Tin tức

Cây ngâu: Cây cảnh, dược liệu đa công dụng

Ngày 12/09/2024
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung
Ngâu là loài cây công trình quen thuộc và cũng được nhiều người dân trồng trang trí ở sân vườn. Trên phương diện dược liệu, cây ngâu có mặt trong nhiều bài thuốc chữa bệnh tại nhà. Hãy cùng MEDLATEC khám phá chi tiết hơn những công dụng dược liệu của loài cây này trong nội dung chia sẻ dưới đây.

1. Đặc điểm sinh học của cây ngâu

Cây ngâu (ngâu ta) thuộc họ xoan, là cây nhỡ, chiều cao 4 - 7m. Lá ngâu có dạng kép lông chim, dài 4 - 9cm, rộng 1.5 - 3cm, mọc so le, có 5 - 7 lá chét nhỏ. Lá ngâu thuôn về gốc còn tù ở phần đầu, lá nằm trong tận cùng thường có kích thước to nhất. Hai mặt lá ngâu đều nhẵn nhưng mặt trên thường xanh sẫm và bóng hơn.

Hoa ngâu có màu vàng, dạng hình cầu, mùi thơm, mọc đơn hoặc phân nhánh. Các bông hoa ngâu thường mọc thành cụm từ kẽ lá, cuống hoa mảnh. 

Cây ngâu của quả hình cầu, dạng hạch, chuyển sang màu đỏ tươi vào thời điểm quả chín. khi chín màu đỏ tươi. Tháng 5 - 7 cây ngâu sẽ ra hoa và đậu quả.

Cây ngâu có nhiều ở vùng núi hoặc cánh rừng thưa Trung Quốc, Thái Lan, các nước Đông nam Á. Đây là loài cây mọc tự nhiên, ưa sáng, chịu hạn tốt. Nước ta hiện cây ngâu được trồng nhiều để lấy hoa ướp trà và trồng làm cảnh.

Cây ngâu chủ yếu được trồng làm cảnh

Cây ngâu chủ yếu được trồng làm cảnh

2. Thành phần hóa học và công dụng của cây ngâu đối với sức khỏe

2.1. Thành phần hóa học

Lá của cây ngâu có chứa tinh dầu với các thành phần chính là: hendecan, linalol,... Ngoài ra, thành phần của lá ngâu còn có rocaglamid, rocaglaol, aglaiastatin A - B - C, α - humulen, β - caryphylen, caryophylenon I,...

2.2. Công dụng cây ngâu đối với sức khỏe

- Theo Y học cổ truyền

Y học cổ truyền cho rằng hoa ngâu có tính bình, vị ngọt xen chút cay, có công dụng giải uất và hành khí. Có thể dùng hoa ngâu để chữa đầy bụng, khó tiêu, đau nhói ngực,...

Cành lá ngâu hơi ôn, tính bình, có công dụng giảm đau, tiêu thũng, tán ứ, hoạt huyết. Có thể dùng cành lá ngâu để chữa sốt rét, long đờm, hen suyễn hoặc nấu nước tắm trị ghẻ ngứa và mụn nhọt. Rễ và quả tươi của cây ngâu tác dụng gây nôn chữa ngộ độc bằng cách giã nhuyễn rồi pha nước uống.

Cây ngâu dược liệu chủ yếu được dùng để sắc nước thuốc hoặc hãm trà uống. Có thể giã tươi hoặc nấu cao dược liệu này để dùng ngoài da. Liều dùng đường uống không nên quá 30g/ngày.

Cách sử dụng cây ngâu tại một số nước: Người dân Trung Quốc dùng rễ, lá và hoa cây ngâu làm thuốc bổ. Lá và cành ngâu chủ trị thấp khớp, nhiễm trùng,... Người dân Philippin sắc nước từ rễ và lá ngâu uống như thuốc bổ, sắc nước từ hoa uống để giải nhiệt.

- Theo Y học hiện đại

Nghiên cứu công bố bởi tạp chí Natural Product Research đã chỉ ra rằng: tiến hành phân lập 2 hợp chất khung rocaglamide trên cây ngâu bằng phương pháp phổ đã phát hiện hoạt tính gây độc tế bào invitro trong ung thư gan HepG2. Kết quả được công bố này cho thấy triển vọng về khả năng kháng ung thư của hợp chất khung rocaglamide được phân lập từ cây ngâu.

Hoa ngâu hãm trà có thể chữa chướng bụng, đầy hơi

Hoa ngâu hãm trà có thể chữa chướng bụng, đầy hơi

3. Bài thuốc chữa bệnh với dược liệu cây ngâu

- Hạ sốt

Lấy 1 thang thuốc với các dược liệu sau, mỗi loại 16g đem sắc uống: mã đề, quả dành dành, lá ngâu.

- Gây nôn để chữa ngộ độc thực phẩm

+ Cách thứ nhất: giã nát 20g lá ngâu tươi rồi vắt lấy nước uống.

+ Cách thứ hai: sắc 30g lá ngâu lấy nước uống.

Sau khi đã nôn hết thực phẩm gây ngộ độc ra ngoài thì nấu cháo đậu xanh để ăn và lưu ý cần đến ngay cơ sở y tế nếu có triệu chứng nặng.

- Chữa bế kinh

Trộn 10g hoa ngâu trong 50ml rượu trắng sau đó cho thêm một chút nước vào, đem hấp cách thủy cho hoa chín. Lấy phần nước thu được từ quá trình này để uống trước khi ngủ. Nên làm như vậy trước khi kỳ kinh bắt đầu 5 ngày.

- Chữa hen suyễn

Hãm 15g hoa ngâu trong 1 lít nước sôi, khoảng 30 phút rồi uống thay nước. 

- Chữa đau nhức xương khớp

Rửa sạch các dược liệu sau: dây đau xương 20g, cành lá ngâu 30g, cốt toái bổ 10g, ké đầu ngựa 10g. Cho dược liệu vào nồi sắc với 700ml đến khi còn 200ml thì chắt nước chia thành 3 lần uống. Thực hiện liên tục 10 ngày.

- Giải rượu

Hãm 10g hoa sắn dây, 10g hoa ngâu trong 150ml nước sôi trong 30 phút rồi lấy nước uống.

- Chữa sưng, bầm tím do chấn thương

+ Cách thứ nhất: Nấu 50g hoa ngâu, 50g lá ngâu với 700ml nước để cô thành cao. Hàng ngày dùng miếng gạc mỏng thấm cao này rồi đắp lên vùng bị sưng hay bầm tím. Mỗi ngày cần đắp thuốc 2 lần, sau 2 tiếng thì tháo thuốc ra. Cứ làm như vậy cho đến khi máu bầm và tình trạng sưng biến mất.

+ Cách thứ hai: Lấy từng dược liệu sau, mỗi loại 1 nắm nhỏ: lá dâm bụt, lá xuyên tâm liên, lá ngâu tươi. Dược liệu cần rửa sạch rồi giã nhuyễn, đắp trực tiếp lên vết sưng và dùng băng gạc cố định trong 2 giờ sau đó tháo băng, đắp mỗi ngày 2 lần.

- Chữa cao huyết áp

Hãm 30g hoa cúc, 10g hoa ngâu trong nước sôi khoảng 15 phút rồi lấy nước uống vào 3 buổi trong ngày, liên tiếp 15 ngày.

Các bài thuốc chữa bệnh dùng cây ngâu cần có chỉ dẫn chuyên môn từ bác sĩ

Các bài thuốc chữa bệnh dùng cây ngâu cần có chỉ dẫn chuyên môn từ bác sĩ

4. Lưu ý khi sử dụng cây ngâu để chữa bệnh

Tuy tính dược lý của cây ngâu tương đối phong phú nhưng chưa có minh chứng khoa học cho thấy sự an toàn với thai kỳ. Vì thế, thai phụ không nên dùng bất cứ thành phần nào của cây ngâu để chữa bệnh.

Người mắc bệnh tiểu đường hạn chế ăn quả ngâu hàng ngày để không bị tác động đến việc kiểm soát chỉ số đường huyết.

Cây ngâu dùng làm dược liệu là ngâu ta, không phải các giống ngâu ngoại lai cùng họ. Người dùng cần nhận diện đúng để không dùng sai dược liệu.

Các bài thuốc sử dụng dược liệu từ cây ngâu trên đây mang tính tổng hợp từ nguồn dân gian truyền miệng. Bất cứ trường hợp nào có ý định chữa bệnh từ thảo dược này, tốt nhất vẫn cần có sự thăm khám, đánh giá đúng tình trạng sức khỏe và tư vấn chi tiết từ bác sĩ có chuyên môn.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn thao tác xác nhận lịch hẹn nhanh chóng.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.