Tin tức
Cây rẻ quạt: Vị thuốc tốt ngay trong vườn nhà
- 28/08/2024 | 5 loại trái cây người bệnh tiểu đường không nên ăn để kiểm soát bệnh hiệu quả
- 29/08/2024 | Cây hoàn ngọc: Công dụng bất ngờ và lưu ý khi sử dụng
- 30/08/2024 | Gợi ý bài thuốc chữa xương khớp từ cây thầu dầu
1. Đặc điểm sinh học cây rẻ quạt
Cây rẻ quạt (lưỡi đồng, xạ can) thuộc họ la dơn, mọc hoang, thân thảo, cao khoảng 0.5m. Lá rẻ quạt rộng 2cm, dài tối đa khoảng 30cm, xếp xen với nhau xòe ra như cánh quạt và tạo thành mặt phẳng.
Hoa cây rẻ quạt mọc chùm, trung bình mỗi bao hoa chứa 6 mảnh xen màu vàng cam lẫn đốm đỏ. Quả rẻ quạt hình trứng, đen bóng.
Cây rẻ quạt có nhiều ở Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Philippin, Triều Tiên, Ấn Độ,... Ở nước ta, loài cây này có nhiều ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, Hà Nội, Nghệ An, Huế, Cần Thơ,...
Trước đây, cây rẻ quạt thường mọc hoang. Ngày nay, loài cây này được trồng nhiều để khai thác dược liệu hoặc làm cảnh ở công viên, trường học, bệnh viện,...
Nhận diện hình dáng cây rẻ quạt
2. Thành phần hóa học và cách khai thác dược liệu cây rẻ quạt
2.1. Thành phần hóa học
Rễ và thân cây rẻ quạt chứa glucozit belamcandin, glucozit iridium, shekanin, irisflorentin, tectoridin,... có thể chữa viêm đường hô hấp dưới, ho có đờm, vết thương ngoài da, rối loạn tiêu hóa.
2.2. Thu hái, chế biến dược liệu cây rẻ quạt
Rễ, lá và thân cây rẻ quạt đều có thể dùng làm thuốc. Sau khi nhổ toàn cây sẽ tách riêng phần lá, phần rễ cắt bỏ rễ con sau đó rửa sạch, ngâm tẩy độc trong nước vo gạo 1 ngày. Sau khi làm sạch, dược liệu được thái khúc ngắn, phơi khô để dùng.
Cây rẻ quạt có một lượng nhỏ độc tính nên vẫn có nguy cơ gây nhiễm độc khi sử dụng. Đây là lý do cần ngâm rẻ quạt trong nước vo gạo để thải bớt độc tố. Có thể dùng rẻ quạt để đắp ngoài da, sắc nước uống hoặc ngậm. Tốt nhất chỉ nên dùng tối đa 10g dược liệu khô/ngày hoặc 20g dược liệu tươi/ngày.
3. Công dụng chữa bệnh của dược liệu cây rẻ quạt
3.1. Công dụng chữa bệnh theo y học cổ truyền
Đông y cho rằng cây rẻ quạt có tính hàn, vị đắng xen chút cay, quy vào tỳ, kinh can và phế. Đây là dược liệu có tác dụng giải độc, tiêu đờm, thanh nhiệt, giảm ho, giảm khàn tiếng,...
3.2. Công dụng chữa bệnh theo y học hiện đại
- Chống nấm và virus
Thực nghiệm sử dụng cây rẻ quạt trên động vật cho thấy khả năng ức chế nấm da thông thường và virus gây viêm đường hô hấp.
- Tăng tiết nước bọt
Dịch chiết và cồn chiết xuất từ cây rẻ quạt có thể kích thích tăng tiết nước bọt khi dùng đường tiêm và uống nhưng đường tiêm cho tác dụng kéo dài và nhạy hơn.
- Kháng khuẩn
Dược liệu cây rẻ quạt cũng đã được chứng minh có thể tiêu diệt liên cầu khuẩn, bạch cầu khuẩn,...
- Tiêu đờm
Thử nghiệm trên chuột nhắt uống nước sắc cây rẻ quạt cho thấy đờm bị tống xuất mạnh, đường hô hấp được cải thiện.
Cây rẻ quạt có thể chữa ho do viêm họng tương đối hiệu quả
4. Bài thuốc chữa bệnh với cây rẻ quạt
+ Nguyên liệu: 7g lá rẻ quạt sấy khô hoặc tươi.
+ Cách thực hiện: Nấu lá rẻ quạt lấy nước uống 3 - 4 lần/ngày. Hoặc có thể làm theo cách giã nát lá cây, pha thêm chút nước rồi lọc bỏ bã, lấy phần nước cốt uống 3 lần/ngày, mỗi lần nên uống từng ngụm nhỏ.
- Chữa viêm họng hạt
+ Nguyên liệu: 20g muối sạch, 1 nhúm nhỏ rễ cây rẻ quạt.
+ Cách thực hiện: Rửa sạch rễ cây rồi nướng chín sau đó cho vào cối cùng 20g muối, giã nhuyễn, cho vào bình thủy tinh, đậy kín nắp. Hàng ngày lấy một chút nhai lấy nước nuốt xuống cổ họng, phần bã ngậm đến khi hết vị muối thì nhổ bỏ.
- Chữa viêm yết hầu
+ Nguyên liệu: 10g bạc hà, 10g kim ngân hoa, 10g cam thảo, 10g ngưu bàng tử, 10g rẻ quạt khô.
+ Cách thực hiện: Nguyên liệu đã được rửa sạch nấu cùng 500ml nước đến khi cạn còn 200ml thì chia thành nhiều lần uống trong ngày, nên uống nước ấm để hiệu quả tốt nhất.
- Chữa ho lâu ngày
Cách thứ nhất:
+ Nguyên liệu: 15g rẻ quạt, 15g sinh khương, 15g khoản đông hoa, 15g đại táp, 15g tử uyển, 5g ngũ vị tử, 5g tế tân, 5g ma hoàng.
+ Cách thực hiện: Sắc các nguyên liệu trên với 3 bát nước nhỏ đến khi cạn còn 1 bát thì lấy nước này, uống thành nhiều lần trong ngày.
Cách thứ hai:
+ Nguyên liệu: 10g mỗi vị sau đã được sao vàng: hạt đậu chiêu, cam thảo; 10g rễ rẻ quạt, 10g sài đất khô.
+ Cách thực hiện: Sắc các nguyên liệu trên cùng 200ml nước đến khi cạn còn một nửa thì chắt nước uống.
- Chữa hen suyễn cho trẻ nhỏ
+ Nguyên liệu: 5g ma hoàng, 5g gừng tươi, 5g khoản đông hoa, 5g rẻ quạt, 4g bán hạ chế tử uyển.
+ Cách thực hiện: Sao vàng dược liệu và nấu với 3 bát nước đến khi cạn còn 1 bát thì lấy nước uống. Bài thuốc này cần duy trì đều đặn trong 1 tháng.
- Chữa tắc tia sữa
+ Nguyên liệu: 1 nắm lá rẻ quạt phơi khô.
+ Cách thực hiện: Nấu lấy phần nước để uống còn phần bã đắp lên trên ngực.
- Chữa bí tiểu
+ Nguyên liệu: 1 nhúm nhỏ lá rẻ quạt khô.
+ Cách thực hiện: Hãm như hãm trà hoặc nấu lấy nước uống.
Cần kiểm tra chất lượng dược liệu cây rẻ quạt trước khi sử dụng để tránh ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe
5. Sử dụng dược liệu cây rẻ quạt cần lưu ý
- Cần kiểm tra kỹ dược liệu trước khi dùng để tránh sử dụng phải dược liệu ẩm mốc, đã bị hư hỏng.
- Người có cơ địa thể hàn, thai phụ, bị tiêu chảy, cơ thể không bị nhiệt không nên dùng cây rẻ quạt.
- Không dùng rẻ quạt trong thời gian quá dài để tránh rối loạn tiêu hóa. Tùy từng tình trạng bệnh mà liều lượng và thời gian dùng của những bài thuốc sử dụng cây rẻ quạt sẽ được điều chỉnh.
Những bài thuốc chữa bệnh từ cây rẻ quạt được giới thiệu trên đây đều do dân gian truyền miệng. Cần lưu ý rằng đây là dược liệu vẫn chứa một hàm lượng độc tố nhất định nên khi sử dụng cần có sự hướng dẫn chuyên môn từ thầy thuốc.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC có thể liên hệ đặt lịch qua tổng đài 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!