Tin tức
Cầu tay chạy thận: Kéo dài sự sống cho bệnh nhân suy thận
Cầu tay chạy thận: Kéo dài sự sống cho bệnh nhân suy thận
Mổ cầu tay chạy thận là phương pháp được áp dụng với bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Vậy mổ cầu tay ở bệnh nhân chạy thận là gì? Khi nào thì cần phải mổ cầu tay? Cách bảo vệ như thế nào?
1. Cầu tay chạy thận là gì?
Cầu tay chạy thận là phương pháp tạo đường thông động tĩnh mạch tự thân (AVF) để tăng lưu lượng máu vào máy chạy thận và đưa dòng máu sạch trở lại cơ thể. Chạy thận được chỉ định với bệnh nhân khi thận gần như không còn hoạt động nữa khiến chất độc tích tụ. Chạy thận hoặc lọc màng bụng được thực hiện nhằm mục đích thay thế chức năng của thận thải trừ chất độc ra bên ngoài.
Đặt cầu tay để tạo một đường thông giữa động mạch và tĩnh mạch
2. Thời gian và cách thức mổ cầu tay
Mổ cầu tay cần được thực hiện trước khi chạy thận để đảm bảo mạch máu đủ trường thành.
Thời gian mổ cầu tay trong chạy thận
Thông thường, khi bác sĩ xác định mức độ suy thận và đưa ra chỉ định chạy thận thì bệnh nhân sẽ được tiến hành mổ cầu tay. Phẫu thuật này sẽ được tiến hành trước khi chạy thận từ 6 - 8 tuần. Thời gian mổ khoảng 1 - 2 tiếng tùy từng trường hợp.
Cách thức mổ cầu tay
Mỗi người sẽ có 4 vị trí có thể thực hiện mổ cầu tay chạy thận. Mỗi vị trí này sẽ được xem như một quả thận và có thể sử dụng trong vài năm tùy vào chế độ chăm sóc của mỗi bệnh nhân.
● Vị trí bàn tay: Cầu tay được lắp tại hõm lào, đây là vị trí xa nhất ở chi trên có thể sử dụng để lắp cầu tay nhằm thiết lập đường vào mạch máu.
● Vị trí cổ tay: Tại động mạch quay và tĩnh mạch đầu. Vị trí này được áp dụng phổ biến với nhiều bệnh nhân chạy thận.
● Vị trí cổ tay: Tại động mạch trụ và tĩnh mạch nền được chỉ định khi hệ thống tĩnh mạch ở cẳng tay không sử dụng được.
● Vị trí khuỷu tay: Tại động mạch cánh tay và tĩnh mạch đầu ở khuỷu tay được chỉ định cho những bệnh nhân có hệ tĩnh mạch cẳng tay không cho phép thiết lập hoặc đã từng sử dụng nhưng thất bại hay hư hỏng.
Có 4 vị trí có thể thiết lập cầu nối ở tay
Sau khi sát trùng kỹ lưỡng, bác sĩ sẽ tiến hành tạo một lỗ rò AV tại vị trí đã được xác định để thiết lập cầu tay tạo kết nối giữa động mạch và tĩnh mạch. Lỗ rõ này cần thời gian tối thiểu là 6 tuần để hồi phục. Do đó mà bệnh nhân chạy thận cần phải thiết lập cầu tay trước và đảm bảo lỗ rõ hồi phục hoàn toàn thì mới có thể tiến hành chạy thận. Phương pháp này vừa đảm bảo an toàn vừa mang lại hiệu quả cao, có thể sử dụng trong nhiều năm nay nên thường được ưu tiên chỉ định với bệnh nhân suy thận.
Đối với những trường hợp bệnh nhân có mạch máu quá nhỏ, bác sĩ có thể chỉ định thay thế bằng phương pháp AV ghép. Khi đó, một ống nhựa tổng hợp sẽ được sử dụng để tạo một đường thông giữa động mạch và tĩnh mạch dưới da. Với phương pháp này thì thời gian hồi phục sau khi bắt cầu tay khoảng 2 tuần nên bệnh nhân có thể thực hiện chạy thận sớm hơn. Tuy nhiên, với phương pháp này, khả năng nhiễm trùng cầu tay rất cao và bác sĩ cần thường xuyên theo dõi để đảm bảo chắc chắn rằng mảnh ghép vẫn mở.
Nếu mạch máu nhỏ, bác sĩ sẽ dùng ống nhựa tạo đường thông động tĩnh mạch
3. Các biện pháp chăm sóc cầu tay chạy thận
Thời gian sử dụng cầu tay chạy thận phụ thuộc nhiều vào chế độ chăm sóc của bệnh nhân. Để thời gian sử dụng được lâu và hạn chế tối đa những vấn đề không mong muốn xảy ra, người bệnh cần chú ý:
● Nếu bệnh nhân có mạch máu nhỏ, bác sĩ sẽ hướng dẫn tập bóp banh hay kim lò xo để mạch máu giãn nở, thuận tiện cho quá trình đặt cầu tay.
● Trước khi thực hiện mổ đặt cầu tay, bác sĩ sẽ tiến hành các kiểm tra cần thiết để đánh giá khả năng đông máu, đo áp lực mạch máu, siêu âm,… để đảm bảo có thể thiết lập cầu tay chạy thận.
● Vệ sinh, sát khuẩn cầu tay thường xuyên theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
● Trước và sau khi chạy thận, cần phải vệ sinh cầu tay và rửa tay với xà phòng. Đồng thời sát khuẩn kim cắm trên tay và tuyệt đối không chạm tay vào những vùng đã sát khuẩn.
● Sau khi chạy thận xong, dùng bông gòn để cầm máu sau đó quấn băng keo y tế. Kiểm tra chuyển động của mạch, nếu không cảm nhận được thì phải nới lỏng băng keo. Sau 2 tiếng thì tháo bỏ bông gòn và băng keo.
● Trong thời gian không sử dụng, có thể dùng băng gạc để băng bó, bảo vệ cầu tay khỏi các tác nhân bên ngoài,
● Không cào, gãi hay thường xuyên sờ vào vị trí đặt cầu tay.
● Khi ngủ, chú ý không nằm đè hoặc kê đầu lên tay có cầu tay.
● Không sử dụng tay đang có cầu tay để mang vác, xách đồ nặng.
● Cầu tay chỉ được sử dụng với mục đích duy nhất là chạy thận, không được dùng với bất kỳ mục đích nào khác.
● Trong quá trình chạy thận, bệnh nhân chú ý giữ tay nằm yên, hạn chế nhúc nhích, co gập để tránh làm tuột kim hoặc kim xuyên mạch gây tổn thương.
● Trường hợp cầu tay chạy thận xuất hiện những triệu chứng bất thường như sưng, đổ, ngứa ngáy, đau nhức, tê cứng, tạo mủ, chảy dịch, tay có cầu nối lạnh hơn tay còn lại,… hoặc người bệnh thấy mệt, khó thở, đau tức ngực, tăng hay tụt huyết áp,… thì cần phải báo ngay với bác sĩ điều trị hoặc đến cơ sở y tế để có biện pháp xử lý.
● Tuân thủ tuyệt đối theo những hướng dẫn của bác sĩ về chế độ chăm sóc, thuốc sử dụng, khẩu phần dinh dưỡng,… đối với bệnh nhân suy thận.
Ngoài chế độ chăm sóc thì tuổi thọ của cầu tay còn bị ảnh hưởng bởi trình độ chuyên môn, kỹ thuật của bác sĩ thực hiện phẫu thuật. Do đó, để đảm bảo an toàn cho bản thân và tuổi thọ cầu tay chạy thận, bạn cần tìm đến những cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ y bác sĩ giỏi, tay nghề cao, giàu kinh nghiệp và sử dụng trang thiết bị y tế hiện đại.
Lựa chọn địa chỉ uy tín phẫu thuật nhằm đảm bảo tuổi thọ của cầu tay chạy thận
Nếu quý khách hàng cần tư vấn sức khỏe hoặc đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa, hãy liên hệ ngay đến tổng đài 1900 565656 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được hỗ trợ tư vấn kịp thời.
BS Thanh Tuấn đã duyệt
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!