Tin tức

Cách chăm sóc da đầu mùa nóng để giảm ngứa, bết da đầu, gàu

Ngày 06/06/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Vào mùa nắng nóng, da đầu thường xuyên bị ngứa ngáy, bí bách, chảy mồ hôi khiến không ít người gặp khó chịu, bất tiện, đặc biệt là những người sở hữu làn da dầu hoặc có mái tóc dày. Chắc chắn những biện pháp để chăm sóc da đầu mùa nóng dưới đây sẽ giúp bạn luôn cảm thấy sạch sẽ, thoải mái dù có máy tóc dày hoặc da dầu. 

1. Làm gì để chăm sóc da đầu mùa nóng?

Nguyên nhân gây ra tình trạng ngứa ngáy, khó chịu, nhiều vảy gàu,... trên da đầu vào mùa nắng nóng là do tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời cùng với bụi bẩn tích tụ do chảy nhiều mồ hôi. Ngoài ra, những người mắc bệnh da đầu như viêm da, nhiễm nấm, ngứa da đầu, gàu,... thì mùa hè thực sự trở thành cơn ác mộng khi các triệu chứng bệnh xuất hiện nhiều hơn.

Mùa nóng khiến da đầu dễ bị ngứa, gàu hơn

Mùa nóng khiến da đầu dễ bị ngứa, gàu hơn

Để hạn chế tình trạng này, cần chú ý chăm sóc, giữ cho da đầu của bạn luôn sạch sẽ, khô thoáng bằng các biện pháp sau:

1.1. Sử dụng dầu gội tự nhiên, dịu nhẹ, không gây kích ứng da đầu

Các loại dầu gội đầu thông thường có thể gây kích ứng da, đặc biệt là vùng da đầu nhạy cảm vào mùa nóng do chứa các chất tạo mùi, chất tẩy rửa làm sạch mạnh. Sử dụng càng lâu dài thì ảnh hưởng xấu càng nhiều, khiến da đầu trở nên nhạy cảm hơn. Do đó, không những vào mùa hè, bạn nên chọn các loại dầu gội tự nhiên, chứa thành phần lành tính vừa có tác dụng làm sạch nhẹ, vừa giúp tóc mềm và mượt hơn.

1.2. Tần suất gội đầu phù hợp

Sự nóng nực khó chịu của mùa hè khiến không ít người gội đầu thường xuyên với mong muốn làm sạch da đầu tốt hơn. Không ít người lại ngược lại, lười gội đầu khiến chất bẩn tích tụ với mồ hôi ra không chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu mà còn gây hại cho mái tóc.

 Chọn dầu gội đầu dịu nhẹ, phù hợp với da đầu là rất quan trọng

 Chọn dầu gội đầu dịu nhẹ, phù hợp với da đầu là rất quan trọng

Tần suất gội đầu phù hợp trong mùa hè là ít nhất 3 lần mỗi tuần, có thể nhiều hơn nếu đặc thù công việc nặng nhọc, chảy nhiều mồ hôi đầu. Ngoài ra sau khi gội đầu, không nên sấy quá khô và nhiệt độ cao, nên để khô tự nhiên để tránh kích thích da đầu.

1.3. Massage da đầu thường xuyên

Thói quen massage da dầu có tác dụng rất tốt, giúp tóc và da đầu được thư giãn, trẻ hóa, thoải mái dễ chịu hơn. Cách này cũng được nhiều người áp dụng với mục đích giảm stress, căng thẳng khi áp lực công việc quá lớn.

Nếu có thời gian, bạn có thể làm ấm dầu dừa dùng để massage vùng da đầu trong khoảng 10 - 15 phút từ 2 - 3 lần mỗi tuần. Dầu dừa còn có tác dụng làm khỏe tóc, kích thích mọc tóc rất tốt.

1.4. Tránh dùng các sản phẩm tạo kiểu tóc

Việc sử dụng các sản phẩm tạo kiểu tóc quá thường xuyên không tốt cho cả tóc lẫn da đầu, bạn nên tránh lạm dụng việc này vào mùa hè nóng bức.

1.5. Uống nhiều nước

Uống đủ nước không chỉ tốt cho sức khỏe cơ thể mà còn tác dụng đầu biệt với da đầu và tóc. Nước sẽ giúp cơ thể và vùng da đầu được làm mát tốt hơn, lượng nước nên uống hàng ngày là từ 1.5 - 2 lít nước. Ngoài nước lọc, bạn cũng nên uống nhiều các loại nước trái cây, nhất là trái cây có múi vào buổi sáng và buổi chiều hàng ngày như cam, bưởi,...

 Uống nhiều nước giúp làm mát cơ thể và da đầu

 Uống nhiều nước giúp làm mát cơ thể và da đầu

1.6. Các bữa ăn lành mạnh

Việc vệ sinh hay chăm sóc da đầu thật tốt cũng không đem lại kết quả tốt nếu thói quen ăn uống của bạn đang không lành mạnh. Dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ cho tóc đến từ một chế độ ăn uống cân bằng các dưỡng chất và thói quen ăn uống đều đặn, khoa học.

Dưỡng chất tốt cho tóc là omega-3, có nhiều trong các thực phẩm như: cá hồi, cá béo, các loại hạt, sữa,... Ngoài ra, các bữa ăn cung cấp nhiều protein cùng chất sắt là cần thiết cho một mái tóc khỏe và óng mượt.

1.7. Giữ tinh thần sảng khoái

Sức khỏe tinh thần cũng giữ vai trò vô cùng quan trọng với sức khỏe nói chung và tình trạng mái tóc nói riêng. Có một số cách giúp bạn giảm căng thẳng, mệt mỏi, có được sức khỏe tinh thần tốt như: thiền, tập thể dục, hít thở sâu, yoga, giải trí lành mạnh sau giờ làm việc, học tập căng thẳng,...

Những mẹo trên đây sẽ giúp bạn nuôi dưỡng mái tóc khỏe mạnh, ít xơ rối, gãy rụng, giảm nấm ngứa da đầu hiệu quả. Tuy nhiên nếu mắc bệnh da đầu, bạn vẫn cần đi khám bác sĩ để điều trị, đặc biệt là các bệnh nấm, ngứa da đầu nặng vào mùa hè.

Tinh thần thoải mái cũng có tác dụng tốt với da đầu

Tinh thần thoải mái cũng có tác dụng tốt với da đầu

2. Các bệnh lý thường gặp với da đầu

Bạn có thể phải đối mặt với nhiều bệnh lý khi không chăm sóc tốt cho vùng da đầu, bao gồm:

2.1. Bệnh viêm nang tóc

Viêm nang tóc là tình trạng túi chứa chân tóc bị viêm, nhiễm trùng, tác nhân gây bệnh là tụ cầu. Dấu hiệu nhận biết bệnh là trên da đầu xuất hiện những mụn nhỏ, bên trong chứa mủ trắng khá giống với mụn trứng cá. Ngoài ra, da đầu cũng trở nên thô ráp, sần sùi, ửng đỏ, bề mặt xuất hiện nhiều gàu. Viêm nang tóc cũng ảnh hưởng khiến tóc bết dính lại với nhau, da tiết nhờn nhiều cùng với bụi bẩn và gàu gây ngứa rát rất khó chịu.

Nếu viêm nang tóc nhẹ, hầu hết bệnh tự khỏi bằng cách vệ sinh và chăm sóc tại nhà, tuy nhiên nhiều trường hợp nặng sẽ cần dùng đến thuốc kháng sinh.

2.2. Viêm da tiết bã

Viêm da tiết bã là bệnh da đầu mạn tính, biểu hiện bằng những mảng hồng ban tróc vảy vùng tiết bã. Làn da nhiễm bệnh trở nên khô ráp, bong ra, vùng da đỏ và tróc vảy, khiến da tiết dầu nhiều hơn.

Người bị viêm da tiết bã rất khó kiềm chế sự khó chịu nên luôn gãi đầu do ngứa đầu, xuất hiện cùng các mảng da chết lớn màu trắng hoặc vàng.

Mắc bệnh da đầu cần điều trị để da đầu khỏe mạnh

Mắc bệnh da đầu cần điều trị để da đầu khỏe mạnh

2.3. Bệnh gàu

Gàu là bệnh lý phổ biến gây bong da trên da đầu, các mảng gàu có kích thước lớn hoặc li ti như bụi với số lượng rất nhiều. Ngoài ra, người bệnh cũng gặp tình trạng ngứa da đầu, nổi nhiều mụn nhọt khiến da đầu bị viêm, gây rụng tóc,...

2.4. Nấm da đầu

Nấm da đầu là tình trạng nhiễm trùng có đốm hình tròn, da đầu bị đóng vảy, nổi mẩn đỏ và gây rụng tóc. Tác nhân gây bệnh là các chủng nấm, dễ lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung mũ, nón, vật dụng cá nhân khác,... 

Nấm da đầu nếu không điều trị tốt có thể lây sang các vùng da mặt, da cơ thể, gây tổn thương, ngứa ngáy da. Cần sử dụng các loại thuốc trị nấm điều trị dài ngày để loại bỏ hoàn toàn nấm da đầu, tuy nhiên rất khó để điều trị dứt điểm.

Trên đây MEDLATEC đã cùng bạn đọc tìm hiểu các bệnh da đầu và cách chăm sóc da đầu mùa nóng để giảm ngứa, bết da đầu, gàu,... Hãy áp dụng để có được mái tóc khỏe mạnh, tự tin trong mùa hè này.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.