Tin tức
Dày sừng nang lông có thể chữa được không và chữa bằng cách nào?
- 10/11/2021 | Phương pháp điều trị viêm nang lông như thế nào mới hiệu quả
- 03/11/2021 | Dày sừng nang lông là gì và có chữa dứt điểm được không?
1. Thế nào là dày sừng nang lông?
Dày sừng nang lông là tình trạng trên bề mặt da có các vết sần nhỏ hình dung giống như da gà hay da ngỗng khi bị nhổ lông. Nó có thể bị nhầm lẫn với vết sần do các nốt mụn nhỏ gây ra. Thực chất các vết sần thô ráp này chính là nút tế bào da chết.
2. Nguyên nhân và biểu hiện cho thấy dày sừng nang lông
2.1. Nguyên nhân gây dày sừng nang lông
Cơ chế bệnh sinh của bệnh dày sừng nang lông là do bất thường xảy ra ở phần trên nang lông. Bệnh lý này có tính di truyền dạng trội nhiễm sắc thể thường. Có khoảng 50% trường hợp sinh ra từ bố hoặc mẹ bị dày sừng nang lông có biểu hiện như thế này. Ngoài ra, bệnh cũng có thể xuất hiện sau khi áp dụng một số liệu pháp điều trị nhắm đích đối với bệnh ung thư.
Biểu hiện tổn thương da do dày sừng nang lông gây nên
Dày sừng nang lông về cơ bản là kết quả của sự tích tụ keratin - protein cứng tồn tại ở tóc và lông để bảo vệ da trước tác nhân gây nhiễm trùng và sự xâm nhập của các chất có hại. Chính các keratin này tạo nên nút sừng tế bào chết gây bí tắc nang lông. Người bị dày sừng nang lông có quá nhiều nút sừng tế bào chết nên da trở nên thô ráp và sần sùi.
Đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây tích tụ keratin nhưng đại đa số nhà nghiên cứu cho rằng nó có liên quan tới các bệnh về da và yếu tố di truyền. Nguy cơ mắc bệnh lý này thường rơi vào các trường hợp:
- Gia đình có người đã bị dày sừng nang lông.
- Tính chất da khô.
- Bị hen suyễn.
- Bệnh viêm da cơ địa.
- Quá dư thừa cân nặng.
- Bị sốt cỏ khô.
- Không chú ý vệ sinh da sạch sẽ.
2.2. Biểu hiện cho thấy bị dày sừng nang lông
Vị trí khu trú của dày sừng nang lông chủ yếu là ở mặt ngoài của hai cánh tay, một số khác ở hai bên má, mông hoặc đùi. Bệnh có biểu hiện lâm sàng là sự xuất hiện của các nốt sẩn màu da, đỏ hoặc nâu ở phía trên nang lông. Tổn thương có xu hướng phân bố đối xứng.
3. Dày sừng nang lông chữa được không và chữa bằng cách nào?
3.1. Có chữa được dày sừng nang lông không?
Bản thân bệnh dày sừng nang lông rất lành tính và không gây ra bất cứ vấn đề gì cho sức khỏe nên về cơ bản không cần điều trị. Tuy nhiên, các triệu chứng khô, ngứa da và xét trên phương diện tính thẩm mỹ thì có thể điều trị và yên tâm rằng bệnh có thể chữa khỏi được nhưng không thể khỏi hoàn toàn.
3.2. Biện pháp điều trị dày sừng nang lông
Đến nay vẫn chưa có biện pháp điều trị khỏi dứt điểm bệnh dày sừng nang lông. Tuy nhiên, việc thực hiện một số cách sau có thể kiểm soát bệnh tương đối tốt:
Dưỡng ẩm đều đặn mỗi ngày giúp kiểm soát tốt tình trạng khô ngứa do dày sừng nang lông
- Duy trì dưỡng ẩm da
Dày sừng nang lông sẽ ngày càng trở nặng nếu da bị khô. Do đó, thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên cho da sẽ giúp làm mềm nốt sẩn, da được ngậm nước nhờ đó mà cơn ngứa cũng dịu đi.
- Bôi thuốc điều trị dày sừng nang lông
Hầu hết các thuốc bôi tại chỗ dùng để điều trị bệnh lý này đều có nguồn gốc từ vitamin A nên giúp làm giảm sự tích tụ keratin đồng thời ngăn ngừa nút tắc nang lông. Tuy nhiên, các loại thuốc này có chứa retinoids nên có thể gây khô và kích ứng da.
Khi các nốt sần bị viêm đỏ nhiều thì nên dùng thêm kem trị dày sừng nang lông chứa corticoid mức độ nhẹ hoặc trung bình. Thuốc chỉ nên dùng để bôi trong thời gian ngắn và có công dụng giảm đỏ, làm mềm da.
- Tẩy da chết
Đây là cách để loại bỏ tế bào da bị chết ở vị trí tổn thương nhờ đó mà cải thiện được tình trạng da thô ráp. Có thể tẩy da chết bằng phương pháp cơ học hoặc dùng các sản phẩm chứa axit alpha-hydroxy, axit lactic và axit salicylic. Cần lưu ý rằng axit có thể gây châm chích và mẩn đỏ cho da nên không dùng các loại sản phẩm này cho trẻ nhỏ.
Trị liệu dày sừng nang lông mức độ nặng bằng phương pháp Laser
- Trị liệu laser
Đây là phương pháp được dùng để điều trị dày sừng nang lông mức độ nặng đã áp dụng các cách khác nhưng không thuyên giảm. Laser giúp giảm sưng và mẩn đỏ đồng thời cải thiện kết cấu của làn da.
Ngoài việc điều trị bằng các biện pháp phù hợp, người bị dày sừng nang lông cũng nên thực hiện một số biện pháp chăm sóc da tại nhà để đạt được hiệu quả chữa trị cao nhất:
- Không tắm bằng nước quá nóng mà thay vào đó nên dùng nước mát hoặc nước ấm.
- Thời gian tắm không nên quá lâu vì dễ gây mất nước và lớp dầu tự nhiên của da. Tốt nhất chỉ nên tắm tối đa 15 phút.
- Chọn loại xà phòng tắm dành cho da nhạy cảm hoặc xà phòng được làm từ các thành phần tự nhiên. Không nên dùng xà phòng có chứa thành phần là chất tẩy rửa mạnh.
- Tẩy da chết định kỳ để thường xuyên loại bỏ các lớp da bị khô sần.
- Tuyệt đối không chà xát mạnh lên vùng da bị dày sừng nang lông vì nó dễ làm triệu chứng của bệnh trở nên nghiêm trọng và khiến da bị kích ứng.
- Hàng ngày cần nhớ dùng kem dưỡng ẩm cho da.
- Đảm bảo độ ẩm tốt ở phòng ngủ và môi trường sống.
- Tránh mặc quần áo quá chật vì nó dễ gây ma sát khiến cho da bị tổn thương và trầy xước.
- Không nên để cho vùng da bị tổn thương do dày sừng nang lông tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Hầu hết các trường hợp bị dày sừng nang lông đều không nguy hiểm nên người bệnh không cần lo lắng. Nếu các biểu hiện của bệnh lý này khiến cho bạn khó chịu hay ngày càng trở nên trầm trọng hơn thì hãy gặp bác sĩ da liễu để tham vấn ý kiến về phương pháp điều trị bệnh tốt nhất.
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC quy tụ đội ngũ bác sĩ da liễu đầu ngành cùng hệ thống thiết bị y khoa hiện đại, đảm bảo tốt nhất cho việc kiểm tra, chẩn đoán và điều trị dày sừng nang lông. Nếu bạn đang gặp vấn đề về bệnh lý này, hãy liên hệ ngay hotline 1900 56 56 56 để có được những chỉ dẫn hữu ích.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!