Tin tức
Cảnh báo sức khỏe: béo phì gây ung thư như thế nào?
- 27/05/2021 | Điểm danh những tác hại của béo phì đối với sức khỏe
- 21/12/2020 | 4 phương pháp điều trị béo phì phổ biến và hiệu quả nhất
1. Béo phì gây ung thư như thế nào
1.1. Béo phì là gì
Béo phì là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý nguy hại cho sức khỏe
Béo phì là tình trạng mỡ tích lũy quá mức và bất bình thường ở vùng nào đó hoặc toàn bộ cơ thể. Béo phì được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại dựa trên chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index - BMI), chỉ số này được tính như sau:
BMI = W (kg) / H (m2)
Trong công thức này W là chỉ số cân nặng, H là chỉ số chiều cao.
Cũng dựa trên công thức ấy mà tổ chức này xem một người trưởng thành với chỉ số BMI 25 - 29.9 là thừa cân và BMI >= 30 là béo phì.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến béo phì, nhưng điển hình nhất phải kể đến: di truyền, thói quen sinh hoạt và ăn uống thường ngày, lối sống, bệnh lý rối loạn hormone, kinh tế,...
1.2. Vì sao béo phì dẫn đến ung thư
Trong cơ thể con người, vai trò chính của chất béo là dự trữ năng lượng đồng thời lan truyền thông tin và chỉ dẫn cho các phần của cơ thể. Những thông tin do chất béo lan truyền ấy có thể ảnh hưởng tới quá trình tăng trưởng, phản ứng hóa học của tế bào cũng như chu kỳ sinh sản của cơ thể.
Trường hợp có quá nhiều chất béo tích lũy trong cơ thể thì tín hiệu mà nó truyền đi dễ gây ra các rối loạn được xem là nguồn gốc của ung thư. Trong những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, béo phì gây ung thư theo 3 cơ chế chính:
- Thứ nhất: Quá trình viêm
Sự tích lũy quá nhiều tế bào mỡ trong cơ thể khiến cho tế bào miễn dịch chuyên biệt tăng tiết cytokine và thúc đẩy quá trình viêm mạn tính. Quá trình này làm cho tế bào phân chia nhanh chóng hơn. Theo thời gian, điều này có thể gây ra tổn thương DNA và ung thư.
Người bị béo phì có nguy cơ ung thư gan tương đối cao
- Hormone tăng trưởng
Việc chất béo tích lũy nhiều bên trong cơ thể cũng dễ làm gia tăng Insulin và một số yếu tố tăng trưởng khác. Nếu Insulin và IGF-1 ở mức độ cao thì sự phân chia ở các tế bào sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Trong trường hợp này, béo phì làm tăng nguy cơ phát triển ung thư đại tràng, ung thư nội mạc tử cung, tuyến tiền liệt và thận.
- Hormon giới tính
Sau thời kỳ mãn kinh, mô mỡ sẽ tạo ra lượng estrogen dư thừa và nó có thể thúc đẩy sự phân chia nhanh chóng của tế bào nội mạc tử cung, vú đồng thời làm tăng nguy cơ đột biến tế bào và bệnh ung thư.
2. Người bị béo phì có nguy cơ với bệnh ung thư nào
Như đã nói về nguyên nhân béo phì gây ung thư ở trên thì béo phì chính là tác nhân làm phát triển rất nhiều bệnh lý ác tính, trong đó, cao nhất chính là:
- Ung thư tử cung: có đến 40% bệnh nhân mắc loại ung thư này liên quan đến béo phì. Điều đó có nghĩa là những người bị béo phì sẽ có nguy cơ bị ung thư tử cung cao hơn người bình thường gấp khoảng 4 - 7 lần.
- Ung thư thực quản: nguy cơ ung thư tăng gấp khoảng 2 - 4 lần.
- Ung thư dạ dày: nguy cơ ung thư tăng gần như gấp đôi.
- Ung thư gan và thận: nguy cơ ung thư tăng gấp đôi.
- Đa u tủy: nguy cơ ung thư tăng gấp khoảng 15 - 20%.
- Ung thư tụy: nguy cơ tăng gấp khoảng 1.5 lần.
- U màng não: nguy cơ tăng gấp khoảng 25 - 50%.
- Ung thư đại tràng: nguy cơ tăng trên 30%.
- Ung thư vú: nguy cơ tăng cao 15% vào giai đoạn tiền mãn kinh và 20 - 40% vào giai đoạn sau mãn kinh.
- Ung thư túi mật: nguy cơ tăng gấp 60%, phụ nữ thuộc nhóm có nguy cơ cao với bệnh lý này hơn so với nam giới.
- Ung thư buồng trứng: nguy cơ ung thư tăng khoảng 10%.
- Ung thư tuyến giáp: mức độ nguy cơ nhẹ, chỉ vào khoảng 10%.
3. Biện pháp phòng ngừa dành cho những người bị béo phì
Hiểu được nguy cơ béo phì gây ung thư như thế nào thì người bị béo phì nên chủ động bảo vệ mình bằng cách giảm cân khoa học bằng chế độ tập luyện thể dục và dinh dưỡng hợp lý. Để phòng ngừa nguy cơ này, mục tiêu đầu tiên cần đạt được là giảm 5 - 10% trọng lượng cơ thể.
Có chế độ ăn lành mạnh là một trong những biện pháp ngăn ngừa nguy cơ béo phì gây ung thư
Ngoài ra, người bị béo phì cũng nên kết hợp thực hiện một số biện pháp khác như:
- Thay đổi hành vi, lối sống
+ Tăng cường các hoạt động thể chất.
+ Giảm thiểu lượng thức ăn tiêu thụ cho cơ thể mỗi ngày.
- Tìm đến chuyên gia dinh dưỡng hoặc giảm cân để được tư vấn về chế độ giảm cân lành mạnh sau đó kiên trì thực hiện chế độ này trong một khoảng thời gian.
- Dùng thuốc
Khi đã áp dụng chế độ luyện tập và ăn uống khoa học, có thay đổi hành vi nhưng không hiệu quả thì thuốc giảm cân sẽ được khuyến nghị đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đối với việc sử dụng loại thuốc này cần có sự tham khảo ý kiến từ chuyên gia.
Ít ai biết được rằng thực tế cuộc sống hiện nay, béo phì đang dần dần trở thành nguyên nhân số 1 - thay thế thuốc lá trên con đường dẫn đến bệnh ung thư. Vì thế, mỗi chúng ta cần phải ý thức được sự nguy hiểm của nó để làm chủ việc kiểm soát sức khỏe và cân nặng của chính mình. Có như vậy thì sức khỏe mới được bảo vệ tốt nhất.
Một số biện pháp sau đây cũng giúp cho việc kiểm soát cân nặng trở nên hiệu quả hơn:
- Trong chế độ ăn hàng ngày cần có: nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại thịt nạc; tránh xa hoặc hạn chế tối đa việc dung nạp đồ ăn nhanh, đồ chiên xào, thực phẩm hoặc đồ uống chứa nhiều đường.
- Tránh xa hoặc giảm thiểu việc dùng uống đồ uống có cồn.
- Bỏ hoặc không hút thuốc lá.
- Mỗi tuần nên tập thể dục ít nhất 3 lần, mỗi lần nên tập tối thiểu 30 phút.
- Tăng cường hoạt động thể chất: chơi thể thao, đi bộ, chạy bộ, lao động chân tay vừa sức,...
Nếu nhận thấy cơ thể đang tăng cân một cách bất thường hay đang có những yếu tố nguy hại đến sức khỏe, hãy chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp xử trí kịp thời. Hoặc khi cần được tư vấn về biện pháp sàng lọc ung thư, bạn đọc có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC hướng dẫn cụ thể, chính xác.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!