Tin tức
Có những loại xét nghiệm tế bào ung thư cổ tử cung nào?
- 07/01/2021 | Các loại xét nghiệm giúp tầm soát ung thư cổ tử cung
- 07/01/2021 | 3 triệu chứng của bệnh ung thư cổ tử cung điển hình nhất
- 08/01/2021 | Góc tư vấn: bệnh ung thư cổ tử cung có chữa được không?
1. Ý nghĩa của xét nghiệm ung thư cổ tử cung
Theo số liệu thống kê ở Việt Nam, cứ 20 trường hợp mắc ung thư cổ tử cung thì đến 11 trường hợp điều trị không hiệu quả dẫn đến tử vong, tỷ lệ chiếm đến 55%. Sàng lọc và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung để nâng cao tỉ lệ chữa khỏi bệnh đang được khuyến cáo, trong đó có xét nghiệm tế bào cổ tử cung.
Xét nghiệm tế bào được dùng trong sàng lọc và chẩn đoán ung thư cổ tử cung
Nguyên nhân gây tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung cao như vậy là do phụ nữ Việt Nam chưa được giáo dục tốt, có ý thức đúng về phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe bản thân và tầm soát định kỳ ung thư cổ tử cung. Các trường hợp phát hiện bệnh muộn chủ yếu do tâm lý chủ quan, không đi khám chữa bệnh để bệnh tiến triển nặng, di căn nhiều bộ phận mới điều trị.
Cách để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung hiện nay được đánh giá tốt nhất là thực hiện các xét nghiệm tầm soát định kỳ. Xét nghiệm tế bào ung thư cổ tử cung đang được thực hiện tầm soát vì thời gian thực hiện và cho kết quả nhanh, sàng lọc với độ nhạy và độ chính xác cao. Từ đó bệnh nhân sẽ được theo dõi, làm xét nghiệm chuyên sâu hơn để kiểm tra và điều trị khỏi bệnh.
Xét nghiệm tế bào giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung
Nhiều chị em nghĩ rằng, có thể phát hiện ung thư cổ tử cung qua dấu hiệu nhận biết song trong thời kỳ bệnh khởi phát và tiến triển đầu, hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, khi chức năng các cơ quan bị ảnh hưởng thì dấu hiệu mới xuất hiện, song lại dễ nhầm lẫn với bệnh lý phụ khoa khác.
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, cần thời gian đến 15 - 20 năm để tế bào tử cung bất thường biến đổi thành ung thư nguy hiểm. Thời gian cụ thể này có thể thay đổi tùy theo type HPV, hệ miễn dịch, yếu tố nguy cơ,… Vì thế chị em phụ nữ không cần phải xét nghiệm tế bào ung thư cổ tử cung quá thường xuyên song vẫn đạt được hiệu quả phòng ngừa tốt.
2. Các loại xét nghiệm tế bào ung thư cổ tử cung
Hiện nay y học công nhận và sử dụng các loại xét nghiệm tế bào ung thư cổ tử cung sau:
2.1. Xét nghiệm Pap-Smear hay còn gọi là PAP truyền thống
Gọi tắt là xét nghiệm Pap hay phết tế bào cổ tử cung, cho phép phát hiện cả những tế bào cổ tử cung biến đổi bất thường (thường do virus HPV) và ung thư giai đoạn khởi phát. Nếu xét nghiệm PAP cho thấy người bệnh có tế bào tiền ung thư, việc theo dõi và kiểm tra thường xuyên hơn sẽ phòng ngừa tốt bệnh tiến triển trong tương lai.
Hình mô tả cách lấy mẫu tế bào cổ tử cung
Xét nghiệm Pap thực hiện phân tích tế bào ung thư cổ tử cung, được lấy nhờ vào dụng cụ chuyên dùng là mỏ vịt. Người bệnh được hướng dẫn tư thế nằm dang rộng hai chân, sau đó mỏ vịt được đưa vào cổ tử cung qua âm đạo. Một lượng mẫu tế bào nhỏ của cổ tử cung được thu thập qua phe phết, sau đó gửi đến phòng phân tích kiểm tra tế bào.
Thủ thuật thu thập mẫu trong xét nghiệm Pap tương đối đơn giản, thường không gây đau. Một số chị em sau kiểm tra có thể thấy hơi khó chịu với triệu chứng chảy máu âm đạo, chuột rút, khó chịu,…
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ, xét nghiệm PAP nên được thực hiện ở từng độ tuổi như sau:
-
Dưới 21 tuổi: không cần làm xét nghiệm.
-
Từ 21 đến 29 tuổi: thực hiện xét nghiệm này định kỳ 3 năm/lần.
-
Từ 30 tuổi đến 65 tuổi:
-
Nếu xét nghiệm HPV âm tính: thực hiện xét nghiệm PAP 3 năm/lần hoặc kết hợp 2 xét nghiệm là HPV và PAP 5 năm/lần.
-
Nếu xét nghiệm HPV dương tính: thực hiện xét nghiệm PAP và HPV hàng năm.
-
Trên 65 tuổi: Không cần thiết làm xét nghiệm nữa, đặc biệt trong trường hợp 10 năm trở lại đây các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính.
2.2. Xét nghiệm HPV Cobas
Đây là dạng xét nghiệm tế bào ung thư cổ tử cung tiên tiến hơn, còn gọi là xét nghiệm HPV Test. Xét nghiệm HPV DNA cho phép phát hiện chính xác với độ nhạy cao, đặc biệt xác định tốt 2 type virus thường gây ung thư cổ tử cung là HPV type 16 và HPV type 18. 12 type nguy cơ cao thứ 2 gây ung thư cổ tử cung cũng được phát hiện qua HPV DNA test.
Virus HPV type 16 và 18 là tác nhân gây ung thư cổ tử cung phổ biến nhất
Khác với xét nghiệm Pap, xét nghiệm này sử dụng một que quấn gòn đặc biệt, chiều dài lớn và kích thước tương đối nhỏ để đưa vào cổ tử cung qua âm đạo. Di chuyển que bông trên bề mặt cổ tử cung cho phép bác sĩ thu thập mẫu tế bào tại đây.
Sau đó, tế bào được phân tích với thiết bị chuyên dụng để tách AND rồi thực hiện 1 số phản ứng phát hiện virus HPV.
Xét nghiệm này được khuyến cáo thực hiện khi tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ cho độ chính xác và độ nhạy cao hơn so với xét nghiệm Pap.
2.3. Xét nghiệm Thinprep
Xét nghiệm tế bào ung thư cổ tử cung Thinprep tiên tiến hơn so với xét nghiệm Pap. Điểm khác biệt là tế bào cổ tử cung thu thập được không được chuyển thành dạng tiêu bản ở ống kính mà được hòa lẫn vào 1 loại chất lỏng định hình để giữ tế bào tốt hơn. Mẫu xét nghiệm được chuyển đến phòng thí nghiệm với máy làm tiêu bản tự động, chính xác.
Xét nghiệm Thinprep là xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung tiên tiến
Tư thế lấy mẫu xét nghiệm Thinprep như sau: bệnh nhân nằm ngửa trên bàn khám, tư thế thả lỏng, hai chân co và dạng ra. Bác sĩ sẽ đưa vào 1 chổi đặc biệt để lấy mẫu tế bào cổ tử cung. Mẫu được chuyển vào lọ Thinprep với dung dịch bảo quản chuyên dụng, sau đó chế tác tiêu bản và kiểm tra.
Độ tuổi nên thực hiện xét nghiệm và tần suất giống với xét nghiệm Pap-Smear.
Như vậy, có nhiều xét nghiệm tế bào ung thư cổ tử cung có khả năng sàng lọc, phát hiện sớm căn bệnh nguy hiểm ở phụ nữ này. Phụ nữ nên thực hiện xét nghiệm định kỳ theo khuyến cáo để sàng lọc bệnh và yếu tố tiền ung thư nguy hiểm, từ đó phòng ngừa điều trị bệnh tốt hơn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!