Tin tức

Các phương pháp chẩn đoán thai chết lưu chính xác nhất

Ngày 29/08/2020
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Thai chết lưu là thuật ngữ y học dùng để chỉ những trường hợp thai trên 20 tuần tuổi chết trong bụng mẹ trước khi chào đời. Để chẩn đoán chính xác thai lưu, cần các phương pháp khám xét nghiệm, từ đó tìm ra biện pháp xử lý cũng như phòng ngừa tái phát ở lần mang thai tiếp theo. 

1. Chẩn đoán thai chết lưu

Việc nhận biết thai lưu thông qua các dấu hiệu như: mất triệu chứng ốm nghén, xuất huyết âm đạo, sốt, bụng co cứng, tim thai bất thường,… không phải lúc nào cũng chính xác. Vì thế nếu mẹ bầu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ, bác sĩ cần chẩn đoán chính xác thai có chết lưu hay không, đặc điểm thai và nguyên nhân.

thai chết lưu cần được thăm khám

Cần chẩn đoán thai chết lưu để lựa chọn biện pháp xử lý tốt nhất

1.1. Khám lâm sàng dựa trên triệu chứng ở thai phụ bị thai chết lưu

Trước khi thực hiện các phương pháp chẩn đoán hay xét nghiệm chính xác, bác sĩ cần đánh giá nguy cơ thai lưu thông qua các triệu chứng lâm sàng như:

Giảm hoặc mất triệu chứng thai kỳ

Triệu chứng thai kỳ như: ra máu báo, ốm nghén, kích thước bụng to dần,… cho biết thai đang phát triển bình thường. Tuy nhiên nếu chúng đột nhiên biến mất, kèm dấu hiệu ra máu âm đạo sẫm màu bất thường thì khả năng cao là do thai lưu.

Kiểm tra tim thai

Bác sĩ có thể nghe thấy tim thai từ tuần thai thứ 8, nhịp tim thai cho biết sức khỏe của tim cũng như sự phát triển của thai nhi. Thai lưu sẽ không còn nghe thấy tim thai bằng dụng cụ Doppler cầm tay hoặc siêu âm. 

thai chết lưu ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ

Kiểm tra tim thai giúp xác định thai chết lưu

Đo kích thước tử cung

Theo sự phát triển tăng dần của thai nhi, kích thước tử cung cũng lớn dần lên. Do đó nếu giữa hai lần đo, kích thước tử cung, nhất là chiều cao giảm đi thì khả năng thai lưu rất cao.

Không thấy chuyển động thai

Kể từ tuần thai thứ 20, thai nhi đã biết cử động, thường hay đạp tay - chân vào bụng mẹ. Mẹ bầu nếu để ý quan sát sẽ thấy những chuyển động thai này, cho thấy bé vẫn đang khỏe mạnh và chờ ngày chào đời. Nhưng nếu không thấy thai đạp, ra máu đen âm đạo, bụng nhỏ dần đi thì nguy cơ rất cao thai lưu.

1.2. Chẩn đoán thai chết lưu bằng phương pháp cận lâm sàng

Các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng đạt hiệu quả cao hơn, cho kết quả đáng tin cậy hơn như:

Siêu âm thai

siêu âm thai để chẩn đoán thai lưu sẽ kiểm tra các yếu tố:

- Hoạt động của tim thai.

- Kích thước và sự phát triển đồng đều của đầu thai.

- Kích thước túi ối có tương xứng với tuổi thai không.

- Lượng nước ối ít hoặc hết ối chứng tỏ thai lưu.

- Có xuất hiện dấu hiệu hai vòng ở xương sọ không.

- Bờ túi ối không đều là dấu hiệu thai lưu.

thai chết lưu

 Thai chết lưu sẽ không còn phát triển nữa

Không chỉ cho biết thai có bị chết lưu không, siêu âm còn giúp bác sĩ xác định được xem thai mới chết hay chết lưu trước đó bao lâu. Điều này rất hữu ích cho việc tìm nguyên nhân và can thiệp xử lý tốt hơn. Siêu âm thai là kỹ thuật chẩn đoán thai lưu nhanh, dễ thực hiện, đem lại hiệu quả cao nên thường được chỉ định.

1.3. Xét nghiệm HCG

HCG là một loại hormone đặc biệt xuất hiện khi thai nhi được hình thành và phát triển. Hormone này có vai trò trong điều khiển sự phát triển của thai. HCG cũng có chức năng kích thích tiết hormone sinh dục để hình thành giới tính cho thai nhi. Hormone này xuất hiện trong máu hoặc nước tiểu của phụ nữ mang thai, có thể định lượng để đánh giá thai chết lưu.

Cụ thể, nếu thai lưu, sảy thai hoặc thai ngoài tử cung, xét nghiệm HCG thấy ở hai lần liên tiếp, lần thứ 2 cho thấy định lượng giảm, không tương xứng với tuổi thai. Phương pháp chẩn đoán xét nghiệm thai này cũng khá đơn giản, cho kết quả chính xác.

1.4. Định lượng Fibrinogen

Thai lưu thường gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho thai phụ, vì thế khi đã chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ tư vấn biện pháp tốt nhất để đưa thai ra ngoài sớm nhất có thể. Trước khi quyết định can thiệp lấy thai ra, thai phụ cần xét nghiệm định lượng Fibrinogen trong máu để đánh giá quá trình đông máu.

1.5. Chẩn đoán tìm nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân gây thai chết lưu như: do yếu tố di truyền, dị tật bẩm sinh, do vấn đề về dây rốn, bệnh tim bẩm sinh hoặc thai phụ mắc bệnh lý mạn tính,… Việc tìm ra nguyên nhân gây thai lưu giúp sản phụ giảm bớt nỗi đau, cũng giúp phòng ngừa tránh việc này tiếp diễn ở những lần mang thai sau.

Thông thường, thai lưu sẽ giữ trong tử cung khoảng 48 giờ trước khi người mẹ chuyển dạ tự nhiên để đẩy thai ra ngoài. Tuy nhiên một số trường hợp khó, sức khỏe của mẹ không đáp ứng thì bác sĩ cần can thiệp dùng thuốc tạo chuyển dạ, đẩy thai hoặc mổ lấy thai.

2. Có thể phòng ngừa thai chết lưu được không?

Không thai phụ nào mong muốn biến cố này xảy ra với bản thân mình và thai nhi bé bỏng đang phát triển. Tuy nhiên phụ nữ vẫn cần tìm hiểu những biện pháp phòng ngừa thai chết lưu, để giúp mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn hơn.

2.1. Phòng ngừa thai lưu khi có kế hoạch mang thai

Trước khi kết hôn hoặc có kế hoạch mang thai, cả hai vợ chồng cần kiểm tra sức khỏe sinh sản để phát hiện những yếu tố có nguy cơ, từ đó loại bỏ trước khi kỳ mang thai bắt đầu. Đặc biệt là các rối loạn di truyền ở bố mẹ có thể di truyền sang thai nhi. 

Ngoài ra, nếu phụ nữ mắc các bệnh lý như cao huyết áp, tiểu đường, suy thận,… sẽ được tư vấn biện pháp kiểm soát bệnh tốt hơn, thai nhi được an toàn và khỏe mạnh cho tới khi chào đời.

thai chết lưu

Chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp bạn có thai kỳ khỏe mạnh

Nếu bạn đang bị béo phì, việc thực hiện chế độ giảm cân, tăng cường sức khỏe trước khi mang thai là cần thiết. Để chuẩn bị tốt hơn cho việc mang thai, hãy bổ sung đầy đủ Vitamin, dưỡng chất, canxi, sắt và acid folic từ thực phẩm hoặc dược phẩm chức năng. Nên thực hiện trước khi dự định mang thai khoảng 1 - 3 tháng giúp giảm thiểu nguy cơ dị tật ống thần kinh.

2.2. Phòng ngừa thai chết lưu trong thai kỳ

Trong thời gian mang thai, để hạn chế tối đa nguy cơ thai chết lưu, mẹ bầu nên lưu ý:

- Dừng hút thuốc, uống rượu bia hoặc các chất kích thích khác.

- Ăn uống và nghỉ ngơi khoa học, đặc biệt bổ sung dinh dưỡng cần thiết ở từng thời điểm của thai kỳ.

- Thăm khám sàng lọc và siêu âm thai thường xuyên để phát hiện, can thiệp sớm các bất thường.

- Tránh xa các yếu tố nguy cơ, người mắc bệnh, độc tố từ môi trường để hạn chế lây nhiễm mắc bệnh.

Mọi vấn đề bất thường trong thai kỳ cần được khám và xử lý kịp thời, tránh gây hậu quả thai chết lưu. Hi vọng những thông tin MEDLATEC cung cấp trên đây sẽ giúp chị em phụ nữ có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.