Tin tức

Các bệnh viêm nhiễm âm đạo phổ biến phụ nữ thường mắc phải

Ngày 31/10/2020
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Âm đạo là một ống cơ mạc rất đàn hồi, trung bình dài khoảng 8 - 10cm ở người trưởng thành. Cơ quan này bám từ cổ tử cung tới tiền đình âm hộ, vì vậy rất dễ bị tấn công bởi các vi khuẩn gây hại. Hãy cùng MEDLATEC điểm qua một số bệnh phụ khoa phổ biến thường gặp ở phái nữ thông qua bài viết sau đây.

1. Các bệnh lý thường gặp

Do có vị trí có tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên âm đạo dễ mắc các bệnh viêm nhiễm. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau góp phần hình thành các tình trạng này, phổ biến như sau:

Nhiễm khuẩn

Tình trạng nhiễm khuẩn được hình thành bởi những vi khuẩn trong môi trường âm đạo. Một số vi khuẩn điển hình như Bacteroides, Gardnerella vaginalis, Mobiluncus,… phát triển quá mức gây viêm nhiễm. Các bệnh nhân mắc phải đa số là những phụ nữ không đảm bảo vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ hoặc quan hệ tình dục không an toàn. Những triệu chứng thường biểu hiện qua:

  • Dịch tiết âm đạo: có mùi tanh hôi, số lượng nhiều, tính chất hoặc màu sắc bất thường (đặc, dính, có màu trắng đục, xám,…).

  • Cảm giác: ngứa ngáy, khó chịu, đau rát khi đi vệ sinh hoặc sau quan hệ tình dục.

  • Một vài trường hợp xuất hiện triệu chứng chảy máu âm đạo.

Các vi khuẩn kỵ khí nội sinh tại âm đạo sinh trưởng quá mức gây nên tình trạng nhiễm khuẩn

Các vi khuẩn kỵ khí nội sinh tại âm đạo sinh trưởng quá mức gây nên tình trạng nhiễm khuẩn

Nấm men

Loại nấm Candida Albicans là tác nhân chính gây ra các bệnh nhiễm trùng nấm men. Hệ miễn dịch suy yếu, môi trường trong âm hộ mất cân bằng chính là điều kiện thuận lợi cho sự tiến triển của bệnh. Bệnh nhân thường gặp các tình trạng rất khó chịu như:

  • Đau buốt khi đi tiểu và quan hệ.

  • Dịch âm đạo trắng đục như váng sữa hoặc như bã đậu nhưng không có mùi hôi.

  • Ngứa ngáy dữ dội khiến bệnh nhân gãi nhiều, có thể làm tổn thương âm đạo và khiến bệnh lây lan đến các vùng xung quanh (đùi, bẹn, hậu môn, tầng sinh môn,…).

Trùng roi

Âm đạo bị viêm nhiễm bởi trùng roi Trichomonas gây ra thường lây lan qua đường quan hệ tình dục. Ngoài ra, một số vật dụng sinh hoạt hằng ngày như bồn tắm, khăn ẩm ướt,… cũng có thể là vật trung gian truyền bệnh. Các dấu hiệu bệnh thường có biểu hiện rất đặc trưng như:

  • Dịch tiết số lượng nhiều, có bọt, màu vàng xanh, độ pH >4,5.

  • Mùi tanh hôi không thể rửa sạch.

  • Một số triệu chứng khác: khó chịu, ngứa ngáy, đau khi giao hợp hoặc lúc đi vệ sinh.

Bệnh phụ khoa gây ra bởi trùng roi luôn có dấu hiệu đặc trưng

Bệnh phụ khoa gây ra bởi trùng roi luôn có dấu hiệu đặc trưng

2. Nên làm gì khi phát hiện các dấu hiệu khác thường

Nếu bạn nhận ra một trong những triệu chứng trên đang xuất hiện trên cơ thể, hãy bỏ qua mặc Cảm tự ti, ngại ngùng mà đi thăm khám ngay để được chẩn đoán, xử trí kịp thời. Một số phác đồ điều trị thường được lựa chọn ứng với từng tình trạng viêm nhiễm âm đạo như:

Viêm do trùng roi và vi khuẩn

Nếu trường hợp của bạn được xác định nguyên nhân gây ra bởi trùng roi hay vi khuẩn. Bạn và người thương có thể sẽ được điều trị tương tự theo một trong những phác đồ sau:

  • Metronidazole 2g uống liều duy nhất.

  • Tinidazole 2g uống 1 liều.

  • Metronidazole 500mg dùng đường uống 2 lần/ngày trong 7 ngày.

Lưu ý trong quá trình điều trị bằng Metronidazol, tuyệt đối không được quan hệ tình dục và sử dụng rượu (24 giờ sau khi ngừng thuốc).

Môi trường sinh dục rất quan trọng đối với sức khỏe và chức năng sinh sản của phụ nữ

Môi trường sinh dục rất quan trọng đối với sức khỏe và chức năng sinh sản của phụ nữ

Viêm do nấm men

Nếu tác nhân tấn công gây bệnh là nấm Candida, người thương của bạn sẽ không cần phải cùng điều trị. Bác sĩ có thể sẽ sử dụng một trong những phác đồ sau để điều trị:

  • Nystatin 100.000 đơn vị đặt âm đạo 1 hoặc 2 viên/ngày trong 14 ngày.

  • Miconazole hoặc Clotrimazole 200mg đặt âm đạo 1 viên/ngày trong 3 ngày.

  • Clotrimazole 500mg dùng đặt âm đạo 1 liều.

  • Itraconazole (Sporal) 100mg dùng đường uống 2 viên/ngày trong 3 ngày.

  • Fluconazole (Diflucan) 150mg dùng đường uống 1 viên.

Viêm sinh dục do Chlamydia:

  • Doxyciclin 100mg x 7 - 10 viên, ngày uống 1 viên, sau ăn. Cần điều trị cho bạn tình.

  • Viêm sinh dục do lậu cầu: Ceftriaxon 1g, tiêm bắp, kết hợp với điều trị Chlamydia (nếu có ). Và điều trị cả bạn tình.

3. Làm sao để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh?

Xác định yếu tố tác nhân

Ngoài nguyên nhân chính gây bệnh do vi khuẩn, bạn nên cẩn thận phòng tránh các tác nhân góp phần hình thành, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của bệnh như sau:

  • Vệ sinh: không đảm bảo môi trường sinh dục sạch sẽ, vệ sinh sai cách, thụt rửa, sử dụng dung dịch vệ sinh gây tổn thương âm đạo,… đều có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh.

  • Quan hệ tình dục: việc quan hệ bừa bãi, không sử dụng biện pháp phòng ngừa, hay động tác quá thô bạo, mất vệ sinh,...

  • Hormone: trong thời kỳ mang thai hoặc ngày hành kinh khiến nội tiết tố thay đổi bất thường có thể là yếu tố góp phần gây nên tình trạng viêm nhiễm. Do sự mất cân bằng trong môi trường âm đạo tạo cơ hội cho các vi khuẩn có hại phát triển.

  • Cơ địa: hệ miễn dịch suy yếu, cơ chế bảo vệ hoạt động kém khiến cơ thể dễ bị tấn công và gây bệnh hơn.

  • Sinh hoạt: thường xuyên tiếp xúc với môi trường ẩm ướt (cấy lúa, làm muối, đánh bắt hải sản,…), sử dụng quần lót thiếu vừa vặn, chất liệu không thoáng mát, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm,…

Vùng kín hay gọi là âm đạo thường xuyên bí bách, khó chịu giúp các vi khuẩn dễ dàng gây bệnh

Vùng kín thường xuyên bí bách, khó chịu giúp các vi khuẩn dễ dàng gây bệnh

Phòng tránh

Duy trì các thói quen có lợi cho sức khỏe giúp chị em phòng tránh các bệnh viêm nhiễm như:

  • Không nên quá lạm dụng các sản phẩm tẩy rửa, chỉ sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ mang tính dịu nhẹ, độ pH thích hợp và nước sạch, ấm để vệ sinh trong những ngày hành kinh hoặc sau khi quan hệ tình dục.

  • Sử dụng khăn mềm để lau khô nhằm hạn chế nguy cơ trầy xước, chỉ nên lau từ trước ra sau, không được làm ngược lại để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng ngược dòng.

  • Không nên để “cô bé” thường xuyên tiếp xúc với sự ẩm ướt bằng cách thay quần lót hằng ngày, sử dụng đồ bảo hộ lao động nếu tính chất công việc đặc thù, thường xuyên phải làm việc với môi trường nước, ẩm.

  • Lựa chọn trang phục co giãn, thoáng mát để tránh cảm giác bí bách, khó chịu. Lượng mồ hôi tiết ra nhiều ở vùng kín là môi trường tuyệt vời để các vi khuẩn sinh sôi, phát triển.

  • Tăng cường sức đề kháng bên trong bằng cách cân bằng hàm lượng các chất dinh dưỡng, thường xuyên bổ sung các loại hoa quả (chuối, táo, bơ,…), chất xơ (cải xoăn, củ cải,…), axit folic từ các loại nấm và cá,… để giúp bảo vệ sức khỏe sinh dục của bạn. Đặc biệt, nên uống đủ nước để cơ thể điều hòa các chức năng sinh lý hiệu quả.

  • Khám sức khỏe định kỳ: các bệnh phụ khoa đều có thể phòng tránh được nếu bạn thường xuyên kiểm tra sức khỏe 6 tháng/lần. Các dấu hiệu sớm của bệnh sẽ dễ dàng được phát hiện và ngăn ngừa kịp thời.

Không nên lạm dụng dung dịch vệ sinh để giữ cân bằng môi trường âm hộ

Không nên lạm dụng dung dịch vệ sinh để giữ cân bằng môi trường âm hộ

Môi trường âm đạo là vị trí dễ bị tấn công bởi các vi khuẩn nhưng đồng thời không khó để phòng ngừa. Vì vậy việc nắm rõ các kiến thức liên quan về bệnh, tạo thói quen có lợi giúp bảo vệ sức khỏe sẽ giúp bạn luôn có một cơ thể khỏe mạnh. Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hoặc còn điều gì cần được tư vấn và giúp đỡ, hãy gọi đến MEDLATEC qua số hotline 1900.56.56.56 để được hướng dẫn.

Từ khoá: âm đạo

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.