Tin tức

Để trẻ sơ sinh nằm võng có thực sự tốt không?

Ngày 01/12/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Từ xa xưa, nhiều gia đình đã có thói quen để trẻ sơ sinh nằm võng khi ru ngủ, nhờ vậy em bé dễ chìm vào giấc ngủ hơn. Tuy nhiên, thói quen này có thực sự tốt cho sự phát triển về thể chất của trẻ hay không? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên, đồng thời hướng dẫn cha mẹ đặt bé nằm võng đúng cách.

1. Thói quen cho trẻ nằm võng

Để trẻ nằm hoặc ngồi võng chơi là thói quen của nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình có trẻ sơ sinh. Bởi vì, khi trẻ sơ sinh nằm võng, bé rất dễ chìm vào giấc ngủ và tạo cảm giác an toàn, thoải mái. Thay vì phải bế trẻ đi ru ngủ, chúng ta có thể để con nằm trên võng và đu đưa. Như vậy, ru con trẻ bằng võng là một cách khá tiện lợi và được nhiều bậc phụ huynh ưa chuộng sử dụng khi chăm sóc trẻ sơ sinh.

Nhiều gia đình cho trẻ sơ sinh nằm võng khi ngủ

Nhiều gia đình cho trẻ sơ sinh nằm võng khi ngủ

Ngoài ra, võng có thể lắp đặt linh hoạt ở nhiều vị trí trong ngôi nhà, chúng ta dễ dàng di chuyển tới địa điểm phù hợp. Chính vì thế, ba mẹ có thể đặt trẻ ngủ ở những vị trí tiện lợi nhất và có thể để mắt tới em bé trong khi đang làm việc nhà.

Nếu đã quen nằm võng từ khi còn là trẻ sơ sinh, bé sẽ dễ ngủ hơn khi lớn lên. Thậm chí, nhiều trẻ tự lên võng và ngủ, không cần cha mẹ mất thời gian thời dỗ dành. Thói quen tự chủ động của trẻ là điều mà các bậc phụ huynh đều mong muốn.

2. Để trẻ sơ sinh nằm võng có thực sự tốt?

Trên thực tế, đối với trẻ sơ sinh, mỗi tư thế nằm ngủ, vị trí nằm ngủ đều mang lại cả lợi ích và ảnh hưởng tiêu cực. Chính vì thế, cha mẹ nên tìm hiểu kỹ và lựa chọn tư thế ngủ, vị trí ngủ phù hợp dành cho em bé sơ sinh.

Có nên để trẻ sơ sinh nằm võng hay không?

Có nên để trẻ sơ sinh nằm võng hay không?

2.1. Lợi ích khi để trẻ sơ sinh nằm võng

Có thể nói, thói quen cho trẻ sơ sinh nằm võng không hề xấu, khi nằm trên võng bé sẽ dễ ngủ hơn, ngủ ngon hơn nhờ sự đu đưa dịu dàng của chiếc võng. Bên cạnh đó, nằm trên võng đem lại cảm giác khá dễ chịu và an toàn, giống như em bé đang được che chở, bao bọc bởi người lớn. Đó là lý do vì sao nhiều trẻ sơ sinh khá thích khi được cha mẹ đặt nằm trên võng.

Mỗi khi bé giật mình tỉnh giấc, chúng ta chỉ cần đu đưa nhẹ chiếc võng là trẻ dần chìm vào giấc mơ, không quấy khóc như khi nằm trên giường. Đặc biệt, sử dụng võng cho trẻ sơ sinh giúp cha mẹ nhàn hơn khi chăm bé. Bởi vì trẻ có thể ngủ, chơi ngoan trên võng mà không khóc đòi cha mẹ bế trên tay cả ngày trời.

Nhìn chung, nếu biết cách sử dụng võng, chúng ta hoàn toàn có thể để trẻ sơ sinh nằm ngủ, nằm chơi trên võng mà không phải lo lắng sản phẩm này ảnh hưởng tới sự phát triển thế chất, trí tuệ của trẻ.

Bé rất dễ ngủ khi nằm võng

Bé rất dễ ngủ khi nằm võng

2.2. Một số điều bạn nên thận trọng khi để trẻ sơ sinh nằm võng

Trên thực tế, cho trẻ sơ sinh nằm võng không phải lúc nào cũng tốt, đôi khi thói quen này lại đem tới nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới quá trình phát triển của em bé. Các bậc phụ huynh nên tham khảo một số tác hại khi để trẻ sơ sinh nằm trên võng nhé.

Thứ nhất, nếu trẻ sơ sinh thường xuyên nằm võng thì cột sống có thể bị ảnh hưởng, cụ thể là tình trạng: vẹo cột sống, gù,… Nguyên nhân là do xương khớp trong cơ thể trẻ sơ sinh khá mềm và hình dạng dễ bị thay đổi do tư thế nằm chưa phù hợp. Đặc biệt, võng không có mặt bằng phẳng, nếu nằm thường xuyên thì cột sống của trẻ có xu hướng bị cong. Điều này không chỉ gây mất cân đối cho cơ thể mà có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của nhiều cơ quan.

Khi trẻ sơ sinh nằm võng quá nhiều, hệ thần kinh cũng có nguy cơ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Nhiều em bé được chẩn đoán mắc hội chứng rung lắc hoặc ức chế thần kinh do phải chịu những rung lắc của võng. Cha mẹ nên hạn chế rung, đu đưa võng quá mạnh khiến não bộ của trẻ bị tổn thương nhé. Về lâu về dài, những hội chứng trên sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển về trí tuệ, khả năng ngôn ngữ của trẻ.

Cột sống của trẻ có thể bị ảnh hưởng khi nằm võng nhiều

Cột sống của trẻ có thể bị ảnh hưởng khi nằm võng nhiều

Bên cạnh đó, do nằm võng lâu, thần kinh vận động của trẻ phát triển kém hơn so với bạn bè bằng tuổi, cơ bắp cũng yếu hơn. Điều này xảy ra do bé không được co duỗi tay chân thường xuyên, không thể vận động thoải mái trên chiếc võng nhỏ hẹp, khó trở mình,… 

Thậm chí, một số trẻ dần trở nên phụ thuộc vào võng, rất khó ngủ khi không nằm trên võng. Khi bé được 2 - 3 tuổi và đi học, các cô giáo rất khó chăm sóc cho con, đặc biệt vào buổi trưa khi dỗ dành con ngủ. Các nhà khoa học khuyến cáo không nằm võng cho trẻ sơ sinh.

3. Cách đặt con nằm võng an toàn nhất

Nếu biết cách sử dụng võng hợp lý, cha mẹ vẫn có thể cho trẻ sơ sinh nằm võng và tránh được những tác động xấu đối với sự phát triển của con. Mời các bạn cùng tham khảo kinh nghiệm dưới đây.

Tốt nhất, chúng ta không nên vội vã cho trẻ sơ sinh nằm trên võng, cha mẹ có thể đợi khi cơ thể con cứng cáp rồi tập cho con nằm võng. Thời gian nằm võng thích hợp là khoảng 2 đến 3 tuổi, khi cột sống của trẻ đã cứng cáp, trẻ có thể đi và đứng. 

Cha mẹ không nên cho con nằm võng quá lâu

Cha mẹ không nên cho con nằm võng quá lâu

Để hạn chế nguy cơ cong vẹo cột sống của trẻ sơ sinh nằm võng, chúng ta có thể kê đệm, chăn mỏng dưới lưng cho con. Ngoài ra, cha mẹ nên để mắt tới em bé khi con đang nằm trên võng, tuyệt đối không để con nằm nghiêng, nằm sấp quá lâu. Tư thế nằm đó có thể khiến trẻ đột tử bất ngờ do khó thở. Cụ thể, chỉ nên để bé nằm ngủ từ 1 - 2 tiếng chứ không nên để con nằm cả ngày trên võng và độ tuổi phù hợp là 2 - 3 tuổi.

Hy vọng rằng những chia sẻ trên đã giúp cha mẹ hiểu được ưu và nhược điểm khi để trẻ sơ sinh nằm võng. Tốt nhất, chúng ta không nên để con nằm trên võng quá lâu, điều này dễ ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất, trí tuệ của bé.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.