Tin tức

Chảy máu mũi ở trẻ em: Tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục phù hợp

Ngày 28/04/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Chảy máu mũi ở trẻ em là tình trạng không hiếm gặp và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Thực hiện quy trình sơ cứu đúng, tìm ra nguyên nhân chính xác là yếu tố then chốt để trẻ được bảo vệ trước các nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Để làm được điều này, cha mẹ hãy tham khảo những thông tin từ bài viết sau đây.

1. Các dạng chảy máu mũi có thể gặp ở trẻ em 

chảy máu mũi ở trẻ em (thường được gọi là chảy máu cam) là hiện tượng máu chảy ra từ một hoặc cả hai bên lỗ mũi. Máu có thể nhỏ giọt hoặc chảy thành dòng, thường xuất hiện đột ngột và nhanh chóng.

Có hai dạng chảy máu mũi là:

1.1. Chảy máu mũi trước

Đây là trường hợp chảy máu mũi ở trước mũi, thường gặp nhất là ở đám rối Kieselbach dưới vách ngăn mũi. Do khu vực này có nhiều mạch máu nhỏ nên dễ bị tác động và gây vỡ, từ đó sinh ra hiện tượng chảy máu mũi.

Chảy máu mũi trước chủ yếu xảy ra ở một bên mũi, thời gian chảy máu kéo dài, có thể chảy xuống họng nhưng thường chảy với khối lượng không nhiều. Người bị chảy máu mũi trước dễ cầm máu khi được sơ cứu.

1.2. Chảy máu mũi sau 

Sốt ít trường hợp chảy máu mũi ở trẻ em là chảy mũi sau, chủ yếu xảy ra ở mạch máu cao và sâu trong mũi. Điều đáng nói là trẻ bị chảy máu mũi sau thường khó cầm máu và có tính nguy hiểm cao hơn so với chảy máu mũi trước, dễ phải can thiệp y tế. 

2. Nguyên nhân nào dẫn đến chảy máu mũi ở trẻ em?

Muốn xử trí đúng cách với tình trạng chảy máu mũi ở trẻ em, trước tiên, cha mẹ cần biết về nguyên nhân gây nên hiện tượng này:

- Không khí khô, lạnh hoặc hanh khô khiến niêm mạc mũi của trẻ bị khô khiến các mao mạch trong mũi dễ bị vỡ. Ngoài ra, trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường nhiều bụi bẩn cũng dễ bị kích ứng niêm mạc mũi và gây chảy máu.

- Thói quen ngoáy mũi hoặc đưa vật lạ vào mũi gây tổn thương niêm mạc mũi.

- Va đập, té ngã gây chấn thương vùng mũi khiến mũi trẻ bị chảy máu.

- Các bệnh lý như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm mũi, cảm lạnh,... khiến niêm mạc mũi bị tổn thương, sưng tấy và dễ chảy máu khi trẻ xì mũi, hắt hơi hoặc ho mạnh.

- Trẻ bị thiếu vitamin C, K hoặc sắt khiến cho thành mạch yếu nên dễ bị chảy máu mũi.

- Một số trường hợp rối loạn đông máu, xuất huyết giảm tiểu cầu hoặc bệnh về gan, thận,… cũng có thể là nguyên nhân gây chảy máu mũi ở trẻ em.

- Sử dụng thuốc xịt mũi chứa corticoid trong thời gian dài gây khô và mỏng niêm mạc mũi, làm tăng nguy cơ chảy máu mũi.

Dùng thuốc xịt mũi corticoid lâu ngày dễ gây chảy máu mũi ở trẻ em

Dùng thuốc xịt mũi corticoid lâu ngày dễ gây chảy máu mũi ở trẻ em

3. Hướng dẫn cha mẹ xử lý chảy máu mũi ở trẻ em an toàn

3.1. Sơ cứu cho trẻ bị chảy máu mũi tại nhà

Khi thấy trẻ bị chảy máu mũi, trước tiên cha mẹ cần giữ bình tĩnh, sau đó tiến hành các bước sơ cứu như sau:

- Đưa trẻ ngồi thẳng và nghiêng người về phía trước, chú ý không để trẻ ngửa đầu ra sau vì điều này có thể khiến máu chảy ngược vào cổ họng, khiến trẻ dễ bị nôn hoặc khó thở.

- Hướng dẫn trẻ thở bằng miệng và không nói chuyện trong lúc đang chảy máu mũi.

- Dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp nhẹ cánh mũi của trẻ trong khoảng 5 - 10 phút. Chú ý, không thả tay ra sớm vì máu có thể chảy lại.

- Đặt khăn hoặc gạc dưới lỗ mũi để thấm máu và thay mới khi cần.

- Sau khi máu ngừng chảy, hãy nhắc trẻ nghỉ ngơi, tránh chạy nhảy, hắt hơi hoặc xì mũi mạnh trong vài giờ tiếp theo.

- Dùng khăn lạnh hoặc đá bọc trong khăn để chườm lên sống mũi. Việc làm này có tác dụng làm co mạch và cầm máu nhanh hơn.

Khi trẻ bị chảy máu mũi, cha mẹ không nên dùng bông bịt mũi để tránh gây nhiễm trùng hoặc làm tổn thương thêm vùng mũi. Việc ngoáy mũi lấy máu khô ra ngoài cũng không cần thiết vì dễ gây chảy máu lại.

Thao tác sơ cứu cơ bản khi trẻ bị chảy máu mũi

Thao tác sơ cứu cơ bản khi trẻ bị chảy máu mũi

3.2. Trường hợp cần can thiệp y khoa

Mặc dù hầu hết các trường hợp chảy máu mũi ở trẻ em là lành tính, nhưng cha mẹ cần theo dõi và đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu:

- Máu không ngừng chảy sau 15 phút dù đã thực hiện đúng các bước sơ cứu đúng cách.

- Trẻ bị chảy máu cam nhiều lần trong tuần, nhất là những trường hợp không xác định được nguyên nhân.

- Chảy máu mũi ở trẻ kèm theo tình trạng có vết bầm tím trên da, sốt, chảy máu chân răng,...

- Trẻ bị chảy máu cam sau va đập mạnh vào vùng đầu hoặc mặt.

- Máu chảy nhiều xuống họng khiến trẻ nôn mửa hoặc khó thở.

Tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng để soi mũi, kiểm tra vị trí tổn thương, tìm dị vật hoặc dấu hiệu viêm. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định các kiểm tra như: 

- Xét nghiệm máu kiểm tra số lượng tiểu cầu, tình trạng đông máu.

- Xét nghiệm vi chất nếu nghi ngờ chảy máu mũi do thiếu hụt dinh dưỡng.

Khi đã chẩn đoán được nguyên nhân gây chảy máu, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị tốt nhất cho trẻ:

- Nếu nguyên nhân do viêm mũi dị ứng, bác sĩ thường sử dụng thuốc kháng histamin và thuốc xịt mũi phù hợp.

- Nếu có tổn thương mạch máu nặng, bác sĩ có thể đốt điện mạch máu bị vỡ hoặc thực hiện can thiệp ngoại khoa tùy trường hợp.

Trẻ thường xuyên bị chảy máu mũi cần được khám bác sĩ chuyên khoa để đánh giá và điều trị đúng cách

Trẻ thường xuyên bị chảy máu mũi cần được khám bác sĩ chuyên khoa để đánh giá và điều trị đúng cách

Chảy máu mũi ở trẻ em tuy thường là hiện tượng lành tính nhưng cha mẹ cũng không nên chủ quan. Nếu nghi ngờ biểu hiện bất thường hoặc không kiểm soát được tình trạng chảy máu, cha mẹ hãy nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế để được xử lý an toàn.

Phát hiện trẻ bị chảy máu mũi thường xuyên và chưa biết làm sao để tìm ra nguyên nhân, cha mẹ có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56, đặt lịch khám cho trẻ cùng bác sĩ Nhi khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Điều này sẽ giúp cha mẹ biết chính xác tình trạng của con mình và có hướng khắc phục, bảo vệ an toàn cho sức khỏe của trẻ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ