Tin tức

Các giai đoạn của ung thư trực tràng và phương pháp điều trị

Ngày 14/08/2021
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Ly
Bệnh ung thư trực tràng là loại bệnh về đường tiêu hóa thường gặp. Các giai đoạn của ung thư trực tràng chia làm 4 giai đoạn, phân loại dựa vào mức độ xâm lấn và di căn của ung thư trực tràng. Càng phát hiện ra bệnh muộn thì khả năng chữa khỏi càng mong manh, do đó sàng lọc tầm soát ung thư đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị căn bệnh ác tính này. 

1. Định nghĩa và mức độ nguy hiểm của ung thư trực tràng

Thế nào là ung thư trực tràng?

Ung thư trực tràng là khối u bắt nguồn từ trực tràng, sau đó xâm lấn và dần dần lan sang những cơ quan khác của cơ thể, hay nói cách khác là di căn khiến cho bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng và khó cứu chữa.

Ung thư trực tràng là một trong 10 căn bệnh ung thư thường gặp trên thế giới, đồng thời xếp thứ 4 trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên cái chết cho con người, chỉ đứng sau ung thư dạ dày, ung thư gan và ung thư phổi.

Dấu hiệu khi mắc ung thư trực tràng thường dễ gây nhầm lẫn với những bệnh lý khác, vì vậy khi đã phát hiện được các bất thường của ung thư, bệnh nhân thường đi khám và điều trị khá muộn. Do đó, ung thư trực tràng càng khó đối phó và đó cũng là nguyên nhân làm tăng tính nguy hiểm cho căn bệnh này.

2. Nguyên nhân nào dẫn tới ung thư trực tràng?

  • Thói quen tiêu thụ các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá,...;

  • Những người thừa cân, béo phì;

  • Đối tượng đã từng hoặc đang mắc những bệnh về đường ruột như bệnh Crohn, bệnh polyp trực tràng hay viêm loét trực tràng kéo dài,...;

Các giai đoạn của ung thư trực tràng

Tiêu thụ rượu bia và hút thuốc lâu năm làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng

  • Bản thân đã từng bị ung thư đại tràng;

  • Trong gia đình có người thân bị mắc ung thư đại trực tràng;

  • Những người có chế độ ăn uống thiếu lành mạnh như tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ: thịt trâu, bò, dê; hay ăn những đồ chế biến sẵn; thích ăn đồ muối, ủ chưa, lên men,...

3. Các triệu chứng báo hiệu ung thư trực tràng đã ghé thăm

Khi mới ở giai đoạn đầu, ung thư trực tràng thường không bộc lộ rõ ràng các biểu hiện. Vì vậy nếu có những triệu chứng sau đây thì người bệnh phải đi thăm khám ngay:

  • Đau chướng bụng;

  • Bị rối loạn tiêu hoá lâu ngày;

  • Sụt cân bất thường;

  • Bị đi ngoài ra máu;

Rối loạn tiêu hoá là một trong những dấu hiệu của ung thư trực tràng

Rối loạn tiêu hoá là một trong những dấu hiệu của ung thư trực tràng

  • Thay đổi thói quen đại tiện một cách bất thường;

  • Hình thái của phân trở nên mỏng dẹp hơn, màu sẫm kèm theo dịch nhầy, có lẫn máu;

  • Cơ thể suy nhược và mệt mỏi;

  • Khi sờ thấy có khối u.

4. Diễn biến các giai đoạn của ung thư trực tràng

Giai đoạn đầu:

Đây là giai đoạn mới chớm của ung thư trực tràng. Giai đoạn này được chia thành 2 thời kỳ đó là giai đoạn 0 và giai đoạn 1:

  • Giai đoạn 0: ung thư biểu mô tại chỗ. Các tế bào ung thư mới bắt đầu nhen nhóm hiện diện tại lớp niêm mạch hoặc lớp lót ở bên trong trực tràng;

  • Giai đoạn 1: các tế bào ung thư đã xâm nhập xuyên qua lớp niêm mạc để chui vào thành trong của trực tràng nhưng chưa vượt qua thành và chưa có dấu hiệu tấn công sang các mô cũng như hạch bạch huyết xung quanh.

Giai đoạn 2:

Ở giai đoạn này khối u đã xâm lấn sâu hơn vào bên trong, thậm chí đi xuyên qua thành trực tràng và nó chuyển sang bước lây lan sang các mô ở gần đó, nhưng chưa gây bệnh cho các hạch bạch huyết lân cận hoặc tại khu vực khác. 

Giai đoạn 3: 

Sang tới giai đoạn 3, các tế bào ung thư đã xâm lấn qua lớp thành mạc ruột, không những thế còn tấn công cả các hạch bạch huyết gần đó. Tỷ lệ sống của người bệnh ở giai đoạn 3 là từ 44 - 83%.

Giai đoạn 4:

Đây còn được gọi là giai đoạn cuối của bệnh ung thư trực tràng. Lúc này tế bào ung thư đã xâm chiếm toàn bộ mọi tầng lớp của thành ruột cũng như những hạch bạch huyết trong vùng. Bên cạnh đó khối u còn làm trầm trọng thêm bệnh trạng khi di căn sang những bộ phận khác như phổi hoặc gan. Bệnh nhân có tiên lượng sống thấp, chỉ khoảng 8% sau 5 năm.

5. Điều trị ung thư trực tràng ra sao?

Phẫu thuật:

Phẫu thuật là phương pháp nhằm loại bỏ khối u trực tràng, đồng thời nạo vét những mô và hạch bạch huyết xung quanh đã bị xâm lấn. Biện pháp này thường có hiệu quả đối với những ca bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm.

Hiện nay đang áp dụng 2 phương pháp phẫu thuật đó là mổ nội soi và mổ mở. Phụ thuộc vào mức độ phức tạp của bệnh lý, cấu trúc giải phẫu của đoạn trực tràng cần can thiệp cũng như tình trạng thể chất của người bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn và cân nhắc để lựa chọn biện pháp nào tối ưu nhất.

Phẫu thuật thường có hiệu quả đối với những ca bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm

Phẫu thuật thường có hiệu quả đối với những ca bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm

Phương pháp hóa trị:

Hóa trị là phương pháp sử dụng kết hợp các loại thuốc trong việc ngăn chặn sự lây lan và tiêu diệt mầm mống của tế bào gây ung thư trực tràng. Có thể sử dụng thông qua đường uống hoặc đường tiêm đối với thuốc điều trị bệnh ung thư trực tràng. 

Tùy thuộc vào các giai đoạn của ung thư trực tràng người bệnh đang mắc phải và tình trạng hiện tại của bệnh lý mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc khác nhau với liều lượng và phác đồ điều trị cụ thể, phù hợp. 

Việc chữa bệnh bằng phương pháp hóa trị góp phần làm giảm nhẹ triệu chứng của bệnh, đồng thời bổ trợ cho việc điều trị giai đoạn trước và sau khi thực hiện phẫu thuật.

Biện pháp xạ trị:

Xạ trị trong điều trị ung thư trực tràng là việc chiếu trực tiếp tia X năng lượng cao vào điểm chứa khối u nhằm triệt tiêu tế bào ung thư ra khỏi cơ thể của bệnh nhân. 

Xạ trị được áp dụng nhằm tăng hiệu quả chữa bệnh trong thời điểm trước hoặc sau khi phẫu thuật. Ngoài ra nếu bệnh nhân không có chỉ định phẫu thuật cũng có thể dùng phương pháp xạ trị. Xạ trị có 2 hình thức đó là xạ trị áp sát và xạ trị chiếu ngoài.
 

Các phương pháp điều trị khác:

Dựa vào việc bệnh nhân đang ở giai đoạn nào của ung thư trực tràng và tình hình sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp nhất. Bên cạnh việc thực hiện phẫu thuật, hoá trị, xạ trị thì có thể áp dụng phương thức đốt, áp lạnh hoặc dùng thuốc.

6. Làm thế nào để phòng tránh bệnh ung thư trực tràng?

  • Thường xuyên theo dõi sức khỏe định kỳ, đặc biệt là kiểm tra trực tràng;

  • Chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng các chất dinh dưỡng: hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, thịt muối, thịt chế biến sẵn,...; tăng cường rau củ quả và vitamin A, C, E,...;

  • Không sử dụng hoặc từ bỏ thói quen tiêu cực như thức quá khuya, uống rượu bia, đồ có cồn, hút thuốc lá,...;

  • Chăm chỉ tập thể dục và rèn luyện cơ thể bằng các bộ môn thể thao với cường độ tập luyện hợp lý, điều độ;

  • Duy trì cân nặng ổn định, phù hợp với thể chất. Tránh tình trạng thừa cân, béo phì.

Kiểm tra sức khoẻ định kỳ và tầm soát ung thư hàng năm có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ mắc và hỗ trợ điều trị ung thư

Kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư hàng năm có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ mắc và hỗ trợ điều trị ung thư

Như vậy bài viết đã cung cấp một số kiến thức liên quan đến các giai đoạn của ung thư trực tràng, mức độ nguy hiểm của căn bệnh này và cách chúng ta phòng tránh sao cho hiệu quả. Hãy theo dõi website của BVĐK MEDLATEC để thường xuyên cập nhật các kiến thức y khoa bổ ích, các gói khám và xét nghiệm hiện nay đang được triển khai tại bệnh viện để đặt lịch sớm với bác sĩ chuyên khoa các bạn nhé!

Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ tới tổng đài 1900565656 để được tư vấn miễn phí cùng chuyên gia y tế của MEDLATEC.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.