Tin tức

Cường giáp khi mang thai và nguy cơ tiền sản giật, sinh non ở mẹ bầu

Ngày 16/03/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Cùng với tiểu đường thai kỳ, các bệnh về tuyến giáp cũng là nỗi ám ảnh của không ít mẹ bầu. Trong đó, cường giáp khi mang thai ảnh hưởng không nhỏ đến cả thai phụ lẫn em bé nên rất nhiều người quan tâm đến bệnh lý này.

1. Cường giáp khi mang thai là gì?

Cường giáp khi mang thai hay cường giáp thai kỳ là trong quá trình mang thai, tuyến giáp của mẹ bầu hoạt động quá mức. Điều này khiến các hormone tuyến giáp được sản sinh ra nhiều, gây nên những rối loạn chuyển hóa cùng các biểu hiện bất thường khác về sức khỏe.

Tỷ lệ phụ nữ mang thai bị cường giáp là 1/1.500, đứng thứ hai sau tiểu đường thai kỳ. Việc phát hiện triệu chứng kịp thời và có phương pháp điều trị phù hợp sẽ giúp kiểm soát bệnh, từ đó, làm giảm được mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, giúp mẹ bầu có một thai kỳ an toàn. 

Cường giáp khi mang thai là bệnh lý khá phổ biến, đứng sau tiểu đường thai kỳ

Cường giáp khi mang thai là bệnh lý khá phổ biến, đứng sau tiểu đường thai kỳ

2. Cường giáp khi mang thai do đâu?

Có 3 nhóm nguyên nhân gây cường giáp khi mang thai, cụ thể như sau.

Nhiễm độc giáp thoáng qua trong thai kỳ

Có từ 1 - 3% thai phụ bị nhiễm độc giáp thoáng qua trong thai kỳ, cụ thể là nửa đầu thai kỳ. Nguyên nhân có thể là do nồng độ βhCG tăng cao, thường gặp ở các mẹ bầu mang thai trứng, đa thai hoặc mẹ bầu bị ốm nghén nặng. Triệu chứng của cường giáp thai kỳ này thường nhẹ và rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng của cường giáp thực sự do bệnh lý. 

Cường giáp Basedow trong thai kỳ

Có từ 0,4 - 1% thai phụ bị cường giáp Basedow trong thai kỳ. Thực tế thì bệnh lý tự miễn này có thể đã có trước khi mẹ bầu mang thai, đến khi mẹ bầu mang thai thì bệnh khởi phát. Ở quý 1 thai kỳ, bệnh có triệu chứng nặng nhưng càng về sau thì các triệu chứng càng thuyên giảm. Nguyên nhân gây cường giáp Basedow trong thai kỳ là do tuyến giáp hoạt động quá mức trước sự kích thích của các kháng thể (TRAb). 

Các nguyên nhân khác

Ngoài 2 nhóm nguyên nhân chính nói trên thì cường giáp khi mang thai có thể là do viêm giáp bán cấp hoặc viêm giáp mạn tính, bướu giáp độc đa nhân, nhân độc tuyến giáp, u tuyến giáp,… Nhưng thường thì các nguyên nhân này hiếm gặp. 

Cường giáp thai kỳ do nhiều nguyên nhân gây ra với mức độ nặng nhẹ khác nhau

Cường giáp thai kỳ do nhiều nguyên nhân gây ra với mức độ nặng nhẹ khác nhau

3. Cường giáp khi mang thai có nguy hiểm không?

Đây có lẽ là thắc mắc chung của các mẹ bầu đang quan tâm đến cường giáp khi mang thai.

Triệu chứng

Các triệu chứng của cường giáp khi mang thai là rất nhiều nhưng lại dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng khác về sức khỏe mà mẹ bầu hay gặp phải, bao gồm:

  • Thường xuyên thèm ăn ngay cả khi không đói, cảm giác như “nghén ăn”.
  • Giảm cân hoặc tăng cân bất thường, không lý giải nguyên nhân.
  • Táo bón hoặc tiêu chảy.
  • Khả năng chịu nóng kém, cơ thể ra nhiều mồ hôi.

Các triệu chứng nặng hơn bao gồm mệt mỏi, suy nhược, lo âu, bồn chồn, khó ngủ; run rẩy và yếu cơ, huyết áp tăng kèm đau đầu, buồn nôn, giảm thị lực; khi kiểm tra thấy kích thước tuyến giáp to hơn bình thường.

Biến chứng

- Với thai nhi: bệnh cường giáp ở mẹ không được kiểm soát có thể gây biến chứng ở thai nhi như: thai nhi thường xuyên có nhịp tim nhanh, thai nhỏ so với tuổi thai, sinh non, thai chết lưu và dị tật bẩm sinh

+ Khi nồng độ kháng thể TRAb trong máu mẹ tăng cao, những kháng thể này đi qua nhau thai và gây cường giáp thai nhi hoặc cường giáp ở trẻ sơ sinh. Biểu hiện cường giáp ở thai nhi bao gồm: nhịp tim thai cao (>160 lần/ phút), bướu giáp thai kỳ, tăng tuổi xương, chậm phát triển, dính khớp sọ. Thậm chí, tình trạng suy tim và ứ dịch có thể xảy ra nếu bệnh nặng.

+ Biến chứng do thuốc kháng giáp tổng hợp khi người mẹ phải điều trị (đặc biệt trong 3 tháng đầu). Do các thuốc này đều đi qua nhau thai do vậy có thể ảnh hưởng đến thai.

- Đối với mẹ bầu: gây chuyển dạ sớm, sinh non, đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ và một biến chứng nghiêm trọng đó là tiền sản giật. Hơn nữa, phụ nữ mắc Basedow trong quá trình mang thai có nguy cơ cao tiến triển cường giáp nặng như cơn bão giáp, đặc biệt lúc khởi phát chuyển dạ. 

Như vậy, ảnh hưởng của bệnh cường giáp tới bà mẹ và thai nhi là vô cùng lớn. Do đó, việc chẩn đoán và sàng lọc bệnh lý tuyến giáp ở phụ nữ mang thai sớm là điều rất quan trọng.

Cường giáp khi mang thai có thể khiến mẹ bầu và thai nhi đối mặt với nhiều nguy cơ

Cường giáp khi mang thai có thể khiến mẹ bầu và thai nhi đối mặt với nhiều nguy cơ 

4. Điều trị cường giáp khi mang thai như thế nào?

Các biến chứng của cường giáp khi mang thai là không thể xem nhẹ, do đó, việc điều trị cũng như kiểm soát bệnh là cực kỳ quan trọng và cần thiết. Nguyên tắc và mục tiêu điều trị cường giáp thai kỳ chính là ức chế hoạt động sản sinh hormone tuyến giáp quá mức, từ đó làm giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và phòng ngừa tối đa các biến chứng.

Cường giáp khi mang thai mức độ nhẹ

Nếu cường giáp khi mang thai mức độ nhẹ hoặc thoáng qua trong thai kỳ với triệu chứng không rõ ràng, hormone tuyến giáp tăng không nhiều thì mẹ bầu có thể được theo dõi kỹ càng hơn mà chưa cần phải điều trị.

Cường giáp khi mang thai mức độ nặng

Nếu cường giáp thai kỳ có biểu hiện rõ ràng hơn, hormone tuyến giáp tăng nhiều thì mẹ bầu cần được điều trị bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp. Trong đó, PTU được ưu tiên sử dụng trong 03 tháng đầu của thai kỳ vì ít gây dị tật ở thai nhi. Ngoài PTU, các thuốc carbimazole hoặc Thiamazole cũng được sử dụng ở quý 2 và quý 3 thai kỳ. 

Phẫu thuật nếu điều trị bằng thuốc không đáp ứng 

Trường hợp mẹ bầu bị dị ứng với thuốc hoặc việc điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả thì bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Nhưng đây là phương pháp điều trị cần hết sức thận trọng vì việc gây mê khi phẫu thuật có thể tiềm ẩn nguy hại cho mẹ bầu và thai nhi. Bác sĩ chỉ thực hiện phẫu thuật nếu cảm thấy mọi thứ sẽ an toàn với cả hai mẹ con. Thời điểm thực hiện phẫu thuật thường là 3 tháng giữa thai kỳ, khi thai nhi đang ở tháng thứ 4 - 6. 

Khám và điều trị cường giáp khi mang thai là rất quan trọng để phòng tránh các biến chứng

Khám và điều trị cường giáp khi mang thai là rất quan trọng để phòng tránh các biến chứng

Đặc biệt, trong điều trị cường giáp khi mang thai, không sử dụng phương pháp Iod đồng vị phóng xạ vì có thể đi qua nhau thai, ảnh hưởng đến thai nhi, đồng thời làm suy giáp vĩnh viễn.

Trên đây là những thông tin hữu ích giúp bạn giải đáp được những thắc mắc thường gặp về cường giáp khi mang thai. Nếu vẫn còn lo lắng hoặc có nhu cầu được giải đáp chuyên sâu hơn, bạn có thể thăm khám bác sĩ Chuyên khoa Nội tiết của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Quý khách cũng có thể gọi đến hotline 1900 56 56 56 để được đặt lịch khám tại cơ sở y tế MEDLATEC gần nhất.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.