Tin tức

Chuyên gia giải thích về bệnh sa niệu đạo ở nữ và cách điều trị

Ngày 07/04/2022
Sa niệu đạo, cụ thể là sa niêm mạc niệu đạo nữ là một bệnh lý khá hiếm gặp và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác do triệu chứng không đặc hiệu. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này, các chuyên gia của MEDLATEC sẽ giúp bạn giải đáp nguyên nhân cũng như triệu chứng của sa niệu đạo ở nữ giới qua bài viết sau đây.

1. Nguyên nhân gây sa niệu đạo nữ

Bệnh sa niệu đạo hay sa niêm mạc niệu đạo nữ xảy ra khi có một khối niêm mạc bị thoát ra, trồi hẳn ra bên ngoài âm hộ. Bệnh có 3 mức độ đó là: sa bán phần, sa toàn phần và sa niệu đạo kèm theo biến chứng. Đây là bệnh lý rất hiếm gặp với tỷ lệ 1/3000 bé gái, nhiều nhất trong độ tuổi từ 6 - 9.

Sa niệu đạo là một bệnh lý hiếm gặp

Sa niệu đạo là một bệnh lý hiếm gặp

Hiện nay vẫn chưa xác định được rõ ràng nguyên nhân gây sa niệu đạo ở nữ giới. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định rằng những yếu tố nguy cơ sau đây có thể làm tăng khả năng nữ giới bị sa niệu đạo:

  • Khiếm khuyết bẩm sinh: do cấu trúc niệu đạo có bất thường kể từ khi trẻ còn trong bụng mẹ, bị yếu phần cơ vùng thành niệu đạo và rối loạn hệ thống thần kinh cơ gây suy yếu cấu trúc vùng chậu. Bên cạnh đó một số yếu tố khác (táo bón lâu ngày hoặc bị ho kéo dài) cũng gây tác động làm tăng áp lực đột ngột lên vùng ổ bụng khiến vùng niêm mạc niệu đạo trồi ra ngoài;

  • Gặp chấn thương: các chấn thương vùng sinh dục, táo bón kinh niên, viêm âm đạo, dị tật trong âm đạo,... cũng là những tác nhân khiến cho bộ phận này bị tổn thương và thoát ra khỏi vị trí ban đầu.

2. Những triệu chứng của sa niêm mạc niệu đạo nữ cần lưu ý

Phụ nữ cần lưu ý các biểu hiện sau để phát hiện được bệnh càng sớm càng tốt:

  • Quan sát bằng mắt thường có thể thấy nước tiểu rỉ ra từ khối sa vị trí ở vùng niệu đạo;

  • Vì đây là khu vực thường xuyên bị cọ xát với quần áo sẽ thấy có máu chảy ra, do đó người bệnh dễ bị nhầm lẫn là do chấn thương gây nên;

  • Rối loạn tiểu tiện: đau buốt, tiểu khó, bí tiểu hoặc són tiểu.

Sa niệu đạo ở nữ giới vốn là một bệnh lý hiếm gặp nên rất dễ bị chẩn đoán nhầm với những bệnh lý khác thuộc hệ sinh dục và tiết niệu. Trong trường hợp được phát hiện và chẩn đoán muộn, khối sa niêm mạc có nguy cơ cao bị hoại tử, đồng thời làm hẹp lỗ tiểu và tắc nghẽn niệu đạo về sau.

3. Các chẩn đoán được ứng dụng đối với bệnh nhân bị sa niệu đạo  

Nhằm phân biệt sa niêm mạc niệu đạo ở nữ giới với các bệnh lý khác thuộc hệ tiết niệu, bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên những triệu chứng sau:

  • Xuất hiện nang cạnh lỗ tiểu;

  • Tiểu tiện ra máu;

  • Polyp trong âm đạo;

  • Tìm chấn thương hoặc vết thương trong âm đạo;

  • Nang niệu quản lộ ra khỏi phía ngoài âm hộ.

Sa niệu đạo gây nên nhiều bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt của người bệnh

Sa niệu đạo gây nên nhiều bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt của người bệnh

Để phát hiện ra các dấu hiệu nêu trên của bệnh, bệnh nhân cần nằm trong tư thế sản khoa và bác sĩ sẽ dùng dụng cụ mỏ vịt áp lên thành sau của vách âm đạo, với mục đích để quan sát hoặc sờ thấy một khối mềm bị đẩy phồng vào thành trước của âm đạo. Những tuyến cạnh niệu đạo có thể bị đau nhức, căng đau, nhiễm trùng và trong quá trình sờ nắn còn có khả năng xuất hiện triệu chứng chảy mủ.

Bên cạnh những biểu hiện lâm sàng kể trên, bác sĩ sẽ kết hợp với biện pháp chẩn đoán cận lâm sàng là siêu âm với mục đích là tìm kiếm có dị tật nào trong niệu đạo hay không.

4. Một số phương pháp điều trị sa niệu đạo ở nữ giới

4.1 Nguyên tắc điều trị bệnh sa niêm mạc niệu đạo

Tương tự như các bệnh lý khác, thời điểm phát hiện và điều trị bệnh sa niêm mạc niệu đạo càng sớm thì cơ hội được chữa khỏi sẽ càng cao. Nếu để lâu, khối sa sẽ dễ bị chảy máu và có trường hợp phải phẫu thuật cấp cứu nếu bị chảy máu nghiêm trọng.

4.2. Điều trị trước phẫu thuật sa niệu đạo

Trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện các biện pháp sau:

  • Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu kết hợp tổng phân tích nước tiểu, thời gian máu đông (TC) và thời gian máu chảy (TS);

  • Người bệnh cần nhịn ăn uống trong thời gian chờ phẫu thuật;

  • Dùng kháng sinh dự phòng trước hoặc trong khi thực hiện phẫu thuật.

4.3. Quy trình điều trị phẫu thuật sa niêm mạc niệu đạo

  • Mục đích phẫu thuật: loại bỏ khối sa niêm mạc niệu đạo;

  • Để thực hiện kỹ thuật này, bệnh nhân cần được gây mê trước, sau đó đặt ống thông tiểu cho bệnh nhân;

  • Bác sĩ tiến hành cắt phần niêm mạc bị sa bằng dao hoặc dao điện;

  • Đốt điện để khâu lại vết mổ hoặc dùng chỉ tiêu.

4.4 Điều trị, theo dõi và tái khám sau phẫu thuật sa niệu đạo

Sau khi hoàn thành phẫu thuật, người bệnh vẫn cần tiếp tục điều trị và chăm sóc theo hướng như sau:

  • Sử dụng thuốc kháng sinh, dùng kết hợp với thuốc giảm đau;

  • Rút ống thông tiểu cho bệnh nhân kể từ 1 - 3 ngày sau phẫu thuật;

  • Thay băng, chăm sóc và vệ sinh sạch sẽ vết mổ hàng ngày;

  • Trung bình bệnh nhân sẽ nằm viện theo dõi từ 1 - 3 ngày.

 

Người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn theo dõi và chăm sóc sau khi phẫu thuật

Người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn theo dõi và chăm sóc sau khi phẫu thuật

Tuy mổ sa niệu đạo không phải là một đại phẫu nhưng vẫn có khả năng gây ra biến chứng. Nếu người bệnh nhận thấy những bất thường sau khi mổ thì cần tái khám ngay để kịp thời được xử lý đúng cách:

  • Vết khâu bị chảy máu;

  • Hẹp lỗ tiểu;

  • Bí tiểu;

  • Tiểu không tự chủ (hiếm khi xảy ra);

  • Sa niêm mạc niệu đạo tái phát.

Sau khi mổ xong được 1 - 2 tuần thì tái khám để kiểm tra vết thương.

Phẫu thuật thường sẽ được chỉ định để điều trị đối với những trường hợp bị sa niệu đạo toàn phần hoặc sa niệu đạo kèm biến chứng. Còn sa niệu đạo bán phần thì có thể chữa bằng cách bôi thuốc oestrogen nhưng thường không đem lại hiệu quả cao và tốn nhiều thời gian để bệnh thuyên giảm.

Tóm lại, sa niêm mạc niệu đạo nữ là một bệnh lý ít gặp, xuất phát từ khiếm khuyết bẩm sinh hoặc vùng niệu đạo, âm hộ gặp chấn thương. Nếu bệnh nhân nhận ra những bất thường ở khu vực này của cơ thể thì tốt hơn hết là nên đi kiểm tra sớm để được điều trị kịp thời, tránh gặp phải những biến chứng gây khó khăn cho việc khắc phục về sau.

Bạn vẫn còn đang băn khoăn không biết nên lựa chọn địa điểm nào để thăm khám bệnh sa niệu đạo hoặc kiểm tra sức khỏe? Hãy đến với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC chúng tôi bằng cách đặt lịch khám ngay hôm nay qua Tổng đài 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ