc phong bế bàng quang, kích thích thần kinh cùng – thần kinh chày, phẫu thuật mở rộng bàng quang và cuối cùng là phẫu thuật chuyển dòng nước tiểu.

Như vậy, từ một thói quen xấu có thể dẫn đến những rối loạn chức năng của bàng quang, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và mất nhiều thời gian, công sức để chữa bệnh, phục hồi chức năng về bình thường. Tác giả mong muốn các bạn sau bài viết sẽ có nhận thức đúng về thói quen buồn tiểu là phải đi tiểu ngay, từ đó sẽ có những thói quen tốt hơn nhằm có một cuộc sống chất lượng, tốt đẹp hơn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ