Tin tức

Cấp cứu thành công trường hợp ngừng hô hấp tuần hoàn do độc chất “phụ tử”

Ngày 11/10/2017
Ban biên tập
Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã tiếp nhận và cấp cứu thành công bệnh nhân ngưng hô hấp tuần hoàn do bị ngộ độc rượu ngâm phụ tử.

Ngộ độc do phụ tử

Đó là bệnh nhân là N.V. P., (nam, 47 tuổi, Hà Nội), cấp cứu tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC trong tình trạng nôn ói nhiều, sau đó đột ngột rơi vào trạng thái mất ý thức, ngừng thở, không bắt được mạch trung tâm. Bác sĩ đã tiến hành thăm khám và xác định bệnh nhân ở tình trạng ngưng hô hấp tuần hoàn.

Ngay khi có tín hiệu báo động cấp cứu, các y bác sĩ của bệnh viện đã tập trung cấp cứu cơ bản cho bệnh nhân gồm: ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng hỗ trợ hô hấp, đặt đường truyền tĩnh mạch để dùng thuốc cấp cứu, theo dõi các chức năng sống thông qua màn hình monitoring,...


Bác sĩ Bùi Văn Hải tư vấn và khám tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

Bác sĩ Bùi Văn Hải - Chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, Phó Khoa Lâm sàng tham gia cấp cứu cho biết: “Áp dụng phương pháp cấp cứu cơ bản, nhưng bệnh nhân vẫn chưa hết ngưng hô hấp tuần hoàn, vì vậy, ê-kíp bác sĩ trực cấp cứu đã quyết định hồi sức tim phổi nâng cao như: sốc điện để khử rung tim, cân nhắc đặt ống nội khí quản và chuẩn bị máy thở để hỗ trợ hô hấp, tiêm và truyền các thuốc hồi sức khẩn cấp theo phác đồ của Bộ Y tế.

Với hướng xử trí khẩn trương, chính xác, chỉ sau gần 1 giờ cấp cứu, bệnh nhân đã tỉnh hoàn toàn trong niềm vui sướng vỡ òa của người thân và các y bác sĩ Bệnh viện”.

Khai thác tiền sử người nhà bệnh nhân N.V. P., chia sẻ: Do uống rượu ngâm phụ tử (ô đầu), trước khi vào viện 4-5 giờ, gia đình thấy bệnh nhân xuất hiện tê tay chân, chóng mặt, nôn ói nhiều lần, cảm giác trống ngực, mệt mỏi tăng dần,… nên đưa đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cấp cứu.

Được chẩn đoán là ngưng hô hấp tuần hoàn (rung thất) do ngộ độc thuốc đông y, nên sau khi được xử lý thành công, bệnh nhân được chuyển tiếp đến Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục theo dõi và xử trí. Bệnh nhân bình N.V. P., hiện đã bình phục hoàn toàn và được xuất viện sau vài ngày.

Phụ tử - vị thuốc đông y tuyệt đối không được tự ý sử dụng


Phụ tử hay còn gọi là Ô đầu, củ gấu tầu.

Phụ tử (hay còn gọi là Ô đầu, củ gấu tầu) là một loại cây có tên khoa học là Radix Aconiti. Rễ của cây phụ tử là một vị thuốc đông y, thường được ngâm rượu làm thuốc xoa bóp trị đau nhức, đau khớp, bong gân,...

Thành phần hóa học của phụ tử có chứa các Alcaloid tim mạch, tác dụng gây độc chính là do Aconitin.

Cơ chế tác dụng lên tim mạch là do Aconitin gắn vào kênh Natri trên màng tế bào cơ tim gây mở kênh kéo dài làm ion Natri liên tục đi vào tế bào cơ tim khiến tim nằm trong tình trạng chậm tái cực, dễ xuất hiện các kích thích sớm gây ra loạn nhịp tim.

Các biểu hiện ngộ độc xuất hiện sau uống vài giờ như tê miệng, tăng tiết đờm, buồn nôn, nôn, khó thở, rối loạn tri giác, tê chân tay, co giật. Trên tim mạch gây ra các loạn nhịp nguy hiểm có thể dẫn đến ngừng tim. Người bị ngộ độc phụ tử không được cấp cứu kịp thời tại bệnh viện có thể tử vong thường sau 6 giờ.

Vì phụ tử rất độc nên người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng và lưu ý:

-  Khi dùng các chế phẩm thuốc có thành phần là phụ tử phải hết sức thận trọng và theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm.

-  Không tự chế biến cây, rễ, lá phụ tử làm thức ăn.

-  Các loại rượu ngâm phụ tử dùng để xoa bóp phải dán nhãn rõ ràng, cất giữ nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em và để tránh nhầm lẫn khi sử dụng.

-   Khi có biểu hiện ngộ độc cần nhanh chóng xử trí cấp cứu ban đầu, sau đó đưa bệnh nhân tới bệnh viện hoặc trung tâm chống độc để được xử trí kịp thời. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ