Tin tức
Các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch
Suy giãn tĩnh mạch là một bệnh lý mãn tính, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống, giảm khả năng lao động, có thể gây tàn phế và làm hao tốn tiền bạc của người mắc bệnh. Bệnh có những triệu chứng như đau, nặng chân, vọp bẻ, loét chân, nổi gân xanh… Bệnh diễn tiến theo thời gian, tuổi tác và gặp nhiều khó khăn trong điều trị.
|
Bệnh sẽ không được chữa khỏi hoàn toàn dù bằng phương pháp phẫu thuật, cắt đốt bằng laser, chích xơ… Tỷ lệ tái phát sau điều trị rất cao, nên bệnh nhân cần hiểu rõ về bệnh, các phương pháp điều trị để cân nhắc lựa chọn cùng với thầy thuốc cách điều trị phù hợp.
Dùng thuốc
Trong dược điển tiêu chuẩn của Mỹ chưa có một loại thuốc Tây nào được chấp thuận cho việc điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch. Hiện ở châu Âu và Mỹ, người bệnh suy giãn tĩnh mạch được cho dùng một số sản phẩm có chứa Horse Chestnut và Rutin, mang lại nhiều hiệu quả và được ưa chuộng.
Hiện nay chiết xuất từ Horse Chestnut được sử dụng phổ biến tại châu Âu để điều trị chứng suy tĩnh mạch mãn tính, trĩ, phù sau phẫu thuật và bôi ngoài da trị các bệnh ngoài da. Tại Mỹ, Horse Chestnut ngày càng được chấp nhận là một liệu pháp hiệu quả điều trị các rối loạn tĩnh mạch và phù nề, dựa trên các công bố trong 2 thập niên qua của nhiều thử nghiệm ngẫu nhiên đối chứng trong các tạp chí uy chí, được bình duyệt (Nguồn: Alternative medicine review Volume 14, Number 3 2009).
Rutin chứa flavonoid tốt cho tĩnh mạch. Rutin làm giảm tính thấm mao mạch, giảm nguy cơ hình thành những mao mạch mới, làm tĩnh mạch mạnh lên. Rutin có chứa những chất chống oxy hóa, chống viêm, bảo vệ mạch máu, chống huyết khối. Ở nước ta, Rutin có nhiều trong hoa hòe.
Các thủ thuật, phẫu thuật
Các phương pháp này có một kết quả chung là phá bỏ những tĩnh mạch bị giãn, làm những tĩnh mạch này không còn chức năng đưa máu về tim. Các phương pháp này thường được thực hiện cho vấn đề thẩm mỹ của người bệnh.
Xơ hóa: trong thủ thuật này, bác sĩ làm tắc các tĩnh mạch nhỏ và trung bình bằng cách tạo vết sẹo và không cho máu vào những tĩnh mạch. Trong một vài tuần, những tĩnh mạch giãn mờ dần. Xơ hoá có hiệu quả nếu được thực hiện một cách chính xác. Xơ hoá không cần gây mê và có thể được thực hiện tại văn phòng của bác sĩ.
Dùng Laser: dùng tia laser vào tĩnh mạch giãn, năng lượng từ laser sẽ phá tĩnh mạch và làm không còn thấy tĩnh mạch nổi trên da. Phẫu thuật laser được sử dụng để điều trị tĩnh mạch nhỏ hơn.
Microsclerotherapy: được sử dụng để điều trị tĩnh mạch mạng nhện và những tĩnh mạch nhỏ bị giãn. Một lượng nhỏ hóa chất lỏng được tiêm vào tĩnh mạch bằng một cây kim rất nhỏ. Hóa chất làm hóa sẹo lớp lót bên trong tĩnh mạch, làm cho nó đóng kín.
Cắt đốt trị liệu: dùng nhiệt để đóng ra một giãn tĩnh mạch. Bác sĩ làm một vết cắt nhỏ trên da gần giãn tĩnh mạch, sau đó chèn một ống nhỏ gọi là ống thông vào tĩnh mạch. Một thiết bị ở đầu của ống nóng lên bên trong tĩnh mạch và đóng nó đi. Bệnh nhân sẽ tỉnh táo, nhưng bác sĩ sẽ làm tê các khu vực xung quanh tĩnh mạch.
Phẫu thuật bằng nội soi: là phương pháp cắt bỏ tĩnh mạch bằng nội soi. Thường phẫu thuật nội soi tĩnh mạch chỉ được sử dụng trong trường hợp nghiêm trọng khi suy tĩnh mạch gây loét da (lở loét). Sau thủ thuật, bạn thường có thể trở lại hoạt động bình thường trong vòng một vài tuần.
Phẫu thuật tĩnh mạch: thường được thực hiện đối với những tĩnh mạch giãn lớn, nổi ngoằn ngoèo trên da. Bác sĩ sẽ thắt, cắt tĩnh mạch để loại bỏ chúng, người bệnh sẽ được gây mê. Thời gian phục hồi cho phẩu thuật này khoảng 1-4 tuần.
Mang tất ép y khoa
Đây là phương pháp dùng cho người suy giãn tĩnh mạch được nhiều đồng thuận trên thế giới. Khi dùng tất, bệnh nhân cần lưu ý những vấn đề như đo đúng kích thước để chọn kích cỡ đúng; nên cởi ra mỗi 2 giờ sau đó mang lại. Tùy khí hậu và điều kiện làm việc hay sinh hoạt mà bệnh nhân chọn loại tất cho phù hợp (loại gối, đùi, giữa đùi). Cứ 6 tháng, bệnh nhân nên thay một đôi, không mang tất khi ngủ.
Người bị đái tháo đường thường bị tổn thương và tắt những vi mạch, nên khi mang tất ép y khoa sẽ ép một phần những động mạch nhỏ, làm giảm lượng máu nuôi vùng chân (vốn đã kém). Vì vậy những người bị tháo đường không nên dùng tất ép y khoa.
Bổ sung chất xơ và các vitamin C, B, E
Một điều đơn giản và dễ thực hiện đối với người suy giãn tĩnh mạch là bổ sung chất xơ hàng ngày. Khi bạn đi đại tiện khó khăn sẽ tạo một áp lực lớn lên những tĩnh mạch vùng trực tràng và vùng chân, chính điều này gây ra bệnh trĩ và bệnh suy giãn tĩnh mạch. Khi được bổ sung chất xơ hàng ngày, bạn sẽ phòng tránh được hai bệnh khó chịu này. Ngoài ra chất xơ còn làm giảm cholesterol (phòng ngừa bệnh tim mạch), ổn định đường huyết (phòng ngừa bệnh đái tháo đường). Những vitamin C, B, E sẽ làm mạnh các tĩnh mạch khiến nó khó bị giãn.
Nguồn: vnexpress.net
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!