Tin tức

Các vấn đề liên quan đến huyết khối tĩnh mạch sâu

Ngày 16/08/2021
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Theo thống kê của bộ y tế, số lượng người mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu đang ngày một tăng lên. Trong khi đó, các biến chứng của bệnh lý này khá nghiêm trọng với tỷ lệ gây tử vong rất cao. Tuy nhiên, phần lớn các bệnh nhân vẫn chưa thực sự hiểu rõ về dấu hiệu, nguyên nhân cũng như biến chứng của căn bệnh.

1. Huyết khối tĩnh mạch sâu là bệnh gì?

Huyết khối tĩnh mạch thường được mô tả là tình trạng bên trong lòng tĩnh mạch xuất hiện nhiều cục máu đông. Bên cạnh đó, hiện tượng này cũng có thể nảy sinh do khối máu đông trong tĩnh mạch di chuyển đến phổi (hay còn gọi là bệnh thuyên tắc phổi). Mặc dù, bệnh lý này có thể xuất hiện ở bất kỳ tĩnh mạch nào của cơ thể nhưng phổ biến nhất là huyết khối tĩnh mạch chi dưới. 

Huyết khối tĩnh mạch sâu

Giải đáp: huyết khối tĩnh mạch sâu là bệnh gì?

Trong y khoa, hệ thống tĩnh mạch có chức năng dẫn truyền máu về tim sau khi thực hiện trao đổi oxy từ các cơ quan. Bên cạnh đó, huyết khối tĩnh mạch còn được phân chia thành 3 loại là tĩnh mạch sâu (DVT), tĩnh mạch nông và các tĩnh mạch xuyên có nhiệm vụ di chuyển máu từ tĩnh mạch nông về tĩnh mạch sâu. Theo bác sĩ, tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu thường xuất hiện đầu tiên từ van tĩnh mạch.

2. Nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố tăng rủi ro

Hiện tượng huyết khối tĩnh mạch sâu thường nảy sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên một số yếu tố thuận lợi cũng góp phần đẩy nhanh quá trình hình thành bệnh hoặc làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở bệnh nhân. Để hiểu rõ hơn về các nguyên nhân và yếu tố tăng rủi ro dẫn đến bệnh lý này, bạn đọc đừng bỏ lỡ những thông tin sau đây:

2.1. Nguyên nhân gây bệnh

Theo kiến thức y khoa và kinh nghiệm làm việc của các bác sĩ chuyên khoa, tình trạng DVT có thể nảy sinh do một số lý do như:

  • Các căn bệnh ung thư ác tính liên quan đến một số cơ quan như phổi, dạ dày, tụy, tinh hoàn, vú, buồng trứng, tiết niệu,... Bên cạnh đó, những bệnh lý này thường làm tăng nguy cơ đông máu trong tĩnh mạch. 

  • Sau khi thực hiện phẫu thuật một số bộ phận như ngực, bụng hoặc chỉnh hình xương bị gãy,...

Sự ứ trệ của tuần hoàn dẫn đến hình thành huyết khối

Sự ứ trệ của tuần hoàn dẫn đến hình thành huyết khối

  • Tình trạng bất động kéo dài tạo điều kiện cho các huyết khối hình thành do tuần hoàn bị ứ trệ.

  • Gặp một số chấn thương như gãy đốt sống, gãy xương đùi,...

  • Mắc một số bệnh lý liên quan đến tình trạng suy tĩnh mạch.

  • Rối loạn đông máu làm tăng nguy cơ dẫn đến đông máu bẩm sinh. 

2.2. Các yếu tố nguy cơ

Ngoài những nguyên nhân gây bệnh thì tình trạng DVT còn dễ xảy ra do một số yếu tố nguy cơ như:

  • Những đối tượng từng mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu vẫn có thể tái phát trở lại.

  • Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do sự phát triển của thai nhi khiến cho lưu lượng máu di chuyển về tim bị cản trở. Bên cạnh đó, tuần hoàn cũng bị ứ trệ và tăng nguy cơ hình thành các khối máu đông trong tĩnh mạch. 

  • Những đối tượng bị thừa cân, béo phì hoặc từng mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy tim ứ huyết, đột quỵ thường dễ mắc bệnh hơn.

Người bị béo phì thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn

Người bị béo phì thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn

  • Người lớn tuổi: độ tuổi càng cao thì khả năng mắc bệnh càng tăng theo. 

  • Những người có thói quen hút thuốc lá, lười vận động, thường xuyên phải đứng lâu, nằm lâu hoặc ngồi một chỗ dễ khiến cho sự lưu thông của máu bị cản trở và tạo điều kiện thuận lợi để hình thành bệnh.

  • Những người mắc các bệnh lý liên quan đến đường ruột, chẳng hạn như viêm đường tiêu hóa dưới thường rất dễ mắc bệnh.

  • Phụ nữ thường xuyên sử dụng các loại thuốc tránh thai, bao gồm cả liệu pháp thay thế hormone hoặc viên uống đều có tỷ lệ bị huyết khối rất cao.

  • Những đối tượng có biểu hiện bất thường ở quá trình đông máu, cụ thể là máu dễ đông hơn thường dễ mắc bệnh. Bởi vì tình trạng này kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác tạo điều kiện thuận lợi sẽ làm tăng khả năng hình thành huyết khối sẽ cao hơn. 

3. Các biểu hiện của bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu

Phần lớn các đối tượng mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu đều không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào cảnh báo về tình trạng này. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân theo dõi sự thay đổi của cơ thể thì có thể nhận thấy một vài triệu chứng cơ năng như:

  • Màu sắc da tại vị trí phát bệnh thay đổi rõ rệt. Một số trường hợp sắc da chuyển sang màu xanh đen hoặc cũng có thể là một màu sắc bất thường khác.

  • Bệnh nhân cảm thấy đau nhức tại vùng tĩnh mạch bị bệnh. Mức độ cơn đau có thể nặng hoặc nhẹ tùy vào tình trạng bệnh và sức khỏe của bệnh nhân.

Chân bị sưng phù kèm theo cảm giác nặng nề

Chân bị sưng phù kèm theo cảm giác nặng nề

  • Sưng phù chân kèm theo cảm giác nặng nề, khi so sánh giữa chân bị bệnh và chân bình thường có thể nhận thấy sự khác biệt rõ rệt. 

  • Một số bệnh nhân thường xuyên bị sốt nhưng không xác định được nguyên nhân.

  • Đối với những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể nhận thấy tĩnh mạch mông bị giãn dưới da.

  • Xuất hiện cảm giác nóng da, nhất là vùng da bị huyết khối.

  • Những bệnh nhân không chữa trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng với những biểu hiện như: đau tức ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, ho nhiều hoặc ho ra máu,... Đặc biệt, những triệu chứng này thường xuất hiện với tần suất cao hơn, nặng nề hơn khi tình trạng bệnh tiến triển gây thuyên tắc phổi. 

4. Các phương pháp chẩn đoán bệnh

Để chẩn đoán chính xác tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu, bác sĩ cần phải tìm hiểu các triệu chứng lâm sàng xuất hiện trên cơ thể và bệnh sử của người bệnh. Tuy nhiên, đây chỉ là những cơ sở phân biệt, sàng lọc bệnh và bệnh nhân cần phải tiến hành một vài xét nghiệm chuyên khoa để có đủ các tiêu chí kết luận bệnh. Cụ thể gồm:

  • Siêu âm: có thể áp dụng phương pháp Doppler để kiểm tra tốc độ lưu thông máu trong lòng mạch. Nếu kết quả ghi nhận được cho thấy quá trình lưu thông máu bị tắc nghẽn hoặc tốc độ lưu thông chậm thì nguy cơ cao bệnh nhân đã bị huyết khối tĩnh mạch.

Tiến hành siêu âm Doppler để chẩn đoán bệnh

Tiến hành siêu âm Doppler để chẩn đoán bệnh

  • Xét nghiệm máu D - dimer: đây là một hình thức xét nghiệm giúp thăm dò và phát hiện những mảnh máu đông đã bị vỡ ra và đang tồn tại, lưu thông trong lòng mạch. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy trong lòng mạch có khá nhiều mảnh vỡ thì khả năng có huyết khối sẽ cao hơn. Tuy nhiên, sự xuất hiện nhiều mảnh máu đông vỡ cũng có thể do bệnh nhân từng bị chấn thương, tiến hành phẫu thuật hoặc đang trong thời kỳ mang thai. 

  • Chụp MRI hoặc CT: đây là hai phương pháp hỗ trợ chụp lại toàn bộ hệ thống mạch máu bên trong và xác định được các vị trí bị huyết khối. 

Theo bác sĩ, đôi khi bệnh nhân được chỉ định tiến hành xét nghiệm chẩn đoán bằng phương pháp siêu âm và xét nghiệm D - dimer nhưng vẫn không đủ cơ sở kết luận bệnh. Do đó, người bệnh có thể được yêu cầu chụp X - quang tĩnh mạch bằng phương thức tiêm một loại chất vào tĩnh mạch chân. Loại chất này có nhiệm vụ mang màu và di chuyển trong lòng mạch để tia X - quang chụp lại. Hình ảnh ghi lại sẽ giúp bác sĩ xác định được những vị trí lòng mạch tồn tại huyết khối. 

Huyết khối tĩnh mạch sâu là một trong những bệnh lý gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Do đó, mọi người nên chủ động tìm hiểu bệnh cũng như thực hiện các giải pháp phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.