Tin tức

Chế độ ăn uống, luyện tập giúp đẩy lùi bệnh tê bì tay chân

Ngày 03/12/2020
Tham vấn y khoa: ThS.BS Hoàng Thị Thúy
Bệnh tê bì tay chân là hiện tượng vùng tay hoặc chân bị tê râm ran như kiến bò hay nóng rát,... có thể là do sinh lý hoặc do bệnh lý. Tùy vào từng nguyên nhân mà bạn cần áp dụng những biện pháp khác nhau. Chế độ ăn uống và luyện tập khoa học sẽ giúp bạn đẩy lùi những cơn tê chân tay do sinh lý và hỗ trợ làm giảm triệu chứng tê bì chân tay do bệnh lý. 

1. Tê bì chân tay - nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này

Bị tê tay tê chân là hiện tượng rất tự nhiên của cơ thể. Nó thường xuất hiện khi các chi không được cung cấp đủ lượng máu. Nguyên nhân chủ yếu là do ít vận động, giữ nguyên một tư thế quá lâu khiến máu lưu thông kém. Có 2 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là sinh lý và bệnh lý.

Đẩy lùi bệnh tê bì chân tay với chế độ sinh hoạt lành mạnh

Đẩy lùi bệnh tê bì chân tay với chế độ sinh hoạt lành mạnh

Nguyên nhân sinh lý

  • Làm việc quá sức, dẫn đến dây thần kinh bị tổn thương. 

  • Ngủ sai tư thế, dùng gối quá cao, đi giày cao gót nhiều.

  • Chấn thương.

  • Căng thẳng kéo dài, mệt mỏi, stress cũng có thể gây tê chân tay.

Nguyên nhân bệnh lý

  • Thiếu máu.

  • Thoát vị đĩa đệm.

  • Bệnh thần kinh tọa.

  • Thoái hóa đốt sống.

  • Bệnh tim mạch.

  • Tiểu đường.

  • Viêm khớp.

  • Viêm khớp dạng thấp.

Tê bì chân tay có thể do nhiều bệnh lý, phổ biến nhất là các bệnh lý về thần kinh, cột sống

Tê bì chân tay có thể do nhiều bệnh lý, phổ biến nhất là các bệnh lý về thần kinh, cột sống

2. Chế độ luyện tập giúp đẩy lùi bệnh tê bì tay chân

Những bài tập yoga hoặc thiền rất hữu hiệu trong việc đẩy lùi bệnh tê bì chân tay. Ngoài ra, bạn cũng có thể massage thường xuyên và đi bộ nhiều hơn để tránh khỏi những cơn tê bì chân tay. 

2.1. Tập Yoga

Bạn có thể thử những tư thế yoga sau để giúp làm giảm các triệu chứng tê bì chân tay.

Tư thế cái cây

Tư thế yoga này rất có ích trong việc tăng sự tập trung và khả năng giữ thăng bằng, tăng cường sức mạnh của chân và giúp làm giảm tình trạng tê chân tay.

Tư thế cái cây

Tư thế cái cây

  • Để thực hiện tư thế này, đầu tiên bạn cần đứng thẳng, hai chân khép vào nhau rồi từ từ dồn trọng lượng cơ thể sang chân trái và nhấc chân phải lên một cách chậm rãi. 

  • Dùng tay trái giữ bàn chân phải, đưa gót chân lên đùi chân trái. Cố gắng càng đưa lên cao càng tốt. 

  • Hãy giữ bàn chân phải ở trên đùi trái bằng cách đẩy gót chân phải vào đùi và đẩy chân trái vào gót chân phải. 

  • Hai tay chắp trước ngực, nếu cảm thấy cơ thể đã ổn định, bạn có thể đưa cánh tay lên cao hơn, mắt nhìn thẳng vào một điểm và giữ cơ thể thăng bằng.

Chú ý: Khi tập động tác này, hãy giữ cho xương sống thẳng, đè xương cụt xuống và tập trung cố định phần eo. Quan trọng nhất là hít thở sâu, giữ nguyên khoảng 40 giây rồi làm lại từ đầu.

Tư thế em bé

Tư thế em bé

Tư thế em bé

Tư thế em bé dễ hơn tư thế cái cây rất nhiều, bạn có thể tham khảo cách luyện tập sau:

  • Quỳ xuống và gập người về phía trước đồng thời thở ra. Phần đầu và chân phải chạm sàn sao cho phần gáy được thư giãn.

  • Nhẹ nhàng mở rộng phần hông.

  • Tay duỗi về phía trước và lòng bàn tay úp. 

  • Vùng vai và bụng thả lỏng.

  • Giữ tư thế này trong khoảng 30 giây.

  • Thư giãn, thở đều, từ từ nâng người lên để kết thúc động tác.

2.2. Ngồi thiền

Thiền cũng là một phương pháp rất tốt để giúp cơ thể trở nên khỏe mạnh. Bạn có thể tham khảo cách thiền sau: 

  • Ngồi ở tư thế lưng thẳng, duỗi thẳng hai chân.

  • Gập đầu gối lại một cách nhẹ nhàng, đặt tay lên đùi trái và đưa gót chân phải lên sát bụng, tương tự đưa gót chân trái lên sát bụng.

  • Khi bạn đã có thể gập hai chân lại một cách thoải mái, bạn có thể đặt tay trên đùi và thủ ấn.

  • Trong khi thiền, hãy giữ đầu và lưng luôn thẳng, giữ hơi thở nhẹ nhàng, thở sâu.

  • Lặp lại động tác sau vài phút giữ yên tư thế.

2.3. Đi bộ 

Đối với những đối tượng như dân văn phòng, người lái xe, công nhân,... những người luôn phải ngồi một chỗ cả ngày rất dễ bị tê bì chân tay. Lúc này, chúng ta cần phải dành thời gian để đi bộ, luyện tập thể dục để cơ thể được vận động linh hoạt tất cả các chi. Đi bộ nhẹ nhàng và buổi sáng sớm là cách luyện tập vừa đơn giản lại đem lại hiệu quả rất cao. 

Ngoài ra, các bài tập thể dục nhịp điệu hay khiêu vũ,... cũng rất hữu ích trong việc đẩy lùi bệnh tê bì tay chân. Bạn có thể tham gia các lớp thể dục thể thao phù hợp với bản thân và luyện tập thường xuyên để giúp cơ thể được vận động và tránh khỏi nguy cơ bị tê bì chân tay.

2.4. Massage thường xuyên

Những người bị tê chân tay rất cần được massage thường xuyên. Việc này sẽ giúp các mạch máu lưu thông tốt hơn giúp giảm thiểu tình trạng tê tay chân. Không chỉ massage chân tay mà bạn có thể xoa bóp, massage cả các bộ phận hay bị tê, đau như vùng cổ, vai, gáy, đùi, cánh tay,... Massage không chỉ giúp đẩy lùi hiện tượng tê bì mà nó còn giúp cơ thể được thư giãn, tâm trạng thoải mái. 

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể áp dụng cách ngâm chân bằng nước ấm để giúp máu lưu thông tốt hơn. Đặc biệt, vào mùa lạnh, hãy chú ý giữ ấm cho cơ thể để tránh tình trạng tê bì tay chân.

3. Chế độ ăn uống cho người bị bệnh tê bì tay chân

Để có đẩy lùi bệnh tê bì tay chân cũng như giữ gìn sức khỏe bạn cần tuân thủ những nguyên tắc dinh dưỡng sau:

  • Ăn nhiều trái cây, rau xanh bổ sung vitamin nhóm B, D, C, K,... và các khoáng chất như canxi, sắt, magie,... 

  • Tuân thủ tháp dinh dưỡng kết hợp luyện tập các bài tập phù hợp.

  • Sử dụng dầu thực như dầu hướng dương, dầu lạc, dầu oliu,...

  • Giảm lượng dầu mỡ trong chế độ ăn, tránh thức ăn nhanh, các món chiên xào, thực phẩm chế biến sẵn,...

  • Hạn chế chất kích thích.

Chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp bạn có sức khỏe như ý

Chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp bạn có sức khỏe như ý

Thay đổi lối sống chắc chắn sẽ giúp bạn cải thiện đáng kể bệnh tê bì tay chân, dù là do sinh lý hoặc bệnh lý. Một lối sống lành mạnh là liều thuốc tốt nhất cho sức khỏe.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ