Tin tức

Cha mẹ có nên cho trẻ ngậm núm giả hay không?

Ngày 28/12/2022
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Nhiều bậc phụ huynh cùng có chung thắc mắc là có nên cho trẻ sơ sinh ngậm núm giả hay không. Trên thực tế núm vú giả có những lợi ích và nguy cơ nhất định. Nếu cha mẹ quyết định cho bé sử dụng ti giả thì cần phải tìm hiểu cách sử dụng hợp lý và phòng tránh các nguy cơ do loại vật dụng này gây nên.

1. Đánh giá chung về lợi ích và nguy cơ của việc cho trẻ dùng ti giả

1.1. Lợi ích khi trẻ dùng ti giả

  • Phần lớn các loại ti giả đều được sản xuất bằng loại vật liệu mềm, thiết kế khá giống với phần đầu ti của mẹ nên sẽ giúp giảm bớt thói quen và thời gian trẻ ngậm ti mẹ khi không có nhu cầu ăn sữa (nhất là những bé thích ngậm vú mẹ để ngủ). Lúc này ti giả được coi là giải pháp giúp hỗ trợ bé đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng hơn bởi vì không phải trẻ nào cũng có thể tự ngủ mà không cần có sự trợ giúp của ti mẹ hay bế ẵm, ru bồng;

  • Trong trường hợp trẻ đói và quấy khóc mà mẹ chưa kịp pha sữa và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ thì mẹ có thể dùng ti giả để trấn an bé. Việc dùng ti giả cũng khá hữu ích cho những trường hợp bé lo lắng, quấy khóc khi đi ra nơi công cộng đông người, khi đó cho bé ngậm ti giả sẽ giúp bé cảm thấy an toàn hơn và không làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh;

  • Theo các nhà nghiên cứu, ti giả còn có một tác dụng đặc biệt đó là sẽ giúp hạn chế nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh trong khi ngủ.

Có nên cho trẻ  sơ sinh ngậm núm giả hay không vẫn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi

Có nên cho trẻ  sơ sinh ngậm núm giả hay không vẫn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi

1.2. Một số rủi ro khi trẻ sơ sinh ngậm ti giả

Ngoài những lợi ích nêu trên, trẻ sơ sinh dùng ti giả còn có nguy cơ phải đối mặt với những rủi ro sau:

  • Nếu dùng ti giả trong thời gian quá lâu sẽ khiến trẻ nuốt nhiều không khí vào bụng, từ đó gây đầy bụng khó chịu;

  • Làm tăng nguy cơ bị viêm tai giữa ở trẻ: khi trẻ nhai ti giả sẽ làm tăng áp lực trong ống tai giữa, lâu ngày dẫn đến viêm bộ phận này;

  • Gặp các vấn đề về răng miệng: dùng ti giả trong thời gian dài còn khiến răng cửa của trẻ dễ bị thưa, mọc lệch, bị vẩu hàm trên, lệch khớp cắn,...;

  • Nhiều trẻ cắn đứt cả ti giả, nếu không cẩn thận sẽ nuốt mảnh đứt này vào trong họng và nguy cơ bị hóc là rất cao;

  • Nếu cha mẹ không vệ sinh ti giả đúng cách và thường xuyên thì có thể khiến trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột, tiêu chảy;

  • Trẻ bị nghiện ti giả: nếu đã quen với việc ngậm núm giả, trẻ thường có xu hướng không ngủ khi không có núm, trằn trọc, khó ngủ, thậm chí là khóc lóc. Vì vậy hành trình cai ti giả cho con của các bậc cha mẹ cũng rất gian nan.

2. Khi nào thì nên cho trẻ sơ sinh dùng ti giả?

Nếu nhận thấy bé thích mút ngón tay cái hoặc có dấu hiệu ngậm ti mẹ để ngủ thì cha mẹ có thể dùng ti giả cho bé, với điều kiện là bé đã đủ 1 - 2 tháng tuổi. Không nên cho trẻ dùng khi còn dưới 1 tháng tuổi bởi vì đây là giai đoạn con đang làm quen với ti mẹ hoặc ti bình. Nên dùng trong thời điểm này trẻ dễ sinh ra phản ứng lười bú. Nếu trẻ không có các thói quen trên thù phụ huynh không nhất thiết phải cho bé dùng ti giả. 

Khi trẻ lớn hơn, ví dụ như trong giai đoạn tập bò thì phản xạ mút cũng sẽ giảm dần. Sử dụng ti giả ngay trong lúc trẻ thức và chơi đùa có thể sẽ làm cản trở khả năng tập nói của trẻ. Điều này nên chấm dứt trước khi bé đạt mốc 12 tháng tuổi. 

Chỉ nên cho trẻ dùng ti giả khi đi ngủ

Chỉ nên cho trẻ dùng ti giả khi đi ngủ

Để việc sử dụng ti giả đảm bảo an toàn, bạn nên ghi nhớ những điều sau:

  • Mua núm vú giả của những hãng sản xuất uy tín, chất lượng, chất liệu an toàn không gây độc hại cho bé;

  • Không móc núm vú vào sợi dây để đeo vào cổ hay buộc vào người bé vì khi ngủ có thể sợi dây này sẽ quấn quanh người hoặc quanh cổ của trẻ vô cùng nguy hiểm;

  • Vệ sinh núm vú sạch sẽ và tiệt trùng sau mỗi lần sử dụng. Thay núm vú giả phù hợp theo độ tuổi của bé hoặc sau khi núm bị hỏng;

  • Mang theo ti giả cho bé mỗi khi đi du lịch bởi vì nó sẽ giúp trẻ bớt bị ù tai khi máy bay hạ cánh;

  • Không dùng những loại núm chứa dung dịch hay chất lỏng bên trong để tránh gây ngộ độc cho bé.

3. Cách cai ti giả cho bé 

Sau đây là một số biện pháp giúp cha mẹ cai ti giả cho bé:

  • Chỉ dùng khi bé ngủ, không dùng khi bé thức. Ngay cả khi thức nếu bé mè nheo, khóc nhiều bạn hãy cố gắng tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết, đồng thời vỗ về, âu yếm trẻ để trẻ cảm thấy thoải mái, an toàn và quên đi chiếc ti giả;

  • Nếu bé quá “nghiện ti giả”, hãy mua một món đồ chơi bắt mắt để thu hút sự chú ý của trẻ;

  • Mỗi ngày bạn nên cắt đầu ti ngắn đi một chút để bé mất dần hứng thú với ti giả;

  • Bạn cũng có thể vứt hết ti giả đi để bé không có gì để sử dụng nữa. Tuy nhiên cách này sẽ khiến trẻ khóc lóc nhưng sau một thời gian xa ti giả, trẻ sẽ quen dần với việc này;

  • Nên để ti giả khuất tầm mắt của trẻ bởi vì khi nhìn thấy chúng trẻ sẽ ngay lập tức đòi ngậm;

  • Không nên bôi bất cứ thứ gì ví dụ như ớt, thuốc đắng,... lên đầu ti giả để cai cho bé vì sẽ khiến bé gặp nguy hiểm. 

Hãy để ti giả xa tầm tay của trẻ nếu cha mẹ muốn trẻ “cai” nó 

Hãy để ti giả xa tầm tay của trẻ nếu cha mẹ muốn trẻ “cai” nó 

Như vậy đối với thắc mắc là có nên cho trẻ sơ sinh ngậm núm giả không thì câu trả lời là cha mẹ có thể cho bé dùng. Tuy nhiên cần phải đảm bảo rằng thời điểm thích hợp nhất để dùng ti giả là khi trẻ đã đạt 1 - 2 tháng tuổi, chỉ nên cho trẻ dùng khi ngủ và hạn chế tối đa thời gian phụ thuộc vào món đồ này. Ngoài ra, cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra ti giả cho bé, đổi sang chiếc mới khi nó đã hỏng và cai dần khi trẻ đang bắt đầu học nói.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.