Tin tức

Các cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời cha mẹ cần bỏ túi ngay

Ngày 11/01/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Sự chào đời của bé yêu chính là niềm hạnh phúc của các gia đình. Tuy nhiên tiếp nối hành trình mang thai vất vả, cha mẹ cần phải chuẩn bị sẵn tâm lý để đón nhận trách nhiệm chăm sóc bé trong những năm tháng đầu đời. Tuy nhiên đối với những ai mới lần đầu làm cha mẹ có thể sẽ bị bỡ ngỡ trong việc này. Sau đây là 10 cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời các bậc phụ huynh nên tham khảo ngay.

1. Hướng dẫn cách bồng bế trẻ sơ sinh

Khi trẻ chào đời bình an và khỏe mạnh, trẻ được vỗ về chăm sóc của gia đình trong đó có cha mẹ. Trẻ sơ sinh non nớt, nên đòi hỏi cần phải có kỹ năng, kinh nghiệm chăm sóc để trẻ được phát triển toàn diện. Nhiều người vì sợ làm đau bé nên vẫn còn rất lúng túng trong việc bế trẻ. Vì vậy trước khi chào đón trẻ ra đời, các bậc phụ huynh cần học cách bế trẻ sơ sinh như sau:

Phần cổ của bé còn rất yếu ớt nên khi bế con cha mẹ cần đưa tay nâng đỡ dưới cổ cho bé bằng một tay, tay còn lại ôm phần mông của bé, đồng thời áp người bé vào người mình để giữ ấm và đảm bảo an toàn cho trẻ.

Cha mẹ cần học cách bế trẻ an toàn và hạn chế tì đè vào phần hộp sọ non nớt của bé

Cha mẹ cần học cách bế trẻ an toàn và hạn chế tì đè vào phần hộp sọ non nớt của bé

Vì hộp sọ của trẻ sơ sinh mới chào đời vẫn chưa được hoàn thiện, sẽ có những điểm mềm nên người bồng bé cũng cần lưu ý là không nên tì đè vào những điểm này.

2. Người mẹ cần được chăm sóc tốt

Sinh nở là một hành trình vô cùng vất vả và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe người mẹ. 30 ngày đầu sau sinh là giai đoạn rất quan trọng, là lúc mẹ bắt đầu làm quen với sự chăm sóc con cái và cũng là khi bé nhận được sự chăm sóc trực tiếp từ mẹ. Vì vậy để có đủ sức chăm con, mỗi người mẹ phải được nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và không làm những công việc nặng nhọc để tránh rủi ro bị biến chứng hậu sản. 

Phụ nữ sau sinh cần được ăn uống đủ chất để có sữa cho con bú. Ngoài ra giấc ngủ cũng rất quan trọng đối với người mẹ vì nếu mất ngủ thì mẹ cũng dễ bị mất sữa và suy nhược cơ thể, vết thương sau sinh cũng lâu hồi phục hơn.

Đặc biệt các sản phụ cũng cần phải được quan tâm về mặt tâm lý sau khi sinh vì phụ nữ trong giai đoạn này rất nhạy cảm, dễ gặp stress vì chăm con. Tỷ lệ phụ nữ trầm cảm sau sinh ngày càng gia tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó bao gồm sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, tự ti về ngoại hình, có nhiều bỡ ngỡ trong việc chăm con, sự thờ ơ của người chồng, đặc biệt là phải chịu nhiều áp lực từ cuộc sống,...

Trầm cảm sau sinh có thể trở thành vết thương tâm lý lâu dài, nhiều trường hợp còn là nguyên nhân gây tan vỡ hạnh phúc gia đình, tổn hại đến sức khỏe của người phụ nữ và ảnh hưởng tiêu cực đến đứa trẻ. Do đó hãy giúp đỡ họ, thông cảm cho họ và đừng để người phụ nữ của mình đơn độc trong hành trình chăm sóc con nhỏ các ông chồng nhé! Nên nhớ rằng người mẹ có khỏe mạnh, vui vẻ thì người con mới hạnh phúc và được phát triển khỏe mạnh.

3. Cách cho bé bú 

Trong mọi trường hợp thì sữa mẹ là lựa chọn hoàn hảo nhất, cần được ưu tiên hàng đầu trong vấn đề cung cấp dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh. Ngoại trừ việc mẹ chưa có sữa thì mới dùng sữa công thức để thay thế. Tuy nhiên các mẹ hãy cố gắng gọi sữa về để cho con bú bởi vì trong sữa mẹ rất giàu dưỡng chất và giúp bé có một hệ miễn dịch khỏe mạnh mà cho đến nay các loại sữa công thức chưa thể làm được. 

Sữa mẹ là lựa chọn hoàn hảo nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh

Sữa mẹ là lựa chọn hoàn hảo nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh

Để bé bú được dễ dàng, mẹ hãy cho bé ngậm vú đúng khớp cắn. Bế trẻ áp vào người mình, một bên cánh tay vòng đỡ lấy đầu trẻ, tay còn lại ôm vòng qua bụng bé. Mẹ cũng có thể cho bé bú nằm khi mỏi người. Trước khi cho bé ăn, mẹ hãy vệ sinh tay và núm vú sạch sẽ. Để bớt cương sữa thì nên mát xa bầu ngực nhẹ nhàng, dùng khăn ấm chườm vào bầu ngực để sữa được lưu thông và dễ chịu hơn. 

Đối với những trẻ ti bình thì hãy lựa chọn loại bình được làm từ loại nhựa an toàn, đảm bảo chất lượng. Sau mỗi lần cho trẻ ăn thì phải rửa sạch và tiệt trùng bình sữa. Pha sữa theo đúng liều lượng, công thức do nhà sản xuất cung cấp. Cần chú ý đến phản ứng của trẻ khi uống sữa bởi vì trẻ có thể bị dị ứng đạm bò hoặc bất dung nạp lactose. Nếu có các biểu hiện bất thường khi dùng sữa công thức, cha mẹ hãy đưa bé đi khám để có hướng giải quyết hợp lý.

4. Cách vỗ ợ hơi cho trẻ sau khi ăn sữa 

Một trong những cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời cha mẹ nên nằm lòng đó là vỗ ợ hơi cho bé sau khi ăn sữa xong. Điều này giúp đẩy khí thừa tích tụ trong bụng bé, tránh đầy bụng và hạn chế tình trạng nôn trớ. Nguyên nhân là vì lúc này dạ dày của trẻ vẫn còn nằm ngang nên rất dễ bị ọc trớ sữa.

Cha mẹ hãy từ từ bế bé theo chiều dọc, áp bé vào ngực mình, đặt cằm bé lên vai mình và khum bàn tay, vỗ nhẹ lên lưng bé. Sau khi nghe thấy tiếng ợ hơi thoát ra từ miệng bé thì có thể dừng động tác.

5. Cách vệ sinh và thay bỉm cho trẻ

Trẻ sơ sinh mới chào đời có tần suất tiểu tiện và đại tiện rất nhiều do ruột trẻ ngắn, chưa hấp thu được nhiều. Những ngày đầu mới sinh trẻ sẽ đi phân su màu xanh đậm, không mùi, dẻo quánh. Sau mỗi lần trẻ đại tiện hoặc nước tiểu đã đầy bỉm thì cha mẹ nên thay cho bé. 

Cha mẹ hãy dùng nước ấm lau rửa nhẹ nhàng. Nên sử dụng loại khăn khô không hương liệu để bé không bị hăm hoặc kích ứng da. Rửa xong hãy lau khô cho bé, thay bỉm mới, lưu ý là trong khoảng 1 tuần đầu khi rốn bé chưa rụng thì hãy tránh kéo bỉm trùm qua rốn. 

Mẹ hãy học cách thay bỉm cho trẻ nhé!

Mẹ hãy học cách thay bỉm cho trẻ nhé!

Hãy thường xuyên kiểm tra bỉm cho bé và giữ vùng kín của trẻ luôn khô thoáng. Bỉm bị ướt và bẩn cũng là nguyên nhân gây hăm ở trẻ.

6. Cách massage cho trẻ sơ sinh 

Massage cho trẻ sơ sinh đúng cách sẽ giúp cho hệ xương và cơ bắp của trẻ phát triển. Mẹ nên dùng dầu massage dành cho trẻ sơ sinh, thực hiện hàng ngày trước khi tắm và không thực hiện trước hoặc sau khi trẻ ăn sữa. 

Các bước massage được tiến hành như sau:

  • Trải một tấm khăn xô mềm lên giường và đặt bé lên trên tấm khăn;

  • Cởi bỏ quần áo cho bé trừ bỉm đề phòng trường hợp bé tè hoặc ị ra khăn;

  • Đổ dầu massage ra tay, xoa đều bàn tay rồi nhẹ nhàng thoa lên người bé;

  • Mẹ nên xoa đầu trước, sau đó đến bụng, cánh tay, chân và cuối cùng là lưng của bé.

Chỉ nên massage trong tối đa là 10 phút rồi đưa bé đi tắm. Không làm quá lâu dễ khiến bé bị cảm lạnh và tổn thương da bé.

7. Mẹ đã biết cách tắm và chăm sóc rốn cho bé chưa?

Bởi vì cơ thể của trẻ sơ sinh còn rất non nớt nên nhiều cha mẹ cảm thấy lo lắng trong việc tắm cho con.

Ngày nay rất nhiều gia đình sử dụng dịch vụ thuê người tắm cho bé sơ sinh. Thường thì điều này sẽ duy trì trong khoảng 10 ngày đến hết 1 tháng đầu. Cha mẹ có thể liên hệ dịch vụ này để tắm cho bé, vừa giúp mẹ có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục vết thương sau sinh, mẹ lại có thể quan sát để học được cách tắm khoa học cho bé.

Hãy chuẩn bị những vật dụng cần thiết khi tắm cho bé

Hãy chuẩn bị những vật dụng cần thiết khi tắm cho bé

Trong trường hợp cha mẹ muốn tự mình làm điều này ngay từ đầu thì hãy lưu ý chuẩn bị các vật dụng cần thiết như: bỉm để thay, quần áo, khăn tắm, sữa tắm, dầu massage, nước muối sinh lý vệ sinh mắt mũi cho bé, nước tắm đủ ấm,... Nếu tắm vào mùa đông thì nên tiến hành ở nơi kín gió và thắp thêm đèn sưởi tránh trường hợp bé bị cảm lạnh. Tuyệt đối không được để bé nằm một mình trong chậu tắm mà không có người lớn bên cạnh dù chỉ là một giây.

ngoài ra trong quá trình tắm hãy chú ý khu vực rốn cho bé, cần rửa sạch sữa tắm nếu dính vào rốn, lau khô rốn sau khi tắm xong. Cha mẹ không nên băng kín vùng rốn của trẻ vì sẽ dễ khiến rốn bị ướt, mất vệ sinh và nhiễm khuẩn. Thông thường khoảng 5 - 7 ngày sau sinh cuống rốn bé sẽ tự rụng, mẹ chỉ cần chú ý giữ vùng da này khô thoáng, sạch sẽ. Nếu thấy rốn bé xuất hiện tình trạng chảy dịch, mủ thì hãy đưa bé đi khám ngay.

Trên đây là một số cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời cha mẹ cần ghi nhớ. Để nuôi dưỡng một em bé mới sinh quả là điều không hề dễ dàng, vì vậy ngay trong giai đoạn mang thai cha mẹ hãy tìm hiểu dần cách chăm sóc em bé để tránh bị bỡ ngỡ trước các việc cần làm để chăm sóc trẻ nhé!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.