Tin tức

Cefepime - Thuốc kháng sinh Cephalosporin thế hệ thứ 4 và những lưu ý khi dùng

Ngày 17/05/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Minh Dũng
Người bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm phổi, nhiễm trùng máu,... cần điều trị bằng một số loại kháng sinh. Trong đó, Cefepime là loại thuốc thường được chỉ định cho những đối tượng này. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về loại thuốc này.

1. Công dụng của Cefepime 

Cefepime được biết đến như một loại kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ thứ 4. Thuốc có 2 dạng bào chế là là dạng bột pha tiêm và dạng dung dịch truyền tĩnh mạch. 

Một số sản phẩm Cefepime lưu hành trên thị trường

Một số sản phẩm Cefepime lưu hành trên thị trường 

Công dụng chính của Cefepime là điều trị nhiễm khuẩn máu, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng đường tiết niệu,... Quá trình sử dụng loại thuốc này luôn phải có sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế. 

2. Chỉ định sử dụng 

Với tác dụng kháng khuẩn, Cefepime có thể được chỉ định cho các đối tượng sau:

  • Người bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu đã biểu hiện biến chứng. 
  • Người bị viêm phổi nặng bao gồm viêm phổi bệnh viện hoặc viêm phổi liên quan máy thở. 
  • Người bị nhiễm khuẩn da nghiêm trọng. 
  • Người bị nhiễm trùng máu. 
  • Người bị nhiễm trùng ổ bụng đã bắt đầu có biến chứng. 
  • Người bị sốt cao kèm tình trạng giảm bạch cầu trung tính. 

Kháng sinh Cefepime thường được chỉ định cho bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Kháng sinh Cefepime thường được chỉ định cho bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu 

3. Chống chỉ định 

Đối tượng chống chỉ định của thuốc Cefepime là người dị ứng với thành phần trong thuốc hoặc các loại kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin khác. Trẻ em dưới 2 tháng tuổi cũng không nên dùng loại kháng sinh này.

Ngoài ra, cần thận trọng ở người suy thận, người cao tuổi, hoặc có tiền sử co giật vì cefepime có thể gây độc thần kinh nếu không hiệu chỉnh liều.

4. Cách dùng

Cefepime thường được tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch. Trong đó, dựa theo tình trạng nhiễm trùng, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định cách dùng phù hợp. 

Thuốc Cefepime có thể sử dụng theo đường tiêm hoặc đường truyền tĩnh mạch

Thuốc Cefepime có thể sử dụng theo đường tiêm hoặc đường truyền tĩnh mạch

5. Liều lượng 

Cũng tương tự như các loại thuốc khác, kháng sinh Cefepime chỉ thực sự đảm bảo hiệu quả khi được dùng đúng liều. Sau đây là phần tổng hợp liều dùng tham khảo cho một số đối tượng. 

5.1. Đối với người trưởng thành

Liều lượng sử dụng Cefepime được quyết định dựa theo tình trạng bệnh lý, khả năng đáp ứng điều trị của người bệnh. Cụ thể: 

  • Điều trị nhiễm khuẩn nặng tại ổ bụng: Thường dùng theo đường tiêm tĩnh mạch với liều lượng 2g/lần, hai lần dùng liên tiếp cách nhau 12 tiếng. Thời gian dùng thuốc kéo dài trong khoảng 7 đến 10 ngày, có thể kết hợp cùng Metronidazol. 
  • Điều trị viêm phổi: Liều lượng 1g đến 2g/lần, hai lần dùng liên tiếp cách nhau 8 đến 12 tiếng. Thời gian dùng thuốc trong khoảng 7 đến 21 ngày. 
  • Điều trị nhiễm khuẩn da chưa xuất hiện biến chứng: Tiêm tĩnh mạch theo liều lượng 0.5g đến 1g, hai lần tiêm liên tiếp cách nhau 12 tiếng. Thời gian dùng thuốc có thể từ 7 đến 10 ngày. Nếu bệnh nhân bị nhiễm khuẩn nặng, liều lượng có thể tăng lên 2g/lần. 
  • Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Nếu tình trạng nhiễm trùng chỉ ở mức độ vừa hoặc nhẹ, bệnh nhân thường được tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch theo liều lượng 0.5g đến 1g/lần, hai lần dùng thuốc liên tiếp cách nhau 12 tiếng, duy trì điều trị trong 7 đến 10 ngày. Trường hợp tình trạng nhiễm trùng đã trở nặng, bệnh nhân cần được tiêm tĩnh mạch theo liều lượng 2g/lần, hai lần tiêm liên tiếp cách nhau 12 tiếng, duy trì dùng thuốc trong khoảng 10 ngày. 
  • Điều trị viêm màng não mủ, tổn thương hệ thần kinh do sự tấn công của vi khuẩn gram (-) hoặc gram (+) nhạy cảm: Sử dụng theo đường truyền tĩnh mạch với liều lượng 2g/lần, hai lần dùng liên tiếp cách nhau 8 tiếng. 
  • Điều trị giảm bạch cầu trung tính kèm triệu chứng sốt: Tiêm tĩnh mạch theo liều lượng 2g/lần, hai lần dùng liên tiếp cách nhau 12 tiếng, duy trì dùng thuốc trong 7 ngày hoặc đến khi bệnh nhân đáp ứng điều trị. 
  • Điều trị áp xe não, phòng ngừa nhiễm khuẩn sau phẫu thuật thần kinh: Thuốc được dùng theo đường tiêm tĩnh mạch với liều lượng 2g/lần, hai lần dùng liên tiếp cách nhau 8 tiếng. 

5.2. Đối với trẻ nhỏ

Liều lượng sử dụng Cefepime cho trẻ nhỏ cần dựa trên cân nặng, tình trạng bệnh lý cụ thể. Trong đó, liều dùng thông thường cho trẻ trên 2 tháng tuổi, có khối lượng cơ thể dưới 40kg là 50mg/kg, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch, hai lần tiêm liên tiếp cách nhau 8 đến 12 giờ. 

Ngoài ra, liều lượng dùng thuốc còn được chỉ định theo từng bệnh lý chuyên khoa, đơn cử như: 

  • Trẻ dưới 40kg bị nhiễm trùng da và cấu trúc da, viêm phổi: Thuốc dùng theo đường tiêm tĩnh mạch với liều lượng 50mg/kg, hai lần dùng liên tiếp cách nhau 12 tiếng, thời gian điều trị có thể kéo dài trong 10 ngày. 
  • Trẻ bị giảm bạch cầu kèm triệu chứng sốt cao: Tiêm tĩnh mạch theo liều lượng 50mg/kg, hai lần dùng liên tiếp cách nhau 8 tiếng, duy trì sử dụng thuốc trong khoảng 7 ngày. 
  • Trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch theo liều lượng 50mg/kg, hai lần dùng liên tiếp cách nhau 12 tiếng. 

6. Tác dụng phụ 

Tác dụng phụ thường xuất hiện khi điều trị nhiễm khuẩn bằng thuốc kháng sinh Cefepime là tiêu chảy, buồn nôn, da nổi phát ban, chỗ tiêm bị đau hoặc ngứa, lo lắng, đau đầu. Các triệu chứng như sốt cao, dị cảm, nổi mề đay thường hiếm gặp hơn. 

Đau nhức đầu là triệu chứng hay xuất hiện ở người điều trị bằng thuốc Cefepime

Đau nhức đầu là triệu chứng hay xuất hiện ở người điều trị bằng thuốc Cefepime 

Trong một số trường hợp, Cefepime có thể gây ra các phản ứng phụ nghiêm trọng như giãn mạch, co giật, lú lẫn, suy giảm thị lực,... Do vậy, nếu cơ thể biểu hiện triệu chứng bất thường sau khi dùng thuốc, bệnh nhân cần kịp thời thông báo cho bác sĩ. 

7. Lưu ý chung khi sử dụng 

Khi điều trị bằng thuốc kháng sinh Cefepime, bạn hãy lưu ý một số vấn đề sau: 

  • Theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu, thông báo sự thay đổi bất thường của cơ thể cho bác sĩ biết để được xử lý kịp thời. Bởi trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ khi điều trị bằng kháng sinh Cefepime. 
  • Đối với bệnh nhân bị suy thận, liều lượng dùng thuốc cần điều chỉnh giảm.
  • Cefepime có thể gây ra một số tác dụng phụ ảnh hưởng đến hệ thần kinh như lú lẫn, ảo giác, chóng mặt. Do đó, bạn không nên tham gia giao thông hoặc điều khiển thiết bị máy móc nếu vừa dùng thuốc. 
  • Nên thông báo tình hình sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng trước khi được bác sĩ kê đơn điều trị bằng kháng sinh Cefepime. 
  • Cefepime chủ yếu được tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch. Để hạn chế rủi ro, bạn tuyệt đối không nên tự ý dùng loại thuốc này tại nhà. 

Bạn nên thông báo cho bác sĩ về tình hình dùng thuốc

Bạn nên thông báo cho bác sĩ về tình hình dùng thuốc

Lưu ý: Thông tin liều dùng thuốc Cefepime được đề cập trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế đơn của bác sĩ. 

Như vậy, bài viết đã giúp bạn đọc tổng hợp thông tin cần biết về Cefepime. Để được bác sĩ thăm khám cụ thể hơn và kê đơn thuốc phù hợp, Quý khách có thể liên hệ đến Hệ thống Y tế MEDLATEC theo số 1900 56 56 56 để đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ