Tin tức

Cha mẹ nên biết: dấu hiệu bệnh và cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng

Ngày 05/09/2020
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Nếu không biết rõ các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ thì rất dễ nhầm với bệnh lý khác có triệu chứng tương đồng dẫn đến điều trị sai cách và đứng trước nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Trong bài viết dưới đây chúng tôi xin chia sẻ cùng phụ huynh cách nhận diện và chăm sóc trẻ mắc bệnh lý này để tránh được những biến chứng không đáng có.

1. Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng

1.1. Dấu hiệu cho thấy bệnh xuất hiện

- Ban đỏ nổi trên da

Trẻ bị tay chân miệng thường nổi hồng ban có đường kính vài mm trên da sau 1 - 2 ngày phát bệnh. Các nốt ban này sau đó sẽ chuyển thành bọng nước màu xám sẫm hình bầu dục nhưng không gây ngứa, không đau. Chúng tồn tại nhiều nhất ở lòng bàn chân bàn tay, ngón tay, mông. 

tay chân miệng cần được quan tâm thăm khám sớm

bệnh tay chân miệng thường khởi phát bằng các nốt ban đỏ trên da ở lòng bàn chân bàn tay, mông

- Miệng bị loét

Nếu ban đỏ xuất hiện ở miệng sẽ sinh ra hiện tượng loét ở trong miệng, vòm miệng và trên lưỡi. Vết loét có đường kính khoảng 4 - 8mm và khiến trẻ cảm thấy khó nuốt, đau đớn. 

- Sốt

Trẻ có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao khi bị tay chân miệng.

1.2. Dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng

Nếu tay chân miệng có những dấu hiệu trước đây thì cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay bởi nó cảnh báo bệnh đang chuyển sang giai đoạn trở nặng:

- Sốt cao trên 39 độ C và không thể hạ sốt bằng việc dùng thuốc paracetamol.

- Trẻ ngủ li bì, mệt mỏi, quấy khóc, không chơi, dễ bị giật mình.

- Tay chân hoặc toàn thân lạnh, đổ mồ hôi.

- Thở khò khè, thở rít, lồng ngực rút lõm, thở nông, thở khó.

- Chân tay run, đi loạng choạng, ngồi không vững.

2. Cách chăm sóc tại nhà cho trẻ bị tay chân miệng 

Hầu hết trẻ bị tay chân miệng đều có thể điều trị tại nhà dưới hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, đây là bệnh lý có khả năng lây lan nhanh chóng, dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng nên việc chăm sóc trẻ đúng cách đóng vai trò rất quan trọng.

Cha mẹ nên:

- Cho trẻ nghỉ học khoảng 7 - 10 ngày từ khi phát hiện bệnh cho đến khi khỏi để ngăn chặn lây lan cho các trẻ khác.

- Nếu gia đình có nhiều trẻ nhỏ, tùy hoàn cảnh nên cách ly trẻ lành và trẻ bệnh để không lây nhiễm lẫn nhau. 

- Hàng ngày cần tắm rửa sạch sẽ cho trẻ bằng nước ấm và xà phòng diệt khuẩn.

- Hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay sạch và đúng cách để ngăn ngừa virus bám dính vào tay khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

- Trẻ bị tay chân miệng cần được sử dụng vật dụng cá nhân riêng, luộc sôi trước khi dùng. Quần áo của trẻ nên được luộc nước sôi trước khi giặt và phơi khô ngoài trời nắng để diệt khuẩn.

- Không kiêng gió, kiêng tắm, ủ kín trẻ, chích cho mụn nước vỡ ra. Những việc làm này chỉ khiến bệnh nặng hơn và dễ bội nhiễm gây biến chứng nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.

tay chân miệng nên tắm rửa sạch sẽ

Trẻ bị tay chân miệng cần được tắm sạch sẽ mỗi ngày bằng nước ấm và xà phòng diệt khuẩn

- Vệ sinh sạch sẽ phòng ốc nơi trẻ sinh hoạt bằng dung dịch khử khuẩn để trẻ có môi trường sạch sẽ khi chơi đùa, hạn chế tác nhân xấu tấn công làm bệnh nặng hơn.

- Chỉ dùng những loại thuốc điều trị bệnh tay chân miệng do bác sĩ chỉ định. Nếu trẻ sốt cao nên bù nước bằng dung dịch điện giải pha đúng liều lượng đã được hướng dẫn. Tại vị trí tổn thương, hãy bôi dung dịch sát khuẩn do bác sĩ kê để tránh bội nhiễm.

- Trong vòng 7 ngày kể từ khi trẻ bị bệnh, bên cạnh việc thực hiện theo đúng chỉ dẫn điều trị của bác sĩ, chăm sóc tại nhà đúng cách thì cha mẹ cũng cần nhớ tái khám đúng hẹn để kiểm tra diễn tiến của bệnh, kịp thời có phương án xử trí nếu bác sĩ thấy cần thiết.

3. Một số điều cha mẹ cần tránh

- Tuyệt đối không ủ ấm trẻ quá mức

Nhiều người cho rằng trẻ bị tay chân miệng cần được kiêng gió, ủ ấm mà không biết rằng đây là quan niệm sai lầm. Trẻ không cần ủ kín hay kiêng cữ gì khác, việc vệ sinh mụn nước cũng chỉ cần 1 lần/ngày bằng dung dịch sát khuẩn do bác sĩ kê đơn. Khi trẻ sốt cao cần được mặc đồ rộng rãi, thoáng mát; ở nơi thông thoáng. Ủ trẻ quá kỹ dễ gây sốt cao và làm bệnh nặng hơn.

- Không tự ý truyền nước và truyền nước nhiều

Trẻ mắc bệnh lý này chỉ nên truyền nước khi có biểu hiện mất nước nặng với các dấu hiệu: Sốt cao, tiêu chảy, nôn nhiều. Tuy nhiên, việc truyền nước phải tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn và có sự theo dõi của nhân viên y tế.

Hầu hết các trường hợp trẻ bị chân tay miệng có thể điều trị tại nhà và bổ sung nước bằng cách tăng cường cho trẻ uống nước trái cây giàu  vitamin C, A đề tăng sức đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch giúp tổn thương mau lành.

- Vệ sinh răng miệng

Các nốt loét trong miệng thường gây đau đớn khiến trẻ không muốn ăn, không ăn được. Nếu không biết cách vệ sinh răng miệng trong trường hợp này trẻ rất dễ bị bội nhiễm. 

 tay chân miệng cần được rửa tay thường xuyên

Hướng dẫn trẻ thường xuyên vệ sinh tay chân sạch sẽ giúp hạn chế nguy cơ bội nhiễm do tay chân miệng

Thay vì dùng bông gạc hay khăn thấm nước muối vệ sinh dễ khiến nốt loét vỡ ra, nặng hơn; cha mẹ nên sử dụng nước muối sinh lý để cho trẻ súc miệng sau mỗi bữa ăn, trước và sau khi ngủ. Đây là cách tốt nhất để làm sạch miệng và giúp vết loét mau lành.

- Không ăn đồ ăn cứng, có tính nóng

Trong thời gian trẻ bị bệnh không nên cho trẻ ăn đồ ăn thô cứng, cay nóng, có vị chua bởi chúng dễ khiến tổn thương trong miệng trẻ trở nên nặng hơn. Thay vào đó, cha mẹ hãy chọn những đồ ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa để trẻ bớt cảm thấy đau đớn, dễ ăn uống.

Cha mẹ nên nhớ, virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan từ người này qua người khác rất nhanh với các con đường: phân của người bệnh; tiếp xúc với dịch tiết nước bọt, mũi, họng, hay trong mụn nước của người bệnh. Vì thế cách ly trẻ ít nhất 10 ngày từ khi trẻ mắc bệnh là việc cha mẹ nên làm để các trẻ khác hay người lớn không bị lây nhiễm bệnh.

Tay chân miệng nguy hiểm hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự nhận diện đúng bệnh, chăm sóc và điều trị đúng cách từ cha mẹ. Để làm được điều này cha mẹ nên tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Hoặc cha mẹ cũng có thể gọi tới tổng đài 1900 56 56 56 để được chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn biện pháp xử trí giúp trẻ an toàn vượt qua căn bệnh này.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ