Tin tức
Cảm lạnh - nguyên nhân, triệu chứng và biến chứng cần cảnh giác
- 01/11/2020 | Dấu hiệu nhận biết phụ nữ bị trầm cảm sau sinh
- 14/11/2020 | Làm thế nào để phân biệt cảm cúm với cảm lạnh?
1. Cảm lạnh là bệnh gì? Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm
Cảm lạnh hay còn được biết đến với tên gọi khác là bệnh cảm thông thường, do virus gây ra. Có đến trên 100 loại virus gây ra cảm lạnh nhưng thường gặp và dễ lây nhất là Rhinovirus. Loại virus này chủ yếu gây bệnh ở mũi nên khi bị cảm sẽ gây nghẹt mũi hoặc sổ mũi nhiều, hắt hơi,...
Bệnh cảm lạnh chủ yếu do virus Rhinovirus gây ra
Do có những triệu chứng tương đối giống nhau nên nhiều người dễ nhầm lẫn cảm lạnh với cảm cúm. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng đây là 2 bệnh lý hoàn toàn khác nhau:
- Cảm lạnh
+ Tác nhân gây bệnh thường là virus thuộc chủng Rhinovirus hoặc Enterovirus.
+ Triệu chứng có mức độ ít nghiêm trọng.
+ Tác động tới các cơ quan hô hấp trên là chính: mũi, họng, xoang.
+ Có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày.
- Cảm cúm
+ Tác nhân gây bệnh thường là virus cúm A và cúm B.
+ Triệu chứng có mức độ nghiêm trọng hơn cảm lạnh.
+ Gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe như viêm phổi, nhiễm trùng xoang, tai,... nhiều trùng máu,.... khi không được điều trị kịp thời.
2. Nhận diện triệu chứng và nguyên nhân của bệnh cảm
2.1. Triệu chứng bệnh cảm lạnh
Như đã nói đến ở trên, tác nhân gây bệnh cảm thông thường chủ yếu tấn công đường hô hấp trên. Vì thế nó khiến cho chức năng mũi bị rối loạn tạm thời, các triệu chứng của nó tương đối nhẹ, hầu hết xảy ra ở mũi và cổ họng:
- Người bệnh thấy cổ họng bị ngứa rát hoặc đau.
- Hắt hơi nhiều.
- Dịch mũi ban đầu ít, trong sau dần trở nên đặc hơn, chuyển màu vàng hoặc xanh nếu có viêm nhiễm và cuối cùng là nghẹt mũi.
- Ho khan sau đó chuyển sang ho có đờm.
- Viêm họng.
- Đau đầu nhẹ hoặc đau nhức cơ thể.
- Khó chịu.
- Sốt nhẹ.
Hắt xì nhiều, khó chịu mũi là triệu chứng điển hình của bệnh cảm
Nếu những triệu chứng cảm trên đây có chiều hướng tiến triển nghiêm trọng kèm theo sốt cao trên 38.5 độ C, khò khè, khó thở, đau đầu dữ dội thì tốt nhất người bệnh nên đến bác sĩ thăm khám để có biện pháp điều trị kịp thời.
2.2. Nguyên nhân gây ra bệnh cảm lạnh
Virus cảm lạnh mà điển hình là virus Rhinoviruses xâm nhập vào cơ thể qua miệng, mũi, mắt gây ra bệnh cảm lạnh. Bệnh có thể lây khi người bình thường dùng chung vật dụng hay tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Ngoài ra, khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc nói chuyện, giọt nước bắn ra không khí cũng có thể lây truyền bệnh.
Những yếu tố sau cũng sẽ góp phần làm gia tăng nguy cơ bị cảm lạnh:
- Trẻ dưới 6 tuổi.
- Người bị suy yếu hệ thống miễn dịch do mắc bệnh lý mãn tính.
- Mùa thu đông.
- Hút thuốc lá nhiều.
- Tiếp xúc với người mang virus cảm lạnh.
3. Những biến chứng xấu do cảm lạnh gây ra
Khi bệnh nhân bị cảm lạnh có tình trạng sưng phổi hoặc mũi thì họ có nguy cơ gặp các biến chứng xấu như:
- Bệnh viêm xoang
Đây là bệnh lý dễ xuất hiện nếu virus cảm lạnh tấn công các hốc xoang. Khi ấy người bệnh sẽ có dấu hiệu: mất vị giác hoặc khứu giác, nghẹt mũi nặng, đờm chuyển sang màu xanh hoặc vàng đặc, răng đau, cúi xuống có cảm giác đau, ho nhiều về đêm, hôi miệng,... Đặc biệt, một số dấu hiệu cảnh báo viêm màng não cũng cần được lưu tâm như: đau dữ dội đầu hoặc mặt, sốt cao trên 38.8 độ C, thị lực kém, lú lẫn, choáng váng, mắt sưng đỏ, khó thở, cổ cứng,...
- Bệnh viêm phế quản
Viêm phế quản là một trong những biến chứng rất dễ gặp của cảm lạnh. Bệnh có các triệu chứng điển hình như: ho có đờm, ho kéo dài 10 - 20 ngày. Nếu sức đề kháng kém hoặc không được điều trị nhanh sẽ gây ra viêm phổi với triệu chứng: ho ngày càng nhiều, ho ra máu, khó thở khi ho, đau ngực, sốt trên 38.5 độ C, nuốt hoặc nói chuyện khó,...
Nếu triệu chứng nghiêm trọng không được điều trị kịp thời, cảm có thể biến chứng viêm phế quản
- Bệnh viêm tai
Nhiễm trùng xoang, viêm phế quản, cảm lạnh có thể khiến dịch bị ứ trong tai, tác nhân gây bệnh có điều kiện làm nhiễm trùng tai với các triệu chứng: cảm thấy như có một áp lực nặng đè ở trong tai, bên trong tai bị đau, có chất lỏng chảy ra từ trong tai, thính lực giảm,...
4. Người bệnh cần lưu ý
- Bệnh cảm thông thường rất dễ mắc, có thể hạ sốt và giảm đau tại nhà bằng Paracetamol hoặc ibuprofen, dùng thuốc xịt để giảm ngạt mũi, bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng,... Tuy nhiên, nếu những việc làm này không giúp bệnh cải thiện hơn hoặc có những dấu hiệu dưới đây, người bệnh nên đến cơ sở y tế thăm khám để phòng ngừa các biến chứng xấu:
+ Sốt trên 39 độ C.
+ Cơ thể đau nhức, suy nhược.
+ Nôn nhiều.
+ Đau mạnh ở xoang trán hoặc mặt.
+ Sưng tấy ở cổ hoặc hàm.
+ Tức ngực, khó thở.
+ Choáng, muốn xỉu.
- Cảm lạnh do virus gây ra nên dùng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh sẽ hoàn toàn không đạt được tác dụng gì. Trừ trường hợp cảm lạnh bị bội nhiễm thì mới dùng đến kháng sinh nhưng cần có sự chẩn đoán và chỉ định của bác sĩ.
- Người bệnh cần được nghỉ ngơi để cơ thể nhanh chóng hồi phục nhưng cũng không nên nằm lâu trên giường mà nên vận động nhẹ nhàng để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Trong thời gian này, nghỉ học hoặc nghỉ làm vài ngày cũng là việc nên làm để tránh lây lan virus cảm cho người khác.
- Để xác định chính xác có bị cảm lạnh hay không thường thì các bác sĩ sẽ dựa trên triệu chứng của người bệnh. Nếu thấy nghi ngờ nguyên nhân khác, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh chụp X-quang hoặc làm một vài xét nghiệm để có cơ sở đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.
- Các biện pháp điều trị cảm lạnh hiện nay chủ yếu nhằm giảm triệu chứng của bệnh. Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng cần có chế độ nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để mau khỏi bệnh.
Nếu đang nghi ngờ mình bị cảm mà chưa thể xác định được có đúng hay không, bạn có thể liên hệ tổng đài của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC: 1900 56 56 56. Tại đây, các chuyên viên y tế của chúng tôi sẽ lắng nghe triệu chứng bạn đang gặp phải, dùng kinh nghiệm và trình độ hiểu biết sâu rộng của mình để đưa ra những hướng dẫn chính xác, giúp bạn nhận diện đúng tình trạng của mình.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!